Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

CÁC BÍCH TÍCH HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

PHẦN II: CÁC BÍCH TÍCH HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Bí tích là những dấu chỉ hữu hình do Chúa Giêsu thiết lập và được trao lại cho Hội Thánh để ban sự sống thần linh cho chúng ta.
TÓM TẮT GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

PHẦN II
: BÍ TÍCH



I. ĐỊNH NGHĨA VỀ CÁC BÍ TÍCH.

Bí tích là những dấu chỉ hữu hình do Chúa Giêsu thiết lập và được trao lại cho Hội Thánh để ban sự sống thần linh cho chúng ta.

Qua định nghĩa trên, chúng ta thấy bí tích gồm ba yếu tố, đó là dấu chỉ hữu hình; Chúa Giêsu lập, trao lại cho Giáo Hội; và ban sự sống thần linh. Nếu thiếu một trong ba yếu tố thì không là bí tích. Chẳng hạn việc làm phép ảnh tượng, làm phép nhà, làm phép xe… Đây là những cử hành có dấu chỉ bề ngoài và qua đó Chúa ban ơn bên trong, nhưng đây không phải là bí tích, vì không phải do Chúa Giêsu lập mà là do Giáo Hội lập, nên đây chỉ là á bí tích. Còn bí tích phải là do chính Chúa Giêsu lập. Theo Giáo Hội Công Giáo, Chúa Giêsu lập bảy bí tích.

Thứ nhất: bí tích Rửa Tội.

Thứ hai: bí tích Thêm Sức.

Thứ ba: bí tích Thánh Thể.

Thứ bốn: bí tích Giải tội.

Thứ năm: bí tích Xức dầu thánh.

Thứ sáu: bí tích Truyền chức thánh.

Thứ bảy: bí tích Hôn phối.

Anh em Chính Thống giáo nhìn nhận bảy bí tích của Giáo Hội Công giáo. Giáo Hội Công giáo cũng nhìn nhận bảy bí tích của anh em Chính Thống giáo. Trong những trường hợp đặc biệt, khi người Công giáo ở vùng không có nhà thờ Công giáo, họ có thể lãnh nhận các bí tích ở nhà thờ Chính Thống giáo. Còn anh em Anh giáo, họ có bảy bí tích như Công giáo, nhưng chúng ta không công nhận bảy bí bí tích của họ, mà chỉ công nhận bí tích Thánh tẩy. Riêng anh em Tin Lành, chúng ta công nhận bí tích rửa tội của một số giáo phái Tin Lành. Những người thuộc các giáo phái này khi qua Công giáo không phải rửa tội lại. Những người thuộc giáo phái khác thì phải rửa tội lại. Tuy nhiên, phân biệt giáo phái nào được Giáo Hội Công giáo không nhận, giáo phái nào không được công là điều khó, đặc biệt là ở Việt Nam. Cho nên, theo Hội Đồng Giám Mục Việt nam, bất cứ ai là người Tin Lành sang Công giáo đều phải được thanh tẩy lại. Còn anh em Tin Lành, họ không công nhận bí tích rửa tội của chúng ta. Nếu ai bỏ Công giáo sang Tin Lành, thì phải rửa tội lại. Điều này cho thấy họ  tin rằng Chúa Giêsu lập bí tích Rửa Tội, nhưng họ không nhìn nhận việc Chúa Giêsu lập các bí tích khác. Họ cho rằng Công giáo tự đặt ra rồi gán cho Chúa Giêsu, chứ không có bằng chứng nào chứng minh Chúa Giêsu lập bí tích đó. Giáo Hội Công giáo khẳng định tất cả bảy bí tích của Giáo Hội Công giáo là do chính Chúa Giêsu lập. Ngài không lập một cách trực tiếp. Nhưng Ngài truyền cho Giáo Hội lập. Giáo hội chỉ làm theo ý Chúa Giêsu. Điều này được chứng minh rất thuyết phục qua Kinh Thánh.


II.  CHÍNH CHÚA GIÊSU LẬP CÁC BÍ TÍCH.

Thứ nhất: Bí tích Rửa tội.



Bí tích được Chúa Giêsu thiết lập qua lệnh truyền của Ngài với các tông đồ. Ngài truyền cho các tông đồ và cũng là truyền cho Giáo Hội: “(19)Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Ngài nhấn mạnh việc chịu phép rửa rất quan trọng, vì đây là điều kiện để được ơn cứu độ như Lời Ngài nói với ông Nicôđêmô: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3, 5). Do đó, Giáo Hội rất chú trọng việc loan báo Tin Mừng và đưa nhiều người gia nhập Giáo Hội qua Bí tích rửa tội. Chúng ta thấy rõ điều này trong ngày lễ Ngũ Tuần. Với sự tác động của Chúa Thánh Thần và lời rao giảng của các Tông đồ, ngày hôm ấy có khoảng ba ngàn người chịu bí tích Thánh tẩy. Điều này cho thấy tính chính thống của bí tích Thánh tẩy. Tất cả các Giáo Hội trong Kitô giáo đều nhìn nhận bí tích rửa tội là do Chúa Giêsu lập.

Thứ hai: Bí tích Thêm sức.



Bí tích này được cử hành để ban Chúa Thánh Thần. Khi còn ở trần gian, nhiều lần Chúa Giêsu đề cập đến Chúa Thánh Thần: “Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em; Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Ðấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em, nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Ðấng ấy đến với anh em” (Ga 16, 7).
Và Chúa Giêsu đã thực hiện điều này. Sau khi Ngài về trời, Chúa Thánh Thần đã đến với các tông đồ. Các tông đồ tràn đầy Chúa Thánh Thần. Điều này cho thấy chính Chúa Giêsu muốn ban Thánh Thần cho các tông đồ và qua các tông đồ, Ngài muốn ban Thánh Thần cho mọi người. Hiểu được điều này, các tông đồ đã đặt tay ban Thánh Thần cho các tín hữu.
Sách Công vụ tông đồ kể lại khi thánh Phaolô ở Côrintô, ngài gặp một số môn đệ và hỏi họ: "Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa?" Họ trả lời: "Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói". (3)Ông hỏi: "Vậy anh em đã được chịu phép rửa nào?" Họ đáp: "Phép rửa của ông Gioan. (4)Ông Phaolô nói: "Ông Gioan đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối, và ông bảo dân tin vào Ðấng đến sau ông, tức là Ðức Giêsu". (5)Nghe nói thế, họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. (6)Và khi ông Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri” (Cv 19, 1-6).
Ở đây chúng ta thấy thánh Phaolô đã cử hành hai bí tích: bí tích Thánh tẩy và bí tích Thêm Sức. Qua bí tích Thêm sức, ngài ban Thánh Thần. Ngày nay, Giáo Hội, qua các giám mục là các đấng kế vị tông đồ ban bí tích Thêm Sức cho chúng ta. Qua bí tích Thêm Sức, chúng ta được lãnh nhận chính Chúa Thánh Thần. Việc Giáo Hội ban Thánh Thần cho chúng ta là làm theo ý của Chúa Giêsu. Bởi lẽ chính Chúa Giêsu muốn ban Thánh Thần cho chúng ta. Việc ban Thánh Thần này được thực hiện qua bí tích Thêm sức. Điều này cho thấy Chúa Giêsu muốn thực hiện bí tích Thêm Sức. Nói khác đi, Ngài là tác giả của bí tích Thêm Sức.

Thứ ba: Bí tích Thánh Thể.


Bí tích này được Chúa Giêsu lập vào bữa tiệc ly: “(26)Đang bữa ăn, Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy". (27)Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này,(28)vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 26-28).

Ở đây chúng ta thấy việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể đã quá rõ. Ngài truyền cho bánh thành mình Ngài. Rượu thành máu Ngài. Nghĩa là bánh và rượu đã được biến đổi thật sự thành thịt và máu Chúa. Giáo Hội chỉ làm lại cử chỉ mà Chúa Giêsu đã làm. Điều này cho thấy Chúa Giêsu chính là tác giả của bí tích Thánh Thể.

Thứ Bốn:  Bí tích giải tội.



Bí tích này do chính Chúa Giêsu lập vào ngày phục sinh. Ngài hiện ra với các tông đồ: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23)Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20, 22-23).

Đoạn Kinh Thánh trên khẳng định Chúa Giêsu trao quyền cho Giáo Hội. Muốn được tha tội thì phải đến với Giáo Hội, cụ thể là đến với các linh mục. Trên thực tế, nhiều người giáo dân ở những nơi không có linh mục. Thế là họ phải xưng tội trực tiếp với Chúa. Trong trường hợp đó, họ cũng được tha. Bởi lẽ, Chúa ở trên Giáo Hội. Khi có Giáo Hội, Chúa ban ơn tha thứ qua Giáo Hội. Khi không có Giáo Hội, Chúa tha thứ trực tiếp.

Anh em Tin Lành thì xưng tội trực tiếp với Chúa, chứ không qua trung gian. Chúng ta tôn trọng họ. Còn chúng ta lãnh nhận bí tích giải tội qua Giáo Hội là chúng ta sống đúng thánh ý Chúa. Bởi lẽ chính Chúa ban quyền tha tội cho Giáo Hội. Nói khác đi, chính Chúa lập bí tích Giải tội.

Thứ năm: Bí tích Xức dầu thánh.



Thật khó có thể xác định Chúa Giêsu lập bí tích này lúc nào. Chỉ biết rằng trong cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu, Ngài rất thương các bệnh nhân, Ngài thường làm phép lạ để cứu giúp các bệnh nhân. Khi sai các tông đồ đi rao giảng, Ngài ban cho các tông đồ quyền chữa lành bệnh tật qua việc xức dầu: “Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6, 13). Điều này cho thấy bí tích Xức dầu được các tông đồ cử hành ngay từ khi Chúa còn ở trần thế để chữa lành bệnh tật. Chắc chắn đây không phải là sáng kiến của các tông đồ, mà là do lệnh truyền của Chúa Giêsu.

Có thể nói chính Chúa Giêsu đã truyền cho các tông đồ cử hành bí tích này. Nói khác đi, chính Chúa Giêsu lập bí tích này.

Sau khi Chúa về trời, các tông đồ tiếp tục cử hành bí tích này cho các bệnh nhân. Điều này được ghi trong thư Giacôbê: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa” (Gc 5, 14). Như vậy, bí tích Xức dầu đã được cử hành trong Giáo Hội sơ khai. Ngày nay, Giáo Hội thực hiện việc cử hành bí tích Xức dầu cho những người bệnh. Điều này cho thấy Giáo hội chỉ làm lại những việc các tông đồ làm. Các tông đồ làm những việc này là do ý muốn của Chúa Giêsu. Như vậy, chính Chúa Giêsu thật sự là Đấng lập bí tích Xức dầu.

Thứ sáu: Bí tích Truyền chức thánh.



Bí tích này được Chúa Giêsu thiết lập vào bữa Tiệc Ly cùng với bí tích Thánh Thể. Ngài nói với các tông đồ: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11, 23-25).

Đoạn Kinh Thánh trên chứng minh Chúa Giêsu muốn Giáo Hội cử hành bí tích Thánh Thể. Để cử hành bí tích Thánh Thể, Giáo Hội cần các thừa tác viên có chức thánh. Để có thừa tác viên có chức thánh, Giáo Hội phải truyền chức. Điều này cho thấy bí tích Truyền chức có mối liên hệ mật thiết với việc cử hành Thánh Thể. Việc cử hành Thánh Thể xuất phát từ ý muốn của Chúa Giêsu. Việc này kéo theo bí tích truyền chức. Như vậy, bí tích truyền chức xuất phát từ ý muốn của Chúa Giêsu. Nói khác đi, Chúa Giêsu là tác giả của bí tích Truyền chức. Ngài lập ra bí tích Truyền chức.

Thứ bảy: Bí tích Hôn phối.



Bí tích này được Chúa Giêsu lập khi người Pharisêu hỏi Ngài: "Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?" (4)Người đáp: "Các ông không đọc thấy điều này sao: "Thuở ban đầu, Ðấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ", (5)và Người đã phán: "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt". (6)Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly" (Mt 19, 3-6).

Đoạn Kinh Thánh trên cho thấy sự liên kết giữa người nam và người nữ là do Thiên Chúa. Sự liên kết này phải được thể hiện công khai bằng bí tích hôn phối, qua đó hai người nam nữ được liên kết nên một. Việc liên kết hai người nam nữ nên một là do chính Thiên Chúa. Việc này chỉ có thể thực hiện qua bí tích hôn phối. Như vậy, chính Thiên Chúa, nói rõ hơn là chính Chúa Giêsu lập bí tích Hôn phối.


III. ĐỐI CHIẾU ĐỜI SỐNG TỰ NHIÊN VỚI CÁC BÍ TÍCH.

1. Việc được sinh ra trong đời sống tự nhiên với Bí tích Rửa Tội: Trong đời sống tự nhiên, tất cả chúng ta đều được sinh ra. Trong đời sống siêu nhiên cũng vậy. Chúng ta phải được sinh lại bởi Trên qua bí tích Thánh Tẩy. Nghi thức chính yếu của Bí tích này là việc đổ nước và lời đọc: Cha rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, qua đó Chúa tha tội nguyên tổ và các tội chúng ta phạm, sáp nhập chúng ta vào Hội Thánh, ghi vào tâm hồn chúng ta dấu ấn thiêng liêng không thể xóa được, đặc biệt là làm cho ta trở nên con Thiên Chúa.

2. Việc lớn lên trong đời sống tự nhiên với Bí tích Thêm Sức.
Trong đời sống tự nhiên, chúng ta không mãi mãi là trẻ nhỏ. Mỗi ngày chúng ta được lớn lên. Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy. Mỗi ngày chúng ta cần phải được lớn lên trong ân sủng. Bí tích Thêm sức ban cho chúng ta mỗi ngày một lớn lên trong ân sủng. Nghi thức chính yếu của bí tích này gồm có: Việc giám mục đặt tay cầu nguyện; xức dầu trên trán và đọc: “Hãy nhận lấy ấn tín ơn Chúa Thánh Thần; chúc bình an.

3. Việc được nuôi sống bằng lương thực phần xác và Bí tích Thánh Thể.
Trong đời sống tự nhiên, chúng ta cần phải ăn mới sống.Trong đời sống siêu nhiên cũng vậy. Chúng ta phải được nuôi dưỡng bằng bí tích Thánh Thể. Bí tích này được Chúa Giêsu lập, ban Mình Máu Ngài làm của ăn nuôi sống linh hồn ta, ở lại với ta và biến đổi ta nên giống Ngài. Nghi thức chính yếu của bí tích này là lời truyền phép của linh mục “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em…”, “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước mới cho các con và nhiều người được tha tội” (1Cr 11, 23-25). Qua lời truyền phép, bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa Kitô để làm của ăn nuôi sống chúng ta.

4. Việc chữa bệnh phần xác và Bí tích Giải tội.
Trong đời sống tự nhiên, ai trong chúng ta cũng từng mắc bệnh. Khi mắc bệnh, chúng ta cần phải được chữa bệnh. Trong đời sống siêu nhiên cũng vậy, ai trong chúng ta cũng có tội. Khi có tội chúng ta cần lãnh nhận bí tích giải tội để được tha tội. Nghi thức chính yếu của bí tích giải tội là việc chúng ta xưng thú tội lỗi và linh mục đọc lời tha tội. Qua đó, Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng ta.

5. Việc già yếu và Bí tích Xức dầu bệnh nhân.
Trong đời sống tự nhiên, chúng ta phải trải qua qui luật sinh, lão, bệnh, tử. Nghĩa là ai trong chúng ta cũng phải già đi, yếu đi. Bí tích xức dầu nâng đỡ chúng ta về phần hồn cũng như phần xác. Nhiều trường hợp bệnh nhân được khỏe lại nhờ lãnh nhận bí tích xức dầu. Tuy nhiên bí tích xức dầu nhắm đến phần hồn nhiều hơn, đó là ban ơn nâng đỡ để bệnh nhân có thể chịu được những đau đớn của bệnh tật, giúp bệnh nhân kết hợp đau khổ với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, ban ơn tha thứ nếu vì lý do chính đáng nào đó mà bệnh nhân chưa lãnh nhận bí tích giải tội và chuẩn bị cho “cuộc vượt qua” sang cõi sống đời đời. Nghi thức chính yếu của bí tích này là lời đọc: “Nhờ việc xức dầu thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần mà giúp đỡ ông (bà, anh, chị, em…). Đáp: Amen. Để Người giải thoát ông (bà, anh, chị, em…) khỏi mọi tội lỗi, cứu chữa và thương làm cho ông (bà, anh, chị, em…) được thuyên giảm.

6. Việc lãnh đạo xã hội và Bí tích Truyền chức thánh.
Trong xã hội, cần có những người lãnh đạo để chăm lo đời sống người dân. Trong Giáo Hội cũng vậy, cần có những vị lãnh đạo để chăm lo cho cộng đoàn. Những vị này được Giáo Hội phong chức để thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng, cử hành các bí tích và phục vụ cộng đoàn. Nghi thức chính yếu của việc phong chức là việc giám mục đọc lời nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần, việc đặt tay trên đầu các tiến chức và lời nguyện phong chức.
Ngoài bí tích Truyền chức thánh được ban cho Giáo Hội để lãnh đạo cộng đoàn, còn có nghi thức khấn dòng dành cho những người sống đời tận hiến cho Chúa. Đây không phải là bí tích nhưng có giá trị rất đặc biệt, qua đó những người tận hiến cho Chúa dâng trọn đời mình để phục vụ Chúa và tha nhân.

7. Đời sống của người dân và Bí tích Hôn phối.
Trong xã hội, thành phần đông nhất và góp phần rất tích cực trong việc xây dựng xã hội là người giáo dân. Trong đời sống siêu nhiên cũng vậy, thành phần tích cực làm cho Giáo Hội lớn mạnh chính là những người giáo dân. Phần đông trong giáo dân là những người sống đời hôn nhân. Để bước vào đời sống hôn nhân, đôi bạn nam nữ phải cử hành bí tích hôn nhân. Qua bí tích hôn nhân đôi bạn nam nữ được Chúa kết hợp thành vợ chồng trước mặt Chúa và Hội Thánh, cùng ban cho họ sống xứng đáng ơn gọi của mình. Nghi thức chính yếu của bí tích hôn phối là đôi bạn nói lời ưng thuận và trao nhẫn.
Tóm lại, các Bí Tích có tầm quan trọng rất lớn đối với chúng ta. Mọi giai đoạn của cuộc đời chúng ta đều gắn liền với các bí tích. Chúng ta cần có thái độ trân trọng đối với các bí tích, lãnh nhận các bí tích với tất cả tấm lòng và thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa giải và Thánh Thể, đặc biệt là cố gắng sống xứng đáng với các bí tích mà mình lãnh nhận.
 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Quốc Thắng
Nguồn tin: Gx. Bình Đông