Sách CUỘC CHIẾN THIÊNG LIÊNG THEO THÁNH KINH, TRONG HỘI THÁNH & NƠI CÁC THÁNH
Chương 6
TỔN THƯƠNG & ĐAU KHỔ
Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế. Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Kitô. Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường (1 Pr 5, 8-10).
“Đau khổ và chịu đựng”, như Đức Giáo Hoàng Lêô XIII nói trong hiến chế Rerum Novarum, là “số phận của con người”. Đau khổ ở đây là chịu đựng và với tư cách một chiến sĩ thiêng liêng, bạn không được miễn trừ. Hãy xác tín rằng, là một Kitô hữu hữu hình và sống động ... bao lâu còn trên dương thế, bấy lâu bạn còn đau khổ. Satan có thể là nguyên nhân những đau khổ của bạn trên trần gian; nhưng nó không thể là nguyên nhân khiến bạn bị huỷ diệt đời đời. Ân sủng của Thiên Chúa đủ cho bạn để chịu đựng và vượt qua bất cứ đau khổ nào mà Người cho phép. Là một chiến sĩ thiêng liêng, bạn là chiến sĩ của Thiên Chúa. Như một phần ý định và sự cho phép của Người, Satan sẽ phân tích sự yếu đuối ở những quyết tâm của bạn bằng những đòn tấn công lén lút và những cú đánh chớp nhoáng.
Satan sẽ khai thác bất cứ yếu đuối nào nó nhận ra, cách riêng mỗi tổn thương, mỗi đau khổ. Dẫu những đợt tấn công vào những tổn thương, đau khổ này có thể đã được phân loại hoặc là cám dỗ hoặc là quấy phá, chúng vẫn có bài bản riêng của chúng. Tổn thương, khổ đau là những lối vào phổ biến của Satan. Trong nhiều trường hợp, Satan không cần trực tiếp cám dỗ bạn ra xấu xa, chán nản, bận rộn, khoe mẽ nếu nó có thể điều khiển thương tổn hay đau khổ của bạn làm thay công việc ấy cho nó. Nó muốn mở rộng những vết thương của bạn, tạo một sự lây nhiễm nghiêm trọng trên thân xác đến nỗi thoạt đầu, bạn sẽ đâm đầu vào một cuộc sống tuyệt vọng hoặc suy đồi.
Chiến lược của kẻ thù có thể sánh với chiến thuật của một viên chỉ huy vốn có ý định nắm vững tình hình để chiếm lấy một vị trí ông ta muốn. Viên chỉ huy sẽ cho cắm trại, khám phá đồn lũy và pháo đài phòng thủ; sau đó tấn công vào điểm yếu nhất (Thánh Ignatiô Loyola).
Sự tuyệt vọng hoặc suy đồi Satan xúi bạn đâm đầu vào có cội rễ ở tội Adam và Eva; nó đã khai thác tổn thương và đau khổ của bạn. Tội nguyên tổ đã mở lối cho tổn thương và đau khổ của bạn được ma quỷ sử dụng để chống lại bạn.
405. Khi ban cho con người đời sống ân sủng của Đức Kitô, Bí tích Thánh Tẩy cũng xóa bỏ nguyên tội và quy hướng con người về Thiên Chúa, nhưng hậu quả của nguyên tội trên bản tính bị suy yếu và nghiêng chiều về sự dữ vẫn tồn tại nơi con người và đòi buộc con người phải chiến đấu mãi (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo).
407. Vì nguyên tổ phạm tội, ma quỷ đã phần nào thống trị trên con người, mặc dầu con người vẫn còn tự do. Hậu quả của nguyên tội là con người phải làm nô lệ dưới quyền kẻ bá chủ sự chết là ma quỷ. Nếu không biết bản tính con người đã bị thương tổn, nghiêng chiều về sự dữ, người ta có nguy cơ mắc phải những lầm lẫn nghiêm trọng trong lãnh vực giáo dục, chính trị, hoạt động xã hội và luân lý (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo).
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương băng bó cho lành (Tv 147, 3).
Phải, Ta sẽ phục thuốc cho ngươi, các thương tích của ngươi Ta sẽ chữa lành (Gr 30, 17a).
Mỗi người trong chúng ta đều bị tổn thương cách này cách khác. Thực tại tội nguyên tổ đòi buộc mỗi người phải trả một loại phí. Hoặc là một hậu quả của tội cá nhân, vết thương lòng, ly dị, chết chóc hoặc là sự buông thả; “những con người bị thương đang bước đi” là một mô tả thích hợp về con người. Hoặc nó được biểu hiện như một nỗi sợ, một cuộc chiến đang tiếp diễn, hoặc một chứng nghiện ngập, hay là một nhân đức thực hành đến mức khắc nghiệt ... tất cả chúng ta đều là đối tượng của những thương tổn. Là một chiến sĩ thiêng liêng, đôi khi bạn dễ bị thương tổn hơn trước ảnh hưởng của nguyên tội vì lẽ bạn được kêu gọi. Trước hết, nhu cầu chữa lành cái tôi là điều rất mực quan yếu nếu bạn ước mong có thể giúp đỡ người khác.
Tổn thương phát sinh từ một trong hai nguồn gốc sau đây: thiếu vắng tình yêu hoặc thiếu nhận thức về tình yêu. Trong hầu hết trường hợp, thiếu nhận thức về tình yêu là căn nguyên. Hãy nghĩ đến điều đó trong chốc lát. Những nỗi sợ, những lắng lo, thất vọng, áp chế, những nỗi ám ảnh và các chứng nghiện ngập bạn đã trải qua ... hầu như lúc nào cũng bắt nguồn từ việc thiếu nhận thức về tình yêu. Đó là những lúc bạn nghĩ mình không được yêu thương hoặc bởi Thiên Chúa, cha mẹ, vợ, chồng, bè bạn, .v.v.. bất chấp điều đó đúng thật sự hay không. Bạn phủ nhận, bỏ qua hoặc bóp méo những biểu hiện yêu thương mà bạn đã thực sự đón nhận để rồi bám lấy ý tưởng vạy vò rằng, mình không được yêu. Trong trường hợp này, nhận thức trở thành thực tại.
Vì Thiên Chúa là tình yêu (x. 1 Ga 4, 16), nên khi cảm nghiệm thiếu vắng tình yêu, bạn cảm nghiệm thiếu vắng Thiên Chúa. Thế nhưng, sự thiếu vắng Thiên Chúa mà bạn cảm nghiệm được nhận thức ở đây không có thật. Vì nếu cuộc sống bạn thực sự thiếu vắng Người, tức là nếu Thiên Chúa không tác động sức sống của Người trên bạn, bạn đâu còn tồn tại. Cũng sẽ không có một cảm nghiệm thiếu vắng Thiên Chúa thực sự, vì chính tình yêu của Người đang nâng đỡ bạn [“Đêm tối” linh hồn được cảm nghiệm bởi một vài vị thánh không hề là sự thiếu vắng Thiên Chúa. Thực ra, đó là một lời mời gọi đồng thời là một chuẩn bị cho sự kết hợp ở một cấp độ cao hơn với Người].
Ngay cả ma quỷ trong hoả ngục cũng chỉ tồn tại do bởi sức sống của Thiên Chúa trong chúng. Sức sống này là tình yêu của Người. Cho dù những tên quỷ đó ở trong hoả ngục, bởi chúng tự ý muốn thế, vĩnh viễn không thể quay lại với tình yêu của Người, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng.
Cảm nghiệm thiếu vắng Thiên Chúa là trò ma mãnh của tên xấu xa cốt để bạn nghĩ rằng, bạn đang thiếu tình yêu và phương dược chữa lành vết thương của bạn có thể được tìm thấy bên ngoài Thiên Chúa. Sự thật này chỉ có trong khoảnh khắc khi bạn trải nghiệm Phúc Kiến; bấy giờ, mọi thương tích sẽ không còn. Không còn vì lúc bấy giờ, bạn sẽ “hiểu” theo một cách thức bạn chưa từng hiểu trước đây rằng, Thiên Chúa là tình yêu và bạn đã luôn luôn, đang luôn luôn và sẽ luôn luôn được Người yêu thương.
Khi cảm nghiệm về sự thiếu vắng Thiên Chúa, bạn cố tạo ra một vị chúa khác để một lần nữa có thể cảm nhận tình yêu. Dẫu vị chúa bạn tôn thờ là vô thực và tình yêu bạn nhận thức là giả tạo, bạn vẫn tích cực ủng hộ và bảo vệ nó. G.K. Chesterton diễn tả điều đó theo cách này, “Tất cả những ai gõ cửa nhà thổ đều đang đi tìm Thiên Chúa”. [Thật quan trọng để lưu ý rằng, nỗ lực lấp đầy khoảng trống của bạn bằng cách tạo ra một vị chúa khác, thực ra, không tạo được gì cả. Dù vậy, nó mở cửa cho Satan vào khai thác nỗi đau và làm bạn xa rời Thiên Chúa đích thực hơn]. Thế gian và xác thịt được Satan trợ giúp và xúi giục lừa phỉnh bạn trong việc “tạo ra” một vị chúa vô thực và hữu hạn để tôn thờ. Vị thần được tôn thờ thường là tiền bạc, dục vọng và quyền lực - nhưng tất cả đều phí công hoài sức để có thể lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn. Satan muốn đưa ra những “Lời Khuyên Trầm Luân” của nó để chống lại những “Lời Khuyên Trọn Lành” của Đức Kitô.
Satan sẽ cung cấp đầy đủ chứng cứ để cho thấy việc chạy theo tiền bạc, dục vọng và quyền lực là phương thế giúp bạn trải nghiệm tình yêu bạn đang khao khát. Nó sẽ dụ bạn dính mồi, tưởng thưởng và khuyến khích bạn gia tăng nỗ lực trong việc tạo ra một cảm nhận lệch lạc về tình yêu. Như một lái buôn ma quý tặng không những mẫu hàng để một ai đó mắc vào; cũng thế, một khi Satan đã giam hãm bạn, nó sẽ làm bạn mê muội, rối bời để bạn không thể trốn thoát. Đừng để bị mắc lừa, lạc thú là xác thịt, phù du và trên hết là dối trá. Không một số lượng hữu hạn nào lại có thể thoả mãn cái đã được tạo ra cho vô biên.
Không một tạo vật nào có khả năng lấp đầy tâm hồn con người; chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể đổ đầy nó đến vô cùng (Thánh Tôma Aquinô).
Đừng để những vui thú giả tạo của một thế gian dối trá lừa phỉnh con (Thánh Clara Assisi).
Thoạt tiên, Satan không làm nảy sinh trong tâm trí con người một điều gì đó mà bề ngoài xem ra xấu xa, nhưng một điều gì đó xem ra tốt lành (Thánh Tôma Aquinô).
NHỮNG LỜI KHUYÊN TRẦM LUÂN
Với một số người, chính việc kiếm tiền đã trở nên [nhận thức nhầm lẫn] nguồn cứu rỗi của họ. “Hãy nhìn tôi, tôi thành công” hay “Tôi là người giàu có; thế nên, tôi là một ai đó” ... là những biểu hiện của thái độ phổ biến này. Sự bận rộn và nhu cầu kiểm định thường xuyên hiệu năng công việc là biện pháp che đậy những tổn thương bên trong. Tiền, chứ không phải là ân sủng, trở nên thành tích cho cuộc sống của họ. Tiền, chứ không phải là ân sủng, trở nên thước đo khả năng và giá trị của họ. Vậy mà, chính ân sủng, chứ không phải tiền bạc, mới có phần thưởng vĩnh cửu. Khác với tiền bạc, bạn luôn có thể mang theo ân sủng bên mình. Là một chiến sĩ thiêng liêng, tiền bạc không là chủ nhân của bạn. Của cải rồi sẽ qua đi, sự sống trong Đức Kitô mới đời đời.
Thái độ tự mãn, kiêu căng, nóng giận, sợ hãi và bất an thường gặp ở đây.
Những điều này không được nói một cách hững hờ hay bất cẩn. Khi được hỏi liệu họ có yêu ma quỷ không, không ai trả lời mình yêu nó; đúng hơn họ ghét nó; và cách chung, tất cả đều nói họ yêu mến Thiên Chúa. Thế nên, hoặc là họ sẽ ghét ma quỷ và yêu mến Thiên Chúa; hoặc là họ gắn bó với nó và coi khinh Người (Thánh Augustinô).
Giàu sang không thuộc về chúng ta, vì chúng là một cái gì ngoài tự nhiên; chúng không đi vào trần gian, cũng không rời bỏ trần gian với chúng ta. Nhưng Đức Kitô là của chúng ta vì Ngài là sự sống của con người (Thánh Ambrôsiô).
Những tội tự bản chất mang tính tình dục thông thường là một toan tính đạt đến yêu thương qua xác thịt. Khiếm nhã và quá khích trong cách ăn mặc là một tay cám dỗ khác. Những tội xác thịt kêu lên, “Tôi cần tình yêu”, tất nhiên như thể chúng kêu lên “Hãy nhìn vào tôi”. Quyền lực, đặc biệt đối với phụ nữ; và vẻ muốn thống trị, đặc biệt đối với nam giới ... là những biểu hiện bên ngoài của những thương tổn bên trong khi chúng bộc lộ qua tính dục. Sự trong sạch bị bán rẽ trong cuộc đeo đuổi không ngơi nghỉ, dẫu rất phù phiếm, một tình yêu vô hạn từ một xác thịt hữu hạn. Sức lôi kéo của Satan [của thế gian và xác thịt] mạnh mẽ một cách đặc biệt ở đây. Satan hí hửng gấp bội với những tội xác thịt, bởi lẽ con người sẽ phạm tội và thân xác họ bị báng bổ. Là một chiến sĩ thiêng liêng, dù ơn gọi của bạn là gì, bạn cần bảo đảm rằng, tính dục của mình vẫn giữ được sự tinh tuyền và tính thiêng thánh của nó. Đừng đánh mất sự trong sạch, cũng đừng để mất bình an.
Thái độ quyền lực, thống trị, dối trá, dâm dật, sợ hãi và bất an thường gặp ở đây.
Hãy lập tức quay lưng với tất cả những gì quyến rũ hoặc dẫn đến việc làm vẩn đục đức khiết tịnh của con, vì tên quỷ này hành động âm thầm chẳng để ai biết bằng những khởi đầu nhỏ nhặt vốn sẽ tiến tới những hiểm hoạ lớn lao (Thánh Phanxicô Salêsiô).
Ngay khi sẵn lòng trò chuyện với cám dỗ, linh hồn con đã bị đánh cắp bình an; tương tự như thế, thuận theo điều ô uế sẽ huỷ hoại ân sủng (Thánh Josemaria Escriva).
“Tôi là người đặc biệt”, “Tôi là người quyền thế”, “Tôi là người chỉ đạo” ... Đó là biểu hiện của những ai lấy quyền lực để che đậy những thương tổn của họ. Việc bám chặt quyền lực và nắm quyền kiểm soát cho thấy những thương tổn rõ hơn bất cứ quyền bính thực nào mà nó biểu thị. Các nhân đức có khuynh hướng thái quá, những thói quen trở thành điều bắt buộc và sức mạnh được phóng đại thường là tổn thương kiếm tìm tình yêu. Là một chiến sĩ thiêng liêng, đặc biệt nếu bạn ở địa vị lãnh đạo, điều quan trọng là phải khiêm tốn. Hãy nhận ra rằng, quyền lực của bạn hoàn toàn thuộc về và chỉ thuộc về Đức Giêsu Kitô.
Thái độ quyền lực, thống trị, dối trá, sợ hãi và bất an thường gặp ở đây.
Vì tâm trí con người luôn hướng về kiêu căng cả khi không có quyền lực; phương chi khi đã có quyền lực, nó sẽ tâng mình lên biết bao (Giáo Hoàng Grêgôriô Cả).
Satan nhìn thấy sức mạnh và sự kiên vững của ý chí nơi những ai chú trọng đến đời sống thiêng liêng. Chúng tìm chinh phục họ bằng sự hiếu kỳ hầu chiếm hữu tâm trí và ý chí. Để đạt mục đích này, Satan có thói quen gợi lên nơi họ những ý nghĩ cao thượng, tinh tế và kỳ lạ, đặc biệt nơi những ai thông minh sắc sảo và nhanh nhạy đưa ra những suy đoán cao quý. Bị hấp dẫn bởi thú vui chiếm hữu và khảo sát những ý nghĩ thanh cao như thế, họ quên canh chừng sự thanh sạch của tâm hồn, bỏ qua việc đánh giá khiêm tốn về bản thân và chết cho chính mình thực sự. Vì thế, họ mắc phải gông cùm của kiêu ngạo và tự đắc. Họ tạo ra một thần tượng theo ý mình và vì thế, dần dần, một cách vô ý thức, họ rơi vào ý nghĩ sẽ không cần bất cứ lời khuyên hay khiển trách nào từ những người khác, vì trong mọi trường hợp, họ quen tìm đến thần tượng vốn được tạo ra từ sự hiểu biết và phán đoán của mình (Thánh Nicôđêmô Núi Thánh).
Cám dỗ bởi tiền bạc, dục vọng và quyền lực là ba lợi khí lớn của Satan khi khai thác sự tổn thương. Nó đề nghị đổi khoái lạc lấy đau thương ở những gì mà khởi đầu dường như là một hợp đồng béo bở. Khoái lạc Satan đưa ra vừa làm hại, vừa tức thời, vừa làm cho ngây ngất. Nó trao tặng một sự xoa dịu ngắn ngủi làm khuây khoả thực tại, nỗi đau và chứng đau đầu. Chính những khoái lạc chóng qua này giữ chân bạn lui tới tìm kiếm nó nhiều hơn và biến các cám dỗ thành đồn lũy. Cuộc kiếm tìm tình yêu ban đầu chỉ là hiếu kỳ, nhưng rồi sẽ là một thói quen, sau đó là một cơn nghiện.
Kẻ thù ghì chặt ý chí của tôi, làm cho tôi một xiềng xích để bắt tôi làm tù nhân. Hậu quả của một ý chí bị bóp méo là tình dục. Qua việc tùng phục tình dục, thói quen được hình thành, một thói quen không còn gặp thấy một kháng cự nào (Thánh Augustinô).
Như trong những cơn nghiện, mức độ thoả mãn nhận được từ khoái lạc chóng qua sẽ giảm dần theo thời gian trừ phi liều lượng hay tần suất được gia tăng. Cùng với những nghiện ngập, khoái lạc chóng qua lại thích ứng với những loại nghiện ngập khác như rượu bia, ma tuý và cờ bạc. Ước muốn tránh đau khổ mạnh đến nỗi bạn sẽ tìm kiếm những giải pháp quá khích để chạy trốn và sống chung với nó. Ngay cả việc tự tử cũng là một nỗ lực trốn chạy khổ đau đời này. Tổn thương của bạn dễ dàng trở thành mục tiêu cho sự thao túng của ma quỷ. Nó sẽ cám dỗ bạn hướng chiều về một sự an toàn và thoả mãn thế tục mà rốt cuộc chỉ là giả trá và ảo giác, một nền móng bằng cát chứ không phải bằng đá.
Ai chỉ xây dựng đời mình trên những gì có thể thấy được, đụng được như thành công, nghề nghiệp và tiền bạc ... người ấy xây dựng ngôi nhà đời mình trên cát (Giáo Hoàng Bênêđictô XVI).
Phương dược giải trừ việc khai thác tổn thương của bạn có thể được tìm thấy bằng cách tìm biết Satan đang đánh lừa bạn về điều gì khi nó xúc tiến ba cám dỗ lớn là tiền bạc, dục vọng và quyền lực. Như thường khi, Satan lấy những gì là thánh thiêng, chân thật rồi xuyên tạc chúng theo mục đích riêng. Cám dỗ tiền bạc, dục vọng và quyền lực báng bổ và giải thích lệch lạc ý nghĩa các nhân đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Một cách kiên định, Giáo Hội nói đến khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục như những phương dược chữa lành các cám dỗ trống rỗng của thế gian, xác thịt và ma quỷ.
Đức Giêsu sống, rao giảng khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Giáo Hội giới thiệu các nhân đức này như những phương tiện dẫn đến trọn lành Kitô giáo. Đối với người Kitô hữu, đặc biệt với những ai hăng hái tham chiến, các nhân đức này là nguồn sức thiêng và phòng ngự tuyệt hảo chống lại Satan. Không là những danh giá rỗng tuếch hay những chiến tích trần tục mang tính tiền bạc, dục vọng hay quyền lực nhưng đó là những công cụ Thiên Chúa tặng ban để trợ giúp bạn trên con đường tiến về phần thưởng đời đời của mình.
Cách tốt nhất để chuẩn bị chết là sống mỗi ngày như thể ngày cuối cùng. Hãy nghĩ đến kết cục của danh dự, giàu sang cùng những vui thú trần gian và tự hỏi: Rồi sao nữa? Rồi sao nữa? (Thánh Philip Nêri).
Lời Khuyên Trầm Luân là nỗ lực của Satan nhằm xúi bạn thay thế Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá không phải được tạo thành, bằng một vị thần do bạn tạo ra: tiền bạc, dục vọng hay quyền lực để đổi phần thưởng và vui thú thiên đàng lấy thú vui trần gian, xác thịt và ma quỷ; đổi sự sống lấy sự chết. Lời Khuyên Trầm Luân sẽ dẫn bạn thẳng tới hoả ngục.
LỜI KHUYÊN TRỌN LÀNH
Tự bản chất, khó nghèo vật chất thực sự không phải là một điều thiện luân lý. Nó chỉ tốt trong mức độ trợ giúp trưởng thành thiêng liêng. Chẳng hạn, nghèo khó có thể dẫn đến tinh thần từ bỏ để tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Tự nguyện từ bỏ của cải chóng qua vì Nước Trời là một nhân đức để Satan không có nhiều cơ hội sử dụng tiền bạc và của cải như một khích lệ để dẫn bạn đến sự dữ. Bạn không cần từ bỏ hết mọi của cải để trở thành chiến sĩ trung thành của Đức Kitô, dẫu trong Tin Mừng, Ngài nói đó là con đường trọn lành. Bạn chỉ cần từ bỏ những gì không cần thiết, chứ không phải những gì thiết yếu.
Khi trao tất cả những gì bạn có cho Chúa, khi đặt tất cả sở hữu của bạn cho công việc của Người, thì khi ấy và chỉ khi ấy, của cải không làm bạn trì trệ. Đó chính là khó nghèo thiêng liêng đích thực: đặt tất cả những gì là bạn, những gì bạn có trước Thiên Chúa.
Mọi của cải trần gian chỉ là một thứ trang phục cho thân thể; vì thế, ai nóng lòng chiến đấu với ma quỷ, phải vứt bỏ những thứ vướng víu này, bằng không, sẽ bị đánh bại (Thánh Grêgôriô Cả).
Khiết tịnh là nhân đức tiết chế ước muốn dục vọng trong hành động cũng như trong suy tưởng. Nó làm thế theo mệnh lệnh của đức tin và lý trí đúng đắn; đồng thời phù hợp với từng bậc sống. Như thế, mọi chiến sĩ Chúa Kitô, sống độc thân, kết bạn hay dâng hiến đều được mời gọi đến với đức khiết tịnh, dù khiết tịnh được hiểu và biểu hiệu khác nhau. Với những người độc thân, khiết tịnh đòi hỏi kiềm chế những quan hệ tình dục cho tới khi và trừ phi họ đi vào hôn nhân theo bí tích. Với người đã kết hôn, khiết tịnh đòi hỏi quan hệ tình dục của họ phải thánh thiện, dành riêng cho người phối ngẫu và hướng đến sự sống. Với những người có chức thánh hoặc lời khấn, khiết tịnh thường kèm theo lời mời gọi độc thân.
Dù ở ơn gọi nào, mục đích của khiết tịnh đều giống nhau, cốt để ngăn ngừa thân xác làm vẩn đục và chiếm đoạt linh hồn. Gian dâm, ngoại tình, tránh thai, đồng tính, thủ dâm, .v.v.. đều nghịch với đức khiết tịnh. Những ý nghĩ dâm dật, phóng túng, nhục dục cũng nghịch với đức khiết tịnh và cung cấp cho Satan chỗ ẩn núp cần thiết để gài bẫy bạn.
Giữa những lưu tâm đạo đức khác, hãy nhớ, linh hồn chúng ta là đền thờ Thiên Chúa; như vậy, phải giữ nó tinh tuyền và vô tì tích trước mặt Người cùng các thiên thần của Người. Hãy thẹn thùng vì đã nhiều lần, chúng ta mở đường cho Satan cùng cạm bẫy của nó với những lôi kéo của thế gian, những phô trương, những chào mời của nó đến với xác thịt qua việc không thể giữ cho tâm hồn tinh tuyền và thân xác thanh khiết; hãy thẹn thùng vì chúng ta đã để kẻ thù lẻn vào tâm hồn, như thế, xúc phạm đền thờ Thiên Chúa vốn đã trở nên chốn Người ngự qua Bí tích Thánh Tẩy (Thánh Piô Pietrelcina).
Theo từ nguyên học, “vâng phục” bao hàm một hành động kép, trước hết là lắng nghe, sau đó là đáp lại. Vâng phục đích thực bao gồm sự phục tùng của bản ngã, sự khuất phục lòng kiêu căng, bỏ lại đằng sau mọi bám víu thế gian và bằng lòng từ bỏ cái tôi. Vâng phục bao hàm một quyền bính đáng được tuân phục và một thần dân đủ khiêm tốn để làm điều đó. Đức Giêsu Kitô và Hiền Thê của Ngài là Hội Thánh đích thực xứng đáng và hoàn toàn nắm giữ quyền này. Niềm tin vào Thiên Chúa và Hội Thánh của Người được thể hiện và đào sâu qua đức vâng phục.
Vâng phục trọn vẹn đòi hỏi sự tùng phục của thân xác, ý chí và lý trí trước thẩm quyền thích đáng. Mọi chiến sĩ Chúa Kitô đích thực được mời gọi nhận biết và khiêm tốn tùng phục thẩm quyền này. Vâng phục chống lại Satan.
Ma quỷ biết rõ việc cứu rỗi các linh hồn tuỳ vào lòng vâng phục. Đó là lý do tại sao nó vất vả bỏ công ngăn cản điều đó (Thánh Têrêxa Avila).
Vâng phục là hy sinh lớn nhất có thể có của con (Thánh Gioan Bosco).
Mang lấy ách của sự thánh thiện là vâng phục đích thực (Thánh Catarina Siêna).
Hai chọn lựa để đeo đuổi việc lấp đầy lỗ hổng có dáng dấp Thiên Chúa trong tâm hồn bạn: chọn lựa của Satan, chọn lựa của Thiên Chúa. Tiền bạc, dục vọng và quyền lực là những chọn lựa Satan chào mời; khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục là những chọn lựa Thiên Chúa kêu gọi. Trong khi khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục không nhất thiết chữa lành vết thương trong tâm hồn, nhưng chúng sẽ mặc cho nó ý nghĩa và mục đích. Chúng cho phép thương tích của bạn kêu lên Thiên Chúa, dâng lên Người vinh quang và nhờ ơn Người, cứu các linh hồn. Tiền bạc, dục vọng và quyền lực ... như một phương thuốc cho những thương tổn, không có ý nghĩa cũng chẳng mục đích, chúng chỉ có thể ngụy trang và vì thế, khiến thương tích thêm trầm trọng. Tâm hồn bạn sẽ khắc khoải cho tới khi lỗ hổng có dáng dấp Thiên Chúa được lấp đầy chính Người, vì Thiên Chúa là tình yêu.
Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa, ôi lạy Chúa, và tâm hồn chúng con mải băn khoăn khắc khoải cho tới khi được yên nghỉ trong Người (Thánh Augustinô).
Ngoài Chúa ra, ai có thể đem bình an cho con? Có bao giờ thế gian thoả mãn được tâm hồn? (Thánh Gerard Majella).
Tâm hồn chúng ta chỉ tìm thấy an nghỉ nơi Thiên Chúa (Thánh Phanxicô Salêsiô).
Vậy, chính vì Đức Kitô đã chịu đau khổ trong thân xác, nên anh em cũng phải lấy tư tưởng này làm khí giới: ai chịu đau khổ trong thân xác thì đoạn tuyệt với tội lỗi, để bao lâu còn sống trong thân xác, người ấy không theo những đam mê của con người nữa, mà theo ý muốn của Thiên Chúa (1 Pr 4, 1-2).
Nghĩ đến đau khổ, phần lớn người ta có xu hướng tập trung vào khía cạnh thân xác. Từ đau đầu đến đau tim, cảm lạnh đến ung thư, từ chàm bội nhiễm đến phù thũng ... đau khổ thân xác biểu hiện ở nhiều dạng. Tương tự như thế, những đau khổ thuộc lý trí và cảm xúc cũng có thể hành hạ thân thể.
Bên cạnh đó, một đau khổ khác sâu sắc hơn cả đau khổ thân xác là đau khổ của linh hồn. Khi bạn bị hiểu lầm, bị khước từ, phớt lờ, cô lập, bách hại, làm nhục, lãng quên, vu khống, phản bội, phủ nhận hay nghi ngờ ... điều đó gây thương tổn và đau đớn cho linh hồn. Nó cũng có thể khiến thân xác đau đớn, nhưng chính linh hồn mới mang lấy gánh nặng lớn lao của đau khổ. Đau khổ linh hồn thường vẫn không chẩn đoán được, hoặc may lắm là chẩn đoán sai.
Cô đơn và cảm giác vô dụng là cái nghèo kinh khủng nhất (Chân Phước Têrêxa Calcutta).
Mỗi loại đau khổ có thể gây đau đớn theo cách thức của nó và mỗi loại đều có thể thánh hoá bạn. Được phép Thiên Chúa, đau khổ là cơ hội rất thuận tiện để lớn lên trong việc nên thánh. Rốt cuộc, mọi hành động Thiên Chúa cho xảy ra đều được sắp xếp nhằm thánh hoá bạn. Là một chiến sĩ thiêng liêng, bạn phải chú ý đến mọi loại hình đau khổ và tác động của chúng trên bạn. Bạn phải sẵn sàng và có khả năng thánh hoá bất cứ đau khổ nào mà Thiên Chúa để bạn trải nghiệm.
Mọi đau khổ, ít nữa, đều có nguồn gốc xa xôi của nó nơi tội Adam. Những nguyên nhân gần của đau khổ là hành động của bạn, khi bạn để mình nằm ngoài chiếc áo bảo vệ của Thiên Chúa; nguyên nhân đó còn là hành động của những người khác, những người có lẽ tìm cách áp đặt ý chí tự do của họ trên bạn. Đau khổ cũng có thể là công cụ của ma quỷ hay là việc Thiên Chúa kéo lui chiếc áo bảo vệ của Người. Người có thể cho phép đau khổ xảy ra vì những lý do hiển nhiên như trừng phạt, kỷ luật, hay thử thách. Một số khác thì không rõ lý do như việc tại sao Thiên Chúa cho phép đau khổ bao gồm cả việc chuộc lại lỗi lầm, làm khuây sự công minh của Người hay sửa trị, thanh tẩy hoặc thống hối. Dù nó xuất phát từ đâu, chúng ta cũng đừng bao giờ phí phạm đau khổ nhưng hãy luôn coi đó là một cái gì được tặng ban.
Sự dữ vẫn gắn liền với tội lỗi và sự chết. Đau khổ không thể tách rời tội nguyên tổ khỏi những gì mà thánh Gioan gọi là “tội thế gian”. Ở tận căn đau khổ của con người, có một sự dính líu phức tạp đến tội (Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).
Satan sử dụng đau khổ của bạn như chiếc đòn bẩy. Nó sẽ tìm cách dùng đòn bẩy này để làm suy yếu quyết tâm của bạn, khiến bạn ngoảnh mặt với Thiên Chúa và ân sủng của Người; đồng thời, hướng bạn đến thất vọng và chết chóc. Bạn chỉ có thể vượt thắng mưu chước Satan bằng cách hiến dâng và thánh hoá những tổn thương và đau khổ của mình. Khi làm thế, bạn không cho Satan một cơ hội nào để sử dụng đau khổ chống lại bạn nhưng tạo cơ hội để Thiên Chúa sử dụng đau khổ cho vinh quang Người và cứu độ bạn. Dẫu có thể không hiểu lý do tại sao Thiên Chúa để một đau khổ đặc thù nào đó xảy ra, nhưng bạn phải tin rằng, nhờ ơn Người, bạn có thể chịu đựng được.
Hãy để tôi đau khổ hoặc để tôi chết (Thánh Têrêxa Avila).
Vả lại, nếu người Kitô hữu hiểu biết, kiên vững dưới bất cứ hoàn cảnh và lề luật nào mà họ tin, họ sẽ ý thức rằng, họ phải đau khổ nhiều hơn những người khác trên thế gian vì phải chiến đấu nhiều hơn với những công kích của ma quỷ (Thánh Cyprianô Carthage).
Con nói, con là tội nhân, rồi không ngạc nhiên khi mình phạm tội! Làm sao một người bệnh có thể giấu nhẹm biểu hiện ốm đau của mình! Ta xin nói thêm, làm sao người anh em của con trong Chúa Kitô đau ốm lại không tỏ lộ bệnh tình của họ được! Đây là điều Giáo Hội bảo chúng ta “hãy mang gánh nặng của nhau vì Chúa Kitô”. Giáo Hội nói điều này để chúng ta không bị lúng túng trước những thử thách gay gắt đang xảy đến (Thánh Cyril Alexandria).
Ở tận đáy của mọi lý do gây nên thương tổn và đau khổ, thậm chí vượt xa hơn cả tội lỗi, là tình yêu. Tình yêu, câu trả lời duy nhất cho vấn nạn đau khổ và tổn thương. Tình yêu Thiên Chúa, thường không dò thấu nhưng luôn trọn vẹn, đổ xuống trên bạn ngang qua tan vỡ và đau thương. Thập giá là bằng chứng hùng hồn về điều đó.
Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên bạn có thể đi đến chỗ nhận biết chân lý về Người ngang qua thương tổn và đau khổ của mình. Bạn không hiểu chân lý này theo lối giả thuyết nhưng bằng cách dự phần vào công trình cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô. Chính khi mang lấy và ôm chặt thập giá của mình, chính khi tha thứ cho những ai gây đau khổ cho mình, bạn đi đến chỗ hiểu được thương tổn và đau khổ và vì thế, hiểu được tình yêu. Chính khi yêu mến thập giá, chính khi thứ tha, bạn mới có thể vượt thắng những cám dỗ và quấy phá của Satan. Hãy yêu mến Thiên Chúa, hãy yêu mến tha nhân. Nếu thực hiện điều đó một cách trọn vẹn, bạn sẽ có khả năng chịu đựng đau khổ theo gương Đức Giêsu trên thập giá.
Tình yêu là chất liệu đầu tiên xoa dịu nỗi đau (Thánh Piô Pietrelcina).
Những lời cầu nguyện của Đức Kitô trong vườn Cây Dầu chứng minh chân lý tình yêu qua chân lý đau khổ (Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).
Tổn thương, đau khổ không được hiến dâng là những cánh cửa tiềm tàng hé mở cho Satan. Đừng cho nó bất kỳ đòn bẩy nào. Hãy thường xuyên lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là Bí tích Hoà Giải. Hãy trao mọi khổ đau, thương tổn, băn khoăn, lo lắng, sợ hãi, cám dỗ và quấy phá cho Thiên Chúa. Hãy phó dâng hoàn toàn ý chí của bạn cho Người. Sung mãn cũng như hạnh phúc của bạn chỉ ở nơi một mình Người. Hãy để những cám dỗ và quấy phá của Satan hoạt động cho Nước Trời và vinh quang Người. Đây là lúc thánh hoá những đau khổ và thương tổn của bạn. Hãy can đảm đón nhận đau khổ bằng cách khổ đau vì Đức Kitô, với Đức Kitô và qua Đức Kitô.
Chúng ta chỉ có thể lên trời qua đau khổ, nhưng không phải hết thảy những ai khổ đau đều tìm thấy ơn cứu độ, chỉ những ai sẵn sàng chịu đau khổ vì yêu mến Đức Giêsu Kitô, Đấng chịu đau khổ trước hết vì chúng ta (Thánh Vincent Phaolô).
Đức Kitô không cưỡng bức ý chí chúng ta; Ngài chỉ nhận những gì chúng ta trao. Nhưng Ngài cũng không hiến mình hoàn toàn cho đến khi thấy chúng ta hiến dâng trọn vẹn bản thân cho Ngài (Thánh Têrêxa Avila).
Không ai thật sự hạnh phúc vì có những gì họ muốn, nhưng chỉ hạnh phúc thật sự khi có những gì đáng phải ước ao (Thánh Augustinô).
Chương 7
THÂN XÁC & LINH HỒN
Còn điều xấu dưới bất kỳ hình thức nào thì hãy lánh cho xa. Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, thân xác và tâm hồn anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta quang lâm (1 Tx 5, 22-23).
Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý (Pl 4, 8).
Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác của anh em nữa, khiến anh em phải nghe theo những dục vọng của thân xác. Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa (Rm 6, 12-13).
Cuộc chiến thiêng liêng liên hệ đến toàn thể con người, thân xác và linh hồn. Thân xác, với những cảm quan, đam mê của nó được dựng nên để hài hoà với linh hồn cùng những khả năng của trí tuệ, ký ức và ý chí. Tác động dai dẵng của nguyên tội và những hệ lụy đang xảy ra của tội cá nhân tạo nên một trạng thái không tự nhiên, không hoà hợp giữa thân xác và linh hồn.
Ma quỷ tìm cách tận dụng sự mất trật tự này và ép bạn từ bỏ ý chí tự do của mình. Nó sẽ ra sức lèo lái giác quan, kích động đam mê, châm ngòi trí tưởng tượng và xúi giục suy nghĩ của bạn hướng chiều về điều dữ. Ý chí của bạn là tuyến phòng thủ cuối cùng; nhờ ơn Chúa, nó có thể không bị xâm phạm. Bạn hãy chống lại xảo quyệt của Satan bằng cách đào luyện ý chí nhận ra công việc của nó; đồng thời, củng cố ý chí trong ánh sáng đức tin và cầu nguyện.
Hãy tránh mọi mánh khoé của ma quỷ (Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả).
“Bằng những phi tiêu”, cám dỗ và những ước muốn ghê tởm; “cháy bỏng lửa”, đặc tính của những ước muốn này mà Satan dùng để tấn công bạn. Vậy mà, nếu lòng tin có thể chế ngự các thần dữ, nó cũng có thể chế ngự nhiều hơn thế, những đam mê của linh hồn (Thánh Gioan Kim Khẩu).
Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Người và giống Người. Người tạo dựng nó như một tạo vật có lý trí với một ý chí tự do. Khi làm vậy, Thiên Chúa ban cho con người phẩm giá và tự do, ban cho nó khả năng chọn lựa giữa tốt và xấu. Chính tự do này mà ma quỷ tìm cách lợi dụng.
13. Con người được Thiên Chúa dựng nên trong tình trạng công chính; tuy nhiên, ngay từ buổi đầu lịch sử, vì nghe theo Thần Dữ, con người đã lạm dụng tự do của mình (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng).
Sự lạm dụng tự do xảy ra do việc dùng sai và lợi dụng giác quan, đam mê, lý trí và ý chí. Giác quan của bạn là những phương tiện qua đó, bạn tương tác và trải nghiệm thế giới. Như thế, chính giác quan cảm nhận; đam mê phản ứng trước những gì giác quan cảm nhận; trí tuệ xử lý những gì giác quan cảm nhận và những gì đam mê trải nghiệm; và ý chí của bạn, nhờ tiếp cận với tất cả dữ kiện này, chọn lựa hành động hay không hành động sao cho phù hợp. Mỗi bước trong tiến trình này khó tránh khỏi ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp của ma quỷ.
Bản tính con người gồm cả xác hồn. Lý trí biết các sự vật cách tự nhiên bằng việc lĩnh hội chúng qua ngũ quan. Chính giác quan cảm nhận và cảm giác mọi trạng thái các tính chất. Chân lý, vì thế, không thể được nhận biết bởi giác quan, giác quan chỉ biết những gì có thể được cảm nhận; và lý trí lại không thể nhận biết những khoái lạc, nó chỉ biết cái gì đúng, cái gì sai. Ý chí nhận biết tốt xấu qua việc khao khát nó nhưng chính trí tuệ vốn sẽ lên tiếng nhờ thấu hiểu nó mới nhận biết nó cách đúng đắn. Vì vậy, giác quan không biết cái gì đúng sai, xấu tốt; chúng chỉ cảm nhận những gì gây đau đớn hay vui sướng (Thánh Hilariô Poitiers).
Giác quan là phương tiện qua đó, bạn trải nghiệm thế giới. Giác quan bên ngoài phản ứng với những tác nhân kích thích bên ngoài, giác quan bên trong phản ứng với những tác nhân kích thích bên trong. Về mặt luân lý, giác quan có tính trung lập trong hành động của chúng. Điều đó không có nghĩa là giác quan của bạn tự do rong ruổi đâu đó tùy thích. Satan lý thú đặt những cảnh sắc và âm thanh hấp dẫn trong phạm vi giác quan của bạn và hy vọng có thể dỗ ngon dỗ ngọt bạn hạ quân cờ đầu tiên. Hãy cảnh giác những tác nhân kích thích vốn có thể gọi là dịp tội gần này.
Ma quỷ thường cung cấp đủ mọi thứ cho giác quan: cho thị giác những hình ảnh các thánh với ánh sáng đẹp nhất; cho khứu giác những mùi thơm ngào ngạt; đặt lên môi ai đó sự ngọt ngào; và cho xúc giác những đụng chạm vui thích. Nó làm tất cả những điều này và như thế, dụ dỗ con người bằng những vật thể có thể cảm giác được rồi dẫn họ tới việc phạm tội (Thánh Têrêxa Avila).
Chúng ta còn phải chiến đấu để bảo vệ các giác quan của mình nữa (Thánh Nicôđimô Núi Thánh).
Hãy điều khiển giác quan, gìn giữ môi miệng, kiềm chế cái lưỡi, chinh phục con tim, gánh chịu mọi khiêu khích bằng lòng mến ... và con sẽ thực hiện trọn vẹn thánh ý Chúa (Chân Phước Henry Suso).
Đam mê hay cảm xúc của bạn thường là biểu hiện của những gì được cảm giác hay những gì bạn cảm nhận. Đam mê của bạn có ra để được điều khiển bởi lý trí chứ không phải để theo hướng ngược lại.
Nếu không được bảo vệ đúng đắn, những đam mê của bạn khó tránh khỏi việc ma quỷ lợi dụng. Với sự đồng ý và chỉ với sự đồng ý của bạn, những cảm xúc và tình cảm mới biến từ nhân đức sang thói hư tật xấu. Không có sự đồng thuận, thử thách của ma quỷ chỉ làm mạnh mẽ các nhân đức của bạn mà thôi. Đừng chiều chuộng đam mê của mình một cách mù quáng, bằng không các đam mê đó rốt cuộc sẽ phụng sự bạn như một tay sai nô lệ của ma quỷ.
Hãy nhớ, cảm giác không làm nên tội nhưng chính việc tán thành chúng. Chỉ ý chí tự do mới có khả năng chọn lựa tốt xấu. Nhưng khi ý chí thở dài trước thử thách của tên cám dỗ và không bằng lòng với những gì bày ra cho mình thì đó không chỉ là không lỗi phạm mà là nhân đức (Thánh Piô Pietrelcina).
Ôi thôi! Anh em thân mến của tôi, người sống theo hướng dẫn của đam mê, bỏ bê việc phụng sự Chúa thì bất hạnh và vô công rỗi nghề (Thánh Gioan Maria Vianney).
Lạy Chúa, xin cứu con khỏi mọi tội lỗi, giải thoát con khỏi nghiêng chiều về tội và nắm lấy con cho khỏi quyền lực những kẻ bạo ngược. Đừng để con dõi theo những xung năng thú tính của đam mê nhưng bảo vệ phẩm giá và vinh quang cho linh hồn con (Louis Granada, Tôi tớ Chúa).
Lý trí bao gồm những gì có thể được gọi chung là ý nghĩ, trí tuệ và tưởng tượng. Dựa trên những dữ kiện giác quan và đam mê đưa vào, lý trí vận hành. Một cách lý tưởng, lý trí hoạt động hoà hợp với ý chí để đưa đến những quyết định và hành động đúng đắn xét về mặt luân lý.
Lý trí không thể bị ma quỷ xâm nhập trực tiếp, tuy nhiên, thật khó để tránh những cuộc tấn công gián tiếp của nó. Satan sẽ đưa ra cho bạn những đề nghị nham hiểm ngụy trang dưới những dự kiến thú vị. Nó ra sức khuấy động trí tưởng tượng, đầu độc những suy nghĩ và mua chuộc lý trí nhằm bào mòn khả năng phán đoán của bạn. Nó sẽ hí hửng đánh tráo để bạn không phân biệt đâu là tình cảm đâu là lý trí nhằm đưa ra một kết luận vô lý, một kết luận lý thú giả trá.
Một ý nghĩ xấu xa làm vẩn đục linh hồn một khi nó được cân nhắc và đồng thuận. Đức Giêsu đặt những ý nghĩ xấu xa đứng đầu mọi tội phạm vì chúng là nguyên lý và nguồn cội các tội đó (Thánh Gioan Baptist de la Salle).
Hành động của ma quỷ trước hết cốt ở việc cám dỗ con người phạm tội bằng cách tác động đến trí tưởng tượng và những khả năng vượt sức mình, hầu dẫn con người tới chỗ rời xa lề luật Thiên Chúa (Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).
Hãy hướng trí lòng con đến một hoạt động tốt lành đáng khen nào đó. Những ý nghĩ như thế một khi đã đi vào và tìm được chỗ trong tâm hồn con, chúng sẽ đuổi xua cám dỗ và những ý nghĩ xấu xa (Thánh Phanxicô Salêsiô).
Ký ức của bạn là mục tiêu đầu tiên ma quỷ nhắm đến, đó là nơi lưu trữ đam mê và lý trí. Chừng nào ký ức bạn trong sạch, ma quỷ bất lực trong việc dùng nó để chống lại bạn; chừng nào ký ức bạn ô uế, ma quỷ có thể sử dụng nó như một đòn bẩy. Dẫu đó là một hành động không trong sạch, một tội trọng không xưng thú, một oán hờn đang che giấu, một thương tổn được nhai đi nhai lại hay một việc không thể tha thứ ... được lưu trữ, Satan sẽ tận dụng chúng để thực hiện kế hoạch.
Nếu thấy mình bị quấy rầy mà không biết tại sao, bạn hãy rà soát ký ức. Nếu bạn có cảm tưởng quá gắn chặt với những tổn thương quá khứ hay ký ức, đặc biệt với những tội lỗi, hãy xét xem ai đang đùa giỡn với trí nhớ và trí tưởng tượng của bạn. Nếu bạn thường xuyên thấy mình cứ phê phán, phàn nàn và đoán xét, hãy xem ai đang thúc giục bạn. Nếu bạn cảm thấy bóng tối đang phủ lấy bạn từ trong ra ngoài, hãy xét xem ai đang cố làm mờ ánh sáng bên trong. Nếu thấy tâm trí mình bị cuốn hút vào một âm thanh hỗn độn, hãy coi ai đang tăng volume. Đừng tự đày đoạ bởi tội của quá khứ. Hãy gột sạch chính mình khỏi mọi đòn bẩy ngang qua Bí tích Hoà Giải.
Không còn hoài niệm đến những ký ức xấu, ma quỷ sẽ bất lực và điều đó giải thoát chúng ta khỏi bao muộn phiền, đớn đau và u buồn (Thánh Gioan Thánh Giá).
Có phải con cứ tiếp tục là thập giá của chính mình? Đâu phải là vấn đề lối đường nào Chúa dẫn con đi, sao con cứ biến mọi chuyện nên đắng cay khi mải nghiền ngẫm mọi sự! Vì tình yêu Thiên Chúa, con hãy thế chỗ tất cả tự kỹ này bằng một cái nhìn tinh tuyền đơn sơ của lòng nhân ái của Người (Thánh Jeanne de Chantal).
Đừng quá chăm chú xem coi con đang làm nhiều hay ít, tốt hay xấu bao lâu điều đó không phải là tội và con đang dốc lòng làm mọi sự cho Chúa. Hãy cố gắng làm tốt mọi điều chừng nào có thể; khi làm xong, đừng nghĩ đến nó; tốt hơn, nghĩ đến những gì sẽ làm. Hãy làm cách đơn sơ trong đường lối Chúa và đừng dằn vặt chính mình (Thánh Phanxicô Salêsiô).
Chủ đích của ý chí là chọn đối thể chú ý thích đáng ở bất cứ thời điểm cụ thể nào. Một ý chí tinh tuyền là một ý chí không nhượng bộ, có khuynh hướng hành động theo điều lành, chân thật, chống lại những gì xấu xa, tầm thường và sai trái. Nói đúng ra, ý chí không bao giờ chọn điều “xấu”, nó chỉ có thể lựa điều “tốt”. Vấn đề ở chỗ nhận thức và phán đoán của bạn về những gì là “tốt”, những gì là “xấu” đó lại có thể khác nhau tuỳ theo sức mạnh và sức sống ý chí của bạn.
Ý chí sẽ mạnh mẽ hơn khi bạn lánh xa những thói hư tật xấu và tiến tới trên đường nhân đức; nó sẽ suy yếu nếu bạn làm ngược lại. Một chiến sĩ thiếu ý chí là một người lính thoả hiệp, dễ thương tích và bị bắt bởi kẻ thù. Bạn phải rèn luyện ý chí để nó hoà hợp với ý muốn Thiên Chúa.
Một ý chí thoả hiệp hay hủ hoá sẽ làm ngơ trước thiên hướng Chúa ban để con người thiên về điều lành; nó sẽ tự mình đứng vào hàng ngũ vui thú trần gian, ma quỷ và xác thịt. Satan không thể bức bách ý chí, nhưng có thể làm nó chao đảo bằng cách thổi bùng ngọn lửa đam mê và trí tưởng tượng. Nó sẽ tìm thâm nhập và hủ hoá ý chí bạn bằng bất cứ cách nào có thể. Vì nguyên tội còn ảnh hưởng trên toàn thể nhân loại nên Satan vẫn có thể thực hiện những cuộc đột kích đáng gờm vào ngay điểm yếu đó. Nó cố tạo nên một bãi mìn trong tâm tưởng bạn bằng cách gieo vãi những hạt giống tiêu cực như nghi ngờ, tuyệt vọng, cô lập, .v.v..
Thèm muốn hỗn loạn khởi phát từ một ý chí lầm lạc; khi thèm muốn được thoả mãn, một thói quen hình thành; khi thói quen không được kiểm soát, nó xơ cứng thành thói cưỡng buộc (Thánh Augustinô).
Chúa trùm thế gian này kiên quyết chụp bắt tôi, đục khoét ý chí của tôi, một ý chí vốn hằng hướng lên Chúa (Thánh Ignatiô Antiochia).
Nếu người ta nhìn thấy phần thưởng của các nhân đức trong thế giới mai ngày, hẳn trí tuệ, ký ức và ý chí của họ chẳng bận rộn gì khác ngoài các việc lành phúc đức, không quản chi nguy khốn hay khó nhọc (Thánh Catarina Genoa).
Thoả thuận với tội lỗi, chính ý chí, dẫu tự do, đã trở nên nô lệ cho tội lỗi; và chính ý chí tự mình khuất phục tội lỗi bằng sự tùng phục tự nguyện của nó (Thánh Bênađô Clairvaux).
Ngu dại biết bao những ai để mình ra yếu đuối, phó mặc trong tay ma quỷ thay vì để Ta làm cho mạnh sức (Mặc khải cho thánh Catarina Siêna).
Satan biết rõ toàn cảnh thân xác và linh hồn. Nó cũng biết những ham muốn nhục dục và những hệ lụy của nó đối với linh hồn. Nó dự phần vào mọi cấp độ trong quá trình hình thành quyết định nhằm gieo rắc trên mọi nẻo đường những quả mìn huỷ diệt. Nó hình dung liệu có thể đặt đủ mìn để làm tê liệt đời sống cầu nguyện của bạn, hủ hoá lương tâm của bạn và huỷ hoại đời sống ân sủng trong linh hồn bạn.
Satan bẩy lên những ham muốn nhục dục hầu khai thác cảm xúc của bạn nhằm tìm ra bất cứ điều gì có thể là một điềm báo cho việc phạm tội. Rồi nó tìm cách châm lửa xác thịt và những đam mê bằng những dịp tội gần mà giác quan bạn có thể cảm nhận. Tiếp đến, nó sẽ cố ép thể xác yếu nhược và những đam mê bất chính khống chế lý trí bạn. Cú đánh cuối cùng của nó là khiến lý trí bạn phớt lờ lẽ phải, gạt sang một bên ý chí và đồng ý phạm tội. Như vậy, toàn cảnh thân xác và linh hồn bạn giờ đây đã trở thành bãi mìn.
Thứ nhất là thèm muốn nhục dục; thứ hai là bằng lòng; thứ ba là phạm tội; thứ bốn là thành thói quen; thứ năm là coi thường. Vậy, hãy thận trọng dồn hết sức lực để kháng cự những động thái đầu tiên của thèm muốn để chúng không thể dụ con đến chỗ bằng lòng; rồi toàn thể cơ cấu của điều dữ sẽ tiêu tan (Thánh Bênađô Clairvaux).
“Giá mà.. .”, một trong những địa lôi Satan thích cài đặt. Nếu nó có thể khiến bạn châm ngòi cho vài quả mìn “giá mà” đó, địa hình địa vật lý trí bạn tổn hại nghiêm trọng từ lâu rồi. Giá mà tôi giàu có, giá mà tôi xinh đẹp, giá mà tôi mãnh mai, giá mà tôi cao lớn, giá mà tôi ..., giá mà chồng tôi thế này ..., giá mà vợ tôi thế kia, giá mà cha mẹ tôi thế này thế khác, giá mà con cái tôi ..., bạn bè tôi ..., giá mà Thiên Chúa ..., giá mà, giá mà, giá mà. Chỉ với hai từ vắn gọn này, Satan gieo rắc những hạt mầm xấu xa vốn có thể nở rộ thành những bông hoa huỷ diệt. Kiêu căng, ghen tương, tham lam, thất vọng thường thấy ở đây. Satan còn gài những quả địa lôi giận dữ, thù oán, ganh tị và ham muốn nhục dục. Những loại mìn cô độc, cô lập, cảm thấy mình không giá trị gì cũng được Satan yêu thích như vậy. Tin gì được những hình ảnh bâng quơ này; đừng để tai đến những lời thì thầm của ác quỷ.
Lạy chúa, ước chi con chỉ nghĩ đến những gì Chúa tưởng nghĩ. Ước chi con chỉ ao ước những gì Chúa muốn con ước ao (Thánh Pêdrô Castroverde).
Đừng để tai đến những gì ma quỷ thầm thĩ với con (Thánh Catarina Siêna).
Hãy biết rằng, những điều này không đến từ Thiên Chúa. Chúng đến từ một tên hèn nhát trong những tên hèn nhát, một tên xấu xa. Hãy hích nó ra, hãy triệu Chúa vào. Đừng chăm chú đến những gì tiêu cực. Đừng nghe những lời dối trá, đừng nản lòng. Hãy rèn luyện tư duy, trí tưởng tượng và ý chí của bạn. Hãy nghĩ về Chúa, Đấng tạo thành bạn. Hãy tưởng đến Người, Đấng cứu chuộc bạn. Hãy nhớ đến Chúa, Đấng muốn ban ơn cứu độ cho bạn ngay từ khởi đầu thời gian.
Khi con phải trần thân bởi bất cứ thử thách nào, dù là thể lý hay luân lý, thân xác hay tinh thần ... phương thuốc tốt nhất là hướng lòng trí về Đấng là sự sống của chúng ta; đừng nghĩ đến một gian nan nào mà không liên kết nó với ý tưởng về Thiên Chúa (Thánh Piô Pietrelcina).
Có thể biết chắc rằng, mỗi khi tinh thần chúng ta bị kích động, ma quỷ sẽ công kích thường xuyên và trực tiếp hơn. Ngay vừa khi ngã lòng, chúng ta phải làm sống lại đức tin của mình và phó thác toàn thân trong vòng tay Chúa Cha (Thánh Piô Pietrelcina).
Để đỡ gạt công kích của Satan những muốn làm vẩn đục và chiếm cứ tâm hồn, điều cần thiết là bạn phải giữ gìn giác quan, kiềm chế cảm xúc, bảo vệ lý trí và rèn luyện ý chí. Làm khác đi là cho nó lợi dụng ý chí, lý trí, đam mê và cảm xúc của bạn để khống chế bạn. Rất giống Thiên Chúa, ma quỷ chẳng có đôi tay nào, nhưng bạn thì có. Đừng liều lĩnh trở thành đôi tay của Satan, trở thành con nợ của thế gian, xác thịt và ma quỷ; cũng đừng liều lĩnh trở thành cạm bẫy cho người khác. Hãy trở nên những đôi tay của Thiên Chúa và công bố chiến thắng vinh hiển Người.
Những nhân đức siêu nhiên đòi phải có những đức hạnh tự nhiên (Thánh Phêrô Damaskos).
Một khi linh hồn bị chiếm cứ, nàng trở thành cạm bẫy dối gạt người khác (Thánh Ephrem Syria).
Để chiến thắng của Ngài thêm hiển hách, Đức Kitô quyết chiến với Satan trong thân xác yếu hèn của chúng ta. Như một người không chút võ trang, tay hữu bị trói, buộc chống chọi với một đạo quân hùng mạnh chỉ với tay trái của mình; chỗi dậy trong chiến thắng, chiến thắng người ấy càng oanh liệt hơn. Cũng vậy, Đức Kitô đã chinh phục Satan với cánh tay hữu thiên tính bị trói, Ngài chỉ sử dụng tay trái nhân tính mỏng manh của mình để khuất phục nó (Thánh Lawrence Brindisi).
Ma quỷ là những thực thể vô hình, nhưng một khi tâm hồn chấp nhận những ý nghĩ đen tối của chúng, chúng ta trở thành hiện thân của chúng. Vì một khi đã chấp nhận những ý nghĩ này, chúng ta chấp nhận chính chúng và để chúng hiện nguyên hình (Thánh Antôn Sa Mạc).
Như vậy con người xác thịt không làm gì được ngoài việc chê ghét và ghê tởm chân lý vốn được mặc khải bởi Đức Kitô qua các tông đồ của Ngài và được lưu truyền trong lòng Hội Thánh Công Giáo, vì chính chân lý ấy đã hạ bệ thế gian, xác thịt và ma quỷ; chân lý ấy đã phục hồi từ giác quan đến lý trí, từ lý trí đến ý chí và từ ý chí đến Thiên Chúa bằng đức hạnh, đức tin và đức mến (Thánh Hilary Poitiers).
Với những ai ao ước theo Đức Kitô, bước đầu tiên phải thực hành, theo chính lời Ngài, họ phải từ bỏ chính mình - tức từ bỏ những cảm xúc, đam mê, ý muốn, xét đoán của mình cùng mọi hướng chiều tự nhiên - tất cả những điều này và mọi hành vi của chúng sẽ làm thành lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa, một lễ tế mà chắc chắn Người sẽ rất ưng nhận. Đừng bao giờ trở nên mệt mỏi vì điều đó; ai bỏ qua việc thực hành này sẽ như một ai đó đã đặt một chân trên thiên đàng rồi nhưng đến lúc phải đặt chân kia, họ lại có nguy cơ hỏng mất (Thánh Vincent de Phaolô).
Một người con đích thực của Đức Mẹ chẳng sợ lầm đường bởi ma quỷ và rơi vào lạc giáo. Ở đâu Đức Mẹ dẫn dắt, ở đó người ta không chạm trán Satan cùng sự lừa gạt của nó, cũng như không đối đầu với những người dị giáo cùng sự xảo quyệt của họ (Thánh Louis de Montfort).
( Còn tiếp)