Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Nên đọc bản dịch Kinh Thánh nào?

Nên đọc bản dịch Kinh Thánh nào?
Kính gửi quý bạn đọc các ý kiến LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng đặc biệt dành cho các tín hữu nói tiếng Anh về (các) bản dịch Kinh Thánh nên dùng mà đọc. Tác giả đã cung cấp những thông tin về sự hình thành bộ Kinh Thánh Hy-lạp, mà chúng ta có thể bổ sung bằng những nghiên cứu mới hơn. Những suy tư rất ngắn của tác giả ở hai đoạn cuối cùng rất nên được các độc giả suy nghĩ và nhận định kỹ lại.
LTG. Có người đã đề nghị dùng chữ Thánh Kinh, thay vì Kinh Thánh. Thiết tưởng đây là một từ Hán Việt được xử dụng thông thường đến nỗi dường như đã bị Việt hóa rồi. Nếu như vậy thì phải nói cho đúng văn phạm trong ngôn ngữ nước ta. Chữ Kinh (Lời của Chúa) là danh tự, Thánh là tĩnh tự. Trong tiếng Việt, danh tự luôn luôn đi trước tĩnh tự. Thí dụ: Người ta nói “cây xanh” chứ không ai nói “xanh cây”cả. Như vậy chữ Kinh Thánh chuẩn hơn.

Nếu người đọc dùng Kinh Thánh bằng tiếng Việt thì không là một vấn đề lớn vì cho đến nay ở Việt Nam mới chỉ có vài bản dịch Công Giáo. Bản dịch Kinh Thánh mới nhất vừa được phát hành ở Việt Nam năm 1999 đã do “Nhóm Giờ Kinh” dịch thuật. Bên các giáo hội Tin Lành, cũng đã có bản dịch Kinh Thánh toàn bộ do Bible Society (Hội Kinh Thánh) xuất bản.

Tuy nhiên, nếu người đọc, nhất là giới trẻ, dùng Kinh Thánh bằng tiếng Anh thì cần lưu ý một vài điểm quan trọng để tránh tình trạng “tìm không ra” đoạn Kinh Thánh mình muốn trích dẫn.

Lý do? Các bản dịch của bên Tin Lành đã không có 7 quyển sách trong Cựu Ước mà Công Giáo đã công nhận. Trong đó có các quyển Tôbia (Tobit) và Huấn Ca (Ecclesiasticus hay Sirach) mà giới trẻ thích trích dẫn vào dịp lễ hôn phối (Tob. 8:5-7; Sir. 26:1-4, 13-17).

Người ta cần ngược dòng lịch sử để có một cái nhìn tổng quát và tương đối khách quan về việc hình thành bộ Kinh Thánh.

CÁC BẢN DỊCH CỦA NGƯỜI DO THÁI

Người Do Thái có thể đã bắt đầu có các văn bản Kinh Thánh từ thế kỷ 12 trước Công Nguyên (B.C.) và việc hệ thống hóa các văn bản ấy được tiếp diễn liên tục trong khoảng một ngàn năm. Cuối cùng các văn bản ấy được công nhận cách chính thức là giáo huấn của Chúa đã mạc khải cho dân của Ngài qua sự linh ứng cho người viết. Toàn bộ những “quyển sách” được công nhận này được gọi là Qui Ðiển (Canon).

Kinh Thánh được tồn tại và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác là nhờ công sức của những người sao chép (Copyists hay Scribes) mà một vài dịch giả gọi là “Ký Lục.” Truyền thống này còn được tiếp tục sang thời Tân Ước cho đến khi nhân loại có các ấn bản Kinh Thánh đầu tiên vào thế kỷ thứ 15 sau Công Nguyên (A.D.)

Tuy nhiên các văn bản cổ thời nhất đã bị thất lạc hay bị hủy hoại vì thời gian hoặc chiến tranh. Quyển sách thánh được coi là cổ nhất là sách của tiên tri Isaiah và một số văn bản rời rạc của các sách khác đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 3 (B.C.)

Ngoại trừ một vài bản được viết bằng tiếng A-ram (Aramaic), toàn bộ Cựu Ước của người Do Thái đã được viết bằng tiếng Do Thái (Hebrew). Ðến sau thời lưu đày (thế kỷ thứ VI, B.C.), tiếng Aram đã trở nên thông dụng trong những cộng đồng Do Thái do đó các bản dịch Kinh Thánh đã chuyển qua tiếng Aram.

Ðến thời vua Alexander Ðại Ðế (Thế Kỷ IV, B.C.) và về sau, tiếng Hi Lạp đã trở nên thông dụng trong khắp miền Ðịa Trung Hải (Mediterranean Sea). Các bản dịch Kinh Thánh lại được chuyển qua tiếng Hi Lạp. Văn bản Kinh Thánh bằng tiếng Hi Lạp nổi tiếng nhất là bộ Ngũ Kinh (Pentateuch) năm quyển sách thánh đầu tiên trong Cựu Ước mà người Do Thái gọi là “Torah” hay Lề Luật. Bản dịch này có tên là “Septuagint” mà tiếng Việt gọi là bản “Thất Thập” hay bản “Bảy Mươi.” Chữ Septuagint được dùng trong Cựu Ước để chỉ 70 nhân vật đứng đầu trong dân (Kỳ Mục) được tuyển chọn để làm phụ tá cho ông Môi-Sen (Xuất hành 24:1). Tương truyền rằng bản dịch này đã được hoàn tất bởi 70 hay 72 học giả thuộc cộng đồng Do Thái ở Alexandria (Ai cập) vào khoảng năm 250 B.C.

Cũng vào thời này, một số sách khác đã xuất hiện và được các cộng đồng Do Thái công nhận. Ðó là các quyển: Tôbia, Judith, Macabê 1 và 2, Khôn Ngoan, Huấn Ca, Baruch, và một ít văn bản bổ túc cho các sách Esther và Daniel.

Sang thế kỷ đầu tiên của Công Nguyên, người Kitô giáo đã công nhận toàn bộ Cựu Ước theo bản dịch Hi Lạp cùng với những sách mới. Tuy nhiên, vào khoảng cuối thế kỷ này, hội đồng Do Thái đã có khuynh hướng dùng lại bản Hebrew và vì có tinh thần bài Kitô giáo, nên họ đã họp ở Jamnia và quyết định rằng chỉ có các sách viết bằng tiếng Hebrew và cho đến quyển Ezra là được cho vào qui điển. Như vậy là họ đã không công nhận 7 quyển sách mới có trong bản dịch Hi Lạp. Ít nhiều họ đã xử dụng những quyển sách thánh nói trên trải qua hơn ba thế kỷ. Sau này người ta còn tìm biết được rằng có nhiều phần trong các quyển sách được kể là có trước Ezra. Như vậy tính theo thời gian, Ezra đã được viết cùng lúc hay sau những quyển sách mới!

Toàn bộ Tân Ước gồm 27 quyển đã được viết bằng tiếng Hi Lạp, cho đến ngày nay vẫn được tất cả các Kitô hữu, (gồm Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống v.v...) công nhận.

BẢN DỊCH TIẾNG LA TINH

Trong thời đế quốc La Mã (Roman Empire) tiếng La Tinh đã là ngôn ngữ thông dụng. Một vài sách trong Kinh Thánh đã được dịch qua tiếng La Tinh, nhưng thiếu đồng nhất và nhiều sơ sót. Do đó, năm 382, Ðức Giáo Hoàng Damasus I đã “sai” thánh Jerome, (tiếng Việt có người phiên âm là Hiêrônimô, có lẽ theo tiếng Tây Ban Nha) nghiên cứu và dịch toàn bộ Kinh Thánh qua tiếng La Tinh. 

Thánh Jerome đã phải làm việc ròng rã trong hơn 20 năm. Tương truyền rằng có khi ngài đã xử dụng một căn hầm ngay dưới nền nhà thờ nơi Chúa sinh ra ở Bethlehem để dịch thuật. Thánh nhân đã xử dụng bản Cựu Ước tiếng Do Thái, bản Hi Lạp Septuagint, những bản đã được dịch qua tiếng La Tinh. Phần Tân Ước, ngài đã dịch từ nguyên bản tiếng Hi Lạp.

Công trình dịch thuật của thánh Jerome đã hoàn tất vào năm 405 và bản dịch này được gọi là Vulgata “the Common Version” (Bản dịch Thông Dụng). Kể từ đó bộ Kinh Thánh Vulgata đã được xử dụng cách chính thức trong giáo hội Công Giáo. Năm 1546, trước những cao trào cải cách (Reformation) và dịch thuật Kinh Thánh khác, các nghị phụ trong công đồng Trent đã tuyên dương thánh Jerome và tái xác định sự chính thức của bộ Vulgata trong giáo hội Công Giáo Roma.

NHỮNG BẢN DỊCH TIẾNG ANH

Kitô Giáo đã được rao giảng ở Anh Quốc hơn một ngàn năm trước khi có bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Anh. Bản dịch đầu tiên là do công sức của nhóm ông John Wyclif hoàn thành vào năm 1382. Họ đã dịch toàn bộ Kinh Thánh từ bản Vulgata. Nhóm của ông Wyclif đã bị Tòa Thánh La Mã (Roma) kết án vì họ đã làm việc này mà không có phép.

Người thứ hai là ông William Tyndale (1494-1536). Ông này đã chịu ảnh hưởng nhiều bởi nhà nhân bản học (humanist) Erasmus và nhà cải cách (hay thệ phản - protestant) Martin Luther, người đã chống giáo hội Công Giáo La Mã, cũng dịch Tân Ước qua tiếng Ðức. Từ năm 1525, ông Tyndale sống ở Cologne (Ðức) dịch bộ Tân Ước và lén gửi về Anh. Vì vậy, ông đã bị giáo hội Anh, lúc ấy chưa tách rời khỏi giáo hội La Mã, kết án là theo bè rối “Lu-Te-Rô” (Luther), và “giết chết sự thật.”. Ông bắt đầu dịch Cựu Ước từ bản tiếng Do Thái vào năm 1530. Nhưng việc chưa thành thì ông đã bị bắt ở Antwerp và bị xử tử năm 1536.

Trong khi đó, năm 1535, vua Anh Quốc là Henry VIII đã đưa nước Anh tách rời khỏi giáo hội La Mã. Những người muốn dịch Kinh Thánh được tự do phổ biến các bản dịch của họ.

Năm 1535, bản dịch toàn bộ Kinh Thánh đầu tiên bằng tiếng Anh được ông Miles Coverdale cho xuất bản. Ông này đã dùng các tài liệu từ bản tiếng La Tinh, bản dịch qua tiếng Ðức của Luther và Zwingli, cũng như từ tài liệu chưa hoàn tất của ông Tyndale.

Năm 1537, bản dịch chưa hoàn tất của ông Tyndale được một người bạn tên là John Rogers tiếp tục và cho xuất bản.

Năm 1539, ông Richard Taverner cho xuất bản bản dịch của ông với phần Cựu Ước dựa trên các bản dịch của hai ông Tyndale và Rogers.

Cũng trong năm 1539, một bản dịch tự cho là Kinh Thánh Vĩ Ðại, in bản lớn 15” (inches) và 9”, có ấn tín cho phép và lệnh của vua Anh Quốc là mỗi nhà thờ Anh Giáo phải trưng bày một ấn bản này. Tuy nhiên, phần nội dung đa số chỉ in lại bản dịch của hai ông Tyndale vàRogers.

Một số bản dịch bằng tiếng Anh khác được in ở Geneva (Thụy Sĩ) trong thời nữ hoàng Mary (theo Công Giáo) 1553-58. Qua thời nữ hoàng Elizabeth I (theo Anh Giáo) các bản dịch này lại được tự do xuất bản ở Anh, trong đó có bản nổi tiếng “Geneva Bible.”

Giáo hội Công Giáo La Mã (Roman Catholic Church – cần nói rõ để phân biệt với một vài giáo hội cũng tự xưng là Công Giáo, nhưng không thuộc quyền Đức Giáo Hoàng) có bản dịch bằng tiếng Anh cho phần Tân Ước năm 1581. Bản này mang tên Rheims (Đức) vì các dịch giả đã làm việc ở đây. Ðến năm 1609, toàn bộ Kinh Thánh bằng tiếng Anh, dựa trên bản La Tinh Vulgata đã hoàn tất. Bản dịch này mang tên “Douay Bible” vì đó là tên của một thị trấn Pháp nơi phần dịch thuật đã được thực hiện. Bản này đã được ÐGM Challoner tu chính vào năm 1750.

Bản dịch khá nổi tiếng của Tin Lành, “King James”, do lệnh của vua nước Anh: James I, ra đời vào năm 1611. Ðây là công trình của một số học giả ở hai đại học Oxford vàCambridge. Phần tài liệu, các học giả này đã dựa trên tất cả các bản dịch tiếng Anh trước, kể cả bản Douay của Công Giáo, các tài liệu bằng tiếng Do Thái và Hi Lạp, một phần từ bản Vulgata, và ngay cả bản dịch bằng tiếng Ðức của ông Luther. Nhưng bản dịch có ảnh hưởng nhiều nhất trên bộ King James là phần của ông Tyndale.

Sau này các học giả đã khám phá ra rằng bản King James đã có nhiều nơi không chính xác, nhất là trong các tài liệu Do Thái và Hi Lạp mà các học giả đã trích dẫn. Có những từ đã hoàn toàn mang ý nghĩa khác. Như họ đã dùng chữ “allege: dẫn chứng cách không chắc chắn” thay vì “prove: minh chứng” (Acts 17:3); chữ “conversation: đàm thoại” thay vì “behavior: cư xử” (2 Cor. 1:12); “prevent: ngăn cản” thay vì “precede: đi trước” (1 Thes. 4:15); “reprove: khiển trách” thay vì “decide: quyết định” (Is. 11:4); “communicate: thông tri, truyền thông” thay vì “share: phân chia” (Gal. 6:6).

Do đó, năm 1870 giáo hội Anh Giáo đã cử một ủy ban dịch lại bộ Kinh Thánh. Bộ này hoàn thành vào năm 1881 và mang tên “the English Revised Version” (Bản dịch Tu Chính Anh Ngữ.)

Năm 1901 “The American Standard Version” (Bản dịch Tiêu Chuẩn Hoa Kỳ) ra đời.

Năm 1952, “The Revised Standard Version” (Bản Dịch Tiêu Chuẩn Tu Chính) hoàn tất. Bản này còn được mệnh danh là bản dịch hòa đồng tôn giáo (Ecumenical) vì đây là công trình làm việc chung của các học giả Tin Lành, Công Giáo và Do Thái (cho phần Cựu Ước). Những vị này đã đã đến từ Anh Quốc, Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại.

Về phía Công Giáo, Hội Ðồng Giám Mục Hoa kỳ đã cho phổ biến bản dịch “Kinh Thánh Hoa Kỳ Tân Biên” (the New American Bible) vào năm 1970. Bản này tự nhận là đã dùng những tài liệu cổ thời nhất, trung thực nhất từ những văn bản bằng các thứ tiếng Do Thái, Aram, và Hi Lạp. Các tài liệu mới tìm được ở Qumran (gần Biển Chết) cũng được dùng để bổ túc cho những văn bản đã có.

Các sách không có trong bản Do Thái được gọi là “Qui Ðiển Thứ” (Deuterocanonical Books). Các giáo hội Tin Lành vào thời mới phân chia, vì muốn tách biệt hẳn với giáo hội Công Giáo đã gọi các sách này là “Ngụy Thư” (Apocrypha).

Phía giáo hội Công Giáo ngay từ đầu đã không công nhận và gọi là ngụy thư một số sách trong Cựu Ước đã có trong qui điển của Kinh Thánh Hi Lạp như: Esdras 1 và 2, Prayer of Mannasseh, Maccabê 3 và 4, Thánh Vịnh số 151. Những quyển này thường lập lại những sách đã có và thêm những chi tiết không cần thiết như Esdras 1 và 2 đối với Ezra và Nehemiah. Một số văn bản Tân Ước (không được in trong Kinh Thánh Kitô giáo) cũng bị cho là ngụy thư.

NÊN ÐỌC BẢN DỊCH KINH THÁNH NÀO? 

Trở lại vấn nạn nói trên, người Công Giáo có thể sẽ không tìm thấy đoạn Kinh Thánh mình muốn, nếu xử dụng các bản dịch của những giáo hội Tin Lành. Các sách trong “qui điển thứ” xem ra được xử dụng khá nhiều trong phụng vụ Công Giáo. Từ các thánh lễ hôn phối như đã trích dẫn ở trên đến thánh lễ an táng (sách Khôn Ngoan 3:1-9; 2 Mac.12:43-46) và thánh lễ trong những ngày Chúa Nhật, ngày thường, cũng như các lễ kính riêng, đã xử dụng tất các sách nói trên, nhất là hai quyển Huấn ca và Khôn Ngoan.

Hiện tại, có ít nhất ba bản dịch Kinh Thánh Công Giáo: Kinh Thánh Hoa Kỳ Tân Biên (the New American Bible), Bản Dịch Tiêu chuẩn Tu Chính (the Revised Standard Version) ấn bản Công Giáo, và Bản Dịch Anh Ngữ Ngày Nay (Today’s English Version).

Ðể hiểu Kinh Thánh cách sâu xa và rộng rãi hơn, độc giả nên dùng cuốn “Chú Giải Kinh Thánh Jerome” (the Jerome Biblical Commentary) do nhà Prentice-HallNew Jersey, 1968. Có 80 đề tài gồm cả Cựu lẫn Tân Ước do các chuyên viên Kinh Thánh Công Giáo diễn giải.

Nếu người đọc muốn có bản dịch đầy đủ nhất vớt tất cả các phần qui điển thứ và ngụy thư thì nên dùng bộ “the Revised Standard Version, Common Bible, with the Apocrypha/ Deuterocanonical Books, an Ecumenical Edition” do nhà xuất bản Collins ở New York, năm 1973.

Những ai muốn đọc thêm thì có bộ đối chiếu bốn bản dịch thông dụng nhất của các giáo hội Tin Lành: “the Layman’s Parallel Bible” do nhà Zondervan Bible Publishers ở Grand Rapids, Michgan, 1974, ấn bản thứ ba. Bộ này có các bản dịch King James, Modern Language, Living, và Revised Standard.

TÌM HIỂU CÁC SÁCH TRONG QUI ÐIỂN THỨ

Thật là thiếu sót nếu chúng ta không nhìn qua những sách thánh trong qui điển thứ. Ít nhất là để xem các tài liệu giáo huấn quí giá này thực sự có đáng bỏ đi không.

Sách Tobia: Ðược viết vào khoảng năm 200 BC, có thể là ở Palestine và bằng tiếng Aram. Sách đề cao bổn phận đối với người đã qua đời và việc lành, bác ái, ý nghĩa đời sống gia đình. Ðặc biệt sách đã nói đến hôn nhân trong tinh thần Kitô giáo và ơn Chúa quan phòng trong đời sống hàng ngày.

Sách Judith: Ðược viết vào khoảng giữa thế kỷ thứ 2 BC ở Palestine, giữa lúc khí thế cách mạng do nhóm Macabê lãnh đạo đang nổi lên mãnh liệt trong lòng dân Do Thái. Sách đề cao lòng sốt sắng cầu nguyện và tuân giữ luật thanh sạch của Chúa. Khi đẹp lòng Chúa thì Ngài có thể dùng chỉ một phụ nữ yếu đuối mà đánh bại được đạo quân hùng mạnh đang định tiêu diệt dân của Ngài.

Sách Macabê I: Ðược viết vào khoảng năm 100 BC, nhằm vào lịch sử tôn giáo thay vì chính trị hay quân sự. Tác giả nói đến những thất bại, khốn cùng như sự trừng phạt của Chúa; ngược lại, chiến thắng là phần thưởng của Ngài đối với những người trung tín, dám đứng lên bảo vệ đức tin.

Sách Macabê II: Ðây không phải là sách viết tiếp tục cho quyển I. Thể văn cũng khác, nhất là lại được viết bằng tiếng Hi Lạp cách không hoàn chỉnh; người viết cũng không thuộc thành phần “sử gia.” Tuy nhiên sách này được coi là quan trọng vì những quả quyết về việc kẻ chết sống lại, sự cần thiết của những lời cầu nguyện cho kẻ qua đời, các thánh cầu bầu, hình phạt đời sau, và phần thưởng cho những người tử vì đạo. Ðây là những điểm quan trọng mà các sách khác trong Cựu Ước không đề cập rõ ràng lắm.

Sách Khôn Ngoan: Ðược viết “lại” bằng tiếng Hi Lạp vì vua Solomon đã được coi là tác giả của quyển này. Trong bản dịch Hi Lạp, sách được gọi là “Sự Khôn Ngoan của Solomon.” Tuy nhiên, cũng có thể tác giả đã “gán” cho Solomon như để có sự bảo trợ của một vị khôn ngoan trong lịch sử dân Chúa. Sách nêu lên vai trò của sự khôn ngoan trong đời sống con người đồng thời so sánh số phận người khôn ngoan và kẻ gian ác trong lúc sống cũng như sau khi chết.

Sách Huấn Ca: Sách được viết bằng tiếng Hebrew (Do Thái) vào khoảng năm 190 B.C. Sau đó sách được dịch qua tiếng Hi Lạp và mang tên là “Sự khôn ngoan của Giêsu con của Sirach” (the Wisdom of Jesus the Son of Sirach). Nhưng khi được dịch qua La Tinh, sách lại mang tên Ecclesiasticus có lẽ để nhấn mạnh đến việc giáo hội chính thức chấp nhận và xử dụng. (Không nên nhầm sách này với quyển Ecclesiastes: Giảng Viên) Tuy nhiên trong các bản tiếng Anh, sách được vắn tắt gọi là Sirach. Sách nói về khởi đầu của sự khôn ngoan là việc kính sợ Thiên Chúa; khôn ngoan đem lại tươi trẻ, hạnh phúc; về vận mạng con người và việc thưởng phạt của Chúa.

Sách Baruch: Theo lời mở đầu thì sách được ông Baruch, thư ký của tiên tri Jeremiah viết tại Babylon và gửi về Jerusalem để đọc trong các cuộc hội họp phụng vụ. Theo sách này, khôn ngoan được đồng hóa với Lề Luật; Jerusalem được nhân cách hóa nói chuyện với dân bị đi đày và khuyến khích sự tin tưởng vào ơn cứu độ của Chúa. Một đoạn trong bản dịch Hi Lạp của sách Baruch đã được tìm thấy ở một trong các hang Qumran. Các thử nghiệm cho thấy bản dịch đó đã được viết vào khoảng năm 100 B.C.

Khi dịch bộ Kinh Thánh, thánh Jerome đã có những ưu tư về việc có nên dịch cả những quyển sách mới nói trên, chỉ có trong qui điển Hi Lạp mà không có trong qui điển Hebrew. Cuối cùng thì thánh nhân đã dịch hết vì những giáo huấn giá trị trong các sách ấy cũng như vì vâng lời bề trên.

Các Kitô hữu ngày nay cần tự hỏi: Khi Chúa linh ứng cho ai viết ra những mạc khải của Ngài, không lẽ Ngài chỉ muốn những mạc khải ấy hiện hữu trong một thời kỳ (hơn ba thế kỷ đối với người Do Thái hay hơn mười thế kỷ đối với những anh em Tin Lành) rồi bị thải đi? Thật khó mà biện minh cho điều này. Có chăng chỉ vì con người đã để cho những yếu tố chính trị, quyền lực, lấn át tiếng gọi thiết tha và chân thực của Ngài.

Hãy để cho sự khôn ngoan của Chúa ngự trị trong tim, trong óc của mình, người đọc sẽ tự tìm thấy đâu là chân lý.

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng
VietCatholic News (02 Jan 2011)


Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

TUẦN CỬU NHẬT LỄ GIÁNG SINH

Cửu Nhật Lễ Giáng Sinh


TUẦN CỬU NHẬT LỄ GIÁNG SINH

 LỜI CHÚA GIÊSU GỞI ĐẾN NHÂN LOẠI

QUA BÀ LUISA PICCARETTA

 (đã được Giáo Hội chuẩn y)
 JESUS8

Bà Luisa Piccaretta được Chúa Giêsu mệnh danh là “Con gái của Thánh Ý Thiên Chúa”, sanh tại Corato (tỉnh Bari, Ý Ðại Lợi), ngày 23 tháng 4, 1865, qua đời ngày 4 tháng 3, 1947.

Lúc 11 tuổi bà đã là “con gái” của Mẹ Maria và sau đó gia nhập dòng ba Ða Minh

Khi vừa tròn 16 tuổi, bà đã tận hiến cho Chúa làm của lễ hy sinh để chia xẻ với Chúa tình yêu và đau khổ của Ngài; tự hiến thân thay thế cho những kẻ tội lỗi trước Công Lý Ðức Chúa Cha hầu xin lòng nhân từ của Cha tuôn đổ xuống cho nhân loại tội lỗi này.

Bà được chịu cách huyền bí Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu và vì thế phải sống hơn 64 năm trên giường bệnh. Trong thời gian này, bà được nuôi sống bằng Thánh Thể mà thôi, không ăn cũng không uống.

Hơn thế, mỗi ngày, bà Luisa ở trong tình trạng “chết”: như được hiện diện với Chúa Giêsu, linh hồn bà lìa khỏi xác và thể xác bà trở nên cứng đơ ônhư đáọ, không còn 1 dấu bên ngoài nào chứng tỏ bà còn sống, cho đến khi một linh mục (phần đồng là cha linh hồn của bà) truyền cho linh hồn bà trở về thân xác để tiếp tục sống một cuộc đời làm lể vật hy sinh, trong đau đớn khổ sở nơi ôthung lủng nước mắt này.

Ðức Mẹ cũng thường nói với bà và dạy bà viết ra những bài suy gẫm và những kinh nguyện…

Ngày 20 tháng 11, 1994, sau khi được Giáo Hội cho phép phổ biến những bài viết của bà, Ðức Cha Carmelo Cassati, Tổng Giám Mục Trani-Barletta-Biscegli bắt đầu mở thủ tục xin phong thánh cho bà…

NGÀY THỨ NHẤT

Chúa Giêsu bên lòng Chúa Cha – Sắc Lệnh Nhập Thể 

Trong lúc suy gẫm, tôi nghỉ đến việc đi thăm viếng Thiên đàng trong trí tôi, và tưởng tượng hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi đang bàn tính với nhau về một quyết định quan trọng, đó là cứu rỗi loài người đang rơi vào một tình trạng xấu xa ghê tởm và nếu không có sự can thiệp của Thiên Chúa thì loài người không bao giờ có thể vươn lên một cuộc sống mới với sự tự do tuyệt đối.

Tôi hình dung Chúa Cha muốn gởi Con một mình xuống thế gian, và Người Con một chấp nhận tư tưởng thật cao thượng của Cha và Ðức Chúa Thánh Thần; Chúa Giêsu hết sức hoan hỉ bằng lòng ý định đó để làm đem đến sự tốt đẹp cho thế gian và để cứu chuộc toàn thể nhân loại.

Tâm hồn tôi như bị ánh sáng làm chói loà mắt và cả con người tôi đầy tháng phục khi nhìn Mầu Nhiệm Tình Yêu lớn lao, mãnh liệt và đồng đều chia ra giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Một tình yêu mà từ đó lan rộng trên toàn mặt đất để đem lợi ích đến cho muôn người. Kế đến, tôi suy niệm về sự vô ơn của nhân loại đã làm cho Tình Yêu lớn lao đó không sinh hoa kết trái.

Tất cả những điều này tôi có thể suy gẫm cả ngày chứ không phải chỉ trong một giờ đồng hồ nếu không nghe tiếng Chúa nói với tôi: Bây giờ đã tạm đủ rồi, hãy đến đây bên Cha và con sẽ thấy rõ Tình Yêu Cha dành cho con lớn lao bao nhiêu 

 

NGÀY THỨ HAI

Chúa Giêsu trong lòng Mẹ Ngài

Tình Yêu đã giam hãm Ngài trong sự bất di dịch 

 

Tôi bắt đầu nghỉ đến Chúa Giêsu yêu dấu của tôi trong cung lòng tinh tuyền của Maria, một Trinh Nữ rất thánh và là Mẹ.

Tôi như thất kinh khi thấy một Thiên Chúa vô cùng lớn lao đến nổi cả tầng trời cũng không thể chứa đựng mà lại tự hạ mình đến thế!

Vì yêu thương mà Ngài tự trở nên nhỏ bé, đang cử động và hít thở trong lòng Mẹ. Trong lúc tôi suy gẫm sự việc trên và cảm thấy lòng tôi như bị thiêu đốt bởi tình yêu dành cho Chúa Giêsu của tôi, Ngài vừa mới thành hình trong lòng Mẹ Maria và tôi nghe trong tôi tiếng nói của Ngài: Con có thấy chăng, Cha đã yêu thương biết bao! Hãy dành cho Cha một chổ trong trái tim con, hãy trút bỏ ra khỏi tim con tất cả những gì không phải Cha để Cha có thể chuyển động và hô hấp dể dàng hơn. 

Ôi! trái tim tôi giờ đây như tan vỡ ra vì tình yêu tôi đối với Ngài và tôi xin Ngài tha thứ cho những yếu đuối của tôi; tôi hứa với Chúa rằng sẽ thuộc trọn về Chúa, nước mắt tôi bổng ràng rụa cay đắng nhỏ xuống không ngưng.

Và nếu tôi có lập đi lập lại lời hứa ấy mỗi ngày trong đời tôi thì tôi phải thật sự công nhận trong nỗi bàng hoàng rằng tôi vẫn phạm đi phạm lại bao tội, với đầy khó khăn tôi nói với Chúa Giêsu rằng: Ôi Chúa con ơi! Chúa đã quá tốt lành và sẽ mãi mãi đối xử tốt với một tạo vật khốn cùng là con đây! Xin Chúa luôn mãi từ bi nhân hậu với con.

NGÀY THỨ BA

Tình Yêu thiêu hủy 

 

Sửa soạn suy gẫm bài thứ ba, tôi nghe lời Ngài nói trong tôi: Con Cha, hãy tựa đầu con vào lòng Mẹ Cha và từ đó, con hãy tưởng tượng cuộc sống làm người nhỏ bé của Cha. Tình yêu Cha dành cho nhân loại đã làm cho Cha phải hạ mình xuống, nó thiêu hủy ,tràn ngập trong Cha và vượt mọi giới hạn.

Tình yêu Cha trải qua từ đời nọ đến đời kia, trên mọi người, từ tạo vật đầu tiên cho đến tạo vật sau cùng. Ðó là những ngọn lửa to lớn, là đại dương và thác nước của Thiên Tính Cha. 

Cho dẫu nhân tính nhỏ bé của Cha được thiêu hủy bởi vô số ngọn lửa tình, thì chính con người Cha cũng được thiêu hủy trong cùng một tình yêu. Con có biết rằng Tình Yêu vô cùng của Cha nó thiêu hủy Cha ra sao không? 

Phải rồi, kinh nghiệm sẽ dạy cho con biết: Ðó là các linh hồn!. Khi nào Cha thiêu hủy các linh hồn trong Tình Yêu Cha, thì khi đó, hỡi con, Tình Yêu Cha sẽ vui mừng hoan hỉ. Vì, là Thiên Chúa, Cha phải hành động như một vị Thiên Chúa, Cha muốn nung đốt từng linh hồn và tất cả linh hồn đã đến trong thế gian này, vì Tình Yêu Cha không thể nào được an bình nếu một trong chúng bị loại trừ. 

Thật vậy, con Cha, hãy nhìn kỷ vào cung lòng Mẹ Maria, con sẽ thấy thân xác Cha đang thành hình, con sẽ tìm thấy linh hồn con cũng thành hình trong lòng Mẹ cùng với Cha; và những ngọn lửa tình yêu nung đốt con. Những ngọn lửa ấy chỉ tìm được nghỉ ngơi một khi nó được thiêu hủy trong Cha.

 Ồ! Cha đã yêu thương con, đang thương yêu con biết bao nhiêu, và sẽ yêu thương con mãi mãi muôn đời. 

Khi nghe những lời nói đó, tôi cảm thấy mình như mất hút trong tình yêu Ngài, và không thể nào tương ứng được. Thình lình Chúa nói tiếp: Con hỡi, tất cả sự việc này không là gì so với những gì tình yêu Cha làm. Hãy đến gần bên Cha; đưa tay con cho Mẹ Cha nắm lấy để Mẹ xiết chặt luôn vào lòng Mẹ. Hãy nhìn con người bé nhỏ của Cha thành hình trong thế gian này để sanh ra các linh hồn cho đời sống vĩnh cửu. 

Tất cả việc này sẽ cho con cơ hội suy gẫm bài thứ tư về Tình Yêu vô cùng của Cha sẽ hành động ra sao. 

 

NGÀY THỨ TƯ

Từ ban đầu, tình yêu đã làm Chúa Giêsu phải chịu những

đau khổ không ngưng của Cuộc Thương Khó. 

 

Hỡi con, nếu con muốn hiểu được từ Tình Yêu thiêu hủy đến Tình Yêu tác động của Cha, thì con sẽ thấy Cha bị nhận chìm trong đau đớn không thể tả được và là những đớn đau không bao giờ chấm dứt. 

Hãy nghỉ đến mỗi một linh hồn sinh ra trong Cha, chúng đem đến cho Cha bao nhiêu là gánh nặng của tội lỗi cùng những yếu đuối và những đam mê của chúng; tình yêu đã khiến Cha mang gánh nặng của mỗi linh hồn. 

Sau khi sinh chúng ra trong Cha, Cha cũng đã chuẩn bị chịu đựng những đau khổ và phạt tạ mà mỗi linh hồn phải trả cho Cha Trên Trời. 

Ðừng ngạc nhiên khi con biết được rằng Cuộc Thương Khó của Cha bắt đầu từ khi Cha thành hình trong lòng Mẹ Maria. 

Con hãy nhìn xem trong lòng Mẹ Cha và con sẽ thấy rằng Cha phải chịu vô số đau đớn mãnh liệt hành hạ Cha! Con nhìn kỷ xem đầu nhỏ bé của Cha phải chịu đội mão gai, những chiếc gai nhọn đâm thâu qua làm Cha đau đến phải chảy những giọt nước mắt đắng cay. Ôi! bàn tay con đó, sao không lao khô những giọt nước mắt bởi động lòng thương Cha?. 

Hỡi con, vòng gai này không gì khác hơn là những vòng gai mà nhân loại đã đội lên đầu Cha bởi những trí óc chứa đầy những ý nghĩ xấu xa.

Ô! nó làm Cha đau đớn biết bao nhiêu! Hỡi ôi, 9 tháng dài đăng đẳng trong đau đớn bởi mão gai gây nên! 

Và như thế hình như chưa đủ, nhân loại còn đâm thủng chân tay Cha để thoả mãn Công Lý Ðức Chúa Cha. Ðiều này có nghĩa là chúng sống trong sự tìm tòi những lợi ích bất chính, tìm đủ mọi con đường ngoằn nghoèo để làm biết bao hành động bất công. 

Trong tình trạng này, Cha không thể nào cử động ngón tay, bàn tay và chân được. Cha bất động vì bị đóng đinh, chỉ khác nhau về thời gian thôi, và như thế, Cha phải chịu đựng trong vòng 9 tháng ròng rã! 

Con Cha, con có biết vì sao Cha phải chịu mão gai và chịu treo trên thập giá liên lĩ không? Bởi vì nhân loại không ngừng âm mưu để sống trong vô luân và làm những việc đồi bại. Tất cả những tội lỗi đó trở thành những chiếc đinh và gai nhọn đâm thủng thái dương, tay và chân Cha. 

Lúc bấy giờ, Chúa Giêsu thở khó khăn vì đau đớn, Ngài tiếp tục kể tôi nghe những khổ đau và hành hạ mà Ngài phải chịu trên thân xác nhỏ bé trong lòng Mẹ Maria, những lời nói mà tôi không viết lại tất cả vì e rằng sẽ quá dài. Mặc khác, trái tim tôi không làm sao chịu nổi để có thể kể ra đây tất cả những đau đớn mà Chúa Giêsu phải chịu trong dạ Mẹ, vì yêu thương chúng ta. Tôi chỉ còn biết khóc trong đắng cay, thình lình tiếng than vãn của Chúa van động trong tôi, Ngài thì thào trong tim tôi:

Ôi hởi con, Cha muốn hôn con biết bao để trao đổi với tình yêu đau buồn mà con dành cho Cha, nhưng bây giờ Cha không thể… Như con thấy đó, Cha bị nhốt trong chổ nhỏ hẹp này làm cho Cha không thể cựa quậy. Cha ước ao đến bên con, nhưng vì Cha chưa đi đứng được. Con là con Cha, con của Tình Yêu đầu tiên đau khổ. Hãy năng đến bên Cha và hãy hôn Cha. Như thế, khi Cha chào đời, Cha sẽ đến hôn con và ở mãi bên con. 

Trong lúc tôi đang tưởng tượng mình đang ở trong lòng Mẹ Maria và đang vuốt ve và ôm chặt Chúa Giêsu vào trái tim đang tan vỡ của tôi thì tôi nghe tiếng Chúa nói:

Thôi đủ rồi con, bây giờ con hãy suy gẫm bài thứ năm về Tình Yêu vô cùng của cha. 

Mặc dù Tình Yêu đó bị từ chối ruồng bỏ và trở thành bất lực trước tất cả, Tình Yêu Cha không bao giờ có thể ngưng lại hoặc lùi bước, mà trái lại nó còn tiến lên và càng ngày càng tiến xa hơn.

 

NGÀY THỨ NĂM

Tình Yêu cô đơn và bị bỏ rơi

 

Tôi nghe Chúa gọi tôi suy gẫm bài thứ 5 về Tình Yêu của Ngài. Tôi lắng tai nghe trong lòng tôi giọng nói yếu ớt của Ðấng Tạo Hóa:

Con ơi, đừng rời xa Cha, đừng bỏ Cha một mình. Tình Yêu Cha không ngừng mong muốn con luôn kề cận bên Cha. 

Bản chất Thiên Tính Cha làm nên một sự kết hợp mật thiết nhất, thì Thiên Tính Cha trong bản chất con người hoà hợp cùng Ngôi Lời Hằng Có luôn sung sướng ở bên những thụ tạo. 

Con thấy đó, vừa mới nhập thể trong lòng Mẹ Cha, Cha đã sinh ra tất cả nhân loại trong ân sủng, để một khi được sinh ra trong Cha, chúng có thể cùng lớn lên với Cha trong Khôn Ngoan và Sự Thật. Vì thế Cha thật thích thú ở bên chúng và hằng mong ước yêu thương chúng mãi mãi và được chúng yêu thương lại, nhờ đó chúng thấy được chứng cớ tình yêu chân thật của Cha. Cha muốn nói với chúng về tình yêu để chúng hiểu được sự vui mừng và đau khổ của Cha. Cha ước ao chúng hiểu rằng Cha từ Trời xuống thế chỉ để đem đến cho chúng hạnh phúc. Vì vậy Cha thật muốn ở bên chúng như một người em nhỏ để được yêu thương, để được đáp trả một cách rộng lượng và ban cho chúng tất cả những sự tốt lành của Cha và Thiên quốc Cha; với giá của sự hy sinh lớn lao dẩn đến cái chết cho chúng được sống. 

Con có thể đi nói với các linh hồn rằng Cha muốn giải trí với chúng bằng những nụ hôn và những vuốt ve tình ái. 

Khốn cho Cha quá! để đáp lại tình Cha, Cha chỉ nhận lại những buồn tủi và đau khổ! Một số linh hồn không màn nghe Lời Hằng Sống và còn trốn tránh Cha nữa. Còn một số khác thì trốn khỏi Tình yêu Cha; một số nữa thì rời xa Cha, có người còn giả điếc làm ngơ làm Cha phải lặng câm. 

Nhưng chưa hết đâu con ạ: họ bất cần đến kho tàng và Thiên quốc của Cha. Còn để đáp lại những cái hôn, những cái vuốt ve nâng niu của Cha thì Cha chỉ nhận được toàn là những lạnh nhạt và quên lãng. Vì thế trò chơi này với thụ tạo Cha trở thành câm lặng và hờ hửng lạnh lùng. Một số đông các linh hồn ngăn cản Cha ban phát trên chúng tình yêu từ Trái Tim Cha, chúng đã làm Cha phải khóc. Tình yêu Cha không những chẳng được an ủi mà còn bị khinh khi, nhạo báng và xúc phạm. 

Thêm vào đó Cha bơ vơ một mình giữa các linh hồn! Ô, thật đau khổ khi phải bị cô đơn và bỏ rơi bởi nhưng linh hồn giả điếc làm ngơ đối với lời Cha và những linh hồn ngăn cản Cha yêu chúng. Cha luôn mãi cô đơn, buồn và lặng thinh vì cho dẫu Cha có thốt lên lời thì chúng cũng chẳng nghe. 

Này con Cha, hãy đến an ủi tình yêu Cha đang thất vọng, đừng bỏ Cha trong nổi cô đơn, hãy nói với Cha và ủi an Cha. Con hãy nghe đây lời Cha dạy bảo. Con biết Cha là Thầy các thầy và nếu con nghe Cha!, ôi, biết bao nhiêu chuyện mà con học hỏi được từ Cha! Bây giờ con hãy đến đây, vui chơi với Cha, như thế con làm Cha khỏi phải khóc. Con có thích vui đùa với Cha không?

Sau khi hứa sẽ luôn trung thành với Chúa Giêsu, tôi dâng trọn xác hồn tôi cho Ngài để yêu mến Chúa tôi bằng một tình yêu thật dịu dàng, bởi vì cho dù Chúa có xử đãi thật rộng lượng với các tạo vật để làm chúng hạnh phúc thì chúng cũng mãi để Chúa bơ vơ một mình, không chút ủi an và trong cô đơn khôn xiết.

NGÀY THỨ SÁU

Sự đen tối của tội lỗi làm Chúa Giêsu phải nghạt thở trong lòng Mẹ 

 

Con Cha, hãy chia xẻ những thầm kín của Cha; đến gần Cha hơn và xin người Mẹ tốt lành của Cha cho con một chổ nhỏ trong lòng Mẹ để con có thể thấy tận mắt tình trạng đau thương của Cha. 

Tôi thấy  ra được rằng Nữ Vương và là Mẹ tôi muốn tỏ cho tôi thấy tình mẫu tử lớn lao của Mẹ nên Người cho tôi kết hiệp cùng Chúa Giêsu Nhập Thể đáng yêu của Mẹ vào trong cung lòng Mẹ.

Trong nơi ấy thật tối đến nổi tôi không làm sao thấy gương mặt Chúa Giêsu, mà chỉ nghe được tiếng thở dài nóng bỏng tình yêu của Ngài. Chúa tiếp tục nói trong tim tôi:

Này con, hãy suy gẫm về Tình yêu quá lớn lao của Cha đâyCha là Ánh Sáng Vĩnh Hằng và không một ánh sáng nào khác sáng hơn. Hãy suy đến ánh sáng mặt trời lúc đến cực đỉnh, cũng chỉ là bóng nhỏ của Ánh Sáng Vĩnh Cửu Cha. 

Sự nhập thể vì yêu thương nhân loại đã thu gọn Ánh Sáng này. Con thấy chăng ngục tù tối tăm này mà Tình yêu đã hối hả dẩn Cha đến? Phải, Cha muốn ở nơi đây vì yêu thương thụ tạo, mà chờ một tia sáng lọt vào. Cha phải chờ trong vòng 9 tháng dài trong bóng đêm, không ánh sao cũng không ngơi nghỉ. Cha canh và chờ ánh sáng mặt trời đến Cha. 

Cha đau khổ biết bao! và trong nổi muộn phiền vô cùng bởi vì nhà tù của Cha thật quá nhỏ bé đến nổi Cha cử động thật khó khăn. Hơn nữa, nơi đây thiếu hẵn ánh sáng nên Cha không thấy được gì, điều này làm cho Cha khốn khổ lắm đến nổi hơi thở của Mẹ Cha cũng làm Cha ngạt thở. 

Con có biết ai đã đưa Cha vào lao tù này không? Ai đã lấy đi ánh sáng? Ai đã làm Cha càng ngày càng khó thở? Ðó là tình yêu các thụ tạo, và bóng tối là tội lỗi của chúng, mỗi tội là một bóng đêm mới cho Cha. Sự cứng lòng của nhân loại đã khép kín tim chúng…. và chúng lại từ chối đền bù phạt tạ, sự vô ơn khủng khiếp như quỷ hỏa ngục làm Cha ngạt thở. Và tất cả những thứ đó làm thành một vực thẵm tối tăm, 1 sự ngạt hơi và đau đớn khôn tả. Ôi! Cha đau khổ đến chừng nào! 

Tình yêu Cha thật lớn lao quá độ mà chẳng nhận được gì đáp lại! Ngươi đem Ta từ ánh sáng bất diệt đến cái sâu thẵm của bóng tối dầy đặc và trong một chổ quá nhỏ để có thể thở dể dàngọ 

Trong lúc Chúa Giêsu nói lời này với tôi thì Ngài rên lên, tiếng rên như nghẹn ngào vì nơi ấy quá nhỏ bé, tôi nhỏ những giọt nước mắt xót thương và muốn đem đến cho Ngài một chút ánh sáng bằng tình yêu tôi, như Ngài đã xin tôi. Ai có thể diễn tả được nổi đau của Chúa Giêsu và tôi vì yêu thương các linh hồn?

Trong nổi đau buồn đó, Chúa dẩn tôi đến bài gẫm thứ 7.

NGÀY THỨ BẢY

Một Tình Yêu không được đáp trả và

mang thương tích bởi những vong ơn 

Này con, đừng để Cha một mình trong sự cô đơn và trong bóng tối này. Ðừng rời bỏ lòng Mẹ để con có thể suy gẫm về tình yêu Cha. 

Hãy nghe rõ đây con, trong lòng Chúa Cha, Cha được vui mừng trọn vẹn. Cha chẳng thiếu thốn gì cả: nào là hoan hỉ, hạnh phúc, tất cả đều thuộc về Cha. Các thiên thần quỳ bái tôn kính Cha và sẵn sàng phục vụ Cha. 

Cha có thể nói cho con hay rằng tình yêu to lớn của Cha đối với nhân loại làm Cha thay đổi thái độ. Cha cởi bỏ mọi vui sướng và hạnh phúc, và khước từ tất cả những cái tốt đẹp và lạc thú trên Trời để tự mặc lấy những yếu hèn của thụ tạo hầu ban cho chúng hạnh phúc, vui sướng và những khoan khoái vĩnh cửu của Cha. 

Tuy nhiên, những trao đổi này sẽ dể dàng hơn cho Cha nếu Cha không phải đối diện với những vô ơn quái gỡ và sự cứng lòng của những kẻ mất đức tin.

Ô! Tình yêu vô cùng của Cha thật ngở ngàng trước những vong ân đó! 

Cha thật đau khổ bởi những tâm hồn cứng lòng và ác tâm của nhân loại. Chúng làm Trái Tim Cha đau đớn hơn những gai nhọn, từ lúc nhập thể đến giờ sau cùng trên cuộc đời nhân trần của Cha, Cha phải chịu những cái đau kinh khủng.

Con hãy nhìn kỷ Trái Tim Cha, con có thấy nơi đó bao nhiêu là gai nhọn đã đâm thâu qua, Tim Cha đau đớn chừng nào! và máu từ đó tuôn chảy ra. Ôi đau vô cùng, vô cùng! 

Hỡi con, đừng vong ân như họ, vì nổi đau này sẽ là nỗi đau đớn nhất cho Giêsu, đó là con đóng cửa tâm hồn lại và để Cha ở ngoài ngỏ, lạnh cóng vì sự lạnh nhạt của con tim. Mặc cho những độc ác của nhân loại, tình yêu Cha đối với chúng sẽ không bao giờ cùng. Trái lại, nó làm nên một loại tình yêu khác trổi vượt hơn, đó là một tình yêu than van, nài nỉ và khuyến khích. Tình yêu này là bài gẫm thứ 8 cho con. 

NGÀY THỨ TÁM

Một Tình Yêu than van, khuyến khích và van nài 

 

Con ơi, đừng bỏ Cha một mình, hãy tựa đầu vào lòng Mẹ Cha, vì ngay từ bên ngoài, con đã nghe lời than van và nài nỉ và con biết rằng những lời này không khiến những linh hồn vô ơn trở về và cảm động bởi Tình yêu Cha. 

Con sẽ thấy điều này khi Cha còn là một đứa bé nhỏ, dơ tay ra như một người khốn khó, nghèo khổ nhất để xin chúng bố thí linh hồn chúng cho Cha, trong ước vọng được chúng thương mến và chiếm hữu những con tim chai đá vì ích kỷ. Con à, Trái Tim Cha muốn bằng mọi giá chinh phục con tim loài người. Vì vậy khi mõi mệt vì tỏ chúng biết Tình Yêu Cha qua 7 bài suy gẫm trên, Cha nhận thấy loài người còn ẩn ý và cố giả điếc làm ngơ, thờ ơ đối với những kho tàng của Cha và đối với chính Cha, cho nên Cha quyết định đi xa hơn. 

Tình yêu Cha đáng lẻ phải lùi bước trước những bội bạc và vô ơn. Nhưng không! Tình yêu đó luôn vượt qua giới hạn của nó từ trong lòng Mẹ Maria. Với lời than van của Cha, nó muốn đi đến mọi con tim nhân loại. Cha dùng mọi cách để thuyết phục, mọi lời nói dịu dàng và cảm động, những lời nguyện cầu thật thiết tha để làm mềm đi từng thớ thịt của con tim nhân loại, và như thế để làm gì? để đạt được chính trái tim thụ tạo. 

Ðối với thụ tạo Cha nói: Con Cha, hãy trao cho cha quả tim con, nó thuộc về Cha. Cha sẽ cho con tất cả những gì con muốn và thêm vào đó là chính Cha đây. Con chỉ cần cho Cha con tim con mà thôi để trao đổi, Cha bất chấp sự lạnh lùng và sự trống rỗng không biết yêu thương của nó. Hãy đến, và Cha sẽ sưởi ấm tim con bằng hơi nóng của Trái Tim Cha, nó sẽ bùng cháy lên để thiêu hủy tất cả những tình yêu thế tục trong tim con. Con biết đó, Cha từ trời xuống để nhập thể trong lòng Mẹ Cha, và Cha làm như thế chỉ để đem con vào lòng Cha Hằng Hửu. 

Ôi! đừng chối từ Cha, đừng để hy vọng của Cha bay mất đi, vì nó sẽ là những của báu vô cùng mà Cha dành cho con. 

Tuy vậy, Cha thấy rõ nhân loại cũng vẫn không tiếp nhận Tình yêu Cha. Họ đã quay lưng và rời bỏ Cha. Cha cố kêu chúng ở lại bằng những lời nài van thống thiết, dịu dàng và cảm động nhất; và với 2 bàn tay nhỏ bé, Cha chấp lại và cầu khẩn trong tiếng khóc nức nở:  <<Hỡi linh hồn nhỏ bé, con không thấy sao, Cha là một người hành khất đang xin con bố thí cho Cha quả tim con? Có thể nào con không muốn hiểu rằng sự hiện diện của Cha nơi đây chỉ là vì tình yêu tràn ngập của Cha đối với con. Một tình yêu không được đáp trả. con không thấy xót thương khi nhìn thấy Ðấng Tạo Hoá trở nên trẻ nhỏ để khỏi làm cho một ai hoảng sợ và để lôi cuốn các thụ tạo bằng tình yêu của mình. 

Tình yêu Cha hạ mình xuống xin bố thí cho Cha trái tim chai đá, hư hỏng cuả thụ tạo. Lòng con chẳng lẻ không cảm thấy xúc động trước tiếng khóc, trước những lời than van và nài nỉ của Cha sao?>> 

Con ơi, mặc cho những gì Cha làm, nhân loại như mất đi lý trí, bởi thay vì để chìm đắm trong lửa Tình yêu bừng cháy của Cha, họ lại tìm cách xa lánh và trốn tránh. Chúng còn đi tìm kiếm những tình yêu điên rồ làm chúng rơi vào sự hổn độn ghê rợn của satan, mà tại đó chúng sẽ khóc lóc cay đắng hơn nhiều và như thế cho đến đời đời. 

Trong lúc Chúa Giêsu vừa khóc vừa tỏ với tôi những lời này, tâm hồn tôi cảm thấy chìm đắm bởi một tình âu yếm không thể tưởng tượng nổi đối với tình yêu không được đáp trả này của Ngài.

Tôi chưa bao giờ cảm thấy lòng tôi tràn ngập yêu thương như lúc này. Tôi nói với Ngài: Chúa Giêsu của con ơi, Chúa đừng khóc nữa. Vâng, con xin dâng lên Chúa trái tim con và tất cả con người con và với một cách không so đo do dự. Hơn thế nữa, xin Chúa nhận lấy một món quà tốt đẹp hơn, đó là con sẽ lấy ra khỏi trái tim chai đá của con tất cả những gì không phải là Chúa. Xin Cha hãy ban cho nó được nên giống Thánh Tâm Cha.

Và như vậy, Cha có thể dùng nó làm nơi an nghỉ, một trái tim không lung lạc và trung tín.

Không chần chờ, Chúa Giêsu thêm: Con Cha, và bây giờ, hãy suy gẫm bài thứ 9 về tình yêu vô cùng của Cha. 


NGÀY THỨ CHÍN 

Tình Yêu trong tình trạng hấp hối và sự chết liên tục

 

Con ơi, tình trạng hiện tại của Cha trở nên mỗi lúc một đau đớn hơn. Nếu yêu mến Cha, thì con hãy luôn nhìn vào Cha đây, để nhớ rõ những gì Cha đã dạy dỗ con. Như thế con có thể đem đến cho Giêsu nhỏ bé của con nhiều ủi an, Cha đau khổ vô vàn con ơi! Chỉ cần một lời nói yêu mến Cha, một vuốt ve âu yếm và một cái hôn để làm cho lòng Cha được mãn nguyện khi nhận được tình yêu con đáp trả. 

Nghe đây con, sau khi suy gẫm tám bài về tình yêu vô cùng của Cha, nhân loại đáng lẻ đã được chinh phục bởi tình yêu cao cả và thành thật của Cha. Trái lại, chúng đáp lại bằng bao độc ác, nhưng lại làm Cha vẫn yêu thương chúng hơn; và tình yêu vô cùng này sẽ làm cho Cha đau khổ nhiều hơn nếu thế gian không đáp trả. 

Ðến bây giờ, nhân loại vẫn chưa bị bỏ rơi. Bài này bày tỏ một tình yêu nồng cháy và mãnh liệt đến đổi làm Cha nôn nóng rời khỏi lòng Mẹ để có thể đi tìm các linh hồn. 

Sau khi giử chúng khỏi rơi vào vực thẳm, Cha mong muốn ôm và hôn toàn thể nhân loại bội bạc này và dẩn chúng đến với Tình yêu Cha; để chúng mến yêu Vẻ Ðẹp, Sự Thật và Kho Tàng vĩnh cửu mà Cha muốn dành cho chúng. 

Sự mong ước này làm cho con người nhỏ bé của Cha như đang trong hấp hối và gần như làm Cha tắt hơi thở sau cùng. 

Nếu Cha không được sự trợ giúp và nâng đỡ của Thiên Tính Cha thì Cha đã chết từ lâu rồi. Thiên Tính nhỏ những giọt êm dịu trong cuộc sống Cha và giúp Cha chịu đựng sự hấp hối liên tục trong vòng chín tháng dài; mà có khi có thể nói rằng đó là những tháng ngày của sự chết chớ không phải của sự sống. 

Như thế Tình Yêu lớn lao của Cha đó là sự hấp hối liên tục từ ngày đầu mà Thiên Tính Cha vào lòng Mẹ để làm thành con người và để Thiên Tính Cha bị che dấu đi. Nếu không như thế thì Cha đã ghi vào lòng những thụ tạo Cha nổi sợ hãi thay vì là tình yêu. 

Khốn cho Cha biết bao! 9 tháng dài Cha đợi chờ các thụ tạo trong hấp hối đau khổ! tình yêu làm Cha ngạt thở và nhân loại làm Cha chịu đựng cái chết không ngừng. 

Con Cha! Cha lặp lại cho con biết, nếu nhân tính Cha không được Thiên Tính trợ giúp, thêm sức để Cha chịu đựng được tình yêu vô bờ đang thiêu hủy Cha thì nó đã bị tiêu tan như tro bụi bởi sự mãnh liệt của tình yêu. 

Trừ ra việc Tình Yêu Cha đau khổ đi ăn xin và nài van, Cha còn phải mang lấy gánh nặng của đau khổ mà mỗi thụ tạo mang đến cho Cha; và Cha đã phạt tạ cho chúng vì công lý của Chúa Cha đòi buộc. Và Tình Yêu Cha đã van xin họ bố thí cái gì? nếu không là bố thí cho Cha một con tim lạnh nhạt và vô tình của con người. 

Vì vậy mà tại sao cuộc sống Cha ở trong lòng Mẹ lại trở thành khổ đau như vậy và Cha cảm thấy rằng Cha không thể nào xa rời thụ tạo của Cha được. 

Cha muốn bằng mọi giá ôm chặt chúng vào lòng để chúng nghe được nhịp đập Trái Tim nóng bỏng của Cha, để hôn và ôm ấp chúng trong tình thương mật thiết và dịu dàng nhất của Cha và ban cho chúng kho tàng trên Trời. 

Con biết không, nếu con không ở bên Cha lúc này để an ủi Cha trước ngày Cha ra đời, thì chắc hẳn Cha sẽ bị thiêu hủy đi bởi tình yêu quá độ này. Hãy nhìn kỷ gương mặt Cha trong lòng Mẹ xem, con thấy Cha xanh xao biết chừng nào. Hãy để ý tới giọng nói yếu ớt của Cha đây, chẳng khác nào giọng của một người đang sắp lìa trần. Lắng nghe tiếng đập của Trái Tim Cha đây con, có những lúc nó đập thật mạnh, nhưng hiện giờ nó như ngừng đập. Ðừng xoay mặt nhìn nơi khác bởi vì, con xem, Cha đang cảm thấy như mình sẽ chết ngay lúc này. Phải, Cha chết, Cha chết vì yêu thương quá bội!

 

Trong lúc những điều này xảy ra, tôi cảm thấy như chết vì yêu mến Chúa Giêsu vô vàn. Chúa đang im lặng, sự lặng im của sự chết. Máu tôi như ngưng lại và ngừng chảy trong mạch máu và tôi không còn nghe nhịp đập của tim tôi. Tôi ngưng thở, tôi run lên từ đầu đến chân và ngả quÿ. Trong giấc ngủ như đã chết này, chỉ còn lưỡi tôi bặp bẹ: <<Chúa con ơi, Ngài là Tình Yêu, là Sự Sống và là Tất Cả của con, Chúa đừng chết nhé, bởi vì con sẽ yêu mến Chúa luôn mãi. Sẽ không bao giờ con xa rời Chúa nữa, cho dù con phải trả bằng mọi giá của hy sinh. Xin ban cho con chính ngọn lửa Tình Yêu Chúa để con yêu mến Chúa hầu càng lúc càng thiêu hủy con trong đó đến đổi con thuộc trọn về Chúa. Hỡi Ðấng thật cao quý, Ðấng vô-thủy vô-chung và là Chúa Giêsu của con.>>

 Dịch thuật: Lucia Teresa TN

“Neuvaine de Noel / Le Règne Du Divin Fiat Parmi Les Créatures” (Luisa Piccaretta)

Lưu ý: Bà Luisa Piccaretta cũng là tác giả của quyển “24 Giờ Khổ Nạn Của Chúa Giêsu)


Link:http://www.cungmedonghanh.com/cau-nguyen/tuan-cuu-nhat/tuan-cuu-nhat-le-giang-sinh/