Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

LỊCH SỬ ƠN CỨU ĐỘ- PHẦN I I/ TÂN ƯỚC - CHƯƠNG 8

CHƯƠNG VIII: ƠN CỨU ÐỘ ÐƯỢC LAN RỘNG.


Trong những năm đầu tiên sau khi Ðức Kitô về trời, vấn đề quan trọng nhất đối với những kẻ tin theo Ngài là vấn đề thuộc về bản tính của vương quốc Thiên Chúa, Giáo Hội. Phải chăng nó chỉ là một sự thanh lọc của Dothái giáo, và chỉ giới hạn trong dân Israel mà thôi, hay nó là một công cuộc mới mẻ kêu mời tất cả nhân loại hãy bước vào ? Vấn đề này rất là nan giải và rất nghiêm túc. Những cách thức nó được giải quyết như thế nào đều được thuật lại trong Công Vụ các Tông Ðồ, một nguồn lịch sử không thể thiếu được của Giáo Hội sơ khai. Ðược ghi chép, sau khi những sự kiện xảy ra chẳng bao lâu, do Luca là người đã từng đích thân tham dự vào công cuộc truyền giáo thuở ban đầu như là môn đệ thân tín của Phaolô, nó là một quyển sách mô tả lướt qua một cách hấp dẫn sự Giáo Hội bành trướng như thế nào từ Yêrusalem đến Rôma, và nó được Thánh Thần hướng dẫn như thế nào để hiểu rõ cái tính cách phổ bác của mình. Nó bắt đầu tại Yêrusalem với các tông đồ là những người hy vọng khơi phục vương quyền cho Israel. "Lạy Chúa, phải chăng thời này là lúc Ngài khôi phục vương quốc cho Israel ?" (Cv 1, 6). Vào lúc kết thúc lịch sử của nó khoảng 30 năm sau đó, Giáo Hội đã được thiết lập vững chắc ở Rôma, trung tâm của thế giới, và Phaolô rao giảng công khai rằng "Chính dân ngoại mà ơn cứu thoát này của Thiên Chúa đã được sai đến. Và họ sẽ nghe" (Cv 28, 28).

GIÁO HỘI TẠI YÊRUSALEM.

Năm chương đầu của sách Công Vụ mô tả rõ ràng cuộc sống của Giáo Hội ngay sau khi Ðức Kitô thăng thiên. Những người tin theo Ðức Kitô lập thành một nhóm đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của các tông đồ. Họ tổ chức một cuộc sống cộng đồng trong đó lời giảng dạy của các tông đồ, sự cầu nguyện và sự bẻ bánh (phép Thánh Thể) là những yếu tố chính. Ðó cũng là một cuộc sống mà tình huynh đệ đã được lan rộng cho đến nổi tất cả đều đem tài sản của mình bỏ chung. Như thế những người nghèo khó sẽ được chăm sóc đầy đủ bởi những người trước đây có một nếp sống sung túc. Tất cả những điều này làm cho chúng ta nhớ đến một nếp sống tu trì, thực ra chỉ là mô phỏng, xuyên qua bao thế kỷ, nếp sống của những Kitô hữu đầu tiên.

"Họ chuyên cần với giáo huấn của các tông đồ và sự hiệp thông, việc bẻ bánh và kinh nguyện . Các kẻ tin hết thảy đều coi mọi sự như của chung : đất đai của cải, thì họ bán đi mà phân phát cho mọi người, ai nấy tùy theo nhu cầu của mình. Ngày ngày họ đồng tâm nhất trí chuyên cần lui tới Ðền Thờ, bẻ bánh ở nhà, cùng nhau chia sẻ của nuôi thân, lòng hân hoan, dạ đơn thành, trong lời ngợi khen Thiên Chúa, trong sự mến phục của toàn dân. Và số những kẻ được cứu rỗi cứ mỗi ngày được Chúa ban thêm mà nên một cùng nhau" (Cv 2, 42 - 47).

Nhóm nầy, với nếp sống cộng đồng của nó, có các vị lãnh đạo rõ rệt và sách Công Vụ cũng nói rõ về họ. Có Phêrô "Tảng Ðá" của Giáo Hội, những tông đồ khác là những tá viên. Nửa phần đầu của sách Công Vụ toàn là mô tả một cách khâm phục quyền tối thượng của Phêrô. Chính ông đã đề nghị bầu Matthia để thay thế Yuđa. Chính ông đã giảng giải công khai trong ngày Thánh Thần hiện xuống ; cũng chính Phêrô chữa người què và rao giảng tại Cửa Hẹp của Ðền Thờ. Hai bài giảng trước pháp đình của người Dothái trong chương bốn và năm cũng là của Phêrô, và cũng chính ông là người đóng vai chính trong biến cố thê thảm liên quan đến Anania và vợ Saphira. Không hoài nghi gì cả, Phêrô là người lãnh đạo Giáo Hội buổi sơ khai. Tiếp đến là các tông đồ khác tùy theo đại vị quan trọng. Sau đó đến các tá viên là những người được nói đến lần đầu ở chương sáu.

Ðồng thời với việc các người tin theo Ðức Kitô, có một cộng đoàn riêng biệt và có nếp sống độc đáo, người ta cũng thấy rõ ràng là họ vẫn còn tham gia vào việc thờ phụng và tin theo Dothái giáo. Trong sách Công Vụ chương 2 câu 46, thuật lại việc họ ngày ngày chuyên cần lui tới Ðền Thờ, chương 5 câu 42, việc họ thường hay giảng dạy ở đó. Nơi họ thích tụ tập hơn cả hình như là cửa Salômôn ngay phía ngoài Ðền Thờ. Và điều này cho thấy rõ hãy còn rắc rối. Ðây là một nhóm người Dothái vẫn còn lưu luyến Dothái giáo nhưng đồng thời cũng tin rằng Chúa Giêsu Phục Sinh quả thật là Ðấng Messia đã hứa, là Ðức Kitô. Chính điểm này phân biệt họ ngay với những đồng bào Dothái khác. Và họ là những người chân trong chân ngoài, một chân thì ở trong Dothái giáo chính thống, chân kia thì đã bước ra ngoài ; tuy vẫn còn giữ theo Dothái giáo, họ vẫn tin chắc rằng nó đã được làm cho trọn vẹn nơi Chúa Giêsu. Ðiều khó phân biệt lúc bấy giờ là không biết việc hoàn thiện Dothái giáo mà Chúa Giêsu đã thực hiện phải chăng chỉ là một sự thanh lọc và nâng cao cái tôn giáo của cha ông họ, hay nó là một công trình mới mẻ, có liên quan tới Dothái giáo, là nguồn gốc phát sinh nó, nhưng nó là một Giao Ước Mới, một tôn giáo phổ bác. Vấn đề là ở chổ đó. Nó được giải quyết như thế nào thì đã được thuật lại ở chương sáu bắt đầu với Stêphanô.


STÊPHANÔ VÀ SỰ PHÂN TÁN.

Stêphanô là một trong bảy tá viên được các tông đồ tuyển chọn để phục vụ những người góa bụa Dothái gốc Hylạp. Từ ngữ "Dothái gốc Hylạp" chỉ những người Dothái sinh ngoài xứ Phalệtinh, và tiếng mẹ đẻ của họ là tiếng Hylạp, mặc dù nhiều người cũng nói thông thạo tiếng Sêmít. Chính Stêphanô cũng là một người Dothái gốc Hylạp, và tư tưởng của ông, như đã được biểu lộ ở chương bảy, với những nét đại cương, chắc chắn là khác hẳn tư tưởng của một người Dothái ở Phalệtinh bị cô lập khỏi ảnh hưởng của tư tưởng quốc tế. Với sự xuất hiện của Stêphanô và những đồng bào Dothái gốc Hylạp của ông, Giáo Hội bắt đầu di chuyển ra khỏi giới hạn của Dothái giáo và ra khỏi trung tâm của nó ở Yêrusalem. Chẳng bao lâu, nhờ Stêphanô, những Kitô hữu Dothái gốc Hylạp sẽ truyền bá lòng tin nơi Chúa Giêsu ra tận bên ngoài xứ Phalệtinh, đến những người không phải là Dothái. Bởi đó, tầm quan trọng của Stêphanô thật là khôn lường. Bài giảng và sự chết của ông tạo nên một biến cố chủ yếu trong sách Công Vụ.

Chương sáu có thuật lại việc những người thù nghịch của Stêphanô dấy lên như thế nào :

"Họ cắt đặt chứng gian ra nói : Tên này không ngớt nói những lời phạm đến nơi thánh này và lề luật. Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng : Giêsu Nazarét kia sẽ triệt hạ nơi này và thay đổi lề lối Môsê đã truyền cho chúng ta" (Cv 6, 13 - 14).

Thực ra cũng có chút ít sự thật trong lời cáo đó mặc dù có bóp méo và phóng đại. Chắc chắn Stêphanô đã tin rằng cả Ðền Thờ cũng như lề luật chỉ là những cái tạm thời mà thôi và sự quan trọng của chúng phải chấm dứt với sự sống, sự chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô, chắc ông cũng đã khẳng định rằng Môsê, mặc dù vĩ đại như thế, giờ đây cũng phải nhưởng bước nhường chỗ cho Môsê mới, là Chúa Giêsu đã Phục Sinh. Tất cả những điều này được thấy rõ ràng trong bài giảng của Stêphanô như đã tường thuật ở chương bảy. Ðó là một bài giảng dài, nhưng có thể thu gọn lại vào một vài điểm căn bản như sau. Khi nói về sự Thiên Chúa hiện ra cho Abraham ở Mêsôphôtamia, Stêphanô có ý dạy rằng sự hoạt động của Thiên Chúa không thể nào chỉ bị giới hạn trong Phalệtinh mà thôi, Thiên Chúa đã không cho Abraham một tấc đất nào nơi đó cả. Tôn giáo không thể bị ràng buộc vào một nước hay vào một dân nào. Ðiểm thứ hai nói về Ðền Thờ, nó cũng vậy, không phải là cần thiết. Trước ngày Ðền Thờ được thiết lập, Thiên Chúa cũng đã được phụng thờ rồi. Và người xây cất Ðền Thờ là Salômôn, một con người không đức độ bao nhiêu. Sau hết, Stêphanô nêu lên lịch sử đáng buồn của dân Dothái đã từ khước những người lãnh đạo Thiên Chúa sai đến. Yuse bị bạc đãi, Môsê cũng vậy, và các tiên tri khác cũng thế. Vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu cũng bị phản bội và bị chết bởi chính những kẻ mà Ngài được sai đến. Quan điểm của Stêphanô ở đây không phải là chỉ nói về những sứ giả của Thiên Chúa đã bị bách hại xuyên qua dòng lịch sử. Một chân lý quan trọng hơn nữa, đó là sự Thiên Chúa vẫn hoàn tất chương trình của Ngài, không màng chi những sự bách hại, và Ngài lợi dụng những cuộc bách hại đó để đạt đến mục đích của Ngài. Qua tất cả những sự này, Stêphanô ám chỉ một cách khéo léo về Chúa Giêsu, là vị tiên tri cuối cùng đã bị bách hại, và sự chết của Ngài chỉ là điềm báo trước sự Phục Sinh vinh hiển.

Bài giảng của Stêphanô được kết thúc bằng sự diễn tả điều ông thấy trên trời : "Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa" (Công Vụ 7, 56). Việc Stêphanô tuyên xưng niềm tin của mình như thế nơi Ðức Kitô Phục Sinh đã bảo chứng cho số phận của ông. Ông bị ném đá đến chết, và những người ném đá ông "Cởi áo đặt nơi chân một tráng niên gọi là Saulô" (Cv 7, 58).

Ðây là một tấm gương đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội sơ khai, chứng tỏ một sự muốn cố gắng tách rời tôn giáo của Ðức Kitô khỏi Dothái giáo. Stêphanô không có ý chế giễu Dothái giáo, nhưng ông chỉ nhằm nêu lên tính cách tạm thời của nó. Ông nói đã đến thời kỳ giá trị của Ðền Thờ cũng như của lề luật Môsê phải chấm dứt. Nó nhường chỗ cho tôn giáo Ðức Kitô thiết lập, một tôn giáo không hề bị giới hạn trong một quốc gia, một xứ hay một đền thờ nào cả. Lời nói mạnh dạn của ông chắc là đã giúp cho anh em ông thấy rõ hơn một chút rằng đức tin mới mẻ của họ là một cái gì khác biệt với đức tin mà họ có thuở mới sinh ra.

Cái chết của Stêphanô có ngay một hiệu quả xa hơn nữa. Cơn thịnh nộ của những người Dothái chính cống nhằm một cách dữ tợn thẳng vào những người Kitô hữu người Dothái gốc Hylạp như Stêphanô. Họ bị đuổi ra ngoài Yêrusalem và phân tán sang Yuđê và Samari. Một số lại tìm đường đi về phía bắc, sang Phênikia và Antiôkia, còn một số khác thì lại dùng thuyền vượt một quãng đường ngắn sang đảo Kyprô. Lúc đầu những Kitô hữu bị bách hại này chỉ rao giảng niềm tin của họ nơi Chúa Giêsu cho người Dothái mà thôi, nhưng chẳng bao lâu, một số người sinh sống ở Antiôkia cũng bắt đầu giảng cho những người không phải là Dothái nữa. Và trong số này nhiều người đã chấp nhận Ðức Kitô một cách sốt sắng và chân thành.

"Trong ngày ấy đã xảy ra một cơn bách hại dữ dội cho Hội Thánh ở Yêrusalem. Mọi người đều phải tản mát về các vùng quê ở xứ Yuđê và Samari, chỉ trừ có các tông đồ" (Cv 8, 1).

"Vậy những người bị phân tán vì cơn bách hại nhân vụ Stêphanô, đã đi đến tận Phênikia, Kyprô và Antiôkia, nhưng họ không giảng Lời cho ai khác ngoài người Dothái. Trong nhóm họ có vài người Kyprô và Kyrênê ; những người này khi đến Antiôkia thì đã giảng cho cả những người Hylạp nữa, loan báo cho họ Tin Mừng về Chúa Giêsu. Và có cánh tay Chúa ở cùng họ ; một số đông đã tin theo và trở lại cùng Chúa" (Cv11, 19 - 21).

Sự Stêphanô bám chặt bằng trí tuệ vào tôn giáo mới, là một việc quan trọng. Hậu quả thực tế của cơn bách hại tiếp theo cái chết của ông lại là một việc khác. Việc thứ nhất cho chúng ta một lý thuyết thần học về sự độc lập của Kitô giáo. Việc thứ hai làm cho nhóm Kitô hữu người Dothái gốc Hylạp, là một nhóm ơn hòa hơn, được lan rộng khắp nơi, và chính nhờ nhóm này mà công việc truyền giáo đã được thực hiện một phần lớn. Thánh Thần mà Stêphanô được đầy tràn (Cv 7, 55) đang hướng dẫn các Kitô hữu đầu tiên một cách cẩn thận. Vấn đề nan giải liên quan tới bản chất của Giáo Hội và địa vị của những người không phải Dothái đã được sớm giải quyết đó đều có Thánh Thần trợ giúp. Và Stêphanô đã thực hiện bước quan trọng đầu tiên.


PHÊRÔ VÀ CORNÊLIÔ.

Bước quan trọng kế tiếp trong việc vạch rõ tính cách phổ bác của Giáo Hội đã được mô tả trong các chương 10 và 11 của sách Công Vụ. Phêrô và Cornêliô là hai nhân vật chính trong những chương này. Sự lập đi lập lại những công việc mô tả thị kiến của họ nhằm nhấn mạnh sự quan trọng chủ yếu của biến cố này, bởi vì chính việc Phêrô đã rửa tội cho Cornêliô, không phải là người Dothái, đã mở đầu cho việc thu nhận những người dân ngoại vào Giáo Hội.

Nét đại cương của câu chuyện thật đơn giản : Cornêliô, một người không phải Dothái, mặc dù rất quan tâm đến Dothái giáo và hết lòng kính thờ Thiên Chúa, đã được một thị kiến bảo ông đi gặp Phêrô, lúc bấy giờ đang ở tại Yôphê. Phần Phêrô trong một thị kiến lừng danh, ông thấy một tấm khăn lớn từ trời buông xuống, trong đó có đủ thú vật "thú bốn chân, rắn rít dưới đất và chim chóc trên trời". Khi được lệnh hãy hạ sát mà ăn, ông phản đối rằng một số thú vật đó thì tục và nhơ chiếu theo lề luật Môsê, "những gì Thiên Chúa đã tẩy sạch thì ngươi đừng gọi là tục". Ðó là câu trả lời của Thiên Chúa. Dĩ nhiên đây là dấu để dạy Phêrô rằng bức rào ngăn cách giữa người Dothái (sạch) và dân ngoại (nhơ), theo lề luật Môsê, đã bị hủy bỏ.

Khi những người được Cornêliô sai đi đã đến nơi cư ngụ của Phêrô, ông này được lệnh phải cùng đi với họ. Ðó là tiếng phán bảo của Thánh Thần (10, 19), Ðấng đang hướng dẫn tất cả việc phải làm. Tới Kaisaria, nơi Cornêliô ở, Phêrô càng thêm mạnh dạn vì tất cả những sự việc đã xảy ra, nên ông không ngần ngại vào thăm gia đình Cornêliô, một người không phải Dothái (như thế cũng là không tuân theo luật Môsê) và, đang khi ông giảng về Chúa Giêsu cho những người có mặt ở đó, thì Thánh Thần xuống trên những người không phải Dothái. Ðây là một tỷ dụ cụ thể chứng tỏ sự mạc khải của Thiên Chúa. Bởi vì chính Thánh Thần cũng xuống trên những người không phải Dothái, và như thế là không hợp với lề luật. Không còn chút do dự, Phêrô đã thu nhận trực tiếp những người dân ngoại đó vào Giáo Hội. Ông đã rửa tội cho họ tất cả.

"Phêrô còn đang nói các điều ấy thì Thánh Thần đã xuống mọi kẻ đang nghe lời. Các tín hữu thuộc giới cắt bì, những người đã đến làm một với Phêrô đều kinh ngạc, vì ơn Thánh Thần đã đổ xuống trên cả dân ngoại : Bởi họ nghe những người ấy nói bằng các thứ tiếng và cao rao Thiên Chúa. Bấy giờ Phêrô lên tiếng : Nào ai có thể ngăn cấm những người này chịu thanh tẩy, những kẻ đã chịu lấy Thánh Thần một thể như chúng ta ? Và ông đã ra lệnh thanh tẩy họ nhân danh Ðức Giêsu Kitô" (Cv10, 44 - 48).

Biến cố này có thể mệnh danh là ngày Thánh Thần hiện xuống trên dân ngoại. Cũng cần lưu ý rằng chính Phêrô đã chủ tọa trong cả hai ngày Thánh Thần hiện xuống. Tuy nhiên, khi trở về Yêrusalem, ông thấy rằng một số Kitô hữu Dothái bảo thủ hơn, lấy làm băn khoăn vì những sự đã xảy ra. Những người này sẵn sàng đồng ý với việc dân ngoại được đón nhận Chúa Giêsu, nhưng miễn là họ phải được Dothái hóa trước đã. Sau khi nghe Phêrô mô tả những gì đã xảy ra, họ không còn phản đối nữa, bởi vì quyền quyết định tối hậu cho dân ngoại được thanh tẩy là do chính Thánh Thần hối thúc ông.

"Vậy nếu Thiên Chúa đã ban cho họ (Cornêliô và gia nhân của ông) cùng đồng một ơn huệ như Ngài đã ban cho chúng ta, là những kẻ đã tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà có thể ngăn cấm được Thiên Chúa ? Nghe thế, họ đã nguôi dịu và tôn vinh Thiên Chúa mà rằng : Vậy thì Thiên Chúa đã ban cho cả dân ngoại nữa ơn hối cải để được sống" (Cv 11, 17 - 18).

Biến cố này được Thánh Thần hướng dẫn từ đầu chí cuối, là hành động thứ hai (hành động thứ nhất là sự tử đạo của Stêphanô) trong việc Thiên Chúa bày tỏ chương trình cứu độ hoàn toàn của Ngài, chương trình ấy bao gồm cả dân ngoại cũng như Dothái. Bởi vì cả hai đều phải hợp nhất với nhau trong Ðức Kitô, và trong Ðức Kitô họ được hợp nhất với Thiên Chúa. Vẫn còn có những sự do dự, hoài nghi, chống đối về phía những người còn lưu luyến Dothái giáo hơn là Kitô giáo, nhưng Thánh Thần vẫn hướng dẫn một cách vững vàng Giáo Hội sơ sinh đến chỗ hiểu biết ngày càng sâu xa và rõ ràng hơn về tính cách Công giáo của nó.

PHAOLÔ NGƯỜI TARSÔ.

Phaolô, tên Dothái của ông là Saulô, cũng như Stêphanô, là một người Dothái gốc Hylạp. Ông sinh bên ngoài Phalệtinh, tại Tarsô, ngày nay là một phần của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Ông thường được mệnh danh là "bà mụ" của Kitô giáo, là người có trách nhiệm chính trong việc cắt đứt dây ràng buộc giữa Kitô giáo và Dothái giáo. Như thế cũng có phần hơi quá đáng, bởi vì những người khác như Stêphanô và Phêrô cũng đã đóng góp rất nhiều vào việc thường xuyên làm cho những người Kitô giáo không phải Dothái được sáng tỏ. Tuy nhiên cũng nên chấp nhận cách vui vẻ rằng vai trò của Phaolô trong thảm kịch tôn giáo này là quan trọng nhất, việc ông trở lại với Ðức Kitô là một trong những hiện tượng nổi bật trong lịch sử tôn giáo của thế giới. Thánh Luca coi đó là một việc rất quan trọng cho đến nổi ông viết ba bài mô tả về nó trong quyển sách tương đối ngắn của ông. Dưới mắt của Luca, thì Phaolô chắc chắn là vị anh hùng đệ nhất trong số các Kitô hữu đầu tiên.

Những câu chuyện khác nhau tường thuật việc Phaolô trở lại đều nhấn mạnh rằng ông đã được tuyển chọn để đem Ðức Kitô đến cho thế giới dân ngoại. Hananya đã được lệnh rằng Phaolô là kẻ được Thiên Chúa chọn làm dụng cụ để mang danh Chúa Giêsu ra trước mặt các nước các dân, các vua chúa của họ (Cv 9, 15). Chính Phaolô cũng nói rằng lúc ông trở lại, thì ông được coi đi làm chứng tá cho Ðức Kitô trước mặt thế giới, làm kẻ đi mở mắt cho những dân ngoại, để đem họ từ chỗ tối tăm về chỗ sáng láng, từ chỗ bị thuộc quyền Satan sang chỗ được thuộc quyền Thiên Chúa (Cv 22, 15 ; 26, 17 - 18). Những năm đầu tiên sau việc ông trở lại một cách hoàn toàn bất ngờ, là những năm ông sống trong bóng tối. Trong thời gian ba năm đầu, ông sống ở sa mạc Arabi và tại Damascô. Tiếp đó ông ở hai tuần tại Yêrusalem. Việc ông đến đó thật là điều không may mắn. Các Kitô hữu không biết phải làm gì đối với ông. Mới độ ba năm trước đây, ông là một kẻ bách hại đức tin một cách cuồng bạo. Khó mà tin rằng một người như thế, trong một thời gian, có thể trở thành một Kitô hữu chân thành. Nhờ sự bầu cử của Barnaba, một Kitô hữu khả kính người Dothái gốc Hylạp, nên Phaolô mới được ra mắt các tông đồ. Cuộc viếng thăm này rất ngắn. Những Kitô hữu thì hoài nghi đối với Saulô, còn những người bạn Dothái của ông trước kia thì tức giận vì cho đó là một sự phản bội nhục nhã. Ông bắt buộc phải rời khỏi Yêrusalem và Phalệtinh để quay về Tarsô.

Sự đóng góp tích cự của Phaolô cho Kitô giáo bắt đầu ít năm sau đó, có lẽ bốn hay năm năm. Lúc đó, Barnaba được gởi đến Antiôkia để điều khiển công việc đang tiến hành ở đó, truyền giáo cho cả dân ngoại cũng như Dothái.

"Ðến nơi và thấy ơn Thiên Chúa, ông mừng rỡ và khuyến khích mọi người một lòng dốc quyết ở kiên trung với Chúa, vì ông là một người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin" (Cv 11, 23 - 24).

Khi Barnaba nhận thấy rõ lợi ích lớn lao có thể đem lại cho cả dân ngoại cũng như người Dothái, ông liền nghĩ đến Phaolô. Người tài đức, thông minh, nhiệt tình như thế mà không dùng thì uổng phí quá ! Barnaba liền đi đến Tarsô, ở đó ông gặp Phaolô và đưa ông trở về Antiôkia.

"Cả một năm trường, hai ông đã hợp tác với nhau trong Hội Thánh nơi ấy, và đã giảng dạy cho một đám đông. Vả lại cũng chính tại Antiôkia mà môn đồ đã được mệnh danh là Kitô hữu" (Cv 11, 26).

Rồi trong khoảng thời gian độ bốn năm từ 45 - 49 (sau TCGS), Phaolô và Baranaba ra đi băng ngàn vượt bể. Ðây là thời gian hành trình truyền giáo đầu tiên của hai ông, đi từ Antiôkia đến đảo Kyprô rồi lên phía bắc tận Tiểu Á. Luca nhấn mạnh rằng đây cũng là do Thánh Thần soi sáng.

"Lần kia nhân lúc họ phụng sự Chúa và ăn chay, Thánh Thần đã phán : Hãy tách riêng Baranaba và Phaolô ra cho Ta, để sung vào việc Ta đã kêu gọi chúng làm. Sau khi đã ăn chay và cầu nguyện, họ đặt tay và tiển các ông đi. Vậy các ông được Thánh Thần sai đi thì đã xuống Sêlêukia, rồi từ đó vượt biển qua Kyprô" (Cv 13, 2 - 4).

Luca kể lại rằng Phaolô, giống như Stêphanô và Barnaba, đều là những nhà tiền phong của tư tưởng Công Giáo, được đầy tràn Thánh Thần (13, 9) trong suốt giai đoạn vất vả của ông. Chuyến du hành đầu tiên này đem lại kinh nghiệm rất có ý nghĩa là người Dothái thì chống lại lời loan báo Tin Mừng, đang khi đó thì dân ngoại đón nhận nó một cách chân thành và đông đảo. Nơi nào Phaolô và Baranaba đặt chân đến, cũng đều như thế cả. Họ vẫn bắt đầu rao giảng cho người Dothái, bởi vì trong chương trình cứu độ, đức tin đã được ban cho họ trước tiên như là Dân Thiên Chúa. Khi người Dothái khước từ, các nhà truyền giáo ấy mới quay sang dân ngoại, và thấy họ sẵn sàng hâm mộ đón nghe. Chắc chắn kinh nghiệm thực tế này làm cho Phaolô vững tin rằng tương lai của Kitô giáo là ở trong dân ngoại. Không phải ông tuyệt vọng đối với dân của ông, nhưng ông nhận thấy rằng theo ý định khôn lường của Thiên Chúa thì dân ngoại dường như phải được ưu tiên gia nhập Giáo Hội trước người Dothái. Tất cả điều này rất rõ rệt trong lời tường trình của Phaolô về kinh nghiệm của ông ở Pisidi Antiôkia. Người Dothái ở đó phản đối lời rao giảng của Phaolô và của Barnaba và âm mưu bách hại họ. Vì thế các nhà truyền giáo này buộc lòng phải quay chú ý sang dân ngoại. Qua tất cả việc này, cũng chính là do sự mạc khải của Thánh Thần và sự hiểu biết thực tế qua kinh nghiệm chua xót, mà bản chất công giáo của Giáo Hội Ðức Kitô mỗi ngày một thêm rõ rệt trong tâm trí các nhà rao giảng Tin Mừng.

"Hưu lễ sau, hầu như tất cả thành đã hội lại để nghe lời Thiên Chúa. Người Dothái thấy đoàn lũ dân chúng thì đầy lòng ghen tương và buông lời lộng ngôn khích bác các điều Phaolô giảng. Ðầy dạn dĩ, Phaolô và Baranaba nói : Bắt buộc chúng tôi phải nói lời Thiên Chúa cho các nguơi trước. Nhưng bởi các ngươi khước từ lời ấy, và tự lên án là các ngươi bất xứng với sự sống đời đời, thì này chúng tôi quay sang người ngoại. Vì Chúa đã truyền dạy chúng tôi như vậy : Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên nguồn cứu độ cho đến cùng mặt đất. Nghe vậy, người ngoại mừng rỡ và ca tụng lời Chúa ; và họ đã tin, những ai đã được Chúa định cho vào sự sống đời đời. Còn Lời Chúa, thì đã lan truyền ra khắp xứ. Những người Dothái đã xách động những phụ nữ khá giả đã tòng giáo, và những kỳ hào trong thành và đã gây nên một cuộc bắt bớ cho Phaolô và Barnaba, và người ta đã trục xuất các ông ra khỏi vùng" (13, 44 - 50).

Ở đây cũng nên lưu ý rằng Phaolô đã tự gán cho mình danh hiệu "Ánh sáng dân ngoại", đó là một ơn gọi đã được Isaya đệ nhị loan báo trước kia khi nói về Người Tôi Tớ đau khổ của Yavê. Phaolô biết rất tỏ tường rằng chính Ðức Kitô là Người Tôi Tớ đã chuộc tội nhân loại bằng cái chết của mình. Nhưng ông cũng biết rằng Ðức Kitô sống trong ông, dùng ông như là một khí cụ riêng để truyền bá ánh sáng Kitô giáo vào thế giới tối tăm của dân ngoại. Vào lúc cuộc hành trình đầu tiên này chấm dứt, thì bản chất phổ bác của Kitô giáo đã hoàn toàn rõ rệt trong tâm trí của Phaolô. Giáo Hội của Ðức Kitô là Giáo Hội Công Giáo. Tất cả mọi người đều được mời gia nhập. Dothái cũng như không Dothái, và điều có vẻ lạ lùng và trái ngược, là chính thế giới không Dothái lại ồ ạt gia nhập. Ðiều này cũng nảy sinh một hậu quả ngoài lề trong ý nghĩ của Phalô. Việc Ðức Kitô sẽ đến lần thứ hai sẽ xảy ra sau khi người Dothái gia nhập Giáo Hội. Giờ đây Phaolô nhận thấy rằng dân ngoại được mời gọi gia nhập trước dân Dothái. Sự kiện này đẩy lui lại rất xa ngày Ðức Kitô sẽ đến lần thứ hai. Kết quả là Phaolô và những Kitô hữu khác đều được khuyến khích tập trung nhiều hơn nữa vào những nguồn quan trọng của sự sống siêu nhiên trong Giáo Hội, để họ được nâng đở trong lúc chờ đợi lâu dài ngày Ðức Kitô lại đến.

Khi trở lại Antiôkia, Phaolô và Barnaba đã kể lại những kinh nghiệm của mình cho các bạn Kitô hữu khác. May mắn thay, họ cũng được thuật lại rằng, trong lúc họ đang trên đường đi truyền giáo, thì Giáo Hội tại Antiôkia cũng thu lượm được một sự thành công y hệt như thế. Mọi người đều kết luận là đức tin, thể theo Thánh Ý của Thiên Chúa được Thánh Thần mạc khải, đã mở rộng cửa cho các dân ngoại.

"Ðến nơi (Antiôkia), các ông nhóm họp Hội Thánh và trần thuật lại mọi điều Thiên Chúa đã làm với các ông, là Ngài đã mở cửa đức tin cho các dân ngoại" (14, 27).

Hình ảnh đang sáng sủa. Vấn đề của Giáo Hội sơ khai gần như đã được giải quyết.


CÔNG ÐỒNG YÊRUSALEM.

Những bước khác nhau do đó mà Stêphanô, Phêrô, Phaolô và Barnaba, tất cả với sự trợ lực của Thánh Thần, đã làm sáng tỏ tính cách công giáo của Hội Thánh, đã đạt mục đích thích hợp tại Công Ðồng Yêrusalem vào năm 50 (sau TCSG). Công Ðồng được triệu tập là do thái độ ngoan cố của người Kitô hữu Dothái, họ còn quá quyến luyến Dothái giáo. Những người này đòi hỏi phải bắt người ngoại mới trở lại "chịu cắt bì và truyền cho họ giữ luật của Môsê" (15, 5). Lý thuyết thần học của Stêphanô, việc Phêrô rửa tội cho Cornêliô, những kinh nghiệm của Phalô và Barnaba đều trái ngược với lối quảng diễn Kitô giáo như thế. Nhưng thành thật mà nói, cũng dễ hiểu được tại sao thái độ của người Dothái còn lưu luyến với sự cần thiết của lề luật Môsê hãy còn tồn tại lâu dài như thế. Truyền thống lâu đời trên 1200 năm kể từ thời Môsê đến nay đã để lại những tập quán và những thành kiến mà không dễ gì dập tắt được trong vài tháng hay vài năm.

Các Kitô hữu tại Antiôkia bị náo động đặc biệt trước aự đòi hỏi quyết liệt của những Kitô hữu Dothái bênh vực cho sự cần thiết của lề luật Môsê. Antiôkia gởi một phái đoàn do Phaolô và Barnaba cầm đầu, đến Yêrusalem để thỉnh ý kiến chính thức của các tông đồ về vấn đề cam go này. Trong suốt cuộc hội nghị ở đó, thường quen gọi là Công Ðồng Yêrusalem, những kinh nghiệm của Phêrô, Phaolô và Barnaba là những yếu tố quyết định. Phêrô nhắc lại việc Thánh Thần đã được ban xuống cho Cornêliô và gia đình ông như thế nào, ơn Thánh Thần không hề phân biệt Dothái hay không phải Dothái. Barnaba và Phaolô tiếp lời bằng cách mô tả những phép lạ Thiên Chúa đã làm cho dân ngoại trong suốt những cuộc hành trình của hai ông. Việc tóm lược và kết luận cuối cùng là do Yacôbê, Giám Mục Yêrusalem và là người bà con với Chúa Giêsu. Tương truyền rằng ông này là một người rất tuân giữ lề luật, một người mà ngay cả tua áo của người biệt phái cũng phải lắng nghe. Lời kết luận của ông liên quan đến dân ngoại, giống y hệt kết luận của ba thuyết trình viên. Những người ngoại trở lại với Chúa không còn phải lệ thuộc vào những điều khắt khe trong lề luật Môsê. Tuy nhiên, để duy trì sự hòa thuận và hợp nhất, ông khuyên các người ngoại ít ra hãy tuân giữ những điều đã qui định trong sách Lêvi (các chương 17 - 18) cho những người ngoại sống ở Phalệtinh, nhất là họ hãy tránh những thức ăn đã dâng cúng cho tà thần, thịt chưa lấy sạch huyết và hôn nhân giữa những họ hàng mà lề luật Môsê đã cấm. Những điều qui định mà Yacôbê đã liệt kê phải được coi như là một sự nhượng bộ thực tế về những điều không cần thiết. Chẳng hạn sự qui định về huyết, sẽ làm cho việc giao tế giữa những người Dothái và những người Kitô hữu gốc ngoại trở nên đơn giản hơn. Những Kitô hữu Dothái do đó sẽ có thể ngồi ăn đồng bàn với những người ngoại mà không lấy làm khó chịu hay là buồn nôn trước những thức ăn mà họ có thành kiến. Sắc lệnh cuối cùng của Công Ðồng thật là đáng ngạc nhiên bởi vì nó biểu lộ lòng tin tưởng nơi sự trợ lực của Thánh Thần trong suốt cuộc thảo luận.

"Các tông đồ, hàng niên trưởng, tức là những người anh em, gởi lời chào các anh em gốc ngoại tại Antiôkia, Syri và Kilikia. Nhân vì chúng tôi đã nghe tin là có ít người từ nơi chúng tôi đã đến gây rối nơi anh em, nói năng làm xáo trộn tâm hồn anh em, những kẻ không do chúng tôi uỷ quyền, nên sau khi đã được đồng tâm nhất trí nên chúng tôi quyết định sai ít người được chọn đến với anh em, làm một với Barnaba và Phaolô, những anh em quý mến của chúng tôi, những người đã liều mạng sống mình vì Danh Chúa chúng ta, Ðức Giêsu Kitô . Thánh Thần và chúng tôi quyết định không chất thêm gánh nặng nào cho anh em, trừ vài điều cần kíp này." (Cv 15, 23 - 28).

Sau đó tiếp đến ba điều căn dặn của Yacôbê và những người khác.

Với huấn dụ này của Công Ðồng Yêrusalem, Thánh Thần đã ban cho một cách giải quyết tốt đẹp vấn đề dân ngoại, chỉ trong khoảng thời gian ngắn độ 20 năm. Stêphanô đã góp phần nhiều vào cách giải quyết đó. Phêrô, Phaolô và Barnaba cũng vậy. Nhưng trong suốt quá trình này, chính Thánh Thần đã soi sáng hướng dẫn những nhân vật khác nhau thi hành đúng vai trò của mình. Với những cánh cửa của Hội Thánh giờ đây mở rộng cho dân ngoại, Phaolô và những nhà truyền giáo khác vội vã băng ngàn vượt bể đi truyền bá Tin Mừng Ðức Kitô. Việc cứu độ do Ðức Kitô đã hoàn tất, được thông phần qua sự hợp nhất với Ngài, giờ đây được lan rộng đến những người Dothái cũng như dân ngoại. Tất cả đều sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ lâu dài hàng thế kỷ và đáp theo ơn gọi của mình để làm cho thế giới trở nên một trong Ðức Kitô, và trong Ðức Kitô, trở nên một với Thiên Chúa. Hết mọi người đều được mời trở lại tính bản thiện Thiên Chúa đã ban cho nhân loại trước khi Tổ Tông phạm tội.

Tác giả: Giuse Võ Đức Minh, Gm