Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

CUỘC CHIẾN THIÊNG LIÊNG THEO THÁNH KINH, TRONG HỘI THÁNH & NƠI CÁC THÁNH

Giới thiệu sách:

CUỘC CHIẾN THIÊNG LIÊNG THEO THÁNH KINH, TRONG HỘI THÁNH 
& NƠI CÁC THÁNH


ONWARD CATHOLIC SOLDIER


Lời nói đầu: Fr. John Hampsch, C.M.F.
Người dịch: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC
Onward Catholic Soldier

Onward Catholic Soldier
Copyright © 208 by John LaBriola


www.onwardcatholicsoldier.com
onwardcatholicsoldier@gmail.com

Tất cả câu trích Thánh Kinh của bản dịch Cuộc Chiến Thiêng Liêng được lấy từ Bản Dịch của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ.



Nhà xuất bản Lc 1, 38
ONWARD CATHOLIC SOLDIER được in tại Hoa Kỳ



Hình bìa là tượng của Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đang canh giữ “Capilla del Cerrito”, hoặc “Chapel of the Little Hill”, “Nhà Nguyện của Ngọn Đồi Nhỏ” trên Đồi Tepeyac, Mexico City, Mễ Tây Cơ. Nhà nguyện này được xây ngay trên địa điểm Đức Mẹ Guadalupe hiện ra với thánh Juan Diego.

ONWARD CATHOLIC SOLDIER
CUỘC CHIẾN THIÊNG LIÊNG




CUỘC CHIẾN THIÊNG LIÊNG
THEO THÁNH KINH, TRONG HỘI THÁNH
&
NƠI CÁC THÁNH



“Đừng sợ những mưu chước, những công kích của ma quỷ, kẻ có thể đến cướp phá và chiếm cứ thành phố linh hồn con. Không, đừng sợ, nhưng hãy như những chiến sĩ đang dàn quân trên mặt trận, võ trang bằng thanh kiếm đức ái của Thiên Chúa. Thanh kiếm này là ngọn roi quất vào chúng” (Thánh Catarina Siêna).
Mục lục


Đề tặng ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ....10
Lời cảm tạ ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... .....12
Lời nói đầu ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ....15
Lời nguyện bảo trợ ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ...18
Giới thiệu ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ....21
Phần I:
Mưu chước quân thù ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ....32
1. Cuộc chiến bắt đầu ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ....34
2. Cuộc chiến hoành hành ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... .....44
3. Cám dỗ ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... .....53
4. Quấy phá ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... .....74
5. Did it ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ...85
6. Tổn thương & Đau khổ ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ...100
7. Thân xác & Linh hồn ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ....116
8. Miệng lưỡi, Đôi mắt & Đôi tai ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ...127
9. Chỗ bám, Chỗ đứng & Sào huyệt I ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... .....140
10. Chỗ bám, Chỗ đứng & Sào huyệt II ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ...154
11. Kiêu căng, Nóng giận & Thù hiềm ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... .....169
Phần II
Huấn luyện tác chiến căn bản
12. Kỷ luật đầu quân ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... .....186
13. Hãy biết kẻ thù của bạn ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ....198
14. Binh giáp của Thiên Chúa ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ...212
15. Chống lại Satan ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ....227
16. Ăn Bánh Thánh Thể ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... .....242
17. Cầu nguyện, Chay tịnh & Làm phúc ... ... ... ... ... ... ... ... ... ...259
18. Các Bí tích & Á bí tích ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ....271
19. Đức Maria, Thiên thần & Các thánh ... ... ... ... ... ... ... ... ... ....292
20. Ngợi khen, Tôn vinh & Cảm tạ ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ...313
Phần III
Huấn luyện tác chiến trường kỳ
21. Những lời nhắc nhở mỗi ngày ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... .....329
22. Lời hứa, Kiên trì & Bình an ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... .....348

Phụ lục
Kinh nguyện mỗi ngày
cho cuộc chiến thiêng liêng ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... .....348
Lời bạt ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ....369



ĐỀ TẶNG

“Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3, 16-18).
Cuốn sách này được đề tặng Cha Raymond Skonezny, S.T.L., S.S.L..
Nếu nhìn cách thức một người đàn ông quan tâm đến mẹ, đến vợ và con cái thế nào, chúng ta biết tính cách của con người đó ... thì Cha Raymond Skonezny thực sự là một người đàn ông đầy đủ phẩm chất một cách ngoại lệ. Là một Linh mục khiêm tốn và thánh thiện, ngài như một phu quân tha thiết của Hội Thánh, một người con yêu của Mẹ Maria và là một người cha nhân ái của những con cái thiêng liêng của ngài.
Suốt hơn 45 năm Linh mục, công nghiệp của ngài đáng để viết thành sách. Những tâm hồn ngài chạm đến, những kinh nguyện ngài dâng lên, những trắc ẩn ngài bày tỏ, những niềm vui ngài trao ban, bao hy sinh ngài cam chịu, bao linh hồn ngài mang về cho Chúa ... chính là hoa trái của một cuộc đời hiến dâng để phụng sự Người. Ngài là chứng nhân không mệt mỏi của chân lý, là sứ giả của bình an và là một tôi tớ khiêm hạ của Đức Giêsu. Ngài còn là một chiến sĩ can trường về đàng thiêng liêng và là một nhà linh hướng đầy cảm hứng.
Cám ơn Cha Raymon, vì cha đã trở thành ánh sáng cho thế gian. Thật dễ dàng để thấy những lời của thánh nữ Clara Assisi và thánh Gioan Thánh Giá được biểu lộ nơi cha. Kể từ khi biết cha, con đã trở nên một người đàn ông, một người chồng, một người cha, một chiến sĩ Chúa Kitô và là một Kitô hữu tốt lành hơn.

Yêu mến Chúa, phụng sự Chúa; mọi sự ở đó (Thánh Clara Assisi).
“Linh hồn yêu mến Chúa là một linh hồn dễ thương, khiêm tốn và nhẫn nại” (Thánh Gioan Thánh Giá).

Lời cảm t

“Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể. Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người” (Rm 12, 4-6a).
Việc viết nên cuốn sách này đem đến cùng lúc sự phấn chấn cũng như lao nhọc cho nhiều người. Tuy nhiên, nó được hình thành với niềm vui nhiều hơn là mệt nhọc bởi những nỗ lực của rất nhiều Anh Chị em, chi thể của Thân Mình Đức Kitô. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với những con người và những tổ chức dưới đây vì những đóng góp của họ:
Bridget Leonard, Carmen Ribera, Jon Roberts và Colleen Swiatek, những người đã cống hiến bao tài năng vô song để cuốn sách thành hình.
Megan Breen, Tim Kelly, John Neilsen và Lisa Steen, tất cả họ là những chiến sĩ trên mặt trận thiêng liêng, trong kinh nguyện ... đã trao tặng bao nỗ lực và khích lệ của mình.
Mẹ Nadine Brown, Sam Conedera, Cha Giuse Droessler, Cha John Hampsch, Cha Jérôme Karcher, Cha James Maltese, Cha Darrin Merlino, Cha Michael Philen và Cha Raymond Skonezny mà mỗi người như là nguồn cảm hứng cho những tư tưởng và ý nghĩ để cuốn sách hình thành.
Quý Anh Chị nhóm suy niệm Intercessor of the Lamb, Orange County, đã cầu nguyện không ngừng cho sự ra đời của cuốn sách này.
Lu Cortese và các tình nguyện viên của Đài Phát Thanh Thánh Giuse, những người đã xây dựng một chương trình để chia sẻ sứ điệp này với rất nhiều người trên Mạng Lưới Truyền Hình Lời Vĩnh Cửu, The Eternal Word Television Network (EWTN).
Quý thính giả của Đài Phát Thanh Thánh Giuse, những người đã hết lòng khích lệ và mạnh mẽ ủng hộ chương trình phát thanh như là nền móng của cuốn sách này.
Người bạn đường và các con của tôi, những người đã hy sinh thật nhiều để sự ra đời của cuốn sách trở nên hiện thực.
Thánh Piô Pietrelcina, thánh Têrêxa Avila, thánh Maximilian Kolbê, thánh Catarina Siêna, Chân Phước Miguel Pro và tất cả các thánh thiên thần, các thánh mà lời nói việc làm của các ngài như những gợi hứng cho tất cả chúng tôi.
Đức Mẹ Guadalupe, dưới con mắt canh chừng của ngài mà mỗi từ trong cuốn sách này được đánh máy. Tôi cám ơn Quý Vị, tôi yêu mến Quý Vị. Tôi không thể làm được điều này nếu không có Quý Vị. Chớ gì tất cả chúng ta cùng cất bước trên những nẻo đường yêu thương, những nẻo đường dẫn đến Đức Giêsu Kitô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ. Chúa đáng chúc tụng!
John LaBriola
11 tháng 7, 2008
Lễ thánh Biển Đức

LỜI NÓI ĐẦU


Bất cứ ai đọc tác phẩm này, sẽ cùng tôi tương tác với những gì đã đọc nếu họ chia sẻ niềm xác tín của tôi, cùng tôi tìm kiếm nếu họ cùng có những ngờ vực như tôi, trở lại với tôi nếu họ nhận ra những sai lầm của mình và bắt tôi giải thích nếu họ thấy những sai sót của tôi. Và chúng ta cùng cất bước trên những nẻo đường yêu thương (Thánh Augustinô). 
 Giữa cả một núi khổng lồ phim ảnh, báo chí, kịch, truyện và những công trình nghiên cứu nhằm đối phó với một chủ đề mờ mịt nhưng khá hấp dẫn của khoa nghiên cứu ma quỷ thì không một giáo phái Kitô nào kiên quyết chống lại nó một cách sắc bén hơn Hội Thánh Công Giáo. Nghĩ đến một người trừ quỷ, hầu như tự động, bạn nghĩ đến hình ảnh một Linh mục công giáo, tay cầm cuốn nghi thức, vai mang stola màu tím. Nghĩ đến dụng cụ trừ quỷ, lập tức, bạn hình dung những gì thuộc lễ nghi công giáo như nước thánh hoặc thánh giá đưa cao khi ban phép lành. Khi có nhà nào bị yêu tinh quấy phá, ý nghĩ đầu tiên - kể cả các gia đình không công giáo - là mời một Linh mục công giáo, cũng như ý tưởng đầu tiên khi gặp một tai nạn gây thương tích là gọi 911 vậy. Với kinh nghiệm đau thương qua hai mươi thế kỷ trong trận địa đẫm máu của cuộc chiến thiêng liêng, Hội Thánh Công Giáo nắm chắc “những quy tắc vàng” cốt lõi trong giáo thuyết cũng như trong thực hành để đối đầu với thế giới tội lụy của quỷ ma.
Trong luận thuyết công giáo trước vấn đề ma quỷ này, John LaBriola đã tập hợp một số đáng kể các dữ liệu, cũ cũng như mới, “như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13, 52). Việc chống lại ma quỷ trong mỗi trường hợp giữa các sự kiện này được tìm thấy trong thực hành, trong giáo lý, trong truyền thống hay trong lịch sử Hội Thánh Công Giáo. Kết quả là cả một kho tàng thuộc các chủ đề phù hợp với những gì được gọi là cuộc chiến thiêng liêng; hầu hết các chủ đề này được minh hoạ cũng như liên kết với những trích dẫn từ giáo huấn của các Giáo Hoàng, các tài liệu của Giáo Hội, các Thánh, các Giáo Phụ đầu tiên hoặc những nguồn tư liệu đáng kính khác nói đến sự khôn ngoan không thể hiểu được từ các thế hệ. Thật lạ lùng, toàn bộ luận án này được kết dệt với hơn 1.000 trích đoạn như thế.
Đọc cuốn sách này, bất cứ ai cũng phải ngạc nhiên trước sự vũ trang lớn lao của người công giáo với những khí giới đủ loại của họ, “khí giới chúng tôi dùng để chiến đấu không phải là thứ khí giới thuộc xác thịt, nhưng là những khí giới, nhờ Thiên Chúa, có sức đánh đổ các đồn luỹ” (2 Cor 10, 4). Các khí giới này được sắp thành hàng khắp nơi mọi chốn từ chuỗi Mân Côi với lòng yêu mến Mẹ Maria đến Bí tích Hoà Giải và Thánh Lễ, từ muối thánh cho đến việc rảy nước thánh, từ chiếc mề đay thánh Biển Đức đến hào quang Thánh Thể trên bàn thờ, từ việc xức dầu thánh cho đến việc xức tro trên đầu ngày Thứ Tư Lễ Tro, từ việc xức dầu trừ tà sốt sắng “giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ” đến việc trừ quỷ. Mỗi phần trong “toàn bộ binh giáp của Thiên Chúa” (Ep 6, 13) đều được biểu thị cách đa dạng trong đời sống Hội Thánh Công Giáo.
Sau chương cuối cùng, trước khi gấp sách, người đọc sẽ hít lấy một lời nguyện tạ ơn về quà tặng của Thiên Chúa: chính Đức Giêsu, Đấng đang hoạt động trong Hội Thánh và qua Hội Thánh của Ngài, đã đến “để phá huỷ công việc của ma quỷ” (1 Ga 3, 8). Khi chúng ta đứng trong ánh quang của Chúa Kitô với năng lực uy nghi của Ngài thì thế lực của Hoả Ngục chỉ có thể thoái lui, co rúm và run rẩy. An toàn trong binh giáp của Hội Thánh Công Giáo, chúng ta chỉ có thể hỷ hoan trong Thiên Chúa kính uý, Đấng nhân từ đặt khiên thuẫn vào tay chúng ta cùng những khí giới vô địch chở che của Người. Kinh nguyện tạ ơn của chúng ta sẽ làm vang vọng lời thánh Phaolô, “Xin cảm tạ Thiên Chúa vì phúc lộc khôn tả Người ban!” (2 Cor 9, 15).

Fr. John H. Hampsch, C.M.F.
Claretian Teaching Ministry
Los Angeles, California

----------------

LỜI NGUYỆN BẢO TRỢ

Xin thương xót con cùng, lạy Thiên Chúa,
xin Người thương xót con,
này con đến ẩn náu bên Người;
dưới bóng Người, này con ẩn náu,
tới khi nào hết tai hoạ khổ đau.
Tôi kêu cầu Chúa Tối Cao,
Chúa ban ơn phúc dồi dào cho tôi.
Tự trời xanh, mong Người đưa tay giải thoát,
hạ nhục kẻ thù tấn công tôi.
Xin Chúa Trời gửi xuống
tình thương và lòng thành tín của Người.
Tôi phải nằm giữa bầy sư tử, loài thú ăn thịt người;
nanh vuốt chúng là đầu tên mũi giáo,
lưỡi thì sắc bén tựa gươm đao.
Lạy Thiên Chúa, xin biểu thị uy phong khắp cõi trời
và chiếu tỏa vinh quang đầy mặt đất (Tv 57, 2-6).
Lạy Chúa là Cha trên trời, chỉ với ơn Chúa, con mới có thể bắt đầu, ngay cả việc cầu nguyện. Lạy Chúa, con dâng lên Chúa tất cả vinh quang danh dự và lời ngợi khen. Xin giúp con biết yêu mến Người. Xin giúp con biết yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi việc con làm. Con hối tiếc về tội con đã phạm và cầu xin lòng Chúa thứ tha. Con yêu mến Chúa và ước ao không bao giờ xúc phạm Người dưới bất cứ hình thức nào. Con cám ơn Chúa vì tất cả những gì Chúa đã làm cho con với ân sủng và quà tặng của Người. Giờ đây, con cầu xin Chúa giữ gìn con khi con đọc và cầu nguyện với cuốn sách này.
Xin đổ Thánh Thần Chúa xuống trên con, để Ngài nên nguồn cảm hứng, người dẫn đường và là Đấng Bảo Trợ con. Xin ban cho con ân sủng để con mở lòng đón nhận Lời Chúa, Lời Chân Lý và Tình Yêu. Xin bảo vệ con thoát mọi mưu mô của quỷ dữ hằng rình rập tấn công, quấy nhiễu và chọc tức con vì con ước ao được gần Chúa hơn qua những trang sách này.
Lạy Mẹ Maria, Hiền Thê của Chúa Thánh Thần, xin ở với con cách riêng khi con lần đọc những trang sách này; xin mải chở che con trong tà áo Mẹ. Chớ gì con tìm được bình an, nâng đỡ và bảo bọc trong Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Xin Mẹ cầu bàu và che chở toàn thể gia đình con, những người con yêu thương. Qua tay Mẹ, chớ gì con nhận được mọi ân phúc và sự chở che bởi trời.
Lạy chúa, xin phái các thiên thần Chúa đến bao bọc gìn giữ cõi lòng, tâm trí và thân xác con khỏi tất cả những gì không phát xuất từ Chúa. Xin hãy đánh thức Thiên Thần Hộ Thủ của con và nhắc nhở con ý thức vai trò của người trong việc giữ mình khỏi mọi mưu chước quỷ dữ.
Con cũng cầu xin sự bầu cử của các thánh trên trời. Chớ gì lời cầu bàu của các ngài hằng bảo vệ con luôn làm theo thánh ý Chúa. Con cầu xin tất cả những điều này nhờ danh thánh Đức Giêsu, là Chúa, là Vua và là Đấng Cứu Độ chúng con, Amen.
Vua chúng ta nay đã toàn thắng. Giờ đây, Ngài tiêu diệt tội lỗi; này đây, Ngài đánh bại thần chết và chinh phục sự dữ (Thánh Gioan Kim Khẩu).
Nơi Chúa Thánh Thần, chúng ta có một đồng minh, một Đấng Bảo Trợ lớn lao, một Thầy Dạy vĩ đại của Hội Thánh, Đấng Bảo Vệ chúng ta” (Thánh Cyril Jérusalem).
Được Mẹ chở che, con sẽ không té ngã. Mẹ là Đấng Bảo Trợ, con không còn lo chi; Mẹ là Đấng dẫn đường, con chẳng còn sợ gì (Thánh Bênađô Clairvaux).
Đứng cạnh mỗi tín hữu là một thiên thần, người bảo trợ, người mục tử dẫn họ đến đồi cỏ (Thánh Basiliô Cả).
Nếu các thánh tông đồ, các thánh tử đạo đang khi còn ở trong thân xác vẫn có thể cầu nguyện cho những người khác, phương chi giờ đây, sau khi lãnh nhận triều thiên chiến thắng và được ủi an, các ngài càng làm công việc đó nhiều hơn biết bao (Thánh Jérôme).

--

GIỚI THIỆU

“Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe'. Người đáp, Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe” (Mt 13, 36b-43).
Trong đêm Vọng Phục Sinh, khi nhắc lại các lời hứa của Bí tích Rửa Tội, Linh mục hỏi, “Anh Chị em có từ bỏ ma quỷ và mọi việc cũng như những hứa hẹn hão huyền của nó không?”. “Thưa từ bỏ”, câu trả lời phản xạ cho tất cả các câu hỏi; thế mà, cuộc chiến thiêng liêng đàng sau sự cần thiết của những câu hỏi ấy và tính cấp thiết để trả lời chúng với niềm xác tín lại thường bị bỏ qua. Xung đột giữa Đấng Tạo Hoá và tạo vật không được nhắm đến như trạng thái bình thường trong công trình tạo dựng, thế nhưng, đó là thực tế hiện tại. Satan đã bị đánh bại nhưng nó vẫn nguy hiểm và gây chết chóc. Hôm nay, hạt giống của nó vẫn mọc lên, bóp nghẹt đời sống đức tin của bao người.
Thánh Kinh nói đến Satan và ma quỷ rất nhiều lần, ám chỉ cũng như hiển nhiên. Qua hai ngàn năm, Giáo Hội và các thánh của Giáo Hội nói đến Satan như một thực thể hiện sinh, nhan nhãn và mạnh mẽ ... đang tìm cách huỷ diệt vĩnh viễn các linh hồn. Các thánh từ khắp nơi trên thế giới thuộc mọi hoàn cảnh kinh tế, văn hoá và ơn gọi khác nhau không ngừng tin sự có mặt của ma quỷ và đưa ra những giáo huấn về thực tại này.
Chống lại và khước từ thực tại ma quỷ là một hiện tượng khá mới mẻ. Để giúp vượt qua ý tưởng dối trá khi cho rằng không có ma quỷ, hoặc Satan không còn hoạt động, thì bên cạnh những trích dẫn Thánh Kinh, tôi đã lấy thêm hơn 1.000 câu trích từ các tài liệu của Giáo Hội và các thánh, những trích dẫn từ thời sơ khai đến các lời gần đây nhất của các Giáo Hoàng, Giám mục, Linh mục, Phó tế và của bao anh chị em thiện nam tín nữ từ Đông sang Tây vốn sẽ được sử dụng để xác minh đúng cho từng hoàn cảnh. Họ là những người không ngừng ngợi khen Thiên Chúa, họ đã để lại những chứng từ liên quan đến thực thể Satan và cách thức tốt nhất giúp họ chiến thắng nó. Các lời của họ là những câu nói rất người mang tính lịch sử đề cập sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sẽ thật khôn ngoan khi chúng ta nhận ra sự thích đáng để rút ra cho mình bao bài học từ những lời đó.

Ôi, vào cuối đời, chúng ta sẽ cảm thấy hối hận làm sao khi nhìn lại bao gương lành gương sáng cùng những lời chỉ dạy của Chúa cũng như của các thánh giúp chúng ta nên trọn lành; vậy mà chúng ta thật vô tâm khi lãnh hội chúng. Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời con, liệu con có hài lòng với cách sống của con trong một năm qua? (Thánh Phanxicô Salêsiô).
Làm sao có thể điều chỉnh cuộc sống, vun trồng các nhân đức và thoát khỏi tội lỗi nếu người ta không biết những phương sách, qua đó, tìm lại con người tốt lành của mình trước đây, xa lánh những gì nhuốc nhơ, tránh khỏi bao cám dỗ và cạm bẫy của quân thù? (Chân Phước Louis Granada).
Cứ như thế, Giáo Hội hôm nay và mai ngày vẫn luôn nói đến thực tại Satan và ma quỷ. Bỏ qua thực tại này chỉ là góp phần phục vụ tên Dối Trá, điều mà G.K. Chesteron từng gọi là “nền dân chủ của sự chết”. Đừng tin vào một số ít người với những lời này lời kia khi họ cho rằng không có ma quỷ ... dẫu chúng xem ra thuyết phục đến đâu. Thay vào đó, hãy tin những lời của Đức Giêsu trong Thánh Kinh, những giáo huấn của Hội Thánh Ngài được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần cùng những lời của các thánh, các đấng tử đạo. Hãy kêu cầu với những ai đi trước chúng ta nay đang ở trên trời, xin các ngài soi đường dẫn lối cho chúng ta đến với Chúa.
Nói đến niềm tin của người tín hữu, thì ma quỷ, điều mà các nhà thần học ít cẩn trọng có thể nói đến, là một sự hiện diện đầy ngờ vực, nhưng có thực; riêng tư nhưng không chỉ mang tính biểu tượng. Nó là một thực tại mạnh mẽ, một tự do siêu phàm độc hại chống lại tự do của Thiên Chúa (Hồng Y Joseph Ratzinger).
Sẽ đi trệch với hình ảnh được cung cấp bởi giáo huấn Thánh Kinh của Hội Thánh khi chúng ta từ chối nhìn nhận sự hiện hữu của ma quỷ; để rồi coi nó như một nguyên lý cam chịu thua thiệt, không như các tạo vật khác, một kẻ không nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn gốc của mình; hoặc giải thích ma quỷ như một thực thể giả tạo, một cái gì được nhân cách hoá mang tính ý niệm, không có thật của những nguyên nhân không thể lý giải về bao tai hoạ chúng ta gặp phải (Giáo Hoàng Phaolô VI).
Khi nói đến cuộc chiến thiêng liêng, những câu trả lời tôi nhận được cụ thể sẽ rơi vào một trong năm phạm trù. Bốn phạm trù đầu tiên là vô tri, lừng khừng, hăng nhiệt và sợ hãi. Cả bốn phạm trù đều là những lý do đáng quan tâm. Vô tri về thực tại của cuộc chiến thiêng liêng một chỉ làm lợi cho Satan. Lừng khừng đối với nó thì tệ hơn, chúng ta nhớ lại cái “không nóng không lạnh” của sách Khải Huyền (x. Kh 3, 16). Quá hăng nhiệt với cuộc chiến, xem mình đáng nể, thường lại dẫn đến tự cao tự đại. Sợ hãi nó, cũng chỉ ngăn trở chân lý và làm cho gông cùm nô lệ thêm kiên cố. Phạm trù thứ năm, may thay, lớn nhất trong tất cả các phạm trù là niềm vui thích đầy say mê.
Người vô tri nhìn cuộc chiến thiêng liêng qua đôi mắt thơ ngây. Chưa nhận thức được sự thâm nhập và môi trường xâm hại của ma quỷ, họ nhìn cuộc chiến thiêng liêng như một ẩn dụ cổ xưa, một ẩn dụ phát triển nhanh chóng cái vô dụng của nó trong thời buổi hiện đại này. Họ coi toàn bộ ý niệm về sự dữ dường như đã được nhân cách hoá bởi Satan và thuộc hạ của nó với chủ nghĩa hoài nghi. Hạng vô tri không chỉ từ chối sự hiện diện hung hãn của Satan mà còn chối nhận cả sự hiện hữu sờ sờ của nó nữa. Không kẻ thù nào nguy hiểm hơn kẻ thù mà bạn nghĩ không có nó.
Đừng chế nhạo Lời Chúa và phủ nhận sự hiện diện của ma quỷ. Sự dữ quá hiển nhiên trong thế giới hôm nay cho thấy điều đó. Đừng nói Satan đã chết, nay không còn, nó không nhiều đến thế ... vì trong mưu mô của nó, nó phao tin rằng, nó vẫn sống ngay khi chết (Fulton Sheen, Tôi tớ Chúa).
Tôi, nữ tu Faustina, theo lệnh Chúa, đã viếng thăm những cảnh vực địa ngục để rồi có thể nói cho các linh hồn về nó và chứng thực về sự hiện hữu của nó ... Tôi lưu ý một điều: phần lớn các linh hồn ở đó là những linh hồn đã không tin có một hoả ngục (Thánh Faustina Kowalska).
Chúng ta không thể đơn thuần coi ma quỷ như một biểu tượng của sự ác; bằng không, như những nhà xã hội, chúng ta chỉ biết đứng nhìn mà không giải thích được gì. Và những ai bảo, chúng tôi không còn tin vào những điều ấy nữa, suy nghĩ của họ về thế kỷ hai mươi này thật quá hời hợt (Hồng Y Joseph Ratzinger).
Người lừng khừng nhìn cuộc chiến thiêng liêng với đôi mắt dửng dưng. Thông thường, sai lầm của họ là coi yêu thương ngang với chấp nhận, xem chân lý ngang với vị tha. “Việc ai người ấy lo!”, “Sống và hãy sống!” hoặc “Đừng xét đoán ...!” là những câu thần chú quen thuộc của họ. Họ càu nhàu và kêu trách rằng, một Thiên Chúa công bằng sẽ không để một tạo vật gớm ghiếc như thế tồn tại, cứ để con mồi thao túng mặc sức trên Dân Người! Họ không nhận ra trần gian là một bãi chiến và thiên quốc mới là phần thưởng. Lừng khừng trước chân lý và không sẵn sàng cầm lấy vũ khí, họ dễ bị lạc đường.
Đây là lý do khiến người ta thờ ơ liều lĩnh đánh mất chính mình: từ trong linh hồn họ, một sự nhạt nhẽo đã che giấu một sự dữ lớn lao vốn là nguyên nhân của mọi tai ương (Thánh Alphonsô Liguôri).
Hãy luôn nhìn nhận rằng: ở đây, trên trái đất này, chúng ta đang chiến đấu; mãi trên thiên đàng, chúng ta mới nhận lấy triều thiên chiến thắng (Thánh Piô Pietrelcina).
Cửa thiên đàng mở ra, sự sống đánh bại tử thần trong một cuộc thánh chiến (Thánh Agnes Monteculciano).
Khi bạn từ bỏ Satan, dẫm đạp dưới chân mọi hiệp ước với nó, tiêu huỷ “liên minh hoả ngục” xưa; và rồi, thiên đàng của Chúa mở ra trước mặt bạn (Thánh Cyril Jérusalem).
Người quá hăng nhiệt coi cuộc chiến thiêng liêng với đôi mắt tự phụ. Họ coi đó là cuộc đại chiến với những vũ khí sáng ngời, một đạo quân hùng hậu bên cạnh họ và kẻ thù không đáng gì đang co rúm vì sự có mặt của họ. Họ co duỗi cơ bắp, thán phục khả năng của chúng, sững sờ trước vẻ lộng lẫy chúng có; họ coi thân xác mình và những công năng của nó như thể là những gì của riêng họ. Họ yêu thích hình ảnh giết chết con rồng, nhưng lại không muốn chuẩn bị cho điều đó hoặc sợ bẩn tay khi làm điều đó. Họ thường viết những diễn văn thắng trận trước khi biết đến kế hoạch chiến đấu. Họ không nhận ra rằng, nếu kế hoạch chiến đấu là của riêng họ, hoặc biết rất rõ, nếu họ tiến lên phía trước mà không có một quyền năng thích đáng nào đó thì một chỉ phó mình cho sự tác hại dữ dằn của Satan mà thôi.
Sức người không thể sánh với sức quỷ; vì thế, chỉ với sức mạnh của Thiên Chúa mới có thể đánh bại ma quỷ, chỉ ánh sáng của Người mới có thể soi thấu những mưu chước của nó (Thánh Gioan Thánh Giá).
Tính bạo tàn của ma quỷ cốt ở chỗ nó ăn tươi nuốt sống chúng ta bất cứ lúc nào nếu quyền lực Thiên Chúa không bảo vệ chúng ta (Thánh Bonaventura).
Chiến thắng nào không có sự hợp tác của thân xác mới được gọi là chiến thắng do nỗ lực riêng của con; nhưng thân xác cũng đâu phải của con, nó là công trình của Thiên Chúa (Thánh Gioan Climacus). 
Chúng ta không buộc phải có những vũ khí bóng loáng để chiến thắng Goliath, nhưng chỉ cần biết chọn một vài viên sỏi, những viên sỏi thích hợp, với sự khôn ngoan và can trường của Đavid (Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).
Kẻ sợ hãi nhìn cuộc chiến thiêng liêng qua đôi mắt khiếp đảm. Họ tưởng tượng rằng, càng để ý đến ma quỷ, sẽ càng gia tăng những cuộc chiến thiêng liêng. Họ tin rằng, cách nào đó, chiến đấu thiêng liêng là một lây nhiễm vốn sẽ lây lan nếu họ biết điều đó là thật. Những người khác thì nghĩ rằng, lãnh vực chiến đấu thiêng liêng chỉ là việc của giới tu trì; bằng cách ấy, họ bán non chính mình và những gì đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội. Một số khác lại sợ rằng, đó không phải là việc của họ, nên họ né tránh cuộc chiến và chấp nhận mọi hậu quả. Sợ hãi và khiêm tốn lệch lạc ấy chỉ làm lợi cho Satan. Sợ hãi của bạn nuôi dưỡng Satan, chỉ giúp nó mạnh mẽ kiên cường hơn.
Tôi thật sự sợ những người quá sợ ma quỷ hơn là sợ chính ma quỷ (Thánh Têrêxa Avila).
Đừng sợ ma quỷ, hãy sợ mưu mô của nó vốn đang khiến con chao đảo (Thánh Antôn Padua).
Đừng sợ những cạm bẫy của kẻ thù. Rốt cuộc, nó buộc phải bất lực trước một linh hồn gắn bó với Chúa Giêsu. Thế nên, con cứ an lòng (Thánh Piô Pietrelcina).
Tên cám dỗ hằng canh chừng, gây chiến ác liệt nhất để chống lại những ai nó thấy thận trọng tránh tội nhất (Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả).
Dù ngây ngô hay thờ ơ, kiêu ngạo hay sợ hãi, cả bốn phạm trù trên đều đưa con người rời xa chân lý và hướng về dối trá. Dù không nhất thiết là cố tình, họ vẫn đã tuân theo lời mời chào của Satan.
Phạm trù cuối cùng thuộc về những ai đáp trả với lòng nhiệt thành, họ nhìn cuộc chiến thiêng liêng với con mắt đức tin. Từ ngữ nhiệt thành “enthousiasm” có một nguyên ngữ thú vị. Nó bắt nguồn bởi hai từ Hy Lạp “en + theos”, hoặc trong tiếng Anh “in + god”. Theo nghĩa đen, enthousiasm, nhiệt thành, là “ở trong Thiên Chúa”. Những ai nhiệt thành đều nhận ra chiến thắng của Thiên Chúa trên chiến thắng của sự ác và vai trò của họ là thực hiện nó cho đến khi hoàn thành chiến thắng đó. Họ cũng nhận ra sự cần thiết phải giải thoát và bảo vệ chính mình cũng như người khác. Họ tín thác cho Thiên Chúa và mở lòng mình ra cho những đường lối diệu kỳ của Người. Họ chuẩn bị chiến đấu nhưng không trông mong điều đó. Nếu cuộc chiến xảy ra như một phần trong ý định của Thiên Chúa, họ sẵn sàng đón nhận. Họ chỉ tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa cho dù điều đó buộc họ phải ở tuyến đầu hoặc ngoài biên thuỳ. Bất cứ điều gì Thiên Chúa cho phép, họ chấp nhận; bất cứ điều gì xảy ra, họ thấy tay Người đang thực hiện. Như trẻ thơ, họ phó mình cho lời hứa của Thiên Chúa, Abba và sức mạnh của Người. Sức mạnh của họ là Thiên Chúa đang hoạt động ngang qua sự yếu hèn của mình.
Hãy luôn canh chừng kẻ thù nhưng đừng gây chiến với nó, vì đây không phải là thái độ của người lính nhưng là thái độ của kẻ dấy loạn (Thánh Gioan Kim Khẩu).
Chúng ta đừng bao giờ quên hai chân lý này: Chúa Giêsu ở với tôi, và dù gì xảy ra đi nữa thì vẫn xảy ra bởi ý muốn của Thiên Chúa (Chân Phước Charles de Foucauld).
Khiêm tốn, khiêm tốn và luôn luôn khiêm tốn. Satan khiếp sợ và run rẩy trước những linh hồn khiêm tốn. Thiên Chúa sẵn sàng làm những việc lớn lao với điều kiện là chúng ta phải thực sự nhu mì (Thánh Piô Pietrelcina).
Những chiến sĩ thiêng liêng đích thực nhìn cuộc chiến qua đôi mắt của Đức Maria, Mẹ Đầy Ơn Phúc. Cuộc chiến thiêng liêng luôn được hoàn tất bởi ân sủng của Thiên Chúa và phù hợp với sự cho phép của Người. Điều đó thường ẩn khuất, lặng lẽ và vô danh. Khiêm tốn, vâng phục, phó thác và tin tưởng là những vũ khí của người chiến sĩ Chúa Kitô. Sau Chúa Giêsu, không chiến sĩ nào lớn hơn Đức Maria. Qua mọi thời, lời “Xin Vâng” của Đức Maria đánh bại lời “Thưa Không” của Satan. Thánh Kinh đặt Đức Maria ngay giữa chiến trận. Từ sách Sáng Thế đến sách Khải Huyền, Đức Maria là Eva mới sinh ra Adam mới (x. St 3 & Kh 12). Lời “Fiat” xin vâng của Đức Maria là khởi đầu cho kết thúc của Satan. Nếu bạn được gọi để dấn thân trong cuộc chiến thiêng liêng, bạn chỉ có thể làm điều đó dưới sự bảo trợ của Mẹ Đầy Ơn Phúc và đúng với ý định của Thiên Chúa.
Không ai thực sự yêu mến Đức Mẹ mà lại phải sa hoả ngục, bởi Mẹ là người chiến thắng đáng sợ đối với ma quỷ (Thánh Alphonsô Liguôri).
 đâu có Mẹ, ở đó vắng bóng quỷ ma (Thánh Louis Montfort).
Hãy lắng nghe và ghi nhớ trong lòng, đừng bối rối cũng đừng nản lòng với những tiếc xót. Đừng sợ bất cứ bệnh tật, phiền muộn, lo lắng hay đau đớn nào. Không phải ta đang ở đây và không phải ta là Mẹ của con sao? Con không ở dưới bóng áo và sự che chở của Mẹ sao? Mẹ không phải là nguồn suối của đời con sao? Con không ở dưới nếp áo Mẹ, trong vòng tay Mẹ sao?  đó, con còn cần gì nữa? (Lời Mẹ Guadalupe nói với thánh Juan Diego).
Cẩn trọng với từng từ ngữ là điều cần thiết mỗi khi nói đến Satan. Phải tránh gán cho nó quá nhiều sức mạnh và ảnh hưởng, điều này thật quan trọng. Bạn đừng bao giờ là nạn nhân của ý niệm khi cho rằng ma quỷ cách nào đó mạnh mẽ và uy quyền ngang bằng Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tạo Hoá và Satan chỉ là tạo vật. Sức mạnh của ma quỷ cũng như khả năng thực hiện quyền lực của nó đều bị giới hạn bởi Thiên Chúa và khả năng thực hiện đó chỉ được phép theo cấp độ phục vụ ý muốn của Người. Thiên Chúa có thể và chính Người đã sử dụng những hành động của ma quỷ để dẫn đến những dự định cho vinh quang Người - nếu bạn để Người hành động. Tốt hay xấu, điều đó tuỳ vào ý muốn của Thiên Chúa; mọi sự đều có thể hữu ích cho việc cứu độ của Người.  
Thiên Chúa mạnh mẽ hơn nhiều trong việc phục hồi ơn cứu độ so với ma quỷ vốn chỉ muốn giam hãm con người (Thánh Paulinus Nola).
Bất luận điều tốt hay xấu xảy đến, hãy tin rằng, Thiên Chúa sẽ biến tất cả nên điều lành cho con (Thánh Jane Frances Chantal).
Linh hồn thật sự yêu mến Thiên Chúa biết rằng, mọi sự xảy đến trên trần gian đều do lệnh của Thiên Chúa hoặc là được phép Người (Thánh Alphonsô  Liguôri).
Một cách tương tự, bạn đừng cho rằng, Satan không mấy mạnh mẽ và chẳng ảnh hưởng gì; điều này cũng thật quan trọng. Nghĩ như thế chẳng khác gì bạn dọn cỗ cho nó. Đừng bao giờ tin không có ma quỷ, tin như thế là không biết giáo huấn bất biến của Hội Thánh; cũng đừng đùa với câu nói “ma quỷ bắt tôi làm điều đó”. Nói như thế là từ chối ý chí tự do cũng như vai trò của bạn khi phạm tội. Nó còn là một trở ngại cho việc thống hối và hoà giải. Thông thường, chân lý được tìm thấy chính giữa hai cái nhìn trái ngược này.
Ma quỷ sung sướng khi bị buộc tội. Thật vậy, nó thực sự muốn con đổ lỗi cho nó. Nó sẵn sàng lắng nghe tất cả cáo buộc của con lâu chừng nào có thể để ngăn con đến toà giải tội (Thánh Augustinô).
Đừng sợ ma cũng đừng sợ quỷ, Đấng cùng chiến đấu với chúng ta mạnh mẽ hơn chúng nhiều (Thánh Cyril Jérusalem).
Với cuốn sách này, tôi hy vọng soi rọi một luồng sáng mạnh mẽ vào tên ác quỷ, luồng sáng của Đức Kitô và Hội Thánh Ngài, một luồng sáng xua tan mọi bóng tối. Dựa vào Thánh Kinh và bút tích của các thánh để đào sâu và gợi hứng, những chương tiếp theo sẽ đưa ra những lời khuyên thực dụng về việc phải chiến đấu hoặc không chiến đấu thế nào. Những thực tế, những cảnh báo, những gánh nặng và những lợi ích của cuộc chiến thiêng liêng sẽ được bàn thảo. Satan sẽ được nói đến, nhưng chỉ trong mức độ nó phụng sự Nước Thiên Chúa.
Nói với con về ma quỷ hẳn chẳng thú vị gì, nhưng giáo lý, qua đó Cha được phép nói về nó lại sẽ rất ích lợi cho con (Thánh Gioan Kim Khẩu).
Chúa muốn tôi chia sẻ những gì tôi được dạy và những gì tôi tin. Cả bạn nữa, hãy sử dụng rộng rãi Thánh Kinh, các tài liệu có thẩm quyền và sự khôn ngoan của các thánh cho những ý tưởng được bày tỏ.
Hãy dõi theo các thánh, bởi ai theo chân các ngài, chính họ cũng sẽ nên thánh (Thánh Giáo Hoàng Clement).
Cách tự nhiên, những ý tưởng này vừa mang tính tấn công vừa mang tính bảo vệ; vừa phòng ngừa vừa chữa lành; vừa hướng đến các nhân đức vừa tránh xa mọi thói hư tật xấu.
Khi bạn được đánh động bởi một đoạn Thánh Kinh, hãy cầu nguyện với đoạn văn đó. Hãy cầu xin ơn Chúa Thánh Thần mặc khải tất cả ý nghĩa đoạn văn cho bạn. Khi được đánh động bởi lời nào đó của một vị thánh hay một huấn từ nào đó của Hội Thánh, bạn hãy nghiền ngẫm những soi dọi thích ứng của nó. Hãy thẩm thấu lời Thánh Kinh và lời các thánh, đừng chỉ lướt qua chúng.
Sau cùng, vì những mục đích của cuốn sách, khi tôi nói đến Satan, xin vui lòng biết cho rằng, tôi đang nói đến tất cả các thiên thần đã sa ngã. Dẫu được gọi dưới bất cứ danh hiệu nào: sự dữ, thần ô uế, ma quỷ, tà quyền, quỷ vương hay gì đi nữa ... tất cả chúng vẫn chỉ là một, kẻ thù nghịch với Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng những ai yêu mến Người.
Không cần phải sợ hãi để gọi đích danh tác nhân đầu tiên của sự dữ bằng chính cái tên của nó: Quỷ Dữ (Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).
Ma quỷ không phải là một con người, nó là một đạo quân có tổ chức của sự ác (Gioan Hardon, Tôi tớ Chúa).
Bởi không hiểu biết và thờ ơ cũng như bởi những nỗ lực của ma quỷ, nhiều người trong Hội Thánh không thích nói đến thực tại Satan và sự cần thiết của cuộc chiến thiêng liêng. Ngu ngơ, thờ ơ ... dẫn đến băn khoăn sợ hãi. Tiêu trừ cặp rồng sinh đôi ngu ngơ và thờ ơ này cùng với những băn khoăn và sợ hãi theo sau chúng là một điều quan trọng. Với sự khôn ngoan, bình an, ân sủng, sự thật, lòng thương xót của Thiên Chúa cùng với sự cẩn trọng đúng đắn dưới sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria Đầy Ơn Phúc, thì nay, đã đến lúc chúng ta cần nói đến sự thật về cuộc chiến chống lại tên ác quỷ này.
Ma quỷ không dám lộ diện hay hành quyền chết chóc của nó bất cứ nơi nào danh rất thánh của Đức Maria chiếu rọi. Tên ngài càng được kêu lên thường xuyên với tất cả lòng yêu mến, ma quỷ càng nhanh chóng cao chạy bay xa (Thomas a Kempis, Tôi tớ Chúa).
Với ma quỷ, Đức Maria quá mạnh mẽ đến nỗi chỉ một hơi thở của ngài vẫn khiến nó khiếp đảm hơn tất cả mọi cầu khẩn của các thánh (Thánh Louis Monfort).
Những tướng quỷ trong hoả ngục sợ hãi Đức Maria cho thấy sự kính trọng ngài (Thánh Louis Monfort).

Phần I

MƯU CHƯỚC QUÂN THÙ


Bấy giờ, Đức Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa và ở đó, Ngài chịu ma quỷ cám dỗ (Mt 4, 1).
Theo một ý nghĩa của Thánh Kinh, hoang địa ám chỉ sự mâu thuẫn; đó là ngôn ngữ biểu tượng của sự sống lẫn sự chết. Nó có thể là nơi để kêu trách Thiên Chúa hoặc là nơi để đức tin lớn lên; là nơi để đầu hàng, đắm chìm trong thất vọng hoặc cũng là nơi sản sinh một đời sống cầu nguyện sâu sắc. Nó có thể là nơi khô cằn không chút ủi an để phó mặc cho những cám dỗ nặng nề hoặc cũng là nơi cách ly khỏi mọi chia trí để phó mình cho ân sủng lớn lao. Đó cũng là thời gian hoặc để con người tách khỏi thế giới hầu phó mình cho Thiên Chúa hoặc cũng là lúc nó mong mỏi những ủi an thế tục để rồi đầu hàng trước xác thịt.
Satan tìm cách dẫn dụ bạn đi vào hoang địa để làm bạn suy yếu và cuối cùng, dẫn đến chết chóc. Thiên Chúa cũng tìm cách quyến rũ bạn vào hoang địa nhưng để củng cố và cuối cùng đưa bạn đến sự sống mới. Trong chương trình của Thiên Chúa, hoang địa là thời gian để dấn thân thực hành khổ chế; đang khi kế hoạch của ma quỷ, hoang địa là thời gian để bạn nghĩ đến sự thiếu thốn. Sử dụng thời gian này cách khôn ngoan, tín thác và đồng hành với Thiên Chúa, hoang địa sẽ là thời gian chuẩn bị cho những gì đang chờ đợi bạn sau trải nghiệm quý báu này.
Với tư cách một chiến sĩ thiêng liêng, chiến sĩ Chúa Kitô, tính thiêng liêng của hoang địa thật quan trọng. Nó quan trọng vì đó là lúc bạn vun trồng thái độ và các nhân đức vốn rất hữu ích trong cuộc chiến: can đảm, khiêm tốn và yêu mến, .v.v ... Đó cũng là thời gian để lớn lên trong khôn ngoan, để học biết sứ vụ của bạn, để hiểu biết kẻ thù cũng như đường lối của nó. Hoang địa vừa là nơi rèn luyện, vừa là nơi cải thiện.
Phần thứ nhất của cuốn sách có thể được coi như một cẩm nang huấn luyện trong hoang địa hầu chỉ dẫn và chuẩn bị bạn đi vào cuộc chiến. Nó có thể giúp bạn tĩnh toạ trong thinh lặng và cô tịch sau mỗi chương. Hãy để Chúa Thánh Thần dẫn dắt. Hãy biết rằng, Ngài sẽ sớm đưa bạn đi vào thế giới, một thế giới mà bạn sẽ hoàn tất ý muốn của Thiên Chúa.
Đức Giêsu nêu gương cho chúng ta về việc rời khỏi đám đông, tìm nơi cô tịch khi Ngài lên núi một mình để cầu nguyện. Cũng thế trong hoang địa, Ngài chiến thắng ma quỷ, kẻ dám chiến đấu chống lại Ngài. Lẽ tự nhiên, không phải Ngài bất lực để thắng nó cả khi dân chúng đông đảo; nhưng Ngài hành động như thế cốt để dạy chúng ta rằng, chúng ta có thể dễ dàng chiến thắng kẻ thù và tiến tới sự hoàn thiện trong thinh lặng và cô tịch (Thánh Antôn Ẩn tu).
Chúng ta chỉ có thể học biết bản thân và làm những gì có thể: ấy là từ bỏ chính mình và hoàn tất ý muốn của Thiên Chúa trong chúng ta (Thánh Têrêxa Avila).
Hãy cút đi, Satan, ta thuộc về Đức Giêsu Kitô. Ta không theo ý riêng. Ý ta là ý của người yêu dấu in hình trong trái tim ta (Thánh Rita Cascia).

 

Chương 1

CUỘC CHIẾN BẮT ĐẦU



Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà. Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người. Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó, Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.
Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Micae và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa (Kh 12, 1-8).
                “Non serviam”, “Tôi không làm”. Khi Lucifer, nay được biết là Satan, thốt ra những lời đó, nó đã đem sự dữ vào trật tự các tạo vật. Với những lời này, Lucifer đã châm lửa cho tất cả mọi cuộc chiến, một cuộc chiến vẫn hoành hành cho đến hôm nay. Thực tại cuộc chiến thiêng liêng bắt nguồn từ những hành vi kiêu căng của Lucifer. Điều đó có thể được tóm tắt thế này: Thiên Chúa yêu thương bạn và muốn bạn sống sự sống vĩnh cửu với Người. Ước muốn của Thiên Chúa là bạn cùng chung hưởng niềm vui yêu thương của Người đang khi ước muốn của Satan là bạn cùng nó trầm luân trong hoả ngục nhơ nhuốc xấu xa. Thiên Chúa muốn bạn hạnh phúc đời đời với Người đang khi Satan muốn bạn vĩnh viễn lìa xa Người. Thế nên, cuộc chiến thiêng liêng vừa liên quan đến chiến cuộc xảy ra giữa Thiên Chúa và Satan vừa liên quan đến những cuộc chiến xảy ra giữa các thần dữ và con người.
Nên một với Ta, con không sợ gì. Nhưng hỡi con, hãy biết rằng, Satan thù ghét con, nó thù ghét mọi linh hồn, nhưng nó căm ghét con cách riêng vì con không ngừng giựt lấy bao linh hồn khỏi quyền thống trị của nó (Mặc khải cho thánh Faustina Kowalska).
Về phía Satan, lời tuyên chiến đầu tiên của nó là một quyết định đã được tính toán. Tin rằng mình không xứng đáng để phụng sự, nó chọn cho mình hành vi chống lại Thiên Chúa và tự ý xa lìa tình yêu đời đời của Người. Bởi Satan và các thiên thần sa ngã khác phạm tội với ý thức rõ ràng trong quyết định của ý chí và chúng không hề hối tiếc ... nên tội của chúng cắt đứt đời đời tương quan giữa chúng với Thiên Chúa. Với chúng, thiên đàng đã bị đánh mất vĩnh viễn; tuy nhiên, chúng vẫn duy trì quyền lực theo bản tính thiên thần của mình vì tội lỗi không làm thay đổi bản tính tội nhân.
Dẫu đánh mất phẩm hàm cao trọng nhất của mình, ma quỷ vẫn không đánh mất sự hiểu biết rằng, nó có quyền thử thách người lành với những xáo trộn nó gây nên (Mặc khải cho thánh Bridget of Sweden).
Khốn cùng và độc hại, ma quỷ đời đời xa cách Thiên Chúa, dẫu vậy, nó vẫn mạnh mẽ và đầy uy lực. Vắng bóng yêu thương, ma quỷ mở mặt trận thứ hai để chống lại Thiên Chúa, đó là tấn công các tạo vật của Người. Một cách lệch lạc, Satan tìm kiếm vui thú trong việc chống lại Thiên Chúa, nó khoái trá khi vồ chộp các linh hồn khỏi tay Người. Không còn khả năng cảm nghiệm niềm vui, dẫu vậy, nó vẫn cảm nghiệm một niềm hân hoan quái gỡ “trong việc huỷ hoại các linh hồn”. Được thúc đẩy bởi ác tâm và nỗi cùng khốn của mình, nó ra sức bành trướng một đế chế điêu tàn. Nó sẽ truyền bá một phần của sự thật với những lừa gạt tinh tế để thuyết phục bạn tin vào sự dối trá của nó.
Đôi khi, Satan được phép nói thật để sự chân thực bất thường của nó có thể tìm được lòng tin vào điều dối trá (Thánh Tôma Aquinô).
Thần dữ tìm cách gieo vào lòng con người thái độ kình địch, bất tuân và chống lại Thiên Chúa vốn đã trở nên - như từ đầu - động cơ hiện hữu toàn thể của nó. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là loại trừ ý chí tự do và trách nhiệm của con người; và con người lại càng không được thất vọng trước hành vi cứu độ của Đức Kitô (Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).
Thực tế là ngay lúc này bạn đã nhận thức được rằng, bạn đang buộc phải xung trận, một chiến trận vì linh hồn bất tử của mình. Ngay khi bạn chào đời, bạn chào đời trong một vùng chiến. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, bạn đã có một đôi giày chiến vừa vặn. Cũng thế, ngay từ giây phút ấy, bạn trở nên một người con được cứu chuộc của Thiên Chúa và cũng trở thành kẻ thù của Satan. Bí tích Thánh Tẩy vốn dành riêng bạn cho Thiên Chúa cũng giựt bạn khỏi Satan. Vết tích của tội nguyên tổ, ngụy trang của quân thù được quét sạch. Trong Bí tích này, Thiên Chúa, chủ tể sự sống, tẩy sạch linh hồn bạn. Sau phép rửa, Satan, thù nghịch của sự sống, muốn làm vấy bẩn linh hồn bạn và cướp đi quyền thừa kế của bạn.
Nhưng bạn có thể tự nói với chính mình, “Nhưng tôi đâu có đầu quân, tôi không thích chiến đấu, tôi không phải là một chiến sĩ”. Không đâu, bạn đã là chiến sĩ. Chúc mừng bạn gia nhập Đội Quân của Hội Thánh. Với tác dụng của phép rửa tội, bạn là một người lính và bạn sẽ hoặc là chiến sĩ Chúa Kitô, thuộc về Ngài hoặc là chiến quân chống lại Ngài. Hoặc bạn có thể tự nhủ, “Nhưng với cuộc chiến thiêng liêng, tôi không được trang bị để làm điều đó. Tôi không thể đứng nhìn từ bên ngoài sao? Tôi muốn nói, tôi có thể bị thương tích!”. Trước hết, bạn nhớ rằng, “Thiên Chúa không gọi những người đã được trang bị; nhưng Người trang bị cho những ai Người gọi”. Thứ đến, bạn không thể mặc cả với Satan. Ngay từ đầu, nó là kẻ dối trá. Bên cạnh đó, nếu bạn tìm cách làm ít lại hay phớt lờ Satan để nó không làm hại bạn, không phải là nó đã thắng bạn rồi sao? Thứ ba, với tư cách một Kitô hữu, bạn là chiến sĩ dù bạn nghĩ bạn như thế hay không như thế. Đó là phần gia sản bạn đã lãnh nhận từ Bí tích Rửa Tội.
Kitô hữu phải là một chiến sĩ; người ấy phải cẩn trọng và mạnh mẽ (Giáo Hoàng Phaolô VI).
Một số ít linh hồn biết những gì Thiên Chúa lẽ ra đã hoàn thành trong họ nếu họ biết phó mình cho Người hoàn toàn và để ân sủng Người uốn nắn cho phù hợp (Thánh Ignatiô Loyola).
Khi chúng ta xung trận chiến đấu vì đức tin thì Thiên Chúa, các thiên thần của Người cùng Đức Kitô canh chừng. Vinh quang biết bao, hoan hỷ biết mấy khi chúng ta vào cuộc mà Thiên Chúa là vị chỉ huy, Đức Kitô là vị thẩm phán khi chúng ta lãnh nhận mũ miện ân thưởng (Thánh Cyprianô Carthage).
Là một Kitô hữu, tất cả các bạn được kêu gọi để chiến đấu ở một nơi nào đó, theo một cách thức nào đó. Có thể bạn được kêu gọi để làm một chiến sĩ ở tuyến đầu hoặc có thể ở hậu phương, cụ thể như để cầu nguyện cho những người khác chiến đấu. Bạn cũng có thể được kêu gọi để trở nên một người chỉ huy trong đội quân của Đức Kitô hoặc để chăm sóc những thương binh. Cũng có thể bạn được kêu gọi làm một người lính đặc nhiệm hoặc biệt kích để đánh nhanh rút gọn. Và Đức Giêsu có thể mời gọi bạn phục vụ rày đây mai đó, hôm nay ở đây, mai ngày ở chỗ khác.
Với tư cách là một tín hữu đã được rửa tội và thêm sức trong Đức Giêsu Kitô, bạn đã được gọi. Dù tin hay không tin, cuộc chiến thiêng liêng vẫn có đó và đó là sự thật. Như sức hút trái đất, bạn đâu thấy nó nhưng biết có nó vì bạn có thể nhìn thấy những hệ quả của nó. Bạn có thể tìm cách từ chối hay bất chấp sức hút ấy nhưng cuối cùng, bạn vẫn là đối tượng của sức hút đó. Cũng vậy, cuộc chiến thiêng liêng có đó cả khi bạn tìm cách quên nó.
Đừng để sự ngây ngô cố chấp đó làm bạn suy sụp. Cách tốt nhất để vượt qua một thử thách là học hỏi. Cách tốt nhất để lập một đội ngũ là thực hành. Một khi chiến đấu thiêng liêng trở nên một cái gì kiên định thì mọi nỗ lực cam kết sẽ thật cần thiết.
Thời giờ vắn vỏi, đừng để hiện tại qua đi đang khi Satan, có lẽ linh lợi hơn lúc nào hết. Đây là lúc phải nhận ra rằng, kẻ thù muốn chộp lấy bạn làm con tin và huỷ diệt đời sống ân sủng nơi bạn. Không thể nào tránh khỏi cuộc chiến, không thể chạy thoát cũng không thể ẩn núp. Satan biết chiến tranh thì mất mát, nhưng điều đó không ngăn nó chộp lấy một vài kẻ chạy đàng sau. Đừng là một trong những kẻ ấy. Đừng mắc mưu Satan, đừng sa chân vào cạm bẫy của nó. Niềm vui trong tim và danh thánh Maria trên môi, bạn hãy chuẩn bị cho chiến thắng.
Ôi Đức Nữ Trinh, trong giờ lâm tử, xin cứu con khỏi tay quỷ dữ, sự phán xét, lời buộc tội, những thử thách hãi hùng và chốn cực hình đắng cay trong bàn tay nó cùng án phạt muôn đời. Ôi Mẹ Thiên Chúa! (Thánh Gioan Đamascene).
Thủ lãnh quân thù quy tụ vô vàn quỷ dữ và tung chúng đi khắp nơi. Một số đến thành này, số khác đến thành khác trên khắp cùng thế giới, để rồi không tỉnh thành nào, không nơi nào, không bậc sống nào, không cá nhân nào được miễn chiếu cố. Nó rảo quanh để đặt bẫy con người và tìm cách gông cùm nó (Thánh Ignatiô Loyola).
Chẳng chút khờ khạo, lòng tôi hoan hỷ ... vì trong trận chiến, mũ miện chiến thắng đang dành sẵn và càng chiến đấu cam go, linh hồn càng có nhiều ngành thiên tuế (Thánh Piô Pietrelcina).
Dẫu cuộc chiến thiêng liêng là một thực tại đáng sợ, ở đó vẫn có niềm hy vọng và chiến thắng trong Đức Kitô. Bất cứ cuộc tranh luận nào về cuộc chiến thiêng liêng cũng phải bắt đầu và kết thúc với hai xác tín này: chiến đấu và chiến thắng đều thuộc về Thiên Chúa (x Sm 17, 47 & Cn 21, 31). Đây phải là điểm quy chiếu của bạn, sức mạnh của bạn và cũng là bình an của bạn; nhưng đó không phải là cớ để bạn khỏi chuẩn bị gì cả cho việc chiến đấu. Nếu bạn thật sự tin tưởng và tín thác vào những chân lý này, quân thù sẽ không làm gì được bạn. Nếu tất cả Kitô hữu hăng hái sống những chân lý này, ánh sáng sẽ toàn thắng bóng tối và Satan sẽ rên rỉ khóc than rút về địa ngục.
Nếu điều đó đúng và chiến cuộc thuộc về Thiên Chúa thì tại sao chúng ta lại không chỉ ngồi và chờ xem? Câu trả lời chính là tình yêu. Tình yêu ở ngay trong lòng chiến trận thiêng liêng. Đó là tình yêu Chúa Kitô hằng nâng đỡ bạn, đẩy bạn tới trước và ban cho bạn năng lực thiêng liêng cần thiết để chiến đấu. Tình yêu vừa là phương tiện vừa là mục đích cho người chiến sĩ. Đó phải là đam mê, mục đích và lời hứa của bạn. Chính tình yêu Chúa Kitô chiến thắng tất cả, chính tình yêu Ngài đỡ nâng và thôi thúc bạn chiến đấu.
Tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (1 Cr 15, 57).
Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta (Rm 8, 37-39).
Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi (2 Cr 5, 14a).
Hãy đốt lên trong con ngọn lửa yêu mến để con có thể tách mình khỏi ma quỷ (Thánh Augustinô).
Ngay cả Satan cũng biết rằng, chiến trận và chiến thắng đều thuộc về Đức Kitô; nó biết nó đã bị đánh bại 2.000 năm trước trên đồi Calvariô; nó biết nó không phải là đối thủ của máu châu báu của Đức Kitô. Nó cũng biết, có nhiều người đi theo Đức Kitô, nhưng họ không tin hoặc niềm tin của họ thật vật vờ. Nó trông mong vào sự vô tri tập thể cũng như sự thiếu cam kết của họ. Nó hy vọng vào việc họ không nhận biết sức mạnh và quyền lực được ban cho họ qua phép rửa. Nó mong họ ngu ngơ trước những đeo bám tiệm tiến và tinh vi của nó vì nó biết họ thiếu nhiệt thành, thiếu lòng tin, một lòng tin mang tính cam kết ... là những gì thuận tiện cho mục tiêu của nó.
Mọi ma quỷ trên thế gian đều có chung một việc là làm cho các Kitô hữu nên nguội lạnh (Thánh Giáo Hoàng Piô V).
Qua Bí tích Rửa Tội, linh hồn bạn được tẩy sạch khỏi vết nhơ nguyên tội, đạt được sự sống đời đời của Thiên Chúa, đồng thời, cũng trở thành một tử thù của ma quỷ. Một khi được rửa tội, bạn trở nên đối thủ tên tuổi của quỷ dữ. Thực vậy, Satan sẽ thoả mãn khi làm cho một linh hồn xa cách điều lành hơn là khi nó cướp được một linh hồn không bao giờ xa lìa Thiên Chúa qua phép rửa tội. Nó sẽ làm nhiều hơn, ra sức hơn để khiến các linh hồn tự mình xa cách Thiên Chúa, bởi lẽ, chính các linh hồn sẽ là nhân tố tác hại đến chương trình của Người nhất. Tuy nhiên, Thiên Chúa không để Satan tự do thao túng, Người luôn dự liệu cho dân Người, cách riêng những ai đang bị công kích vì tình yêu của họ đối với Người. Ân sủng của Người đủ để vượt thắng bất cứ cuộc tấn công nào Satan có thể đưa ra.
Đức Giêsu cho phép các cuộc tấn công của quỷ dữ xảy ra, vì lòng trắc ẩn của Ngài sẽ làm cho con nghĩa thiết hơn với Ngài; Ngài muốn con bắt chước Ngài trong những thống khổ Ngài đã trải qua, nơi hoang địa, trong Vườn Dầu và trên thập giá (Thánh Piô Pietrelcina).
Satan cài đặt thuộc hạ của nó ở tường thành các tu viện nhiều hơn ở những hang ổ tội lỗi, vì ở hang ổ tội lỗi, không có việc chống lại nó (Fulton Sheen, Tôi tớ Chúa).
Ma quỷ càng dữ tợn, Thiên Chúa từ ái càng khôn ngoan để che chở con cái Người một cách đặc biệt hơn (Thánh Ignatiô Loyola).
Chiến đấu thiêng liêng, dĩ nhiên là khổ đau, vác thập giá và gánh nặng nề. Điều đó đòi hỏi nhiều lời cầu nguyện kèm theo việc chay tịnh và làm phúc. Chiến đấu thiêng liêng là bắt chước cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Chính từ Chúa Kitô, bạn rút ra sức mạnh; qua Đức Kitô, bạn mới có khả năng chịu đựng. Bằng vâng phục, yêu thương và khổ đau, Đức Kitô toàn thắng sự dữ. Đây phải là khuôn mẫu của bạn: Đức Kitô Giêsu chịu đóng đinh. Bằng sức mạnh của máu Ngài, bạn được cứu độ. Vinh quang đời đời chỉ đến ngang qua cám dỗ và thử thách.
Chiến đấu thiêng liêng thực sự là thế này: Satan sắp giết chết bạn hay bạn đang sẵn sàng chết cho cái tôi của mình? Bạn sẵn sàng đón nhận thập giá mình bằng cách bắt chước Đức Giêsu hay tự đóng đinh bằng sự kiêu ngạo? Tuỳ theo mức độ cái tôi của bạn chết đi mà Đức Giêsu có thể sống và hiển trị trong bạn để giúp bạn chiến thắng cám dỗ, thử thách. Bởi lẽ, chỉ vì sự sống của Thiên Chúa trong bạn mà Satan muốn tiêu diệt bạn.
Ma quỷ cám dỗ chúng ta không quá sức để hãm hại chúng ta, nhưng nó nhắm huỷ diệt Thiên Chúa trong chúng ta. Mục tiêu nó nhắm là cái chết, không phải con chết hay ta chết, chúng ta không là gì cả. Điều nó nhắm là chính Thiên Chúa, một Thiên Chúa mà nó thù ghét (Chân Phước Têrêxa Calcutta).
Có những thử thách Thiên Chúa gửi đến bạn như một phần ý định của Người; Người là tác giả của chúng. Những thử thách hay những khốn khó này phải được đón nhận và chịu đựng qua việc bắt chước Đức Giêsu. Cũng có những thử thách Thiên Chúa cho phép xảy ra như một phần trong ý định của Người. Với những thử thách hay những cám dỗ ấy, chúng ta phải chống lại và chiến thắng chúng. Cả hai loại thử thách này đều được trù liệu để bạn trải nghiệm; chúng sẽ là những bậc cấp dẫn bạn đến vinh quang đời đời.
Những khốn khổ và thử thách chỉ có thể xảy ra theo ý của Thiên Chúa, Đấng có thể biến điều dữ thành điều lành. Vì thế, dù bạn có thể trải qua bao nhiêu khốn khó, Thiên Chúa vẫn không bao giờ quên bạn. Thậm chí cả khi bạn bị cám dỗ hay quấy phá bởi Satan, Người vẫn không quay mặt. Thiên Chúa giàu lòng thương xót ban cho bạn dẫy đầy ân sủng để bạn chống lại cả những muộn phiền và những cám dỗ. Từ những thương tích, từ những cám dỗ và quấy phá của Satan, vinh quang sẽ đến - nếu bạn cộng tác với ơn thánh của Người.
Ta khuyến khích con hãy phó thác hơn nữa cho lòng thương xót của Thiên Chúa, hạ mình trước lòng trắc ẩn của Người và cảm tạ Người vì tất cả những hồng ân Người muốn ban cho con. Bằng cách ấy, con sẽ bất chấp và vượt thắng tất cả mọi cơn thịnh nộ của hoả ngục (Thánh Piô Pietrelcina).
Hãy bình tâm và tin chắc rằng, bóng tối này không phải là một hình phạt tương thích với sự yếu đuối của con. Con không xấu xa cũng không mù quáng bởi chính ác tâm của con. Con chỉ là một trong những người được chọn, kẻ phải chịu thử thách như vàng trong lửa (Thánh Piô Pietrelcina).
Các cám dỗ của con đến từ ma quỷ và hoả ngục, nhưng những đau khổ, những khốn cùng của con lại đến từ Thiên Chúa và thiên đàng. Các bà mẹ đến từ Babylon, nhưng các cô con gái thì đến từ Jérusalem. Hãy coi thường các cám dỗ và ôm lấy những khổ đau (Thánh Piô Pietrelcina).
Thường xảy ra là khi chúng ta cầu xin Thiên Chúa giải thoát cho khỏi một cơn cám dỗ hiểm nguy nào đó, xem ra Người không nghe ... nhưng lại để nó tiếp tục quấy phá. Trong trường hợp đó, hãy hiểu rằng, Người cho phép ngay cả điều này xảy ra nhằm một điều lành lớn lao hơn cho chúng ta (Thánh Alphonsô Liguôri).
Những người bị cám dỗ nhiều nhất là những người với ân sủng Chúa, sẵn sàng hy sinh mọi sự vì phần rỗi các linh hồn đáng thương; họ từ bỏ tất cả những gì người khác đang hăm hở kiếm tìm. Không phải chỉ một tên quỷ cám dỗ, nhưng hàng triệu tên quỷ đang tìm cách giăng bẫy họ (Thánh Gioan Maria Vianney).
Hãy tìm mọi vui thích trong việc ứng xử với Chúa; đừng bận tâm đến sự lý thú của Người đối với chúng ta, hoặc Người cho chúng ta niềm ủi an, sự ngọt ngào hay đúng hơn, sự xao lãng, rắc rối và gian khổ ... Miễn sao niềm vui tốt lành của Người được hoàn tất, điều đó quá đủ cho chúng ta (Thánh Jane Frances de Chantal).

(Còn tiếp)
Chương 2 , chương 3 : Mời các bạn đọc tiếp tại đây

Chương 4, chương 5: Mời các bạn đọc tiếp tại đây

Chương 6, chương 7: Mời các bạn đọc tiếp tại đây

Chương 8, chương 9 : Mời các bạn đọc tiếp tại đây

Chương 10, chương 11: Mời các bạn đọc tiếp tại đây

--------------

Nguồn copy xin xem   : tại đây