Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Sự Thật Và Giả Dối Ở Đâu?

Sự Thật Và Giả Dối Ở Đâu?

Ngày 31 tháng 10 năm 2017 đánh dấu tròn 500 năm cái gọi là công cuộc Cải Cách của Luther – The Reformation of Luther. Vatican chào mừng biến cố này bằng việc loan tin sẽ cho phát hành bộ tem có hình Martin Luther tay cầm cuốn Kinh Thánh đang quỳ dưới chân thánh giá! Ngoài ra, còn có vô số những sự kiện và sinh hoạt đại kết khác diễn ra trong Giáo Hội, cấp hoàn vũ cũng như địa phương, để mừng sự kiện này.
Qua tất cả những sinh hoạt đại kết trong suốt những năm qua, người ta đã phù phép biến hoá, làm cho Công Cuộc Cải Cách của Luther (thực chất là công cuộc phá hoại của Luther – The Destruction of Luther) trở thành một công trình của Chúa Thánh Thần, một nguồn ơn phúc lớn lao cho Giáo Hội! Còn cá nhân Martin Luther, nhân vật chính của Công Cuộc Cải Cách, từ vị thế của kẻ tội đồ phá hoại, bị Giáo Hội kết án là lạc giáo và phạt vạ tuyệt thông, nay trở thành ân nhân và thánh nhân! Chuyện này là thế nào? Đâu là sự thật? Đâu là giả dối?
Thời Giờ Đã Mãn xin giúp bạn đọc tìm ra câu trả lời bằng cách nhắc lại sự thật về những sai lầm căn bản của Luther và sự thật về việc Luther đã bị Giáo Hội kết án lạc giáo và vạ tuyệt thông.
Trước khi phân tích những sai lầm của Luther, và để giữ cho đầu óc được tỉnh táo trong sáng, chúng ta cần phải hiểu đúng đắn và nắm chắc những ý niệm vềđức tin (faith), về sự công chính hoá (justification), và vai trò của việc lành(the role of good work) mà Mẹ Giáo Hội đã dạy chúng ta. Chúng ta phải nắm vững các ý niệm này để lỡ chúng ta rơi vào một tranh luận với người Tin Lành, chúng ta không bị lạc lối, bởi vì người Tin Lành họ cũng dùng những ý niệm này, nhưng với một ý nghĩa hoàn toàn khác người Công Giáo chúng ta.
Đức tin là gì? Đức tin là một sự quy thuận của lý trí đối với các chân lý được Thiên Chúa mạc khải và được Giáo Hội truyền dạy phải tin cách không sai lầm. Hành động tin là một hành động tự phát, bắt nguồn từ lý trí suy đoán, nhờ đó chúng ta tin tất cả những điều Thiên Chúa mạc khải, không dựa trên chân lý nội tại được quan niệm bởi lý trí nhưng dựa trên uy quyền của chính Thiên Chúa là Đấng Mạc Khải, Đấng không bao giờ lừa dối và không thể bị lừa dối. Hành động tin này tự nó không làm cho con người nên công chính nhưng đưa dẫn con người đến với sự công chính hoá.[1]
Công chính hoá là gì? Công chính hoá là việc được làm cho nên công chính, theo đó, linh hồn được đưa vào tình trạng công chính qua một sự thông ban ơn thánh hoá và bác ái siêu nhiên vào trong linh hồn, tạo ra một sự tái sinh thiêng liêng thực sự và làm cho con người được tham dự vào bản tính Thiên Chúa (2Pr 1,4), được làm nghĩa tử của Thiên Chúa (Ep 1,5), được làm người thừa kế Nước Thiên Chúa (Rm 8,17).
Tình trạng công chính hoá này được bảo tồn bởi sự tuân giữ lề luật của Thiên Chúa (Mt 19,17); bị mất bởi một tội nặng đã phạm (Dt 10,26); và đượcphục hồi bởi việc sám hối và xưng tội (1Ga 1,9; Ga 20,21-23). Vì thế, chính ơn thánh hoá làm cho người nên công chính và cứu chuộc con người.
Vai trò của việc lành là gì? Việc lành hay việc tốt, tuy không đưa con người vào trong tình trạng công chính, nhưng góp phần làm cho một người đã ở trong tình trạng ân sủng được công chính hơn và thánh hoá hơn[2], như chúng ta đọc thấy trong Sách Khải Huyền: “kẻ bất lương cứ làm điều bất lương nữa đi, kẻ ô uế cứ ra ô uế nữa đi, người công chính hãy thi hành công chính nữa đi. Này ta sắp đến và đem theo phần thưởng để trả cho mỗi người theo việc họ đã làm.” (Kh 22,11-12).
Trên đây là cách hiểu về đức tin và ơn công chính hoá mà Giáo Hội Mẹ chúng ta đã dạy. Với những ý niệm đúng đắn ấy trong đầu, chúng ta cùng phân tích những sai lầm của Luther. Xin được tóm tắt và trình bày cách bình dân nhất có thể để bạn đọc dễ hiểu.
Sai lầm về ơn cứu độ.
Luther cho rằng, con người được cứu độchỉ nhờ bởi đức tin mà thôi (salvation by faith alone). Đây là sai lầm tiêu biểu của Luther. Sai lầm này bắt nguồn từ một cách hiểu về đức tin hoàn toàn khác với cách mà mà Mẹ Giáo Hội đã dạy. Theo Luther, đức tin không phải là một sự quy thuận của lý trí đối với các chân lý được Thiên Chúa mạc khải, nhưng là một sự tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Quan niệm đức tin này của Luther không dựa trên lý trí (intellect) nhưng dựa trên ý chí (will) và do vậy, đức tin ấy là một điều gì đó thuộc về đức cậy (hope) chứ không phải là đức tin. Linh mục, Reginald Garrigou Lagrange, một chuyên gia về thần học Thánh Tôma, viết: “Người Tin Lành quả quyết rằng, đức tin thuộc về ý chí và điều này phù hợp với định nghĩa sai lầm của họ về đức tin rằng, đó là một sự tín thác mạnh mẽ vào lòng thương xót của Chúa để được ơn tha thứ tội lỗi. Sự tín thác đồng nghĩa với hy vọng và hoàn toàn thuộc về ý chí.” Quan niệm đức tin của Luther hoàn toàn trái nghịch với quan niệm đức của Công Giáo. Đức tin của Luther đồng nghĩa với sự tín thác vào lòng thương xót của Chúa, nó thuộc về phạm trù tình cảm và ý chí. Còn đức tin Công Giáo là một sự quy thuận của lý trí đối với các chân lý được Thiên Chúa mạc khải, và nó thuộc về lãnh vực của trí tuệ.
Đối với Công Giáo, con người được cứu độ không phải chỉ do bởi đức tin mà thôi, nhưng do bởi đức tin đi kèm với việc làm: tin và thực hành lề luật Chúa truyền dạy. Đức tin không có việc làm là đức tin chết (Gc 2,17).
Sai lầm về công chính hoá.
Luther cho rằng, linh hồn người công chính không thực sự được làm cho nên công chính và tội của họ cũng không thực sự được tẩy xoá. Luther dạy rằng, hành động công chính hoá bao gồm một sự quy trách ngoại tại sự công bình của Đức Kitô, nhờ đó kẻ tin được Thiên Chúa coi là công chính, chứ không phải là một sự thông ban nội tại của ân sủng vào trong linh hồn con người và nhờ đó, họ được tẩy xoá tội lỗi và được nên công chính. Nói cách bình dân, Luther cho rằng con người không thật sự được tẩy xoá tội lỗi và được làm cho nên công chính, họ chỉ được Thiên Chúa làm ngơ bỏ qua cho tội lỗi và được coi là công chính mà thôi. Luther đã dùng hình ảnh “kinh điển” là “đống phân được tuyết bao phủ” để minh hoạ cho giáo lý xa lạ về công chính hoá của mình. Đống phân được tuyết bao phủ trắng tinh đẹp đẽ bên ngoài, nhưng bên trong nó vẫn nguyên là đống phân. Tương tự như thế, linh hồn người công chính chỉ đơn giản là được bao bọc bởi sự công bình của Đức Kitô mà thôi, chứ bên trong nó vẫn là một kẻ tội lỗi, tội lỗi của nó không thể được tẩy xoá.
Lý luận như thế của Luther thật thô thiển và sai lầm! Đối với giáo lý Công Giáo, con người được nên công chính là vì tội lỗi con người thật sự được tẩy xoá, linh hồn con người thật sự được tái sinh và trở nên một tạo vật mới, và được làm cho nên công chính do ân sủng của Đức Kitô.
Sai lầm về ân sủng.
Luther dạy rằng, ân sủng chỉ là một sự sủng ái (favor), hay là thiện chí (good will) của Thiên Chúa đối với con người mà thôi[3], chứ không phải là sự sống siêu nhiên được thông ban vào trong linh hồn của con người để biến đổi con người từ bên trong. Vì quan niệm sai lầm như thế, nên Luther cho rằng, chỉ cần tín thác vào công nghiệp của Đức Kitô thì con người sẽ được Thiên Chúa đoái nhìn sủng ái, tội lỗi của họ sẽ được che phủ, và họ sẽ được cứu độ bất kể họ sẽ phạm bao nhiêu tội. Nói cách dễ hiểu, Luther dạy rằng kẻ được Thiên Chúa sủng ái thì dù phạm tội thế nào cũng vẫn sẽ được cứu độ; còn kẻ không được sủng ái thì dù cố gắng đến đâu cũng vô ích và sẽ không thể được cứu.
Để chống lại thứ giáo lý sai lạc này của Luther, Công Đồng Trento đã dạy rằng:Bất cứ ai nói rằng con người được nên công chính không phải do ân sủng và tình yêu mà Chúa Thánh Thần tuổn đổ vào lòng họ và ở lại trong họ, nhưng chỉ do sự sủng ái của Thiên Chúa mà thôi, thì bị vạ tuyệt thông.[4]
Sai lầm về bản tính con người.
Luther dạy rằng, do tội nguyên tổ, bản tính con người đã hoàn toàn bị hư hỏng và không còn khả năng để tái sinh hay thánh hoá. Luther viết: “Bản tính con người đã bị hư hỏng đến mức không bao giờ có thể được tái sinh và tội lỗi sẽ mãi mãi ở trong linh hồn con người, kể cả người công chính. Ân sủng quyền năng của Thiên Chúa không tẩy sạch tội lỗi con người. Đấng Toàn Năng không nhìn đến tội của con người. Ngài che phủ nó bằng công nghiệp của Đức Kitô và không quy trách tội lỗi của người đặt niềm tin vào những đau khổ của Đấng Cứu Thế.[5]
Vì cho rằng bản tính con người đã hoàn toàn hư hỏng, Luther đi đến chỗ chối bỏ ý chí tự do của con người. Vì chối bỏ ý chí tự do nên Luther cũng chối bỏ trách nhiệm luân lý mà con người phải chịu cho hành động của mình. Giống như loài vật, không có ý chí tự do, nên con người không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Luther quả quyết: “hoặc là Thiên Chúa hoặc là ma quỷ thống trị; con người không có tự do chọn lựa nên tuyệt đối không phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Ý chí tự do bị mất, nên con người không thể tuân giữ Bảng Thập Giới, nó không thể làm chủ đam mê của mình, nó phải phạm tội bao lâu còn sống…và kết luận đơn giản là: ai được cứu thì được cứu chứ hoàn toàn không do các việc lành của họ…[6]
Vì cho rằng bản tính con người đã hoàn toàn hư hỏng và không còn khả năng làm điều tốt, Luther chối bỏ luôn sự cần thiết của các việc lành (Mt 25,31-46; Gc 2,24) và cũng chối bỏ luôn sự cần thiết của việc tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa. Luther khẳng định rằng, để được cứu độ thì không cần phải tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa; điều duy nhất cần, đó là sự tín thác (trust) vào Đức Kitô. Đây là lời của Luther: “Thiên Chúa chỉ đòi buộc bạn tuyên xưng đức tin. Mọi chuyện khác Ngài để mặc bạn tự do, làm bất cứ điều gì bạn muốn mà chẳng nguy hại gì cho lương tâm của bạn; bao lâu Ngài muốn, sẽ chẳng có gì khác biệt nếu bạn bỏ vợ, chạy chốn khỏi ông chủ, hay thoái thác mọi bổn phận. Có là gì đối Thiên Chúa nếu bạn làm hay không làm những điều như thế?[7].
Tắt một lời, Luther đã phủ nhận khả năng bản tính con người có thể được tái sinh và thánh hoá, đã chối bỏ tự do và phủ nhận trách nhiệm luân lý của con người, phủ nhận sự cần thiết của việc lành và sự cần thiết phải tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa.
Sai lầm về tình thương của Thiên Chúa.
Luther đã có một quan niệm hoàn toàn sai lầm và lệch lạc về tình thương của Thiên Chúa (God’s Mercy) đến mức cho rằng, con người vẫn nhận dược tình thương của Thiên Chúa mà không cần sám hối và từ bỏ tội lỗi! Luther dạy rằng, tội lỗi không chia cắt con người khỏi Thiên Chúa, bất kể nó nặng nề và thường xuyên lỗi phạm đến đâu. Luther viết: “trong cuộc đời này, chúng ta phải phạm tội. Thật là phải lẽ, nhờ tình thương của Thiên Chúa, chúng ta biết Chiên Thiên Chúa Đấng xoá bỏ tội trần gian. Tội lỗi sẽ không tách chúng ta khỏi Ngài cho dù mỗi ngày chúng ta phạm cả ngàn tội sát nhân hay cả ngàn tội ngoại tình đi nữa.[8] Về lề luật của Thiên Chúa, Luther viết: “hãy để người Kitô biết rằng, chẳng có vấn đề gì việc bạn có giữ luật hay không; vâng, bạn có thể làm điều bị cấm hoặc không làm điều được yêu cầu, chẳng có gì là tội”.[9]
Quan niệm sai lạc về tình thương của Luther là hoàn toàn đối nghịch với giáo lý của Chúa và Giáo Hội. Chúa Giêsu dạy: muốn được sự sống đời đời, hãy tuân giữ các giới răn (Mt 19,16-22). Thánh Gioan nói: Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà không tuân giữ các giới răn của Người thì đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi kẻ ấy (1Ga 2,4).
Sai lầm về lương tâm và lề luật của Thiên Chúa.
Luther không chỉ mê muội và lầm lạc trong cách hiểu về lương tâm và lề luật của Thiên Chúa, mà còn phỉ báng và xúc phạm nặng nề đến chúng nữa. Luther coi lương tâm là “tiếng nói của ma quỷ” và lề luật của Chúa là “trò doạ dẫm của ma quỷ”. Vì thế, Luther quả quyết, phải loại bỏ Mười Điều Răn khỏi lòng trí con người, những kẻ bị bách hại và quyến rũ bởi ma quỷ. Chính Luther đã thú nhận rằng, ông mang trong lòng mình một tiếng nói nhắc nhở ông về một đời sống xấu xa, nhưng ông gọi đó là “tiếng nói của ma quỷ”, kẻ muốn trêu trọc con người, và nó xuất hiện dưới bộ dạng của Đức Kitô và biến đổi thành một thiên thần ánh sáng để hù doạ con người bằng lề luật.[10]
Để chống lại “tiếng nói của ma quỷ” và những “trò doạ dẫm”của nó, Luther đã tuyên bố câu nói “bất hủ”: hãy phạm tội và phạm tội mạnh mẽ hơn![11]  Tự hào về tội lỗi là cách tước bỏ khí giới khỏi tay ma quỷ![12] Luther dạy người ta rằng, nếu ai thấy mình bị ám ảnh bởi ma quỷ, hãy phạm tội để thể hiện sự thù ghét và bất chấp nó, có như vậy, nó mới không có cơ hội để quấy rày lương tâm ta.
Tư tưởng sai lầm đến điên dại này của Luther bắt nguồn từ “nguỵ tin mừng” mà ông rao giảng. Nguỵ Tin Mừng của Luther phân tách sự tín thác vào Đức Kitô với việc tuân giữ giáo huấn của Ngài. Luther đã bóp méo sự công bình của Thiên Chúa và bất cứ những gì mà người ta tìm cách để áp đặt giới răn của Thiên Chúa lên con người.
Trên đây là lược tóm một số lai lầm mang tính đầu xỏ, làm nền tảng cho vô số sai lầm và tội lỗi khác của Luther như chối bỏ các Bí Tích trong đó có BT Thánh Thể, BT Giải Tội và BT Truyền Chức, phủ nhận tín điều Đức Mẹ Đồng Trinh, phủ nhận sự tồn tại của luyện ngục, bảo vệ quyền tuỳ tiện giải thích thánh kinh, phủ nhận địa vị và quyền của Giáo Hoàng…và còn biết bao những lời nói lộng ngôn phạm thượng khác, xúc phạm đến Đức Mẹ, Môse, các thánh và các ĐGH, mà nếu trích ra sẽ chỉ thêm đau lòng.
Trước những tội lỗi và cố chấp sai lầm nghiêm trọng như vậy của Luther, Giáo Hội đã làm gì? Thưa, Giáo Hội đã kết án các sai lầm ấy và ra vạ tuyệt thông cho Luther.
Thật vậy, ngày 3 tháng 1 năm 1521, qua Sắc Lệnh DECET ROMANUM PONTIFICUM, Đức GH Leo X đã phạt vạ tuyệt thông Luther và tất cả những người theo ông ta.xem nguồn
Sắc lệnh có đoạn viết: “…chúng tôi phải đau buồn mà nói rằng, Luther, kẻ nô lệ cho một đầu óc bệnh hoạn, đã ngông cuồng viết và rao giảng những điều tồi tệ chống lại chúng tôi, Toà Thánh và đức tin Công Giáo, đồng thời dẫn dắt người khác làm theo như thế.
Nay chúng tôi tuyên bố Luther là kẻ lạc giáo, cũng như bất cứ ai, dù quyền hành và địa vị là gì, dám coi thường phần rỗi của mình để công khai đi theo bè lạc giáo độc hại của Luther, cũng như bất cứ ai công khai ủng hộ, tư vấn, cổ võ và khuyến khích Luther tiếp tục bất tuân và ngoan cố, hoặc những ai ngăn cản việc phổ biến sắc lệnh này của chúng tôi, thì đều phải chịu chung những hình phạt và đích thị bị coi là những kẻ lạc giáo và các tín hữu buộc phải xa lánh, như Thánh Tông Đồ đã nói (Tt 3,10-11).
Sắc lệnh viết tiếp: “mục đích của chúng tôi là, những người này phải được xếp cùng chung hàng với Luther cũng như với những kẻ lạc giáo bị chúc dữ khác và những kẻ bị tuyệt thông, và ngay cả những người tự đặt mình vào sự cố chấp để phạm tội như Luther, cũng như tất cả nhưng ai mang danh phái Luther –Lutheran- thì cũng đều phải chịu chung những hình phạt với Luther.
Sắc lệnh này được thông qua để chống lại Luther và tất cả những ai ngoan cố đi theo chủ ý suy đồi, đáng trừng phạt của ông ta, tất cả những ai bênh vực bảo vệ sự lầm lạc của Luther thì cũng chung số phận với ông ta. Tất cả các nhà thờ, dòng tu, tu viện, trường học và cơ sở Công Giáo đều phải xa tránh, không tiếp xúc và cộng tác với Luther và bè rối của ông dưới bất cứ hình thức nào.
Vì vấn đề thông tin thời đó còn hạn chế, Đức Leo X truyền dạy rằng Sắc Lệnh kết án Luther phải được niêm iết tại công khai tại cửa các nhà thờ chính toà cũng như các nhà thờ khác trên khắp nước Đức và khắp mọi nơi. Dù là bản sắc lệnh copy thì cũng có giá trị và hiệu lực như bản gốc.
Kết thúc Sắc Lệnh, Đức Leo X tuyên bố: không một ai được phép can thiệp hay vi phạm sắc lệnh này. Bất cứ ai dám vi phạm, hãy biết rằng, kẻ ấy sẽ phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Toàn Năng và của hai Thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô.
KẾT LUẬN
Qua những điều vừa trình bày ở trên, ta thấy được rằng:
Sự thật là Luther đã sai lầm và sai lầm ghê gớm đến mức suy đồi bệnh hoạn như ngôn từ trong Sắc Lệnh của Đức Leo X đã nói. Những sai lầm này do Luther hoàn toàn ý thức và chủ ý rao giảng nhằm chống lại Thiên Chúa, chống lại công trình cứu chuộc của Đức Kitô và Hội Thánh của Người. Chính Luther đã thú nhận rằng: “không có một tôn giáo nào trên thế giới dạy một thứ giáo lý về công chính hoá như thế này: Chính tôi, bề ngoài rao giảng nó, nhưng bên trong thật khó để tin nó.”(Franca, The Church, The Reformation, and Civilization, 158)
Sự thật là Luther chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ có cơ hội, để rút lại những sai lầm của ông. Những hậu duệ của Luther tràn lan ngày nay cũng chưa bao giờ có ý định sẽ sửa sai cho “ông tổ sai lầm của mình.” Luther đã xúc phạm và gây ra đau khổ lớn lao cho Đức Kitô và Giáo Hội, Thân Thê Màu Nhiệm của Ngài. Vết thương sự chia cắt mà Luther gây ra cho Thân Thể Màu Nhiệm của Đức Kitô đến nay vẫn chưa được hàn gắn và chữa lành. Và sự hàn gắn và chữa lành đích thực đó là, các bè rối và hậu duệ của Luther phải thú nhận và từ bỏ các sai lầm của Luther để trở về với Giáo Hội.
Sự thật là Luther và những người đi theo ông ta đã bị Giáo Hội kết án lạc đạo và ra vạ tuyệt thông. Luther đã sửa đổi Kinh Thánh và khai sinh ra một bè rối lạc đạo – Lutheran heretical sect. Bè rối ấy có đức tin mà không cần tuân giữ luật Chúa; có hàng giáo sĩ mà không cần chức linh mục; có thờ phượng mà không cần thánh lễ; có ơn tha tội mà không cần bí tích giải tội; có kinh thánh và không cần ơn linh hứng…
Sự thật là sắc lệnh kết án và vạ tuyệt thông dành Luther và bè rối của ông ta, chưa bao giờ bị rút lại và nó vẫn còn nguyên giá trị và hiệu lực pháp lý. Bất cứ ai dám nguỵ biện, bào chữa, và ủng hộ Luther, hãy nhớ lời cảnh báo của Đức Leo X rằng: “kẻ ấy sẽ phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Toàn Năng và của hai Thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô.”
Đó là một vài sự thật được rút ra sau khi nhắc lại sai lầm của Luther và lời dạy của Giáo Hội. Nếu đó còn là những sự thật thì những gì chúng ta đang chứng kiến hôm nay trong đời sống Giáo Hội chỉ có thể được gọi bằng cái tên là “sự giả dối”.
Sẽ là giả dối khi bè rối của Luther vốn bị kết án lạc giáo và vạ tuyệt thông từ suốt mấy thể kỷ nay, bây giờ được nhìn nhận là “giáo hội”, mà còn là “giáo hội anh em chị em” nữa cơ. Xin lỗi phải nói rằng, trong Giáo Hội chắc chắn là không có chuyện “để lâu cứt trâu hoá bùn”. Sai lầm và tội của Luther vẫn còn nguyên và án vạ dành cho Luther cũng vẫn còn đó chứ chưa bao giờ được rút lại. Vậy tại sao có sự biến chuyển từ bè rối thành “giáo hội”? Đó là kết quả của “đối thoại đại kết-ecumenical dialogue”. Nhờ đại kết-ecumenism, người ta nhận ra rằng giữa Giáo Hội và bè rối Luther có nhiều hiểu lầm trong quá khứ, và những hiểu lầm đó nay đã được khai thông và bỏ qua. Thật sự có chuyện đó sao? Liệu có chuyện con người thời nay hiểu về Luther hơn là Giáo Hội và các ĐGH đã sống cùng thời với Luther chăng?    
Sẽ là giả dối nếu kẻ lạc giáo phản loạn như Luther mà nay lại trở thành chứng nhân anh hùng, thậm chí coi như thánh nhân. Tất cả những ai cố gắng dùng tài năng của mình để biện hộ và bào chữa cho Luther, coi chừng phải chịu chung án vạ với Luther như Đức Leo X đã ngăm đe cảnh báo trong sắc lệnh đã nói trên.
Sẽ là giả dối nếu coi công cuộc phá hoại Giáo Hội của Luther xưa kia là một ơn lành và là một “sự kiện của Chúa Thánh Thần!”. Đức HY. Muller, Cựu Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, mới đây đã phản bác lại quan điểm lãng mạn quỷ quyệt ấy rằng: cuộc cách mạng của Luther là chống lại Chúa Thánh Thần. xem nguồn
Sẽ là giả dối và kệch cỡm hết sức khi Bưu Điện Vatican sẽ cho phát hành tem với hình của Luther và Melanchthon, hai đại lạc giáo, đang quỳ dưới chân thánh giá. Luther quỳ và ôm cuốn kinh thánh, còn Melanchthon quỳ với hai tay đang bê quyển “tự thú Augsburg” – cuốn cẩm nang cách mạng phá hoại của bè rối Luther. Chúng ta đã quá quen với hình ảnh Đức Mẹ và Thánh Gioan Tông Đồ ở dưới chân thánh giá Chúa Giêsu, nay người ta thế hai đại lạc giáo Luther và Melanchthon vào chỗ của Đức Mẹ và Thánh Gioan Tông Đồ thì quả thật là quá mỉa mai báng bổ cho lương tâm Công Giáo chân chính.
Sẽ là giả dối nếu thừa nhận tất cả những tốt lành và hoa trái mà người ta đang cố tạo ra từ công cuộc phá hoại của Luther. Bởi nếu đúng như thế thì có nghĩa là người ta đang gián tiếp coi tất cả những phán quyết và án vạ mà Giáo Hội dành cho Luther và bè rối của ông trước đây là sai lầm. Phải khẳng định là Giáo Hội không thể sai lầm trong những phán quyết về Luther bởi đó thuộc phạm trù đức tin và luân lý.
Sẽ là giả dối khi bám vào lý luận rằng, những gì liên kết chúng ta (Công Giáo và các bè lạc giáo) lại với nhau thì lớn hơn những gì chia cắt chúng ta. Những gì đó hàm ý là những vấn đề liên quan đến tín lý và đức tin. Người ta cho rằng, nhiều hiểu lầm đã được vượt qua và chỉ còn một chút khác biệt mà thôi. Xin thưa rằng, bao lâu những bè lạc giáo không trở về với Mẹ Giáo Hội Công Giáo để tuyên xưng trọn vẹn cùng một đức tin chân thật như Mẹ Giáo Hội, thì họ vẫn là những bè lạc giáo không hơn không kém. Xin được nhắc lại lời dạy của Đức GH Leo XIII: “Như những gì Thánh Tông Đồ Gia-cô-bê phán xét về hậu quả của một lỗi phạm luân lý, điều tương tự cũng được áp dụng cho một sai lạc trong đức tin: phàm ai giữ cả lề luật mà lại sa ngã về một điều, thì nó cũng mắc vạ về hết mọi điều (Gc 2,10)…cho nên ai phủ nhận dù chỉ một điều trong chân lý mạc khải thần linh thì kể là chối bỏ toàn bộ đức tin, vì người đó khước từ tôn kính Thiên Chúa là chân lý tối thượng và là nguyên nhân mô thể của đức tin.” (Thông Điệp về Sự Hiệp Nhất của Giáo Hội -Satis Cognitum- ngày 29/6/1896. Số 9). Lời dạy này của Đức Leo XIII đã bác bỏ kiểu lập luận rằng “những gì liên kết chúng ta lại thì lớn hơn những gì chia cắt chúng ta”.

Những giả dối trên bởi đâu mà ra? Thưa, đó là bởi đại kết. Đại kết thực chất là một hình thức ngoại giao tôn giáo. Bởi thế, tất cả những gì mà người ta trao đổi thông qua cái gọi là “đối thoại đại kết” chỉ là ngôn ngữ của ngoại giao tôn giáo. Thứ ngôn ngữ ấy mang tính nghi thức xã giao là chính chứ không có chức năng truyền thông sự thật. Chuyện lạ nữa là, càng đối thoại đại kết nhiều, thì chúng ta càng nhượng bộ và đánh mất mình hơn, không thấy các bè phái ly giáo lạc giáo thay đổi cái gì! Vậy mà chúng ta vẫn cứ ham đối thoại! Thật khó hiểu về đại kết! Phải chăng đó là biểu hiện của một Apostasy mà Chúa, Đức Mẹ và các Tông Đồ đã cảnh báo? (xem thêm bài 15 và 29).
Để kết thúc, Thời Giờ Đã Mãn xin một lần nữa góp thêm tiếng kêu lên rằng, chúng ta đang sống trong thời buổi “vàng thau lẫn lộn”, sự thật và giả dối đang bủa vây chúng ta. Nhiều tiếng nói, kể cả các đấng bậc, đang gióng lên cảnh báo cuộc khủng hoảng đức tin lớn lao, hơn cả cuộc đại khủng hoảng Ario hồi thế kỷ thứ tư, đang diễn ra trong Giáo Hội. Chúng ta có để ý và thấy một chút giật mình để thức tỉnh mình hay không? Hãy cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng cho Giáo Hội, cho các đấng bậc và cho bản thân mình.
Lạy Thánh Thần Chân Lý, xin soi sáng chúng con! Amen!  
[1] Theo CĐ Vatican I, phiên họp thứ 3, chương 3.
[2] Tổng Luận Thần Học Thánh Toma Quyển I-II, Câu 100 a.12 (ST I-II, q.100 a. 12)
[3] Martin Luther, LW 32:227
[4] CĐ Trento, phiên họp thứ VI, điều 11.
[5] Patrick O’Hare, The Facts About Luther (New York: Fredrick Pustet, Inc, 1916), 166.
[6] O’Hare, The Facts About Luther, 274–75.
[7] Leonel. Franca SJ., The Church, The Reformation, and Civilization, Third (Rio de Janeio: Editora Civilizacao Brasileira, n.d.), 466.
[8] Franca, The Church, The Reformation, and Civilization, 439.
[9] O’Hare, The Facts About Luther, 122.
[10] Wittenberg V, 321, 321B.
[11] Franca, The Church, The Reformation, and Civilization, 439.
[12] Wittenberg V,281 B

Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

GB. BÙI TUẦN : LẠY CHÚA, XIN ĐỪNG BỎ RƠI CON

Câu vắn tắt tôi hay dùng nhất là: “Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi con”. Cầu nguyện và hy sinh, tôi xin Chúa đừng bỏ rơi ai cậy tin vào Chúa, dù họ không biết nhiều về Chúa.
1.
Tôi thường cầu nguyện với Chúa bằng những câu vắn tắt, ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Câu vắn tắt tôi hay dùng nhất là: “Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi con”. Câu đó cũng chính là lời cầu của vua Đavid và của Chúa Giêsu xưa.
Nhiều lúc, tôi nói với Chúa câu đó, mà lòng nghẹn ngào, nhưng luôn luôn với niềm tin.
2.
Chúa đã không bỏ rơi tôi. Tôi nhận ra điều đó, nhất là nhờ Đức Mẹ.
Đức Mẹ âm thầm dạy tôi là Chúa sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi tôi, nếu tôi thực sự muốn điều đó.
Để chứng thực tôi muốn Chúa đừng bỏ rơi tôi, thì Đức Mẹ dạy tôi thực hiện hai điều sau đây.
3.
Điều thứ nhất cần thực hiện để được Chúa không bỏ rơi tôi, là tôi phải nhận mình yếu đuối, tội lỗi, đáng bị Chúa bỏ. Nhưng Chúa không bỏ, chỉ vì Chúa xót thương mà thôi.
Nhận thức như thế đã được nhiều vị thánh nêu gương.
4.
Gương sáng gần tôi nhất được Đức Mẹ nhắc cho tôi, là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Ngài viết: “Con tự hỏi tại sao Chúa đã gọi con? Tại sao Chúa đã chọn con? Con là đứa quá vụng về, quá ương ngạch, quá nghèo nàn về trí khôn và tâm tình. Con hiểu rồi. Chúa đã chọn những người yếu đuối trong thế gian, để không một người nào có thể khoe mình trước mặt Chúa được” (1Cr 1,17-18).
Bây giờ xuất hiện trong trí nhớ con về lịch sử khốn nạn đời con. Một đàng được thêu dệt bằng những ân huệ phi thường, phát xuất từ lòng nhân từ khôn tả của Chúa, mà con hy vọng một ngày kia sẽ được xem thấy và sẽ ca tụng muôn đời. Một đàng bị tiêm nhiễm bởi những hành động vô phúc, không nên nhắc tới làm gì, vì chúng quá khiếm khuyết, bất toàn, dốt nát, dại dột.
Lạy Chúa, con có điên rồi hẳn Chúa biết đó (x. Cv 68. 69, 6).
Đời sống bần tiện, lao đao, bủn xỉn, hẹp hòi, rất cần phải nhìn nhận, phải được tu bổ, phải được vô cùng thương xót.
Con luôn coi cuộc đời của thánh Augustino, như một tổng hợp tuyệt vời: Sự khốn nạn của con và lòng từ bi của Chúa (Observatore Romano 34, 21/8/1079).
5.
Đức Phaolô VI đã nói như thế về những bóng tối của cuộc đời mình. Còn đời tôi có những bóng tối còn thê thảm hơn gấp bội. Từ nhận thức đó, tôi xin Chúa thương đừng bỏ rơi tôi. Chúa không bỏ rơi tôi, chỉ vì Chúa xót thương mà thôi.
6.
Điều thứ hai cần thực hiện, để được Chúa không bỏ rơi tôi, là tôi phải cố gắng đừng bỏ rơi những ai cầu cứu tôi đừng bỏ rơi họ.
Gương sáng về sự dấn thân giúp đỡ những người cầu cứu đừng bị bỏ rơi, được Đức mẹ cho tôi thấy nhiều trong lịch sử đạo đời. Trong đó, Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp đã đánh động lương tâm tôi nhiều nhất.
Bất cứ ai gặp cảnh khổ đau, bế tắc, mà đến nói với cha Diệp: Xin Cha đừng bỏ rơi con, đều được Ngài thương cứu giúp.
Tôi thấy cha Diệp đã không bỏ rơi ai. Những người được ngài cứu chữa, đã tin vào Chúa.
7.
Riêng tôi, tôi coi lời cầu Xin đừng bỏ rơi con, đã mở lòng tôi ra, để tôi đón Chúa, và để tôi đón nhiều người đau khổ.
Nhiều người cũng nói với tôi: “Xin cha đừng bỏ rơi con”. Và thú thực, họ đã giúp tôi biết mở lòng ra, để khi tôi cứu họ, tôi được Chúa coi như là tôi cứu chính Chúa ở trong họ.
8.
Trong đời tôi, tôi đã nhiều lần ở bên những người hấp hối.
Tôi định từ giã họ, nhưng lời “Xin Cha đừng bỏ rơi con”, đã thực sự đưa tôi vào con đường tin cậy vững vàng ở Chúa mà ở lại bên họ.
“Tôi biết tôi tin vào ai”. Tôi tin vào Chúa là tình yêu thương xót. Khi tôi không bỏ rơi họ, thì Chúa cũng không bỏ rơi tôi.
9.
Khi tôi sống niềm tin với lời cầu: “Xin Chúa đừng bỏ rơi con”, với những gì tôi vừa chia sẻ trên đây, tôi sực nhận ra là tôi đang sống lời thánh Phaolô khuyên xưa: “Các con đừng học theo cách sống của đời này” (Rm 12, 2).
Thực vậy, con người thời nay thích tự đắc tự hào, chứ đâu có thích hạ mình xuống. Hạ mình xuống trước mặt Chúa cũng là điều khó. Hạ mình xuống trước mặt người ta càng là điều khó.
Tuy nhiên, tôi thấy sự hạ mình xuống trước Chúa và trước mọi người, để sống yêu thương khiêm nhường: “Đừng bỏ rơi nhau” vẫn là con đường nối kết, khác với con đường kiêu căng chỉ gây chia rẽ.
10.
Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi con. Tôi biết là khi tôi sống trọn vẹn lời cầu đó, tôi sẽ phải phấn đấu nhiều, nhưng tôi luôn được bình an. Sự bình an đó mang nhiều niềm vui và hy vọng.
11.
Từ đó, tôi được sức mạnh thiêng liêng, để hoạt động cho Chúa là tình yêu thương xót. Trên đường hoạt động như thế, tôi sẽ không cô đơn. Tôi tin có nhiều người cùng đi với tôi. Nhất là tôi tin Chúa và Mẹ luôn đồng hành với tôi. Chúa và Mẹ luôn chia sẻ cho tôi lửa tình yêu của Chúa.
12.
Cầu nguyện và hy sinh, tôi xin Chúa đừng bỏ rơi tôi. Tôi sống như vậy. Tôi sẽ ra đi như thế.
Cầu nguyện và hy sinh, tôi xin Chúa đừng bỏ rơi ai cậy tin vào Chúa, dù họ không biết nhiều về Chúa.
Cầu nguyện và hy sinh, tôi xin Chúa đừng bỏ rơi ai trong những người đã và đang nâng đỡ tôi trên con đường về quê trời. Tôi thành thực xin mọi người đừng bỏ rơi tôi.
Cầu nguyện và hy sinh, tôi xin Chúa đừng bỏ rơi ai trong những linh hồn đang trong lửa luyện ngục, bởi vì từ cõi chết biết bao linh hồn mồ côi đang gửi về tôi lời nhắn nhủ thân thương: “Xin đừng bỏ rơi con”.
Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi con. Con xin phó thác hồn xác hèn hạ này trong tay Chúa.
Long Xuyên, ngày 17.11.2017

Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

KINH TẬN HIẾN CHO MẸ ĐỒNG CÔNG CỨU CHUỘC

CHA ĐỒNG TRUNG CÓ NHỜ TÔI CHUYỂN CHO CÁC QUÍ VỊ TIN THỜI CUỐI, VÀ ĐANG CHUẨN BỊ RÁO RIẾT ĐÓN CHÚA QUANG LÂM, LỜI KINH Ý NGHĨA, HAY VÀ THIẾT THỰC CỦA MỘT CHA THỜI CUỐI CHO VIỆC CHUẨN BỊ NÀY. 
NGÀI XIN LÀ, QUÍ VỊ NÀO CÓ THỂ ĐƯỢC, MỖI TUẦN NÊN ĐỌC LẤY ÍT LÀ MỘT LẦN, ĐỂ CÙNG CẦU XIN CHO NHAU TRUNG THÀNH BỀN ĐỖ ĐẾN CÙNG TRONG SỨ VỤ CÓ MỘT KHÔNG HAI NÀY. CÁM ƠN QUÍ VỊ !( Vũ Thắng )
---------------------------------------------------- 
KINH TẬN HIẾN CHO MẸ ĐỒNG CÔNG CỨU CHUỘC
Lậy Mẹ Đồng Công của Ơn Cứu Rỗi !
Con là ………………………
Đến quỳ trước Nhan Thánh Mẹ đây, con cảm thấy mình rất khốn nạn tội lỗi, bất xứng mọi bề, con thật lòng thống hối ăn năn, quyết chí cải thiện đời sống, để từ nay không còn tự tình xúc phạm đến Chúa nữa.

Vậy lậy Mẹ yêu mến, để Mẹ huấn luyện uốn nắn con nên giống Chúa Giêsu Con Mẹ, từ hôm nay, từ giây phút này, con xin Tận Hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ trót mình con, hồn xác con, mọi tư tưởng ước muốn, mọi ngôn ngữ hành động trong ngoài con, mọi của cải sản vật, tài năng và mọi công lênh sự nghiệp, cùng tương lai quá khứ hiện tại, cũng như gia đình và những người thân thương của con. 

Xin Mẹ làm chủ điều khiển con theo Ý Mẹ, là ý muốn luôn phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.

Xin Mẹ cầu Chúa Thánh Thần, Bạn Tình Cực Thánh của Mẹ, thương ban cho chúng con được Ơn Bền Đỗ đến cùng với Sứ Vụ của Chúa, là kiên trì cầu nguyện, hy sinh và giúp anh chị em nhân loại chúng con sớm nhận biết Sự Thật của Giáo Hội và của thế giới hôm nay, để mọi người được ơn Hoán Cải, thực tâm quay trở về với Thiên Chúa là Cha của mình, nhất là trong Cuộc Đại Cảnh Báo Soi Sáng Lương Tâm, và được sẵn sàng trong tư thế tốt lành để hân hoan đón mừng Ngày Chúa Quang Lâm sắp tới.

Xin Mẹ cầu Chúa ban cho chúng con ơn luôn khiêm tốn, thực lòng yêu thương, hiền lành, vui tươi, và quảng đại sống hoà bình với hết mọi người, mà không loại trừ bất cứ một ai.

Xin Mẹ cầu Chúa củng cố Đức Tin của từng người chúng con, sao cho được luôn vững chắc, mạnh mẽ, táo bạo và kiên trì, để không một ai, một sự gì, hay bất cứ một cường lực nào, có thể lôi kéo chúng con ra khỏi lòng tin bất khuất vô địch vào Tình Yêu và Quyền Năng vô biên của Chúa.

Xin Mẹ giúp chúng con luôn trông cậy tín thác vào Chúa hoàn toàn, để không bao giờ ngã lòng thất vọng buông xuôi, dù gặp tràn ngập phong ba và bão tố.

Xin Mẹ đừng để chúng con bỏ thói quen thường xuyên đọc Kinh Mân Côi, Kinh Lòng Chúa Thương Xót, 170 Kinh Chiến Dịch Cầu Nguyện, vì ở Fatima, Mẹ đã cho chúng con biết : “ Nhiều người mất linh hồn sa Hỏa Ngục đời đời, là vì không có ai hy sinh cầu nguyện cho ”.

Xin Mẹ luôn đồng hành vui buồn sướng khổ với chúng con, trong việc dấn thân hy sinh không ngại khó, vì phần rỗi của hết mọi anh chị em chúng con.

Xin Mẹ ban cho chúng con luôn sống trong bình an của Chúa, và khi những sự khó khăn, đau thương đang dồn dập xảy ra khắp nơi trên thế giới, xin đừng để chúng con sợ hãi lo âu, nhưng luôn nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dậy bảo chúng con : “ Khi chúng con thấy những sự khốn khó đó xảy đến, chúng con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì Giờ Cứu Rỗi của chúng con đã gần đến ”.

Xin Mẹ gìn giữ bảo vệ, và an ủi đặc biệt Đức Bênêđictô XVI, là Giáo Hoàng đích thực của chúng con, đang phải chịu quá nhiều đau khổ thống thiết. 

Xin Mẹ thương nâng đỡ và khích lệ số nhỏ các đấng bậc trong Giáo Hội, để các ngài vẫn tiếp tục can đảm bênh vực Sự Thật của Chúa, dù có phải chết.

Xin Mẹ củng cố, giữ gìn và bảo vệ những anh chị em đang tin vào Sự Thật của Thời Cuối, và đang nhiệt thành hăng say loan báo chia sẻ Sách Sự Thật cho mọi người. 

Xin Mẹ giúp chúng con luôn cùng hoà đều nhịp đập với Trái Tim Giêsu Maria Giuse, để say sưa yêu mến và cứu rỗi các linh hồn.

Đó là ước muốn của con, song con không muốn nó qua đi như trăm nghìn ước ao khác, con muốn thực hiện hằng ngày trong nếp sống. Xin Mẹ ban ơn giúp con luôn trung thành thực thi ước muốn đó, để từ nay con theo gương Chúa Giêsu, sống lệ thuộc vào Mẹ hoàn toàn: “ Con sống, nhưng không phải con sống, chính Mẹ sống và hành động trong con ”, cho Danh Thiên Chúa Cha, và Chúa Giêsu cùng Chúa Thánh Thần được cả sáng muôn đời. 

Lậy Thánh Cả Giuse, Bạn Thanh Khiết Đức Trinh Nữ Maria, xin giúp chúng con luôn trung thành với việc Tận Hiến này, và xin cứu trợ đặc biệt những người lâm cơn hấp hối trong ngày và đêm hôm nay.
Lậy Đức Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, xin bảo vệ gia đình chúng con luôn mãi. Amen !