Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Mừng Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa - 22/6/2014-

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITO Năm A
Đnl 8,2-3.14-16;1Cr 10,16-17;Ga 6,31-58

22-6-1014

 Lễ Mình Máu Thánh Chúa xuất phát từ một thị kiến của thánh nữ Juliana (Giu-li-a-na). Thánh nữ sinh gần Liege (Li-e-giơ), nước Bỉ năm 1192. Mồ côi cha mẹ từ 5 tuổi. Thánh nữ được các nữ tu dòng thánh Augutinô ở trên núi Comillon (Cô-min-ông) nuôi dưỡng. Năm 14 tuổi thành nữ tu. Ngài tiến rất nhanh trên đường nhân đức, nổi tiếng có lòng yêu mến Đức Mẹ, sự thương khó Chúa và đặc biệt phép Thánh Thể. Đến 16 tuổi, ngài được thấy những thị kiến.

Một trong những thị kiến ngài thấy : đó là một mặt trăng đầy sáng láng, song bị một vết đen che phủ. Ngài kể thị kiến cho mẹ bề trên, nữ tu Sapientia (Sa-pi-en-xi-a). Nhưng chẳng ai hỉểu ý nghĩa của thị kiến.

Sau nhiều ngày cầu nguyện, thánh Juliana nghe thấy tiếng Chúa từ trời cho biết : “Điều làm con xao xuyến, đó là Cha muốn thiết lập một lễ cho Giáo hội chiến đấu, lễ Bí tích Bàn thờ cực cao cực trọng. Mầu nhiệm này cho tới nay chỉ được cử hành  vào thứ Năm Tuần Thánh. Song ngày đó, những sự đau khổ và cái chết của Cha đã là chủ đề chính để suy gẫm. Vì thế Cha muốn toàn thể Giáo hội cử hành một ngày khác.

22 năm sau, thánh Juliana được phép kể thị kiến cho Đức cha Thorete (Thô-rê-tê), giám mục Lìege,và Đức Pantaleon (Pan-ta-lê-ông), tổng phó tế. Ngày 29-8-1261 Đức Pantalêông được bầu làm giáo hoàng  Urbano (U-ba-nô) IV. Ngày 8-9-264 Đức Urbano thiết lập lễ Mình Máu Thánh Chúa vào ngày thứ năm sau lễ Chúa Ba Ngôi. Các bản văn thánh lễ do thánh Tôma tiến sĩ soạn thảo.

Ba lý do Chúa Giêsu muốn thiết lập lễ Mình Máu Thánh Chúa :
1- Niềm tin vào phép Mình Thánh sẽ được lễ này làm cho vững mạnh, vì có những chống đối niềm tin này.
2- Nhờ việc tôn kính thành thật và sâu xa phép Thánh Thể, các tín hữu sẽ mạnh bước trên dường nhân đức.
3- Lễ Mình Máu Thánh Chúa sửa chữa những bất kính và vô phép với Thánh Thể.

Sách Giáo Lý Cho Người Trẻ (Youcat) gọi bí tích Thánh Thể bằng nhiều tên : Thánh Lễ, Hi Lễ, Bữa Tiệc của Chúa, Bẻ Bánh, Cuộc Tập Họp Tạ Ơn, Cuộc Tưởng Nhớ sự Khổ nạn, sự chết và sống lại của Chúa, Phụng vụ Thần Thánh, Mầu nhiệm thánh, Hiệp lễ thánh (số 212).

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay nhấn mạnh ý nghĩa Bí tích Thánh Thể là “Bàn Tiệc của Chúa”, là của ăn nuôi sống.

Bđ1 : Sách Đệ Nhị Luật trong bđ1 ghi lại lời ông Môsê nhắc nhớ dân Do Thái trước khi vào Đất Hứa. Sợ khi vào Đất Hứa được ăn no nê, giầu có mà quên Thiên Chúa, ông Môsê nhắn nhủ : “Khi anh em được ăn, được no nê, khi anh em xây nhà đẹp để ở, khi anh em có nhiều bò bê và chiên cừu, nhiều bạc nhiều vàng và mọi thứ của cải, thì lòng anh em sinh kiêu ngạo mà quên Đức Chúa của anh em, Đấng đã đưa anh em ra khỏi Ai cập, khỏi cảnh nô lệ. Người đã dẫn anh em đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá cứng nhất chảy ra cho anh em uống. Trong sa mạc, Người đã cho anh em ăn man-na, thức ăn mà cha ông anh em chưa từng biết” (Đnl 8,12-16a).

BTM : Đến thời Tân Ước, Chúa Giêsu cho chúng ta ăn chính Thịt Máu của Chúa, như Chúa nói với dân Do Thái mà thánh Gioan đã ghi lại : “Thật, tôi bảo thật các ông; nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,53-54).

Bđ2 : Trong bđ2, thánh Phaolô cũng nhắn nhủ về bí tích Thánh Thể cho giáo đoàn Côrintô ở Hy lạp mà ngài đến rao giảng trong 18 tháng, từ năm 50 đến năm 52. Bản văn ngài viết cho dân Côrintô là bản văn đầu tiên của Tân Ước đề cập đến bí tích Thánh Thể. Ngài viết : “Thưa anh em, khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư ? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao ?” (1Cr 10,16).

Khi cho rước Mình Thánh Chúa, linh mục nói : “Mình Thánh Chúa Kitô”. Người rước Mình Thánh thưa : “Amen”. Thánh Augustinô cắt nghĩa : “Lời thưa Amen là lời tuyên bố lòng tin : con tin thật đây là Mình Thánh Chúa. Con thờ lạy và cung kính rước Chúa”.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những người yêu mến và khao khát rước Mình Thánh Chúa. Ngày lễ Các Thánh ngày 1-11-1839, cha Trân lén đem Mình Thánh Chúa vào nhà tù cho cha Trần An Dũng Lạc và cha Trương Văn Thi. Vừa thấy cha Trân, cha Lạc kêu lên : “Xin chào bác. Tôi đợi bác đã lâu, vì hết lương thực rồi”. Cha Lạc sung sướng rước Chúa, rồi đem cho cha già Thi rước Chúa.
 Gia đình chúng ta ai nấy siêng năng tham dự Bữa Tiệc của Chúa và sốt sắng rước Chúa, gia đình chúng ta sẽ có sức sống của Mình Máu Thánh Chúa.

 Giuse Nguyễn Trung Thành
http://giaophandanang.org/articles/view/suy-niem-va-tin-mung-le-minh-mau-thanh-chua-nam-a
-----------------------------
Năm 2012

Chúa Giêsu ở với chúng ta mọi lúc trong bí tích Thánh Thể


Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu là cử chỉ tôn thờ và biết ơn Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể để ở với chúng ta mọi giờ, mọi ngày.

Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trong buổi đọc kinh Truyền Tin chung với gần 60.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 10-6-2012.


Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, hôm nay tại Italia và nhiều nước khác tín hữu mừng lễ ”Corpus Domini” nghĩa là Mình Máu Thánh Chúa, bí tích Thánh Thể. Truyền thống luôn sống động trong ngày này là tổ chức các cuộc rước kiệu trọng thể với Bí tích Rất Thánh qua các đường phố và quảng trường. Tại Roma cuộc rước kiệu ấy đã diễn ra ngày thứ năm vừa qua, là chính ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Ngày lễ này hàng năm canh tân nơi các tín hữu niềm vui và lòng biết ơn đối với sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa họ. Đức Thánh Cha định nghĩa lễ Mình Máu Thánh Chúa như sau:

Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa là một cử chỉ công khai cao cả tôn thờ Thánh Thể, là Bí tích, trong đó Chúa hiện diện cả ngoài giờ cử hành, để luôn luôn ở với chúng ta, trong mọi giờ và mọi ngày sống. Thánh Giustino là người đã để lại cho chúng ta một trong các chứng tá cổ xưa nhất liên quan tới phụng vụ thánh thể, khi khẳng định rằng, sau khi phân phát Mình Thánh Chúa cho những người hiện diện, Bánh được thánh hiến cũng được các Phó Tế đem đến cho những người vắng mặt (x. Apologia 1,65). Vì thế trong các nhà thờ nơi thánh thiêng nhất chính là nơi giữ gìn Thánh Thể.


Từ ý tưởng liên quan tới Nhà Tạm, nơi cất giữ Mình Thánh Chúa trong các nhà thờ, Đức Thánh Cha liên tưởng đến sự kiện Mình Thánh Chúa đang nằm dưới các đống đá gạch của các nhà thờ bị sập trong trận động đất tại miềm Trung Bắc Italia những ngày vừa qua. Ngài nói:

Liên quan tới điều này, tôi không thể không cảm động nghĩ tới nhiều nhà thờ đã bị hư hại nặng nề vì trận động đất mới đây trong vùng Emilia Romagna, tới sự kiện cả Mình Thánh Chúa Kitô, trong nhà tạm, trong một vài trường hợp cũng nằm dưới các đổ nát. Với lòng trìu mến tôi cầu ngyện cho các cộng đoàn cùng với các linh mục của họ phải tụ họp nhau để dâng Thánh Lễ ngoài trời hay dưới các lều lớn. Tôi cám ơn các cộng đoàn ấy vì chứng tá của họ, và tôi cám ơn tất cả những ai đang trợ giúp dân chúng. Đây là tình trạng càng nêu bật hơn nữa tầm quan trọng của sự hiệp nhất với nhau nhân danh Chúa và sức mạnh đến từ Bánh Thánh Thể, cũng được gọi là “bánh của các kẻ lữ hành”. Từ việc chia sẻ Bánh này nảy sinh ra và được canh tân khả năng chia sẻ cả sự sống và của cải, khả năng mang lấy các gánh nặng của tha nhân và lòng hiếu khách tiếp đón họ.

Lễ trọng kính Mình và Máu Chúa đề nghị trở lại với chúng ta cả giá trị của việc thờ lậy Thánh Thể. Vị tôi tớ Chúa Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhắc nhở rằng Giáo Hội công giáo tuyên xưng việc tôn sùng Thánh Thể ”không phải chỉ trong Thánh Lễ, mà cả bên ngoài việc cử hành nữa, bằng cách duy trì với sự cẩn trọng tột đỉnh bánh đã được thánh hiến, trưng bầy cho tín hữu kitô thờ lậy trọng thể, và đi rước kiệu với niềm vui của đám đông kitô” Enc. Mysterium fidei, 57).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha minh xác việc chầu Thánh Thể như sau: Lời cầu thờ lậy có thể chu toàn cách cá nhân, bằng cách dừng lại cầm trí trước nhà tạm, hay trong hình thức cộng đoàn, với cả các thánh vịnh và thanh ca, nhưng luôn luôn ưu tiên cho việc thinh lặng, để lắng nghe trong nội tâm Chúa sống động hiện diện trong Bí Tích. Trinh Nữ Maria cũng là bậc thầy trong việc cầu nguyện này, bởi vì đã không có ai biết chiêm ngưỡng Chúa Giêsu với cái nhìn đức tin và tiếp nhận trong con tim các vang vọng thân tình sự hiện diện trong nhân tính và thiên tính của Chúa tốt đẹp hơn Mẹ. Vì lời bầu cử của Mẹ, ước chi niềm tin đích thực và sâu xa nơi Mầu Nhiệm Thánh Thể được phổ biến và lớn mạnh trong mọi cộng đoàn giáo hội.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha đã nhắc cho mọi người biết rằng ngày thứ năm tới đây 14-6 là Ngày quốc tế hiến máu, do Tổ chức Sức Khỏe Thề Giới phát động. Đức Thánh Cha đánh giá cao sáng kiến này và khích lệ tất cả mọi người thực thi hình thức liên đới cần thiết này đối với sự sống của biết bao nhiệu bệnh nhân. Ngài cũng chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Croat, Slovac, Ucraine, Ba Lan, và Ý.

Trong tiếng Ba Lan Đức Thánh Cha cũng gửi lời chào tín hữu các thành phố Cracrovia, Lodz, Bydgoszcz và Gdansk, đang cùng với Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vu Khanh Tòa Thánh, mừng kỷ niệm 25 năm chuyến công du Ba Lan của Đức Gioan Phaolô II. Hoa trái chuyến công du đó là lễ kính Mình Máu Thánh Chúa cử hành tại Lodz, nơi sẽ khánh thành Trung tâm nghiêm cứu Gioan Phaolô II. Và tại Bydgoszcz thứ hai hôm nay có ngày đào sâu Thông điệp Bác ái trong Chân Lý tại Trung tâm nghiên cứu Biển Đức XVI. 

Trong tiếng ý Đức Thánh Cha chào tìn hữu nhiều giáo phận khác nhau cũng như các thành viên hiệp hội xe mô tô của các lực lượng Cảnh sát và ngài cầu chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui an lành.

Linh Tiến Khải 

Nguồn: vietvatican.net