MỘT QUỐC GIA (Ðọc Yôsua, các chương 1 - 12 và 24).
Sau khi Môsê, tôi tớ Yavê chết rồi, Yavê phán với YÔSUA, con của Nun, tôi bộc của Môsê rằng : "Môsê tôi tớ của Ta đã chết. Vậy bây giờ ngươi hãy chỗi dậy qua sông Yodan kia, ngươi và toàn dân này, mà vào đất Ta ban cho chúng - cho con cái Israel, mọi nơi bàn chân các ngươi dẫm lên, thì Ta đã ban cho các ngươi rồi, như Ta đã phán với Môsê" (Yôsua 1, 1 - 13).
Không có đất đai và xứ sở riêng, thì một dân tộc chưa phải là một quốc gia. Ðó là trường hợp dân Israel. Khi Môsê chết thì họ hãy còn là dân du mục. Sách Yôsua thuật cho chúng ta việc đánh chiếm đất Canaan và dòng giống Abraham biến chuyển thành một dân tộc.
Môsê như chúng ta thấy, không phải là người dẫn đưa dân chúng vào đất Canaan. Nhiệm vụ này viên phụ tá của ông là Yôsua phải gánh vác. Yôsua là con của Nun, chi tộc Eprhaim, đã được phong làm kẻ kế vị Môsê trong một nghi lễ được chính thức cử hành trước mặt vị tư tế và toàn thể cộng đồng (Dân Số 27, 22 - 23). Bước đầu tiên trong cuộc chinh phục là vượt qua sông Yodan, biên giới phía đông của Canaan. Ở đây xảy ra một sự kiện linh thiêng, tương tự như việc vượt Biển Ðỏ (Hồng Hải) thời Môsê. Khi Khám Giao Ước đi vào, thì nước sông Yodan liền khô cạn. Trên bờ phía tây của con sông thuộc lãnh thổ Canaan, lễ Vượt Qua được cử hành và Khám Giao Ước được đặt vào lều tại Galgal, và ở lại đó trong khoảng 5 năm.
Cuộc giáp mặt đầu tiên với dân Canaan xảy ra tại Yêricô, gần chỗ vượt sông. Ở đây, Thiên Chúa một lần nữa cứu trợ Dân Ngài và thành này đã bị chiếm đóng cách dễ dàng. Một lần nữa Thiên Chúa bước vào những cuộc mạo hiễm của dân Israel, để dân chúng tin tưởng rằng Ngài luôn luôn có mặt giữa họ và hằng bênh đỡ họ. Chính sự tin tưởng này của dân Israel sẽ giúp giải nghĩa được một loạt những biến cố trong lịch sử Yôsua mà một độc giả thời nay có thể cho là gai chướng. Trong nhiều trường hợp chúng ta đọc thấy trong Yôsua những cuộc tàn sát tận diệt tất cả những cư dân trong những thành bị dân Israel tràn ngập. Ðó là một cách thông thường thời ấy. Nó đã được áp dụng và hoan nghênh bởi những người Môab và Ammônít sống ở phía đông Canaan và những người Assyriên sống ở miền đông bắc vài kỷ nguyên sau đó. Những cuộc thánh chiến Aicập, vào kỷ nguyên sau Thiên Chúa giáng sinh cũng sử dụng chiến thuật tương tự, và ngay cả những quân thập tự cũng nhúng gươm vào những máu vô tội. Phương tiện tối tân của một cuộc chiến tranh toàn diện thời nay cũng chỉ là một quan điểm phổ biến về sự tiêu diệt như thế (hãy nhớ lại Hiroshima và Nagasaki). Những điều có thể coi là gai chướng trong sách Yôsua là nó quả quyết rằng những cuộc tàn sát của Israel là do lệnh Thiên Chúa truyền.
Một số học giả về vấn đề này đã lý luận rằng Thiên Chúa có toàn quyền trên tính mạng, và Ngài được phép thực hiện quyền ấy một ách thích hợp xuyên qua những cuộc tàn sát của dân Israel, cũng như xuyên qua những tai nạn ôtô, bão lụt, động đất . Giải thích như thế nghe cũng tạm được.
Tuy nhiên cũng có thể giải thích một cách khác hẳn sự Thiên Chúa ra lệnh tàn sát. Dân Hippri nhận định, càng rõ ràng hơn chúng ta rằng Thiên Chúa là căn nguyên mọi sự, bất cứ việc gì xảy đến cũng đều do phần nào bởi Thiên Chúa. Dân Israel hoàn toàn tin chắc như thế. Họ cũng thấy rõ ràng rằng những cuộc tàn sát cũng có một số hiệu quả tốt. Họ trừng phạt những việc sùng bái thô tục của người Canaan, họ lấy đất cho Mười Hai chi tộc, và thu hẹp lại hoặc bài trừ tận gốc những quyến rũ nguy hại trong việc sùng bái ngẫu tượng mà người Canaan phổ biến cho dân Israel. Bởi thế tác giả sách Yôsua muốn nhấn mạnh sự phối hợp những hiệu quả tốt của các cuộc tàn sát, với sự Thiên Chúa là căn nguyên mọi sự, cho nên ông nói rằng Thiên Chúa đã ra lệnh tàn sát. Bất cứ điều gì do Thiên Chúa mà ra (và Thiên Chúa là căn nguyên mọi sự), hễ có hiệu quả tốt đều là do lệnh Thiên Chúa, đó là cách lý luận của tác giả, là lối nói của ông. Hiểu như vậy có lẽ là cách giải thích đúng nhất và an ủi nhất đối với vấn đề nan giải này.
Cuộc chinh phục Canaan nói chung là đã thành công. Một vài ổ kháng cự tuy vẫn còn kéo dài nhiều năm, nói đúng ra, nhiều thế kỷ, nhưng hầu hết các thành trì Canaan đều được chinh phục trong vòng năm mươi năm. Ngoài yếu tố trợ lực của Thiên Chúa, còn hai sự kiện hoàn toàn tự nhiên đã khiến cho dân Canaan bị bại trận : Một là họ thiếu thống nhất, sách Yôsua chương 12 câu 34 có nói tới 31 vị vua riêng biệt trong đất nước nhỏ bé này. Trong hoàn cảnh đó, dân Israel không cần chia rẽ họ để mà chinh phục, vì chính dân Canaan đã bị chia rẽ rồi. Sự kiện tự nhiên thứ hai làm cho dân Canaan bại trận là vì đang khi họ chống cự với dân Israel tấn công từ phía đông, thì họ lại bị xâm lăng từ bờ biển phía tây do dân Philitinh, những người sống ở trên những đảo gần Hylạp, kết quả của sự bị tấn công cả hai mặt không thể nào tránh khỏi. Dân Canaan bị bại và phần đông những người còn sống sót thì di chuyển về phía bắc vào phần đất gọi là Phênicia, nơi đó họ xây dựng một đế quốc nổi tiếng về hàng hải. Hai thành phố danh tiếng nhất của họ là Tyrô và Siđôn.
Khi dân Canaan bị đẩy lui hay bị giết, đất của họ bị phân chia cho những thị tộc Israel. Ruben, Gad và phân nửa thị tộc Manassê đã nhận được phần đất ở phía đông sông Yodan, gọi là miền bên kia sông Yodan. Những thị tộc khác bây giờ mới nhận lãnh phần của họ. Ranh giới của những phần đất này không thể xác định được một cách rõ ràng, nhưng bản đồ cũng cho thấy được những nơi các thị tộc định cư. Những người Lêvi như chúng ta đã ghi chú, không có một lãnh thổ chung nào, mặc dầu họ đã được các thị tộc kia nhường cho một số thành.
Ranh giới giữa các thị tộc và quốc gia của họ là như thế, trong khoảng độ hai trăm năm. Ðó là một quốc gia không có vua, không có thủ đô, không có nghị viện. Cái làm cho họ hợp nhất lại với nhau, chính là ở sự họ thuộc về Yavê, họ có tôn giáo chung. Dấu hiệu rõ rệt bề ngoài của sự thống nhất tôn giáo này là Khám Giao Ước được đặt trong lều tại thành Silô trong đất Ephraim (Yôsua 18, 1).
Biến cố cuối cùng vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có ý nghĩa tôn giáo, trong chuyện Israel trở thành một quốc gia, được thuật lại trong sách Yôsua ở chương 8 và 24. Những chương ấy tường thuật lại việc Yôsua tổ chức nghi lễ rất cảm động nhắc lại lời Giao Ước. Dân chúng thề hứa trung thành với Thiên Chúa của mình và tuân phục giới răng của Ngài. Lời Giao Ước giữa Thiên Chúa và Môsê không phải là một sự kiện bất động. Những người mới sinh trong quốc gia này và trong tôn giáo này phải bước vào giao ước một cách tự nguyện, phải dấn thân vào giao ước ấy một cách mạnh mẽ chẳng khác gì Môsê và tổ tiên của họ trong sa mạc xưa kia.
Qua sự kiện Israel đã thu nhận đất đai và trở nên một quốc gia như lời hứa thứ nhì mà xưa kia Thiên Chúa phán với Abraham đã được thực hiện. Lời hứa thứ nhất là một dòng giống đông đảo phát xuất từ một người con trai chưa sinh của Sara, người vợ già và son sẻ của Abraham. Lời hứa này đã trọn vẹn qua sự Isaac ra đời và sự bành trướng của dân Israel. Lời hứa thứ hai là sẽ ban đất cho. Lời hứa này được thực hiện ở cuối sách Yôsua. Nhưng vẫn còn chưa thấy thực hiện lời nói huyền nhiệm về phúc lành sẽ đổ xuống trên các dân vì Abraham và gia đình ông.
THỜI KỲ CÁC THẨM PHÁN (Ðọc "Thẩm Phán" các chương 1 - 16).
Thời kỳ này kéo dài khoảng 200 năm từ khi xảy ra vụ đạo binh của Yôsua xâm lấn xứ Canaan. Trong lúc đó, như chúng ta đã nói ở trước, quốc gia được thống nhất bằng bối cảnh một gia đình chung và nhất là bằng tôn giáo chung thể hiện qua Khám Giao Ước. Từ ngữ Thẩm Phán ở đây, có phần nào không thích đáng lắm, bởi vì những người được chỉ định như thế không phải là những vị thẩm phán theo kiểu nói của chúng ta ngày nay. Ðúng hơn họ là những người được thiên phú tài lãnh đạo quân sự, tương tự Yoan dArc, nhưng không nhất thiết là có sự thánh thiện như Yoan dArc. Họ là những người Thiên Chúa chọn để lãnh đạo dân chúng trong thời kỳ nguy cơ chiến tranh như thế rất nhiều, bởi vì nước Israel giáp giới với kẻ thù ở phía bắc và phía đông, và nguy hiểm nhất là quân Philitinh, sống bên trong đất Canaan dọc theo đồng bằng Sharon trên bờ Ðịa Trung Hải.
Thời kỳ này rất ít quan trọng đối với lịch sử cứu độ, ngoại trừ việc nó cho thấy Dân Thiên Chúa vi phạm giới luật Ngài một cách thường xuyên và dễ dàng, sự họ tin tưởng vững vàng vào lời Giao Ước và lòng nhân từ khoan dung của Thiên Chúa. Trong hai thế kỷ này, dân Israel đã hai lần bỏ Thiên Chúa để tôn thờ ngẫu tượng. Không phải là tất cả những người ngoại giáo Canaan đã bị tận diệt, và ảnh hưởng các nghi lễ tà giáo của họ cũng chưa hẳn là đã hoàn toàn bị loại trừ. Dân Israel đôi khi từ bỏ Thiên Chúa của mình để bái phục dưới chân tượng Baal và Astarte của dân Canaan, đó là hai vị thần nam và thần nữ của sự sinh sản đông đảo. Vì lý do đó, theo lời của tác giả sách Thẩm Phán, Thiên Chúa đã trừng phạt Israel bằng cách cho chỗi dậy những kẻ thù ác liệt.
Nhưng Thiên Chúa cũng rất từ bi, Ngài cũng cho chỗi dậy những nhà lãnh đạo quân sự, những vị thẩm phán để cứu dân Israel, một khi cơn trừng phạt đã chấm dứt. Mười hai vị trong số những nhà lãnh đạo đó đã được kể tên, và một số mẫu chuyện về những chiến công của họ chẳng khác nào những bản anh hùng ca. Chẳng hạn, Êhud của thị tộc Benjamin, chuyên sử dụng tay trái, đã giết được vua Êglon xứ Moab, với một đoản kiếm hai lưỡi độ một xích bề dài (Thẩm Phán 3, 12 - 30). Và Ghêđêôn của thị tộc Manassê đã giảm bớt dần dần quân số, để chứng tỏ rằng sức mạnh quân sự của ông không phải là do số lượng, song là nhờ sự trợ lực của Thiên Chúa. Rồi với một đạo quân rất ít người, ông đã đánh bại quân thù gấp bội (Thẩm Phán 6, 1 - 8, 28). Và ai có thể quên được Samson thuộc thị tộc Ðan. Samson con người tội lỗi "người khổng lồ với cặp chân bằng đất sét" ? Ông đã tổ chức những cuộc mạo hiểm táo bạo chống lại quân Philitinh, và mặc dù bản tính vốn nhục dục và tàn bạo, chính ông là kẻ đã bảo vệ dân Israel đánh trả những quân thù mạnh mẽ hơn, vì họ có những xe trận và những vũ khí mà dân Israel không có (Thẩm Phán 13, 1 - 16, 31).
Thời kỳ này còn có câu chuyện bà Rút, sống dưới thời các vị Thẩm Phán. Cái đẹp của câu chuyện chính ở mối tình tha thiết của bà quả phụ Rút đối với Nôêmi, mẹ chồng của mình.
Nhưng Rút nói : "Mẹ đừng giục con bỏ mẹ mà lui về không theo mẹ nữa ! Vì mẹ đi đâu con sẽ đi đó. Dân của mẹ sẽ là dân của con, và Thiên Chúa của mẹ sẽ là Thiên Chúa của con" (Rút 1, 16).
Tuy nhiên trong lịch sử cứu độ, thì sự quan trọng trong sách bà Rút là do người con của bà ấy tên là Abed. "CHính Obed là cha của Ysai, thân sinh của Ðavít" (Rút 4, 17), ông này sẽ làm vua dân Israel và bà Rút là bà ngoại của Ðavít.
VƯƠNG QUỐC
SAMUEL VÀ SAUL (Ðọc sách Các Vua I, cũng gọi là sách Samuel II).
Samuel sinh vào khoảng 1060 trước Thiên Chúa giáng sinh, lúc cha mẹ đã già và chưa có con. Do đó việc ông sinh ra là một việc của Thiên Chúa đúng với ý nghĩa của các từ ngữ ấy. Khi còn bé ông đã được đưa vào thánh điện của Khám Giao Ước ỡ thành Silô. Nơi đó mặc dù hãy còn thơ dại, ông đã phụng sự Thiên Chúa. Êli là vị tư tế của đền thánh lúc bấy giờ, ông là một con người tính tình nhu nhược, không đủ uy quyền để sửa trị hai cậu con trai của ông, thường trộm cắp những lễ vật dâng cho Thiên Chúa và ăn nằm với những phụ nữ đến Silô. Bởi đó giữa một đêm tối tăm kia, Thiên Chúa đã gọi Samuel, trẻ Samuel liền đáp : "Lạy Chúa xin hãy phán dạy" và Thiên Chúa đã phán những lời khiến cho mọi người nghe đều kinh hãi, Ngài báo trước tai họa sẽ giáng xuống ; sự trừng phạt Êli và hai đứa con trai của ông. Và những điều ấy đã sớm xảy ra, trong trận giao chiến ở Aphek (khoảng 1050 trước Thiên Chúa giáng sinh), cả hai người con trai đều bị giết trong khi quân của Israel tháo lui trước những vũ khí bằng sắt của quân Philitinh. Ngay cả Khám Giao Ước cũng bị cướp đoạt. Và Êli, khi nghe những tin hãi hùng ấy, đã từ trên chiệc ghế ông đang ngồi, ngã ngữa ra chết.
Trong vòng 20 năm từ khi Êli chết, Samuel là nhân vật lãnh đạo quốc gia. Ông thực là một thẩm phán, vị thẩm phán cuối cùng và là người đứng ra giải quyết các công việc đồng bào đem đến cho ông. Hơn nữa, quan trọng hơn rất nhiều, ông còn là một tiên tri, sứ giả của Thiên Chúa, truyền đạt lại Thánh Ý Thiên Chúa cho dân chúng, và dâng lời cầu xin của dân chúng lên Thiên Chúa. Samuel được gọi là vị thẩm phán cuối cùng và là vị tiên tri thứ nhất. Ðúng như thế, nếu chúng ta hiểu rằng "Vị tiên tri thứ nhất" có nghĩa là vị đầu tiên trong một hàng dài và liên tục những vị tiên tri chỗi dậy trong các thế hệ kế tiếp. Trước ông và rất xa ông về thời gian, có Abraham và Môsê, cả hai đều là những phát ngôn viên nổi tiếng của Thiên Chúa, nhưng kể từ Samuel trở đi, thì mỗi thế kỷ đều có vị tiên tri của mình, và Samuel là người đứng hàng đầu trong các vị tiên tri ấy.
Ðời sống của vị tiên tri này không được hạnh phúc và bằng an lắm. Khám Giao Ước đã bị quân Philitinh chiếm đoạt và giữ lấy trong vài năm, và bị giữ tại thành nào thì thành đó bị tai họa nhiều. Sự mất Khám Giao Ước đã làm Samuel đau lòng hơn các đồng bào của ông nhiều. Tệ hơn nữa, khi mất Khám Giao Ước, dân Israel cũng mất cả niềm tin nơi Thiên Chúa quan phòng. Thành điện ở Silô điêu tàn ; Khám Giao Ước đã bị cướp đoạt. Dân Israel tìm kiếm lý do để giải thích sự thành công của quân thù và sự thất bại của chính mình. Những nước lân bang đều có những người làm vua, còn họ thì không có. Có lẽ đó là điều họ cần chăng, và dân Israel đã yêu cầu Samuel phong cho họ một người làm vua. Từ trước tới nay, vua của họ, vua độc nhất của họ chính là Thiên Chúa. Giờ đây giữa lúc suy yếu, họ cho rằng vương quyền của Thiên Chúa chưa đủ, họ hết còn hy vọng ở vị Vua trên trời, mà chỉ ước mong một vị vua nơi trần thế, khả dĩ mang lại thành công cho họ.
Samuel coi việc yêu cầu phải có một người làm vua như thế là từ bỏ Thiên Chúa, nhưng ông không thể làm cho dân chúng thay lòng đổi dạ. Họ đã kêu lên : "Không, thế nào cũng phải có vua cho chúng tôi để chúng tôi nên như mọi dân tộc khác. Vua chúng tôi sẽ cai trị chúng tôi, xuất chinh đi trước chúng tôi và giao chiến các cuộc chiến của chúng tôi ." Và Thiên Chúa phán bảo Samuel : "Ngươi cứ nghe tiếng chúng mà đặt một vua trên chúng". (Các Vua I, hay Samuel I. 8, 19 - 22).
Vị vua đầu tiên của Israel là Saul thuộc thị tộc Benjamin "Trong hàng con cái Israel không ai tuấn tú bằng ông ; ông cao hơn tất cả dân từ vai trở lên " (Các Vua I hay SamuelI 9, 20). Ông xuất hiện lần đầu tiên với một dáng điệu tầm thường nhất, bước đi khập khiểng trên con đường dẫn về phía bắc, băng qua miền cao nguyên xứ Ephraim để tìm kiếm những con lừa cái của cha ông đã bị lạc mất. Nhờ tiên tri Samuel, ông đã tìm lại được những con lừa này. Câu chuyện lên đến cực điểm khi Samuel lấy dầu xức cho Saul để tấn phong ông làm vua Israel.
Những năm đầu tiên ở ngôi vua, Saul rất thành công. Tất cả những hành động của ông đều thuộc về phương diện quân sự. Sau khi đã tổ chức và thống nhất các lực lượng Israel, ông đưa họ đi giao chiến với quân Phlitinh, đẩy lui những quân này về tận xứ của họ dọc theo bờ biển phía tây Phalệtinh. Saul đúng là một chiến sĩ hơn là một vị vua. Thủ đô Gibea của ông cách Yêrusalem về phía bắc độ vài dặm đã được thiết lập. Kích thước khiêm tốn những ngôi nhà của nó dưới thời Saul cho thấy rằng Saul không màng chi đến danh vọng thế trần, khác hẳn những vị vua kế tiếp ông.
Tuy nhiên câu chuyện của Saul kết thúc một cách rất bi thảm. Ðã được Thiên Chúa tuyển chọn và được xức dầu để đại diện Ngài, ông đã không ăn ở đúng với trách nhệm cao vời của ông. Ông nghe lời dân chúng hơn là nghe lời Yavê. Những lời lên án của Samuel trong sách Các Vua I (hay Samuel I) 15, 22 - 23 vạch rõ tội trạng : "Phải chăng Yavê vui nơi thượng hiến và lễ tế bằng vâng nghe tiếng của Yavê ? Này vâng nghe tốt lành hơn lễ tế, và tuân lệnh quí hơn mỡ béo của dê. Vì cưỡng lệnh khác gì tội bói toán và bất phục cũng bằng tội bất công và tôn thờ ngẫu tượng. Vì ông đã phế bỏ lời của Yavê, Yavê đã phế bỏ ông, ông hết làm vua".
Sau vụ truất phế này, Saul mỗi ngày một hóa ra tệ hơn. Từ chỗ bất tuân lệnh, ông đi đến chỗ hạ sát các tư tế thành Nôb, từ chỗ ghen tị đến chỗ điên khùng vì mặc cảm bị bách hại, bởi đó ông sống phí sức lực và thời giờ để đuổi bắt Ðavít một cách luống công, đang khi đó kẻ thù đích thực của dân Israel, chính là quân Philitinh lại thu hoạch được nhiều chiến thắng. Ông chết do chính bàn tay của ông (Các Vua II. 1, 10). Ngay cả tác giả cũng không cho cách mô tả nào là chính xác hơn. Ðó là cuộc đời đáng thương hại và sự kết kiễu bi thảm của một con người ở ngôi vua mà không làm đúng theo ý Thiên Chúa. Quyền lên ngôi vua cũng chấm dứt theo ông, bởi vì con cái của ông không được kế vị. Vậy qua Saul, quốc gia đã trở thành vương quốc.
VUA ÐAVÍT (Ðọc sách Các Vua II, cũng còn gọi là sách Samuel II).
Ðavít được giới thiệu lần đầu tiên cho chúng ta trong mối tương quan với sự sụp đổ của Saul trước mặt Thiên Chúa. Tiên tri Samuel được lệnh đi đến Belem để xức dầu cho một người sẽ thay thế Saul. Người ấy đã được tìm thấy, chính là Ðavít, người con nhỏ nhất của Ysai, và có "mái tóc hoe hoe, đôi mắt xinh xắn, dáng vẻ khôi ngô". Ðavít trông có vẻ một cậu con trai đầy đủ đức tính của người Israel nhất, và đúng như vậy, cây đàn của cậu đã làm khuây khỏa nổi buồn rầu cay đắng của Saul. Cái ná của cậu đã phóng một viên đá nhẵn nhụi đánh gục Gôliat, một người khổng lồ trong đạo quân Philitinh và đã đem lại chiến thắng cho quân binh Israel. Sự chính xác của Ðavít trong việc sử dụng ná và viên đá nhắc chúng ta nhớ câu nói thậm xưng táo bạo trong sách Thẩm Phán chương 20 câu 18, thuật lại việc những người thuộc thị tộc Benjamin (cũng như Ðavít) tập họp để giao chiến : "Trong tất cả quân binh ấy có bảy trăm quân tinh nhuệ thuận cả hai tay, mỗi người có thể dùng ná bắn đá một sợi tóc cũng không sai". Ðavít chắc là cũng chẳng kém chính xác.
Mối quan hệ giữa Ðavít với vua Saul và gia đình vua ấy đã bị rắc rối vì nhà vua ghen tỵ ông. Về phần Ðavít, ông vẫn luôn kính trong Saul đến độ có một lần kia (Các Vua I, 24, 1 - 22 ; 26, 1 - 25), Ðavít có thể giết Saul cách dễ dàng, đang khi ông này tìm cách sát hại ông. Nhưng Ðavít đã bỏ qua cơ hội ấy, bởi vì lòng luôn luôn kính trọng vị đã được Thiên Chúa xức dầu.
Mối tình bằng hữu một ngày một thêm khăng khít giữa Ðavít và Yônathan đã trở thành tục ngữ. Chúng ta được thuật lại rằng "Linh hồn của Yônathan khăng khít với linh hồn của Ðavít, và Yônathan yêu Ðavít như chính mình vậy". Và con gái của Saul tên là Michal đã trở thành vợ của Ðavít. Thật là chuyện kỳ lạ ! Saul trong lúc điên cuồng, đã tìm cách giết Ðavít, chồng của con gái mình và là bạn chí thân của con trai mình. Cuối cùng, khi Saul và Yônathan bị quân Philitinh giết, Ðavít đã hát một khúc ai ca mà chúng ta ngày nay, đã cách 3000 năm rồi, vẫn còn cảm thấy mối xúc động sâu xa :
"Israel hỡi ! Tinh hoa đã bị chết đẫm trên các mỏm đồi nơi ngươi ! Làm sao anh hùng đã ngã ?. Núi non Gilboa ! Chớ hề có được trên ngươi sương móc, mưa nguồn . vì ở đó, thuẩn của anh hùng đã ra hoen ố, thuẩn của Saul. Saul và Yônathan đáng mến dễ thương, khi sống khi chết không hề chia phôi, họ lanh hơn cắt, mạnh hơn sư tử . Làm sao anh hùng đã ngã ? Ngay giữa chiến trường đã bị chết đâm, Yônathan trên các mỏm đồi nơi ngươi ? Tôi những đòi đoạn về anh Yônathan hỡi ! Thương anh vô hồi ! Tình anh đối với tôi thật quá phi thường, quá hơn tình của nữ lưu thiên hạ. Làm sao anh hùng đã ngã ? Làm sao binh khí trận vong ?" (Các vua II. 1, 19 - 27).
Sau khi Saul chết, một cuộc nội chiến ngắn xảy ra để chọn người kế vị ông. Miền bắc thì ủng hộ Ishbaal người con trai còn sống sót của Saul ; đang khi đó miền nam lại ủng hộ Ðavít, tôn ông lên làm vua tại thành Hêbron. Tuy nhiên cuộc nội chiến đã sớm chấm dứt và Ðavít được công nhận là vua Israel. Nguy cơ sự tranh chấp giữa hai miền nam bắc vẫn còn, bởi đó Ðavít chọn làm thủ đô một thành mà ông vừa mới chinh phục ; một thành dĩ nhiên là không có liên quan gì trong quá khứ với bản đồ của miền nào cả. Thành phố đó là Yêrusalem, gần ranh giới nam bắc. Ở đây Ðavít cai trị khoảng 40 năm. Ðiều này cho phép chúng ta ghi chú được một trong những niên đại bản lề, niên đại dễ nhớ đối với Cựu Ước. Năm 1000 trước Thiên Chúa giáng sinh, Ðavít làm vua tại Yêrusalem. Ðể thành ấy không phải chỉ là một trung tâm chính trị mà thôi, Ðavít đưa về đó Khám Giao Ước đã đoạt lại khỏi tay quân Philitinh. Với sự di chuyển khôn ngoan này, Ðavít đã làm cho Yêrusalem trở thành một trung tâm tôn giáo của Phalệtinh, nơi hiện diện của Thiên Chúa và là trung tâm thờ phụng của dân Israel.
Câu chuyện về đời sống của Ðavít sẽ thiếu sót nếu bỏ qua một trọng tội ông đã phạm và hình phạt tiếp theo đó. Sự quá say mê Bat-shêba, vợ của Uria đã làm cho Ðavít sa đọa. Tội ngoại tình kèm theo tội sát nhân khi Ðavít âm mưu đưa Uria vào một chổ giao tranh ác liệt nhất. Âm mưu ấy đã thành công : Uria bị giết và Bat-shêba vào cung điện của Ðavít để làm hoàng hậu, đang khi bà cất bước vào cung, thì một khuôn mặt can đảm xuất hiện, đó là Nathan vị tiên tri của Thiên Chúa, người kế vị Samuel giờ đây đã chết, ông đối diện với vị vua uy quyền này, khiển trách ông về những tội ác ông đã phạm và báo trước những hình phạt Thiên Chúa sẽ giáng xuống cho ông vì những tội lỗi ấy. Câu trả lời của Ðavít tuy đơn sơ nhưng rất đáng cảm phục "Tôi đã phạm tội nghịch với Yavê". Sau đó Ðavít trai giới bảy ngày bảy đêm.
Những năm kế tiếp, Ðavít gặp rất nhiều khó khăn chưa từng có người nào, sau khi yếu đuối sa ngã, đã phải đau khổ như Ðavít. Yônathan, người bạn tâm phúc nhất của ông đã chết. Michal, người vợ thứ nhất của ông trở thành một mụ khó nết. Absolôm, một trong những người con ông thương yêu nhất, nổi loạn để cướp ngôi cha và suýt thành công. Dẫu vậy, khi đứa con phản nghịch này bị giết, Ðavít đã khóc nức nở : "Absolôm con ơi ! Con ơi ! Phải chi cha chết thay cho con !" (Các Vua 2. 18 ; 33).
Ðavít quả thật là một con người rất lạ thường : Là một cậu bé chăn cừu, một chiến sĩ anh hùng, một người si tình, một tướng cứơp, một thi sĩ, một đế vương, một người tội lỗi, một người biết thống hối, một người cha nhân từ, một người bạn trung tín, người sáng lập một triều đại vĩnh cữu ! Xuyên qua nhiều thế kỷ sau này, ông vẫn là vị vua của Israel, là tiêu chuẩn cho các vị vua kế tiếp.
ÐAVÍT VÀ LỊCH SỬ CỨU ÐỘ (Ðọc lại sách Các Vua II, chương 7).
Sở dĩ chúng ta đã để nhiều thì giờ đi vào chi tiết tiểu sử của Ðavít, chính là vì muốn làm nổi bật con người này, một con người đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử cứu độ. Mãi cho đến khi Ðavít xuất hiện, lịch sử cứu độ này đã cho thấy Thiên Chúa tuyển chọn một người, Abraham, và ông này đã sinh ra một người con (Isaac) mà dòng giống đã bành trướng thành một gia đình, một dân tộc, một quốc gia, một vương quốc. Ðiều này có nghĩa là từ trước tới sau niềm hy vọng cứu độ vẫn nằm nơi một người, nơi gia đình ông, dân tộc ông, quốc gia ông và vương quốc của ông. Ðó chính là hình ảnh khi Ðavít được xức dầu phong vương. Tuy nhiên, trong suốt triều đại của Ðavít, xảy ra một sự kiện làm cho niềm hy vọng cứu độ quay sang một chiều hướng mới. Trong sách Các Vua, chương 7, chúng ta đọc thấy rằng khi Ðavít đã hoàn tất việc xây cất cung điện của ông, thì ông lấy làm hổ thẹn khi nghĩ đến Khám Giao Ước, nơi hiện diện của Thiên Chúa, chỉ được che chở bằng chiếc lều Nhà Tạm không mấy lộng lẫy, ông bắt đầu dự tính xây một đền thờ, một ngôi nhà tráng lệ cho Thiên Chúa. Nhưng cũng chính đêm ấy, Yavê có lời phán với Nathan. Ðó là một sứ điệp sâu xa, gây ấn tượng đậm đà trong tâm hồn người Israel. Thay vì để cho Ðavít cất nhà cho Yavê, thì Yavê sẽ thiết lập nhà cho Ðavít, nghĩa là sẽ thiết lập một triều đại. Chúng ta hãy đọc chính văn bản :
"Và chỉ có ngươi là được Yavê loan báo rằng : chính Yavê sẽ làm cho ngươi có nhà, khi ngày đời ngươi đã mãn và ngươi yên nghỉ nằm xuống với tổ tiên ngươi, Ta sẽ cho dòng giống ngươi chỗi dậy kế vị ngươi, dòng giống xuất tự lòng dạ ngươi và Ta sẽ cho vương quyền nó kiên vững. Chính nó sẽ xây nhà cho Danh Ta, và Ta sẽ cho ngai vương quyền nó kiên vững muôn đời. Ta sẽ là Cha nó và nó sẽ là con Ta. Nó có lầm lỗi thì Ta sẽ sửa trị nó bằng roi người phàm, bằng đòn nhân loại trị nhau. Nhưng lòng nhân nghĩa của Ta sẽ không rời xa nó, như Ta đã cho rời khỏi Saul, kẻ Ta đã truất khỏi trước mặt ngươi. Nhà ngươi và vương quyền của ngươi sẽ kiến cố mãi mãi trước mặt Ta, ngai ngươi sẽ vững bền mãi mãi" (Các Vua II hay Samuel II. 7, 11 - 16).
Ðó là lời tiên tri của Nathan và thường được nói tới trong những sách khác của Cựu Ước, nhất là trong các Thánh Vịnh như Thánh Vịnh 88 , 89 chẳng hạn, gần như hoàn toàn nói về thỏa hiệp này, về giao ước này giữa Thiên Chúa và Ðavít. Thánh Vịnh 2 là một Thánh Vịnh khác ca tụng sứ điệp của Nathan, và Thánh Vịnh này nói rằng vương quốc của Ðavít sẽ phổ bác, không những về thời gian mà thôi (như trong Các Vua II, chương 7) nhưng còn về không gian nữa.
Bởi đó sứ điệp của Nathan bảo cho Ðavít hay rằng ông và dòng giống ông đã bước vào con đường đặc biệt trong chương trình của Thiên Chúa, vương quốc của ông sẽ vĩnh viễn và phổ bác, mặc dù ông không biết cách nào và khi nào. Không những thế mà thôi, chính các vua kế vị Ðavít, sẽ được gọi là con của Thiên Chúa. Tước hiệu này, như chúng ta còn nhớ đã là tước hiệu vinh quang của mọi người Israel. Giờ đây nó đặc biệt thuộc về các vua mà thôi. Ðiều này có nghĩa là các vua thuộc dòng dõi Ðavít, được bước vào giao ước Môsê và tôn giáo Môsê một cách độc đáo. Giờ đây vua đóng vai trò trung gian. Với tư cách là con cách riêng của Thiên Chúa, vua sẽ đại diện Thiên Chúa giữa dân chúng và cũng sẽ đại diện dân chúng trước mặt Thiên Chúa. Dân Israel, qua vị vua, sẽ thấy dấu hiệu rõ ràng sự bảo trợ của Thiên Chúa, và bằng chứng lòng trung thành của Thiên Chúa đối với lời hứa uy quyền Ngài đã phán. Mỗi lần một vị hoàng tử thuộc dòng dõi Ðavít sinh ra, mỗi lần một vị đế vương thuộc dòng dõi Ðavít được tấn phong trong những năm về sau, đều là dịp để ăn mừng, bởi vì hoàng tử ấy, hay đế vương ấy được gần Thiên Chúa, và biết đâu sẽ là vị đế vương, mà vương quốc sẽ phổ bác về không gian và vĩnh cửu về thời gian. Dân chúng cứ như thế mà chuẩn bị đón tiếp một vị khác thường thuộc dòng dõi Ðavít, vị này sẽ đóng một vai trò quyết định trong lịch sử cứu độ, sẽ là vị thiên sai có vương quyền.
Cách mô tả việc Ðavít dời Khám Giao Ước về Yêrusalem và việc ông khuyến khích sự thờ phụng ở đó cho ta thấy, ngoài tước vị đế vương, ông còn có tính cách tư tế thiêng liêng nữa. Trên đường đi đến Yêrusalem "Ðavít và toàn thể nhà Israel nhảy mừng trước nhan Yavê, hết sức họ, với ca vãn, với đàn cầm, đàn sắt với trống khẩu, não bạt, phèng la" (Các Vua II. 6, 5). Sau khi Khám Giao Ước đã được đặt vào lều Nhà Tạm, Ðavít tổ chức một nghi thức thờ phụng cầu kinh để ca tụng Thiên Chúa trong nơi thánh ấy.
"Ðavít thượng tiến lễ thượng hiến và kỳ an xong, thì ông chúc lành cho dân, nhân Danh Yavê. Ông phân phát cho mỗi người Israel, nam cũng như nữ, mỗi người một ổ bánh, mứt chà là và mứt nho.
Ông đặt trước khám Yavê, ít người thuộc dòng Lêvi sung vào việc phụng sự để ca tụng, tán dương, khen ngợi Yavê Thiên Chúa Israel.
Ðavít để lại đó trước Khám Giao Ước của Yavê, Asaph và các anh em ông, để luôn luôn phụng sự trước khám, ngày nào có nghi lễ ngày ấy . Tư tế Sađok cùng các tư tế, anh em ông, Ðavít để lại trước Nhà Tạm của Yavê trên cao đàn ở Gabaôn, để thượng tiến hàng ngày, sáng và chiều. Hêman và Gơđutun có loa, phèng la cùng các nhạc khí cho các ca ngợi của Thiên Chúa" (Sách Ký Sự I. 16, 2 - 42).
Bởi đó, với Ðavít, chương trình cứu độ của Thiên Chúa tiến thêm một bước đầy ý nghĩa. Như Abraham đã là cha của tất cả dân Israel và là người duy nhất được Thiên Chúa cùng vạch ra chương trình, như Môsê là trung gian để Thiên Chúa ràng buộc chính mình Ngài với dân của Ngài trong một tôn giáo thật sự, được đặt nền tảng trên Giao Ước. Cũng vậy, Ðavít là vị vua Thiên Chúa đã chọn để thiết lập một vương quốc mà một ngày nào đó, sẽ trở nên vĩnh cửu và phổ bác, trong đó ơn cứu độ sẽ được tìm thấy. Từ lúc này trở đi, niềm hy vọng của Israel, và thật ra, niềm hy vọng của toàn thế giới, được hướng về triều đại của Ðavít, về vị vua đang cai trị lúc đó, và về vị vua vĩ đại sẽ đến trong tương lai.
Cũng nên nhắc tới một hành vi tôn giáo cuối cùng của Ðavít, đó là việc mua lại sân đập lúa của Araunah tại Yêrusalem để xây một đến thờ tại địa điểm đó, và mặc dầu Ðavít không đích thân xây đền thờ, nhưng khi Salômon, con của ông xây cất, thì cũng là tại địa điểm này. Ðavít qua đời khoảng 965 năm trước Thiên Chúa giáng sinh, chỉ ít lâu sau khi ông chỉ định Salômon lên kế vị ông.
Tác giả: Giuse Võ Đức Minh, Gm
Nguồn: http://www.simonhoadalat.com