Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Chủ nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa



1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng đã bay lượn trên mặt nước của việc tác tạo và hướng dẫn bước đi của Môisen trong sa mạc, xin hãy ngự đến trên chúng con hôm nay và nhận chìm chúng con trong Chúa, để cho mỗi bước đi và ý nghĩ của chúng con được quy hướng về Đức Kitô khi chúng con lắng nghe Lời Người.
Lạy Thần Khí của Chúa Cha, xin hãy ngự trong chúng con và hướng dẫn chúng con đến sự thật về bản thân chúng con và đến kiến thức về Con Thiên Chúa Đấng cứu độ chúng con và làm cho chúng con nên một với Người, để cho chúng con cũng có thể làm đẹp lòng Chúa Cha nữa.  Amen.

2.  Phúc Âm
a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Ngay cả đối với Đức Kitô, qua cuộc hành trình trong bản tính loài người của Ngài, đã phải từ từ phát triển kiến thức về căn tính và nhiệm vụ của mình, đã được Chúa Cha giao phó cho Người.
Phép rửa trong sông Giođan đánh dấu sự phát triển này trong nhận thức và đưa đẩy Chúa Giêsu vượt ra khỏi biên giới của miền đất Người đang sống, xứ Galilê, vào một sứ vụ phổ quát và vào một chiều hướng nơi Người cùng chung hoàn cảnh con người, cho đến khi mà Người và các ngôn sứ của Người không thể tưởng tượng được rằng:  đích thân Thiên Chúa “ngự xuống” để ở bên cạnh loài người, dù rằng biết được các khuyết điểm của họ, vẫn cho phép họ được “trèo” lên tới Chúa Cha và mở lối cho họ hiệp thông với Người.  “Sự hài lòng” của Chúa Cha, mà Chúa Giêsu nghe được trong Chúa Thánh Thần, sẽ luôn đồng hành với Người trong cuộc hành trình trên trần thế, khiến cho Người không ngừng ý thức về tình yêu hân hoan của Đấng đã sai Người vào trong thế gian. 

b)  Tin Mừng:

7 Khi ấy, Gioan rao giảng rằng:  “Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người.  8 Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.”
9 Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nagiarét, xứ Galilêa đến chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan.  10 Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình.  11 Và có tiếng từ trời:  “Con là con yêu dấu của Cha, con đẹp lòng Cha.”

3.  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng

Trong nội tâm cũng như bên ngoài, để mở rộng tâm hồn và dọn chỗ cho Lời của Chúa thấm nhập vào chúng ta.


4.  Lời Chúa trao ban cho chúng ta:

*  Phép rửa:  nghi thức thanh tẩy bằng cách tắm hay tẩy rửa như một truyền thống hằng ngày thì khá phổ biến đối với người Do Thái vào thời Chúa Giêsu (xem Mc 7:1-4), cũng như đối với những người sống biệt lập Essenes tại Qumran.
Chữ phép thanh tẩy chỉ sự tắm gội, trầm mình hoàn toàn trong nước, và xuất phát bởi động từ baptizo, hiếm khi được dùng trong Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp bởi vì có sắc thái tiêu cực trong ý nghĩa của nó:  trầm mình, lặn, tiêu diệt (do chết đuối hoặc chìm trong nước).  Lần duy nhất chúng ta không thấy điều tiêu cực này là trong sách Các Vua 2V 5:14:  việc chữa lành cho Naamn, xảy ra bằng cách nhiều lần tắm trong sông Giođan dưới sự chỉ bảo của Êlisha.  Từ sự việc này mà việc xử dụng chữ ấy với ý nghĩa tích cực trong thời gian sau đó.

*  Phép rửa của Gioan:  là đặc điểm việc hành đạo của ông (đến nỗi mà nó trở thành một phần tên của ông (xem Mc 1:4)).  Nó dùng những việc thực hành sẵn có và bổ sung thêm một vài cái mới.  Gioan làm việc tại một nơi không có tên dọc theo dòng sông Giođan và làm phép rửa trong nước sông, không ở nơi nhất định và trong vùng nước nào được chuẩn bị sẵn cho nghi thức.  Việc ông kêu gọi người ta cải hối và ăn năn đền tội (Mk 1:4) thiên về đạo đức hơn là về nghi thức (xem Lc 3:8) và mức độ nghi thức, được biểu hiện bằng sự thay đổi cách sống (tẩy rửa và tuyên xưng tội lỗi), chỉ xảy ra một lần trong đời.  Hơn nữa, Gioan đã nói rõ ràng rằng phép rửa của ông chỉ là để chuẩn bị cho một sự kiện thanh tẩy triệt để hơn, liên kết trực tiếp với ngày phán xét cuối cùng của Thiên Chúa:  “phép rửa trong Thánh Thần” và “trong lửa” (xem Mc 1:7-8; Mt 1:2-3).
Dân chúng khắp miền Giuđêa và thành Giêrusalem chào đón nồng nhiệt lời rao giảng của Gioan, đến nỗi mà có rất đông người tìm đến ông để được chịu phép rửa (Mk 1:5), Giuse Flaviô cũng kể lại rằng:  đó là sự công nhận hiển nhiên của lời tiên tri được ghi lại bởi Máccô trong sách Tin Mừng Mc 1:2-3.

*  Chúa Giêsu và Gioan tại sông Giođan:  Gioan biết rất rõ rằng Chúa là Đấng Mêssia và có quyền thế hơn ông, thế nhưng ông được gọi để dọn đường cho giai đoạn sứ vụ sắp đến của Người (Mk 1:7-9).  Tất cả các sách Phúc Âm đều nói về nhận thức này, được nhấn mạnh bởi cách xử dụng quá khứ động từ cho phép rửa của ông và động từ ở thể tương lai cho phép rửa của Đấng Cứu Thế.  Điều này phản ảnh sự cẩn trọng của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi để cho thấy rằng phép rửa của Kitô giáo thì hơn hẳn phép rửa của Gioan, cũng như Đức Giêsu, Chúa Kitô, vượt trội hơn so với Gioan Tẩy Giả (xem Mc 3:14; Ga 1:26-34).

*  Phép rửa trong Thánh Thần:  Đó là phép rửa cánh chung được hứa hẹn bởi các ngôn sứ (xem Ge 3:1-5), liên kết với lửa của sự phán xét hoặc cũng dưới hình thức rảy nước (xem Êd 36:25).  Chúa Giêsu nhận phép rửa này ngay khi ấy và phép rửa của Người sẽ là nguồn và là mẫu mực cho phép rửa của các Kitô hữu. Vì thế, cộng đoàn Kitô hữu được thành lập trên ân sủng của Chúa Thánh Thần.   

*  Chúa Giêsu đến từ Nagiarét:  Đức Giêsu nổi bật giữa đám đông những người Do Thái sám hối (xem Mc 1:5), bởi vì Người đến từ nơi mà chỉ có tiếng vang vọng lời rao giảng ăn năn thống hối của Gioan Tẩy Giả đã lan tới, xứ Galilê (Mc 1:9).  Đối với Máccô, đây là một địa điểm quan trọng:  Chúa Giêsu bắt đầu các hoạt động của Người ở đó và được đón nhận nồng nhiệt; sau khi Chúa Phục Sinh, ở đó các môn đệ đã gặp Người (16:7) và thấu hiểu Người hoàn toàn và cũng ở đó họ sẽ ra đi làm sứ vụ của mình (16:20).  Trong ý nghĩa về những gì Máccô cho biết, ngay sau có tiếng nói từ trời phán ra, Chúa Giêsu không những chỉ “mạnh mẽ hơn” Gioan, nhưng có một bản chất vượt trội hơn hẳn so với Gioan.  Vậy mà Người đã hạ mình trong số những người tự nhận là tội lỗi, mà không sợ bị mất phẩm giá của Người (xem Pl 2:6-7); Người là “ánh sáng chiếu soi trong bóng tối” (xem Ga 1:5).
Quyển sách Tin Mừng thứ hai không tường thuật lại lý do nào mà Chúa Giêsu đi đến nhận phép rửa sám hối, mặc dù sự kiện này là một trong những sự kiện lịch sử đáng tin cậy nhất được thuật lại trong các sách Tin Mừng.  Điều quan tâm chính của tác giả Phúc Âm là sự mặc khải của Thiên Chúa xuất hiện ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa.

*  Người liền thấy trời mở ra:  đây không phải là một loại mặc khải đặc biệt chỉ dành riêng cho Chúa Giêsu. Các tầng trời, theo nghĩa đen “tự xé mở ra”, trong câu trả lời cho lời cầu khẩn của ngôn sứ Isaia:  “Phải chi Ngài xé trời mà xuống” (Is 63:19b).  Như thế, sau một thời gian tách biệt, một giai đoạn hoàn toàn mới bắt đầu cho việc thông tri giữa Thiên Chúa và loài người:  mối quan hệ mới này được xác nhận và trở nên trường tồn với cái chết cứu chuộc của Đức Giêsu, khi màn ở trong Đền Thờ bị “xé toạc” (xem Mc 15:38) như thể có một bàn tay từ trời đã xé ra.  Ngoài ra, sự chiến thắng cõi chết và sự sống lại là “phép thanh tẩy ước ao khắc khoải” của Chúa Giêsu (xem Lc 12:50).

*  Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người:  Đức Giêsu “lên khỏi” mặt nước của dòng sông và lập tức, trời mở ra và Thánh Thần “đáp xuống” và ngự trên mình Người.  Từ bây giờ, thời gian chờ đợi Chúa Thánh Thần đã qua rồi và việc trực tiếp liên kết giữa Thiên Chúa và nhân loại được mở lại, Máccô cho thấy rằng Đức Giêsu là Đấng duy nhất sở hữu Chúa Thánh Thần thánh hiến Người thành Đấng Mêssia, khiến cho Người nhận thức hoàn toàn là Con Thiên Chúa, ngự trị trong Người và nâng đỡ Người trong sứ vụ theo ý của Chúa Cha.
Theo Máccô, Chúa Thánh Thần đáp xuống trên Chúa Giêsu như chim bồ câu.  Chúng ta đã gặp chim bồ câu trong câu chuyện của ông Nôe và chim bồ câu cũng được nối kết với nước và công việc của Thiên Chúa trên thế gian (xem St 8:8-12).  Ở nơi khác, chim bồ câu được dùng như một nhắc nhớ về lòng trung thành và từ đó về ân sủng trường cửu, bởi vì lòng trung thành trở về nơi mà nó khởi hành (xem Ct 2:14; Ga 1:33-34).  Chúa Thánh Thần ngự trị vĩnh viễn trên Đức Giêsu và sở hữu Người.  Trong đoạn Tin Mừng này của Máccô, chúng ta cũng có thế thấy việc nhắc nhở đến “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” của việc sáng tạo (St 1:2).  Với Đức Giêsu, một “sự sáng tạo mới” đã thực sự bắt đầu (xem Mt 19:38; 2Cr 5:17; Gl 6:15).

*  Có tiếng từ trời:  với sự quang lâm của Đức Giêsu, việc thông tri giữa Thiên Chúa và loài người được tái lập. Đó không phải là vấn đề mà các thày cả Do Thái gọi là “trưởng nữ của tiếng nói”, một thay thế chắp vá lời ngôn sứ, mà là vấn đề của sự thông tri trực tiếp giữa Chúa Cha và Chúa con.

*  Đến … thấy ngự xuống … đã được nghe:  chúng ta phải khâm phục sự hạ mình của Thiên Chúa Ba Ngôi đã “cúi xuống” đối với nhân loại, tự hạ mình xuống trên sông Giođan trong Chúa Giêsu để được nhận lãnh phép rửa như nhiều người tội lỗi, tự hạ mình xuống trên Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần vì lợi ích của sự tự nhận thức và sứ vụ của Người và tự hạ mình xuống trong tiếng nói của Chúa Cha để xác nhận tình phụ tử.

*  Con là con yêu dấu của Cha; Con đẹp lòng Cha:  Máccô có thể đã cố tình muốn nhớ lại một vài đoạn Kinh Thánh trong Cựu Ước để nhấn mạnh, ít nhất qua cách ám chỉ, tầm quan trọng của nhiều sắc thái Lời của Chúa.
Trước hết, chúng ta nhớ lại sách Isaia câu 42:1 “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng.  Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân”.  Đó chính là Đấng Giavê Thiên Chúa giới thiệu người tôi tớ trung thành của mình.  Tuy nhiên, ở đây danh hiệu “người tôi tớ” đã không được dùng mà lại là “con”, đan kết văn bản tiên tri với bài thánh vịnh hoàng tộc và lễ sắc phong thiên sai:  “Tôi xin đọc sắc phong của Chúa, Người phán bảo tôi rằng:  Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con” (Tv 2:7).  Vì thế tác giả Phúc Âm (cũng như các sách Phúc Âm tóm lược khác) đã để cho bản chất của căn tính Thiên Chúa-nhập thể-làm người của Chúa Giêsu xuất hiện – cùng với sứ mệnh của Người.

*   Con là con yêu dấu của Cha:  Trong ánh sáng của đức tin vào Sự Phục Sinh, Máccô chắc chắn đã không có ý cho rằng sự mặc khải này như thể là Thiên Chúa đang nhận con người Giêsu làm con nuôi.  Tiếng nói từ trời là sự xác nhận một mối liên hệ đặc biệt đã hiện hữu giữa Đức Giêsu và Chúa Cha.  Danh hiệu Con Thiên Chúa được dành cho Đức Giêsu ngay từ câu đầu tiên của Phúc Âm Máccô và một lần nữa vào đoạn kết của cuộc thương khó khi viên đại đội trưởng nói:  “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 1:1; 15:39).  Tuy nhiên, danh hiệu này tái xuất hiện trong nhiều hình thức khác nhau và thường xuyên (xem 3:11; 5:7; 9:7; 14:61).  Đối với Máccô, danh hiệu “Con Thiên Chúa” có liên quan một cách đặc biệt cho sự hiểu biết về con người của Đức Giêsu và cho một sự tuyên xưng đức tin hoàn toàn; nó quan trọng đến nỗi mà cuối cùng các Kitô hữu cho đó là tên riêng của Chúa Giêsu, bằng vào đó họ muốn công bố các yếu tố thiết yếu của niềm tin của họ vào Đức Giêsu (xem Rm 1:4):  vua Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Rỗi ngày sau hết, Người có mối quan hệ đặc biệt với Thiên Chúa, Đấng sống lại từ cõi chết, Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Sự kiện có tiếng từ trời gọi Người là “đấng được chọn”, “yêu dấu” (như sẽ được lập lại vào lúc Chúa Biến Hình ờ chương 9:7 và 12:6) nhấn mạnh đến mối liên hệ duy nhất của Chúa Cha với Chúa Giêsu, nó đặc biệt đến nỗi làm lu mờ các mối quan hệ khác giữa loài người và Thiên Chúa, ngay cả với những người được đặc ân. Giacóp cũng thế, giống như Chúa Giêsu, là “con một yêu dấu và được chọn” (xem St 22:2) và ông cũng không tránh khỏi cái chết thảm thương (xem Dt 5:7).

*  Con đẹp lòng cha:  những lời này một lần nữa nhấn mạnh đến sự được tuyển chọn Thiên Sai của Đức Giêsu, kết quả lòng nhân từ của Chúa Cha để từ đó cho thấy sự ưu đãi tuyệt đối của Chúa Cha dành cho Chúa Con, Đấng mà Người vui và hài lòng (xem Is 42:1), trong khi đó, Đức Giêsu, vâng phục theo Chúa Cha, bắt đầu sứ vụ của mình đem nhân loại trở lại với Chúa Cha (xem Mc 1:38).      

5.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm và chiều hướng hoạt động:

a)  Giống như chúng ta, Chúa Giêsu đã sống một cuộc sống qua các giai đoạn, Người đi từ một “đời sống ẩn dật” đến một “đời sống công khai”.  Chúng ta đang đi qua mùa Giáng Sinh để bước vào mùa “Thường Niên”. Đây là lúc cho chúng ta thực hiện sứ vụ của mình, trong đó bao gồm các việc phải làm hằng ngày (thường là khó khăn và khô khan) để diễn đạt trong đời sống sự nhận thức của mình rằng Con Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta như anh em và là Đấng Cứu Độ chúng ta, bằng cách xử dụng các ân sủng nhận được trong phép rửa tội.  Tôi có nhận thức được sứ vụ Chúa Cha đã trao phó cho tôi không?  Tôi có khả năng thể hiện sứ vụ này trong đời sống hằng ngày của tôi không hay là tôi chỉ giới hạn mình trong những dịp đặc biệt thôi?
b)  Bí tích rửa tội đã làm cho chúng ta trở nên “con cái Thiên Chúa trong Chúa Con”.  Thiên Chúa cũng rất hài lòng về chúng ta và chúng ta cũng là những kẻ “được tuyển chọn” (xem 1Ga 2, 7, 3, 2:21, v.v.).  Tôi có nhận thức được tình yêu mà Chúa Cha dành cho tôi và liên quan đến tôi không?  Tôi có thể nào đáp trả lại tình yêu này với sự hồn nhiên và vâng phục của Chúa Giêsu không?  
c)  Đoạn Phúc Âm của chúng ta chứa đựng một sự biểu lộ của Thiên Chúa Ba Ngôi trong hành động.  Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu, Chúa Cha nói với Con của Người và do đó mở ra một phương cách giao tiếp mới với loài người.  Lời cầu nguyện của tôi là như thế nào?  Tôi thường cầu nguyện với ai?  Tôi có nhớ rằng tôi cũng đã “được nhận chìm” trong Thiên Chúa Ba Ngôi và vì tôi mà “các tầng trời cũng tự xé mở ra” không?
                                                                                                                                                         
6.  Thánh Vịnh 20 

Chúng ta hãy cầu nguyện với bài Thánh Vịnh này, nhận thức rằng mình được Chúa Cha tuyển chọn và Chúa Cha luôn ở bên cạnh chúng ta với trái tim hết sức lân tuất

Ngày đức vua gặp bước gian truân,
xin CHÚA đáp lời ngài.
Nguyện danh Chúa Trời nhà Giacóp
khấng phù hộ chở che.
Từ thánh điện, cầu Chúa thương cứu trợ,
từ Xi-on, nguyện Chúa đỡ nâng ngài!
Mong Chúa hằng nhớ đến mọi lễ phẩm ngài dâng,
và hoan hỷ chấp nhận lễ toàn thiêu của ngài!
Xin Chúa ban như lòng ngài ước nguyện,
và cho mọi điều ngài toan tính được thành công.
Ước gì chúng tôi được hoan hô ngài chiến thắng,
được phất cờ mừng danh Thiên Chúa chúng ta!
Ước gì CHÚA thỏa mãn mọi điều ngài khấn xin!
Giờ đây tôi biết rằng: CHÚA đã ban chiến thắng
cho đấng Chúa xức dầu tấn phong.
Từ thánh cung cao thẳm, Chúa đã đáp lời người,
mà ra tay thực hiện những chiến thắng oai hùng.
Kẻ cậy chiến xa, người nhờ chiến mã,
phần chúng tôi,
chỉ kêu cầu danh CHÚA là Thiên Chúa chúng tôi.
Bọn chúng đều quỵ xuống té nhào,
còn chúng tôi vươn mình đứng vững.
Lạy CHÚA, xin giúp vua toàn thắng;
ngày chúng con cầu khẩn, nguyện xin Chúa đáp lời.

7.  Lời nguyện kết

Bối cảnh của phần phụng vụ thật là tuyệt vời cho sự hiểu biết và sự cầu nguyện bài Phúc Âm này.  Vì thế, chúng con dùng lời nói đầu để chuyển đạt lời cầu nguyện của chúng con lên tới Thiên Chúa:

Lạy Cha, trong phép rửa của Chúa Giêsu tại sông Giođan, Cha đã ban các dấu hiệu và phép lạ để biểu lộ mầu nhiệm của sự thanh tẩy mới (bí tích rửa tội của chúng con).
Tiếng của Cha từ trời đã được nghe thấy
Để đánh thức đức tin vào sự hiện diện ở giữa chúng con
Ngôi Lời đã xuống thế làm người.
Thần Khí Chúa được nhìn thấy như chim bồ câu ngự trên Người
Và thánh hiến Người Tôi Trung của Cha
Với sự xức dầu của hàng vua chúa, tiên tri và tư tế
Để tất cả mọi người sẽ nhận ra Người là Đấng Mêssia,
Được sai đến cho những người nghèo khó
Tin Mừng của ơn cứu rỗi.
Xin cho chúng con có thể tạ ơn và ngợi ca Cha
Vì món quà vô giá này,
Vì đã ban cho chúng con Con của Cha, người anh cả và là thày của chúng con.
Xin Cha hãy hướng ánh mắt trìu mến về chúng con
Và nguyện xin rằng chúng con có thể đem lại cho Cha niềm vui trong tất cả các việc chúng con làm,
Đến muôn thuở muôn đời.  Amen.     


về tác giả và dịch giả:
Các bài viết Lectio Divina cho nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters, O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara, O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm. Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và lm. Roberto Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.
Nguồn : http://www.dongcatminh.org/content/lectio