CHƯƠNG VII: THÔNG PHẦN VÀO ƠN CỨU ÐỘ.
Mặc dù Ðức Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, hai yếu tố của vương quốc Satan, nhưng thật ra không phải nhờ sự kiện lẫy lừng đó mà mọi người đều được cứu độ. Chúng ta vẫn còn có thể mất linh hồn. Vậy một vấn đề được nêu lên, và đó là một vấn đề khẩn trương và quan trọng nhất : chúng ta được cứu độ bằng cách nào ? Chúng ta có thể thông phần bằng cách nào vào công trình cứu độ Ðức Kitô đã thực hiện ?
ƠN CỨU ÐỘ TRONG ÐỨC KITÔ.
Chân lý cơ bản liên quan đến sự cứu độ của mỗi cá nhân là chỉ trong Ðức Kitô, qua sự hợp nhất với Ngài, con người mới được ơn cứu độ. Ơn cứu độ được gặp thấy trong Ðức Kitô và chỉ trong Ngài mà thôi. Việc cứu độ là sở hữu cá nhân độc đáo của một người duy nhất, vừa là người vừa là Thiên Chúa, Ngài là trung gian duy nhất và hoàn hảo giữa Thiên Chúa và loài người. Chỉ một mình Ngài đã chiến thắng. Tất cả mọi người khác chỉ là thông phần vào đó mà thôi, vàsự thông phần này chỉ được thực hiện qua sự hợp nhất với Ngài. Ðây là điều hoàn toàn rõ rệt trong các sách Tân Ước. Các đoạn trích dẫn sau đây, một đoạn của Phaolô, đoạn thứ hai của Phêrô trong sách Công Vụ, đoạn thứ ba của chính Chúa Giêsu trong Phúc Âm Yoan, chỉ là ba cách khác nhau cùng khẳng định một chân lý căn bản đó.
"Chỉ vì có một Thiên Chúa và cũng chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại : một người, là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã thí mình làm giá chuộc thay cho mọi người" (1Tm 2, 5).
"Hẳn không có ơn cứu độ nơi một người nào khác nữa. Vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban xuống cho nhân loại, để phải nhờ vào đó mà chúng ta trông được cứu thoát (Cv 4, 12).
"Ðàng và Sự Thật, Sự Sống, chính là Ta. Không ai đến với Cha mà lại không nhờ Ta" (Yn 14, 6).
HỢP NHẤT VỚI ÐỨC KITÔ.
Nếu ơn cứu độ chỉ có thể được gặp thấy trong Ðức Kitô mà thôi, thì chúng ta phải làm như thế nào để có thể được hợp nhất với Ngài ngõ hầu được thông phần vào ơn cứu độ ? Cái gì hợp nhất ta với Ðức Kitô, Ðấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người ? Những câu hỏi như thế không phải là dễ giải đáp, và cũng không thể giải đáp bằng bất cứ một lời vắn tắt nào. Thánh Kinh đã cho thấy rõ ràng một số ít yếu tố thiết yếu khả dĩ phối hợp lại để giúp chúng ta hợp nhất với Ðức Kitô. Không một tác giả Tân Ước nào đã tổng hợp những yếu tố ấy lại cho chúng ta cả. Việc đó chính chúng ta phải cố gắng làm lấy bằng cách tìm ra những chân lý riêng rẽ đã được các sách thiên khải truyền lại cho chúng ta. Qua những sách thiên khải này, chắc chắn những yếu tố sau đây là cần thiết để làm cho chúng ta có thể hợp nhất với Chúa là Ðấng đã Phục Sinh và là Ðấng ban Thánh Thần xuống.
ÐỨC TIN. Ðối với các Kitô hữu đầu tiên, từ ngữ đơn sơ này có một ý nghĩa rất phức tạp. Trước hết nó là một ơn huệ thuần túy và đơn giản, không phải là do bản tính của nhân loại hoặc do bất cứ một người nào. Ơn này trước hết là có tính cách trí tuệ : Ðó là tin rằng Chúa Giêsu là Ðức Kitô, là Con Thiên Chúa, là Chúa đã Phục Sinh. Trong lúc sinh thời Ngài đã từng đòi hỏi một đức tin như thế. Ngài đã hỏi các tông đồ họ tưởng Ngài là ai. Thay mặt tất cả, Phêrô trả lời rằng Ngài là Ðức Kitô (Mt 16, 16 ; Mc 8, 29 ; Lc 9, 20). Xuyên qua ánh sáng của những việc xảy ra kế tiếp, đặc biệt là sự Phục Sinh, sự lên trời và sự cho Thánh Linh hiện xuống, các tông đồ nhận thấy rõ ràng Chúa Giêsu không những là Ðấng Messia mọi người ngóng trông, Ngài còn là Con Thiên Chúa một cách độc đáo, là Chúa của vũ trụ và là chính Thiên Chúa. Những chân lý căn bản này là hạt nhân của đức tin Kitô giáo. Chúng được diễn tả cách đơn sơ trong Phúc Âm thánh Yoan :
"Các điều đã viết đây là để anh em tin rằng : Ðức Giêsu chính là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa, và bởi tin thì anh em được có sự sống nhờ Danh Ngài" (Yn 20, 31).
"Ðức Giêsu là Chúa", đó là lời tuyên xưng đức tin ngắn gọn nhất của tất cả mọi Kitô hữu. Ðó là một câu khẳng định trực tiếp bày tỏ lòng tin ở thiên tính của Ðức Kitô, có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với sự tin rằng Ðức Kitô đã Phục Sinh. Ðó là nền tảng siêu nhiên và có tính cách lịch sử của Kitô giáo.
"Nếu ngươi tuyên xưng nơi miệng ngươi : Giêsu là Chúa ! Và nếu ngươi tin trong lòng ngươi : Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết ! Ngươi sẽ được cứu. Vì tin trong lòng thì được sự công chính, và tuyên xưng nơi miệng thì được ơn cứu rỗi" (Rm 10, 9 - 10).
Cái từ ngữ phức tạp "đức tin" cũng có nghĩa là công nhận Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thế. Ơn cứu độ không thể gặp thấy được ở trong giới luật cũng như trong các công trình của giới luật. Nó không thể gặp thấy được trong bất cứ công trình nào của nhân loại. Ơn cứu độ chỉ gặp thấy được trong Ðức Kitô mà thôi, qua Ngài và bởi Ngài. Chúng ta không có thể tự cứu thoát. Ngay cả những công việc tốt lành của chúng ta làm, thực ra cũng chỉ là những công việc mà Ðức Kitô làm nơi chúng ta. Chính niềm tin tưởng mãnh liệt duy nhất vào Ðức Kitô như là Ðấng Cứu Thế đã làm cho các Kitô hữu đầu tiên được lòng trông cậy vững bền. Ðức Kitô là Ðấng Cứu Thế của họ vĩ đại biết bao ! Và Thiên Chúa đã yêu thương họ đến nỗi sai đến một vị cứu tinh uy danh như thế ! Nếu Thiên Chúa đã thương yêu họ ngay khi họ vẫn còn mắc vòng tội lỗi, thì giờ đây ai có thể đo lường được lòng Chúa thương yêu họ đến mức độ nào ?
"Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót, bởi lòng yêu mến lớn lao Ngài đã yêu mến ta, Ngài đã cho ta, những kẻ đã chết bởi sa ngã phạm tội, được cùng hồi sinh với Ðức Kitô, - chính bởi ân huệ mà anh em đã được cứu ! - và được cùng sống lại, được cùng ngự chốn hoàng thiên, trong Ðức Kitô Giêsu. Với mục đích là để bày tỏ cho các thời đại sẽ đến thấy sự phong phú tuyệt vời của ơn huệ Ngài, nhờ bởi lòng nhân hậu của Ngài trên ta, trong Ðức Kitô Giêsu. Vì chính bởi ân huệ mà anh em đã được cứu, nhờ lòng tin và lại không phải do tự anh em ; đó là ơn Thiên Chúa ban ; không phải do tự việc làm để đừng có ai vênh vang tự đắc. Quả ta là trước tác của Ngài, đã được dựng nên - trong Ðức Kitô Giêsu - hầu làm các việc lành, con đường Thiên Chúa đã dọn trước cho ta đi" (Ep 2, 4 - 10).
Vậy đức tin, theo như đã được trình bày trong các sách Tân Ước, bao gồm sự tin tưởng, sự công nhận và lòng trông cậy. Nó lại còn đòi hỏi lòng yêu mến nữa, bởi vì một khi đã tin tưởng và cậy trông nơi Chúa Giêsu đã Phục Sinh, thì làm sao mà không yêu mến Ngài được ?
Do đó, đức tin là phương tiện thiết yếu để hợp nhất với Ðức Kitô. Thật ra nó là phương tiện đầu tiên, vì tất cả những phương tiện khác đều dựa vào nó. Vì lý do đó, Phaolô đã nói rất nhiều về đức tin. Những bức thư của ông gởi cho tín hữu Rôma và tín hữu Galát đều liên quan đặc biệt hơn cả đến điểm độc nhất này. Vả lại, với chân lý này, ông cũng đã nhấn mạnh vai trò của Abraham, cha của các kẻ có lòng tin. Phaolô nói cách đơn sơ rằng đức tin bao giờ cũng là phương tiện cứu thoát. Như Abraham đã được cứu thoát vì đã tin và trông cậy ở những điều Chúa đã phán bảo ông. Cũng vậy, tất cả những ai được cứu thoát đều sẽ gặp thấy ơn cứu độ bằng cách noi gương Abraham.
CÁC BÍ TÍCH. Các Bí Tích là yếu tố thiết yếu thứ hai để được hợp nhất với Ðức Kitô. Trong số đó, Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thánh Thể là hai Bí Tích được nói đến nhiều và đặc biệt nhất trong Thánh Kinh.
BÍ TÍCH RỬA TỘI. Ðược các tác giả Tân Ước mô tả bằng nhiều cách khác nhau. Trong Phúc Âm Yoan chương 3 câu 5, nó được gọi là sự tái sinh, và không có nó thì không ai có thể vào được vương quốc của Thiên Chúa.
"Quả thật tôi bảo ông, ai không sinh bởi nước và Thần Khí, thì không thể vào được Nước Thiên Chúa".
Chân lý này cũng gặp thấy trong thư gửi Titô đoạn 3 câu 5. nhưng đặc biệt nhất là những thư gửi tín hữu Rôma và tín hữu Côlôssê. Phaolô đã viết torng đó một lý thuyết thần học tuyệt vời về phép Rửa Tội. Ðối với ông, nó thực hiện sự hợp nhất với Ðức Kitô đã chết và đã Phục Sinh. Qua sự hợp nhất thiêng liêng với Ðức Kitô đã chết và đã Phục Sinh, người Kitô hữu cũng chết và sống lại. Họ chết cho tội lỗi và sống lại trong một cuộc sống mới. Ðây là sự thông phần của họ vào chiến thắng của Ðức Kitô trên tội lỗi và sự chết. Phaolô bắt đầu với cái chết và sự Phục Sinh lịch sử của Ðức Kitô. Ðó là hai mặt của công trình cứu độ. Cái chết và sự Phục Sinh lịch sử đó, đối với những người được hợp nhất với Ðức Kitô bằng phép Rửa Tội cũng thực hiện được một sự chết và sự sống lại tương tự như thế bằng Bí Tích. Người Kitô hữu mới trong Ðức Kitô, do đó được cứu thoát khỏi vương quốc tội lỗi và sự chết, được chuyển sang vương quốc của Thiên Chúa và bắt đầu cuộc sống trong Thánh Thần tập trung nơi Ðức Kitô Phục Sinh.
"Anh em không biết rằng : Hết thảy ta đã được thanh tẩy trong Ðức Kitô Giêsu, thì chính trong sự chết của Ngài mà ta được thanh tẩy ? Vậy nhờ thanh tẩy, ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Ðức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, đã được sống lại từ cõi chết thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới.
Ngài đã chết, chính vì tội mà Ngài đã chết - duy chỉ một lần ; Ngài đang sống, do chính Thiên Chúa mà Ngài sống. Cả anh em nữa cũng vậy, hãy kể mình là đã chết đối với tội, và đang sống cho Thiên Chúa trong Ðức Kitô Giêsu" (Rm 6, 3 - 4 ; 10 - 11).
Vì anh em được mai táng làm một với Ngài trong thanh tẩy, trong Ngài anh em được cùng sống lại, bởi đã tin vào phép mầu Thiên Chúa, Ðấng đã cho Ngài sống lại từ cõi chết" (Col 2, 12).
PHÉP THÁNH THỂ. Là phương thế rõ rệt nhất để hợp nhất với Ðức Kitô, bởi vì trong phép Thánh Thể, chúng ta tiếp nhận Mình và Máu Ngài (Mt 26, 26 - 28 ; Mc 14, 22 - 24 ; Lc 22, 19 - 20 ; 1Cr 11, 23 - 25 ; Yn 6, 50 - 58). Ðây là của ăn siêu nhiên của chúng ta, là phương tiện cho chúng ta sống, nó nuôi dưỡng chúng ta lúc ở trần gian và đảm bảo cuộc sống trường sinh sau này. Chính Ðức Kitô đã nhấn mạnh cách rõ rệt rằng đó là yếu tố thiết yếu để hợp nhất với Ngài.
"Quả thật, quả thật Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi không có sự sống nơi mình các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời và Ta sẽ cho nó sống lại trong ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống. Kẻ ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì lưu lại trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, Ðấng hằng sống, đã sai Ta, và Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta cũng vậy, nó sẽ sống nhờ Ta. Bánh này là Bánh bởi trời xuống ; không phải như cha ông các ngươi đã ăn và đã chết ; kẻ ăn Bánh này sẽ sống đời đời" (Yn 6, 53 - 58).
Ngoài việc hợp nhất chúng ta với Ðức Kitô, Bí Tích này còn hợp nhất chúng ta với nhau bằng cách nối kết chúng ta về một điểm chung, là thân xác đã Phục Sinh của Ðức Kitô hiện diện trong phép Thánh Thể.
"Bánh ta bẻ, lại không phải là thông phần thân mình Ðức Kitô sao ? Vì chưng chỉ có một bánh, nên ta, tuy là nhiều, ta cũng chỉ là một thân mình, vì hết thảy ta cùng chia phần một bánh" (1Cr 10, 16 - 17).
ÐỨC MẾN. Ðức mến là yếu tố thứ ba hợp nhất ta với Ðức Kitô và sự cứu độ mà Ngài mở rộng cho mọi người. Yoan đã nhấn mạnh điểm này hơn bất cứ tác giả nào khác.
"Thiên Chúa là lòng mến, và ai lưu lại trong lòng mến, thì lưu lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa lưu lại trong kẻ ấy" (1Yn 4, 16).
"Ai mến Ta thì nó sẽ giữ lời Ta, và Cha Ta sẽ yêu mến nó, và chúng ta sẽ đến với nó, và sẽ đặt chỗ ở nơi mình nó" (Yn 14, 23).
Yoan đang vẽ lại, với những bước vững chắc hơn con đường mạc khải mà tiên tri Hôsê đã dẫm chân lên nhiều thế kỷ trước kia. Vị sứ giả đó của Thiên Chúa cũng nói đến rất nhiều về lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với Israel, người bạn trăm năm thất tín của Ngài. Làm thế nào để giải thích được điều đó ? Chỉ bằng những lời của chính Thiên Chúa : "Vì Ta là Thiên Chúa, không phải phàm nhân" (Hs 11, 9). Thiên Chúa yêu mến vì đó là bản tính của Ngài : Lòng mến. Ðức Kitô, Thiên Chúa mặc lấy xác phàm, cũng chính là lòng mến, và là bằng chứng của lòng Thiên Chúa yêu mến thế gian. Vậy trong tình yêu mến chúng ta phải được hợp nhất với Ðức Kitô, và trong Ngài, được hợp nhất với Thiên Chúa.
Ðức tin, các Bí Tích Rửa Tội và Thánh Thể, đức mến, ba yếu tố hợp nhất này quan trọng cực độ dưới mắt của các nhà thần học Tân Ước. Phaolô thường nói nhiều về ba yếu tố ấy, và tin chắc rằng tất cả ba điều tuyệt đối cần thiết, tất cả đều liên hệ với nhau. Chẳng hạn đức tin quan hệ đặc biệt với phép Rửa Tội.
"Bởi vì anh em được mai táng làm một với Ngài trong thanh tẩy, trong Ngài anh em được cùng sống lại, bởi đã tin vào phép mầu Thiên Chúa, Ðấng đã cho Ngài sống lại từ cõi chết" (Cl 2, 12).
"Vì hết thảy anh em là con cái Thiên Chúa nhờ bởi lòng tin trong Ðức Kitô Giêsu. Vì anh em, phàm ai đã được thanh tẩy trong Ðức Kitô, thì đã được mặc lấy Ðức Kitô" (Gal 3, 26 - 27).
Ðức tin, ngược lại, rất liên quan đến đức mến, Phaolô nói :
". Có chăng là lòng tin thi thố ra bằng đức mến" (Gal 5, 6).
Phaolô liên kết đức tin, đức cậy và đức mến và cho rằgn đức mến là cao trọng nhất :
"Vậy nay còn lại tin, cậy, mến. Ấy là bộ ba, nhưng trong bộ ba ấy, mến là lớn hơn cả" (1Cr 13, 13).
Sau hết phép Rửa Tội và phép Thánh Thể được liên kết với nhau trong nhiều đoạn. Nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Ðức Kitô bị đâm, đã được Yoan coi như là dấu hiệu chỉ hai Bí Tích cứu độ này (Yn 19, 34). Và Phaolô đã viết một đoạn nói về sự dân Israel vượt qua Biển Ðỏ và dùng thức ăn của uống lạ lùng trong sa mạc, và xem đó như là tượng trưng cho Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thánh Thể trong Kitô giáo, ông liên kết hai Bí Tích này với nhau.
"Cha ông chúng ta hết thảy đã ở dưới áng mây, và hết thảy đã ngang qua biển ; hết thảy đã thanh tẩy mình trong Môsê, dưới áng mây, trong Biển Ðỏ ; hết thảy đã được ăn cùng một lương thực thần thiêng, hết thảy đã uống cùng một của uống thần thiêng" (1Cr 10, 1 - 3).
HIỆU QUẢ CỦA SỰ HỢP NHẤT.
Hợp nhất với Ðức Kitô bằng đức tin, bằng các Bí Tích và bằng lòng mến, mỗi người chúng ta sẽ trở nên :
HỢP NHẤT VỚI THIÊN CHÚA CHA. Ðây là mục tiêu trọn vẹn của ơn cứu độ : con người sau khi đã sa ngã, không còn tính bản thiện nữa, nghĩa là không còn hợp nhất với Thiên Chúa nữa, nó phải được đem về lại trong sự hợp nhất này. Trong Ðức Kitô, sự hợp nhất này được phục hồi.
"Ðức Kitô là Ðấng không hề biết tội, thì vì ta, Thiên Chúa đã cho làm thành sự tội, ngõ hầu trong Ngài ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa (2Cr 5, 21).
ÐỀN THỜ CỦA THÁNH THẦN mà Ðức Kitô là trung gian trong tâm hồn chúng ta.
"Anh em không biết sao ? Thân mình anh em là đền thờ của Thánh Thần ngự trong anh em, anh em đã chịu lấy tự Thiên Chúa" (1Cr 6, 19).
CÔNG DÂN CỦA NƯỚC TRỜI bởi vì nguồn sống của chúng ta là do tự Thiên Chúa, đường đi nước bước của chúng ta được Thiên Chúa hướng dẫn, và mục tiêu đã được hứa cho chúng ta là cuộc sống trường sinh.
"Trái lại, Nước quê ta là trời cao, tự đó sẽ đến vị Cứu Chúa mà ta ngóng đợi, Chúa Giêsu Kitô" (Ph 3, 20).
ANH EM CỦA ÐỨC KITÔ là Ðấng đã liên kết với chúng ta bằng những mối dây siêu nhiên do Thánh Linh se kết. Hợp nhất với chúng ta, Ðức Kitô luôn luôn hoạt động để uốn nắn chúng ta rập theo khuôn mẫu của Ngài. Ngài đã mặc lấy thân xác người phàm, một thân xác hoàn toàn tùng phục ý Ngài.
"Vì chưng những ai Thiên Chúa đã biết đến từ trước, thì Ngài cũng đã tiền định cho họ được nên đồng hình đồng dạng với hình ảnh của Con Ngài, để Ngài nên Trưởng Tử giữa một đoàn anh em đông đúc" (Rm 8, 29).
CON CÁI CỦA THIÊN CHÚA CHA bởi vì chúng ta được hợp nhất một cách thân mật và rất quan hệ với Con duy nhất của Thiên Chúa. Chỉ khi nào đã hợp nhất với Ðức Kitô chúng ta mới trở thành con Thiên Chúa, vì lúc bấy giờ Thiên Chúa nhìn chúng ta qua Con của Ngài. Nếu không hợp nhất với Ðức Kitô, chúng ta không thể nào nói lên được với tất cả ý nghĩa đầy đủ của nó, câu "Lạy Cha chúng con".
"Bởi lòng yêu mến, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con, nhờ Ðức Giêsu Kitô, và vì Ngài chiếu theo nhã ý của Thánh chỉ Ngài, để nên lời ca ngợi cho vinh quang Ngài, bởi ân sủng Ngài đã ban xuống cho ta trong Ðấng chí ái" (Ep 1, 5 - 6).
CON CÁI CỦA ÐỨC MẸ NỮA, bởi vì Chúa Giêsu đã cho Mẹ làm Mẹ thiêng liêng của tất cả những ai trở thành môn đệ yêu dấu của Ngài.
"Ðức Giêsu thấy Mẹ Ngài, và môn đồ Ngài yêu dấu đứng bên cạnh, thì Ngài nói với Mẹ : Hỡi Bà, này là con Bà ! Ðoạn lại nói với môn đệ : Này là Mẹ con" (Yn 19, 26 - 27).
NHỮNG NGƯỜI ÐỒNG CHIẾN THẮNG SATAN, bởi vì chúng ta thông phần vào chiến thắng của Ðức Kitô. Lời tiên tri trong sách Khởi Nguyên chương 3 câu 15, nói rằng dòng giống của người đàn bà sẽ làm cho Satan bị thương ở đầu. Cuộc chiến thắng Satan này đã được Ðức Kitô thực hiện qua sự chết và sự Phục Sinh của Ngài. Chúng ta, những kẻ đã hợp nhất với Ðức Kitô, cùng chết và phục sinh trong Bí Tích Rửa Tội. Sự chiến thắng của Ðức Kitô cũng là sự chiến thắng của chúng ta, và chúng ta cũng dày đạp Satan dưới gót chân chúng ta nữa.
"Thiên Chúa bình an sẽ kíp chà đạp Satan dưới chân anh em" (Rm 16, 20).
CON CHÁU THIÊNG LIÊNG CỦA ABRAHAM, và do đó, được thừa hưởng những lời đã hứa cho Abraham và dòng giống của ông. Thiên Chúa luôn trung thành với Lời Ngài hứa. Vì thế, những lời đã hứa với Abraham và miêu duệ ông phải được thực hiện. Theo lời thánh Phaolô, những lời hứa đó đã được trọn vẹn trong Ðức Kitô, dòng giống Abraham, và trong tất cả những ai liên kết với Ngài, và do đó trở nên con cháu thiêng liêng của vị Tổ Phụ này.
"Vì hết thảy anh em là con cái Thiên Chúa nhờ bởi lòng tin trong Ðức Giêsu Kitô ; không còn Dothái hay Hylạp ; không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, vì hết thảy anh em là một trong Ðức Kitô Giêsu. Mà nếu anh em thuộc về Ðức Kitô, vậy thì anh em là miêu duệ của Abraham, những kẻ thừa tự thể theo lời hứa" (Gal 3, 26 - 29).
HỢP NHẤT VỚI NHAU, bởi vì mỗi cá nhân chúng ta không thể hợp nhất với Ðức Kitô nếu chúng ta không đoàn kết mật thiết với nhau. Câu trích dẫn trên đây trong thư thánh Phaolô gởi tín hữu Galát nói rằng chúng ta trở nên "một người trong Ðức Kitô". Bởi đó, tất cả những sự khác biệt, hoặc vì chủng tộc, hoặc vì giai cấp xã hội, hoặc vì nam hay nữ đều trở thành không quan trọng.
Sau khi đã xem xét những lợi ích vô biên do sự hợp nhất với Ðức Kitô mang lại cho chúng ta, chúng ta có thể lấy làm của riêng mình câu mà vị Phó Tế hát trong đêm áp lễ Phục Sinh mừng sự chiến thắng của Ðức Kitô trên Satan. Nghĩ đến ân huệ và sự vinh hiển thiêng liêng Ðức Kitô đã ban cho thế giới qua sự chiến thắng của Ngài trên tội lỗi, vị Phó Tế hát một cách vui mừng : "Ôi tội rất hạnh phúc, vì đã làm cho chúng ta được Ðấng Cứu Tinh tuyệt vời như thế !"
GIÁO HỘI.
Sự hợp nhất của mỗi người chúng ta với Ðức Kitô làm cho chúng ta trở thành một đoàn thể, một cơ cấu mà Tân Ước đã gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau. Những người được thanh tẩy trong Ðức Kitô được gọi là Israel mới, là Dân Thiên Chúa, là Giáo Hội của Ðức Kitô, là vương quốc của Ngài, là thân thể của Ngài. Ba danh hiệu cuối cùng đó đã trở nên thông dụng hơn cả. Sự thấu hiểu ý nghĩa của công trình cứu độ sẽ càng gia tăgn nếu chúng ta xem xét những đặc điểm thiết yếu của Giáo Hội Ðức Kitô, cũng là vương quốc và là thân thể của Ngài. Vậy Giáo Hội là gì ? Nó hoạt động như thế nào ? Nó có những quyền hạn gì ? Nó liên quan thế nào với Ðức Kitô ?
Trước hết và quan trọng hơn cả, đây là một đoàn thể quy tụ chung quanh Ðức Kitô. Ðức Kitô là tâm điểm hợp nhất tất cả những người đã được thanh tẩy. Bởi đó trung tâm của sự hợp nhất này không phải là một lý thuyết, một kiểu hành động, một niềm hy vọng ở kiếp sống mai sau. Nó cũng không phải là một việc đạo đức, một hiến lễ, một bí tích. Ðó là một người : là Ðức Kitô Ngài đã chết, đã Phục Sinh và ban Thánh Thần xuống. Hợp nhất với Ngài là đặc điểm trước hết của Giáo Hội.
Sự hợp nhất này được mô tả bằng nhiều cách khác nhau trong Tân Ước. Nhiều tác giả, nhằm mục đích đi sâu vào chân lý vô tận này, đã dùng nhiều hình ảnh so sánh khác nhau. Chính Ðức Kitô đã mô tả nó như là sự hợp nhất cần thiết cho sự sống giữa cây nho và cành nho. Như cành nho phải hợp nhất với cây nho để múc lấy nguồn sống từ đó, mối tương quan giữa người Kitô hữu với Ðức Kitô cũng thế. Ở đây sự hợp nhất được nhấn mạnh như là điều thiết yếu cho sự sống.
"Cây nho đích thực, chính là Ta, và Cha Ta là người canh tác. Nhánh nào trong Ta không sinh quả, Người chặt nó đi ; còn nhánh nào sinh quả, thì Ngài tỉa sạch để nó sinh quả nhiều hơn.
Các ngươi đã sạch, bởi Lời Ta đã nói với các ngươi. Hãy ở lại trong Ta và Ta ở trong các ngươi. Cũng như nhánh nho không thể tự sinh quả được, mà không lưu lại thân nho, thì các ngươi cũng vậy, nếu không lưu lại trong Ta" (Yn 15, 1 - 4).
Sự hợp nhất với Ðức Kitô còn được so sánh với sự liên kết của những viên đá xây đền thánh. Hình ảnh này có hai điểm cần được lưu ý. Sự hợp nhất như thế thật là vững vàng, nó là một sự hợp nhất để làm nơi cư ngụ cho chính Thiên Chúa. Ðền thờ trong Cựu Ước, nơi cư ngụ của vinh quang Thiên Chúa đã được thay thế bằng đền thờ sinh động là Ðức Kitô và những ai hợp nhất với Ngài. Trong đền thờ sinh động đó người ta gặp được Thiên Chúa.
"Anh em được xây cao lên trên nền móng là các tông đồ và tiên tri, mà đỉnh gốc là chính Ðức Kitô Giêsu. Trong Ngài tất cả tòa nhà mộng khớp ăn nhau, sẽ cứ mọc lên làm thánh điện trong Chúa. Trong Ngài, anh em cũng được xây dựng, để chung cùng nhau làm ngôi nhà của Thiên Chúa" (Ep 2, 20 - 22).
Phaolô còn dùng một lối so sánh khác nữa. Ðó là so sánh sự hợp nhất giữa Ðức Kitô và các Kitô hữu với sự hợp nhất yêu thương giữa vợ chồng. Ðó là một lối so sánh tuyệt vời nhưng táo bạo. Trong tất cả những sự hợp nhất giữa loài người với nhau, thì sự hợp nhất giữa vợ chồng là có tính cách tự nguyện hơn cả, vui thú hơn cả và tác sinh hơn cả. Ðức Kitô và Giáo Hội của Ngài, theo lời của Phaolô, là gương mẫu của sự hợp nhất giữa vợ chồng, bởi vì đó là một sự hợp nhất càng tự nguyện hơn, vui thú hơn và tác sinh hơn. Chắc chắn là không có một cách quãng diễn nào tuyệt vời hơn nữa về lý tưởng của bậc vợ chồng. Và chắc chắn là cũng không tìm được một lối so sánh nào của loài người để cho thấy rõ ràng hơn tình yêu sinh động là nền tảng của sự hợp nhất giữa Ðức Kitô và Giáo Hội của Ngài.
"Vợ hãy phục tùng chồng như thể đối với Chúa. Vì chồng là đầu của vợ, cũng như Ðức Kitô là Ðầu của Hội Thánh, và Ngài là Cứu Chúa của Thân Mình. Dù sao, như Hội Thánh tùng phục Ðức Kitô, thì các người làm vợ cũng hãy tùng phục chồng như vậy trong mọi sự !
Chồng hãy yêu mến vợ, cũng như Ðức Kitô đã yêu mến Hội Thánh, và đã phó nộp mình đi, ngõ hầu tác thánh, tẩy sạch, là tắm rửa cho bằng nước và lời, hầu tự hiến cho mình một Hội Thánh quang vinh , không một vết nhơ hay nét nhăn, hay chút gì như thế. Trái lại, để Hội Thánh thật là thánh thiện, vô tì tích. Cũng vậy, chồng phải yêu mến vợ mình như chính thân mình. Mà yêu mến vợ thì khác nào yêu mến mình ! Quả có ai bao giờ lại đi ghét xác thịt mình, trái lại người ta dưỡng nuôi mặc ấm, cũng như Ðức Kitô xử với Hội Thánh, vì ta là chi thể của Thân Mình Ngài. Bởi thế mà đàn ông sẽ bỏ cả cha mẹ và khắng khít với vợ mình, và hai chúng sẽ nên một thân xác. Ðó là một mầu nhiệm lớn, tôi muốn ám chỉ về Ðức Kitô và Hội Thánh. Dù sao, anh em mỗi người hãy yêu mến vợ mình như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng" (Ep 5, 22 - 33).
Trên hết tất cả và nổi bật nhất đó là, sự hợp nhất giữa Ðức Kitô và các Kitô hữu được mô tả như là một sự hợp nhất thể xác với Ðức Kitô Phục Sinh. Phaolô gọi các Kitô hữu là phần thân thể của Ðức Kitô, hoặc gọn hơn là thân thể của Ðức Kitô. Ông muốn ngụ ý gì ? Tư tưởng cơ bản của ông là các Kitô hữu, qua sự hợp nhất với thân thể đã Phục Sinh của Ðức Kitô, trở thành những phần của thân thể đó, nghĩa là kết hợp với nó. Do đó, ông thường nói về thân thể Ðức Kitô khi ông muốn ám chỉ chính Ðức Kitô cũng như các Kitô hữu. Chúng ta mệnh danh nó là thân thể mầu nhiệm của Ðức Kitô. Có lẽ công thức đơn giản nhất phải xử dụng để hiểu rõ điều này là công thức tương tự như sau. Bởi vì chúng ta được kết hợp với thân thể Phục Sinh đã được tôn vinh của Ðức Kitô, chúng ta tạo thành thân thể mầu nhiệm của Ngài (từ ngữ "Thân Thể" từ đây sẽ được viết hoa khi chỉ về sự hợp nhất giữa Ðức Kitô với những con người là phần Thân Thể của Ngài. Nó sẽ không được viết hoa khi chỉ về thân thể hữu hình của Ðức Kitô mà thôi). Các Kitô hữu là Thân Thể của Ðức Kitô, không phải trước tiên chỉ vì họ giống như một thân thể song bởi vì họ hợp nhất với một Thân Thể đó là Thân Thể Phục Sinh của Ðức Kitô, nếu nghiên cứu cẩn thận cách Phaolô diễn tả những Kitô hữu như là phần thân thể của Ðức Kitô, hoặc như là Thân Thể của Ðức Kitô, chúng ta sẽ thấy rằng khi Phaolô nói như thế, ông luôn luôn có trong đầu óc hình ảnh rõ ràng thân thể Phục Sinh của Ðức Kitô. Một số tỷ dụ như thế thật là rõ rệt. Ðoạn chúng ta vừa mới xem trong thư gửi tín hữu Êphêsô đoạn 5 câu 22 - 33 là một tỷ dụ. Người vợ trở thành thân thể của chồng bằng cách hợp nhất hữu hình với thể xác đó ; Giáo Hội trở nên Thân Thể của Ðức Kitô bằng cách hợp nhất thiêng liêng với Thân Thể Phục Sinh của Ngài qua phép Rửa Tội.
Một tỷ dụ khác được gặp thấy trong 1Cr. 6, 15 - 16 :
"Anh em không biết sao ? Thân xác anh em là những chi thể của Ðức Kitô ! Vậy tôi sẽ giựt lấy chi thể của Ðức Kitô mà làm thành chi thể của con điếm sao ? Ðừng nói gở ! Anh em không biết sao ? Dan díu với điếm tức là nên một thân mình với nó, vì cả hai, Kinh Thánh nói, sẽ nên một thân xác. Còn kẻ kết hợp với Chúa, thì nên một Thần Khí với Ngài".
Ngôn ngữ của Phaolô thật là giật gân ! Ông nêu rõ rằng đối với người Kitô hữu, tội dâm dục là xấu xa đặc biệt. Qua hành động vô luân đó, người Kitô hữu vốn là chi thể của Ðức Kitô, lại đi hợp nhất với thân thể gái điếm, ông dùng ngôn ngữ mạnh vì hoàn cảnh đòi hỏi như thế (lúc bấy giờ Côrinthô là một trung tâm của những chuyện đồi bại xấu xa), nhưng sức mạnh của những lời đó cũng làm nổi bật cách hiểu thực tế của Phaolô về sự hợp nhất với Ðức Kitô, đó là nền tảng của lý thuyết Thân Thể Mầu Nhiệm.
Một ví dụ thứ ba có thể gặp thấy trong 1Cr. 10, 16 - 17, lần đầu tiên Phaolô nói rõ về những người Kitô hữu như là Thân Thể. Văn bản đó nói về phép Thánh Thể :
"Bánh ta bẻ, lại không phải là thông phần Thân Mình Ðức Kitô sao ? Vì chưng chỉ có một bánh, nên ta, tuy là nhiều, ta cũng chỉ là một thân mình, vì hết thảy ta củng chia một phần bánh".
Tư tưởng của Phaolô như thế này : Bánh là thân thể của Ðức Kitô. Chúng ta, mặc dù đông vẫn trở thành một thân thể, bởi vì cùng chia một bánh, bánh đó là một Thân Thể của Ðức Kitô. Lúc nào cũng vậy, chính do sự hợp nhất với Thân Thể Phục Sinh của Ðức Kitô (ngay cả dưới hình thức phép Thánh Thể) mà chúng ta trở nên Thân Thể mầu nhiệm của Ngài.
Muốn nhấn mạnh đầy đủ lối giải thích này, cần căn cứ vào sự thật là từ ngữ "Thân Thể Ðức Kitô" của Phaolô có ý nghĩa là thân xác chứ không phải đoàn thể. Không bao giờ ông nghĩ rằng Thân Thể mầu nhiệm Ðức Kitô chỉ là một đoàn thể tôn giáo, một công ty như công ty Shell chẳng hạn Ông nghĩ đến nó như là một động lực thể xác tập trung ở chung quanh thân thể Phục Sinh của Ðức Kitô. Những đoạn của Phaolô nói về phép Rửa Tội cũng nhấn mạnh như thế. Ðối với ông, một người đã chịu phép Rửa Tội trực tiếp trong Thân Thể Ðức Kitô, trong chính Ðức Kitô là Ðấng đã đem lại ơn cứu độ bằng sự chết và Phục Sinh của Ngài, thì giờ đây được Ngài ban Thánh Thần là Ðấng đem sự sống đến cho những kẻ hợp nhất với Ngài.
Một khi đã có lập trường thực tiễn như thế, tự nhiên ông bắt đầu nới rộng lý thuyết đó bằng cách xử dụng hình ảnh bóng bẩy để nói về nó. Là Thân Thể của Ðức Kitô, các Kitô hữu có thể được mô tả bằng những từ ngữ chỉ về thân thể. Một số Kitô hữu có quyền hạn, được so sánh với đầu, một số người khác được so sánh với tay và một số khác nữa được so sánh với mắt hoặc chân. Nhưng tất cả là cách nói bóng bẩy này đều căn cứ trên chân lý đã nói trước đây : ơn cứu độ là do sự hợp nhất với thân thể vinh hiển của Ðức Kitô.
Chúng ta có thể nói được rằng sự so sánh với thân thể này cũng giống như sự so sánh với cây nho và nhánh nho trong Phúc Âm Yoan, chương 15. Trong hình ảnh này, các nhánh (Kitô hữu) hợp nhất trực tiếp với cây nho (Ðức Kitô), y hệt như là đối với Phaolô. Những chi thể (Kitô hữu) hợp nhất trực tiếp với thân mình (thân thể Phục Sinh của Ðức Kitô). Trong sự hợp nhất mật thiết này giữa thân thể Phục Sinh của Ðức Kitô và các chi thể của Ngài để thành Thân Thể Mầu Nhiệm. Chúng ta có thể nói rằng mặc dù thân thể Phục Sinh khác với Thân Thể Mầu Nhiệm, nhưng cả hai không bao giờ tách biệt. Những Kitô hữu chúng ta không phải và cũng không thể là Thân Thể Phục Sinh của Ðức Kitô. Nhưng bao lâu chúng ta thành Thân Thể Mầu Nhiệm, thì chúng ta không bao giờ bị tách rời khỏi Thân Thể Phục Sinh của Ðức Kitô.
Sự phân biệt này, nhưng không phải là sự tách biệt, được Phaolô nhấn mạnh trong thư gửi tín hữu Côlôsê và Êphêsô, khi ông bắt đầu nói về Ðức Kitô như là Ðầu và Giáo Hội như là Thân Mình. Thân thể Phục Sinh của Ðức Kitô vẫn là trung tâm của sự hợp nhất, nhưng khi gọi Ðức Kitô là Ðầu thì rõ ràng là không có thể lẫn lộn với lý thuyết đa thần mơ hồ nào cả. Chúng ta không trở thành Thân Thể Phục Sinh của Ðức Kitô ; vì thân thể đó rõ ràng là của Ðức Kitô. Nhưng chúng ta hợp nhất với nó và do đó trở thành chi thể của nó.
Lý thuyết này về Ðức Kitô Phục Sinh và Thân Thể mầu nhiệm của Ngài có liên quan với lý thuyết khác cũa Phaolô về Ðức Kitô như là Ađam mới. Sự hợp nhất hữu hình với Ađam đầu tiên, vì chúng ta là con cháu Ađam, đã đem lại sự chết, nhưng sự hợp nhất thiêng liêng với Ađam mới đã đem lại sự sống. Trong Ađam cũ, nhân loại đã sa ngã ; hợp nhất với Ađam mới, chúng ta làm thành một loài thọ tạo mới, một nhân loại được hồi sinh, bởi vì Ađam mới thông Thánh Thần ban sự sống cho ta, để ta trở nên chi thể của Ngài.
"Cũng như trong Ađam, mọi người đều phải chết, thì trong Ðức Kitô, mọi người cũng sẽ được tái sinh.
Ađam người thứ nhất đã thành sinh khí sống động ; còn Ađam cuối cùng đã nên thần khí tác sinh" (1Cr 15, 22. 45).
Ðặc tính thứ hai của Giáo Hội -Vương Quốc - Thân Thể của Ðức Kitô là nhiệm vụ giáo huấn. Việc nó tiếp tục sứ mệnh tiên tri của Ðức Kitô với tính cách là sứ giả của Thiên Chúa, là lời sống động của Thiên Chúa. Ðó là một nhiệm vụ mà Ðức Kitô đã củng cố bằng sự hứa cho Thánh Thần là Ðấng dạy chân lý đến.
"Ðấng bàu chữa, Thánh Thần Cha sẽ sai đến nhân danh Ta, chính Ngài sẽ dạy các ngươi mọi sự và sẽ nhắc cho các ngươi nhớ lại mọi điều Ta đã nói cho các ngươi" (Yn 14, 26).
Việc Thánh Thần "nhắc cho nhớ lại" chắc chắn có ý nghĩa là làm cho các tông đồ được truyền đạt những lời giáo huấn và tín điều của Ðức Kitô cho các Kitô hữu được các ngài chăm sóc. Ðoạn kết thúc của Phúc Âm Matthêu có nhấn mạnh điều này.
"Mọi quyền năng trên trời dưới đất được ban cho Ta. Vậy các ngươi hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy chúng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy chúng giữ hết mọi điều Ta đã truyền cho các ngươi.
Và này Ta sẽ ở với các ngươi mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 18 - 20).
Các tông đồ đã thi hành sứ mệnh và quyền hạn này ngay từ thuở Giáo Hội mới sơ khai. Cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, là cộng đoàn sống ở Yêrusalem khi Chúa Giêsu về trời, đã tụ họp nhau lại trong một cuộc sống xã hội rất thân mật mà vị trí trung tâm là lời giảng dạy của các tông đồ.
"Vậy những ai đã đón nhận lời ông (lời của Phêrô torng ngày Thánh Thần hiện xuống) thì đã chịu thanh tẩy. Và trong ngày ấy, đã có thêm được ba ngàn linh hồn.
Họ chuyên cần với các giáo huấn của các tông đồ và sự hiệp thông, việc bẻ bánh và kinh nguyện (Cv 2, 41 - 42).
Trong khi thi hành mệnh lệnh rao giảng những điều Ðức Kitô đã dạy, Giáo Hội sơ khai tin tưởng là mình được sự trợ lực của Thánh Thần chân lý mà Ðức Kitô đã hứa. Dấu hiệu chứng tỏ lòng tin tưởng như thế được thấy rõ ràng trong sắc chỉ của Công Ðồng Yêrusalem liên quan đến sự tự do của các Kitô hữu tân tòng, đối với những yêu sách của giới luật Môsê, các tông đồ tin chắc chắn rằng họ được Thánh Thần soi sáng trong việc giảng dạy.
"Thánh Thần và chúng tôi quyết định không chất thêm gánh nặng nào cho anh em, trừ vài điều cần kíp này." (Cv 15, 28).
Phaolô cũng tin chắc rằng, với tính cách một tông đồ, ông giảng với quyền năng của Ðức Kitô và sự trợ giúp của Thánh Thần chân lý. Thật ra, chính Ðức Kitô nói nơi ông.
"Trong Ðức Kitô, tôi nói thật, tôi không nói dối ; trong Thánh Thần, lương tâm tôi làm chứng cho tôi." (Rm 9, 1).
"Anh em sẽ được thấy tang chứng là thực có Ðức Kitô phán dạy trong tôi : Ngài không yếu đuối đâu, trái lại Ngài mạnh sức nơi anh em" (2Cr 13, 3).
Giáo Hội được Thánh Thần soi sáng đã sớm biểu minh thành sách Tân Ước những lời rao giảng về chân lý Kitô giáo (việc làm và lời nói của Ðức Kitô với những lời giải thích và áp dụng do các tông đồ, các tiên tri và các nhà truyền giáo). Giáo Hội được Thánh Thần soi sáng để cho ra bộ sách ấy, và cũng chính Thánh Thần soi sáng, xuyên qua nhiều thế kỷ Giáo Hội vẫn tiếp tục công việc giải thích ý nghĩa sâu xa của nó, ứng dụng nó vào nhu cầu và vấn đề của thời đại, và dùng nó làm mực thước đo cách cư xử của mình. Trong tất cả các việc này, Giáo Hội của Ðức Kitô, Thân Thể của Ngài, vẫn tiếp tục sứ mệnh tiên tri của Ngài. Ðức Kitô vẫn tiếp tục giảng dạy trong Giáo Hội là Thân Thể của Ngài, là sự bành trướng của việc nhập thể trên khắp thế giới.
Ðặc điểm thứ ba của Giáo Hội là có quyền năng của Ðức Kitô. Quyền năng này đã được Ðức Kitô thực hiện để lướt thắng Satan và đem lại sự sống của Thánh Thần đến cho thế gian. Trong lúc sinh thời, Ngài đã bắt đầu chia sẻ quyền lực đó với các tông đồ của Ngài. Chúng ta đã thấy (xem lại "Người thiết lập một công cuộc vĩnh viễn") rằng Ðức Kitô đã sai các tông đồ đi chữa bệnh và trừ quỷ Satan. Tuy nhiên sự chia sẻ sâu xa nhất là sự thông phần với cái chết của Ðức Kitô, với sự Ngài Phục Sinh và lìa nơi thế trần. Trong buổi tối tiệc ly, trong nghi lễ biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu của Ngài, Ðức Kitô đã dạy các tông đồ hãy tiếp tục nghi lễ này và ban cho họ qược quyền làm như thế.
"Vì chưng, chính tôi đã chịu lấy nơi Chúa điều tôi truyền lại cho anh em, là : Chúa Giêsu trong đêm Ngài bị nộp, Ngài đã cầm lấy bánh, và tạ ơn xong, Ngài bẻ ra và nói : Này là Mình Ta, vì các ngươi, hãy làm sự này mà nhớ đến Ta. Cũng vậy về chén, sau khi đã dùng bữa tối xong, Ngài nói : Chén này là Giao Ước mới trong Máu Ta, các ngươi hãy làm sự này mỗi khi uống, mà nhớ đến Ta. Vì mỗi lần anh em ăn bánh ấy và uống chén ấy, anh em loan báo sự chết của Chúa, cho tới lúc Ngài đến" (1Cr 11, 23 - 26).
Vậy các tông đồ đã được ban cho quyền tái diễn hy lễ độc nhất của Ðức Kitô, do đó Ngài đã thắng sự tội bằng cách thi thố một tình yêu và lòng vâng phục đến tột đỉnh.
Một sự thông phần khác nữa vào quyền năng của Ðức Kitô có liên quan với sự Ngài hiện ra trong thân xác vinh quang rực rỡ, ban Thánh Thần xuống, và cho các tông đồ được quyền quan trọng nhất trên Satan, đó là quyền tha tội và quyền tái lập sự hợp nhất sinh tử với Thiên Chúa. Trước kia các tông đồ đã được quyền xua đuổi Satan ra khỏi thân thể người bị nó ám, và chữa bệnh tật do tội lỗi đem vào thế gian. Giờ đây họ được ban cho một quyền hạn thực là linh thiêng, một quyền năng liên quan chặt chẽ nhất với nhiệm vụ cứu thoát con người khỏi vương quốc Satan.
"Vào lúc xế chiều ngày ấy, ngày thứ Nhất trong tuần, nơi ở của các tông đồ các cửa đều đóng kín, vì sợ người Dothái ; Ðức Giêsu đã đến, đứng giữa họ, và Ngài nói : "Bình an cho các con !" Nói thế rồi, Ngài cho họ xem tay và cạnh sườn Ngài. Các môn đệ mừng rỡ, vì được thấy Chúa. Một lần nữa, Ngài nói với họ : "Bình an cho các con ! Cũng như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các ngươi". Nói thế rồi, Ngài thổi hơi trên họ và nói với họ : Hãy chịu lấy Thánh Thần. Các ngươi tha tội cho ai, thì tội họ được tha ; các ngươi cầm giữ tội ai, thì tội họ bị cầm giữ" (Yn 20, 19 - 23).
Sau hết, vào khoảng cuối cùng của sự hiện diện thể xác của Ngài nơi dương thế, Ðức Kitô ban cho các tông đồ sứ mạng trọng đại để làm cho họ được quyền năng như Ngài.
"Mọi quyền năng trên trời dưới đất được ban cho Ta. Vậy các ngươi hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy chúng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy chúng giữ hết mọi điều Ta đã truyền cho các ngươi. Và này Ta sẽ ở với các ngươi mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 18 - 20).
Bằng cách chia sẻ quyền năng của mình cho những kẻ Ngài đã chọn, Ðức Kitô ngày nay vẫn tiếp tục làm trong Thân Thể mầu nhiệm của Ngài, điều mà Ngài đã làm thuở xưa trong thân xác hữu hình của Ngài. Khi chịu lấy các Bí Tích và suy gẫm về chúng, ta phải luôn nhớ điều này, quyền năng của các Bí Tích không phải là thần chú, nhưng là quyền năng của Ðức Kitô. Ngài đã chia sẻ quyền năng ấy cho con người và nó được thực hiện đặc biệt nhất là trong Bí Tích. Qua những con người đó, Ðức Kitô vẫn tiếp tục tha tội, chiến thắng Satan ngay giữa lòng cuộc giao tranh của nó với loài người và vương quốc Thiên Chúa. Quyền tha tội này chỉ thuộc về quyền một mình Ðức Kitô mà thôi. Những người được tuyển chọn chỉ là khí cụ của Ngài dùng để quyết định, để nói lên lời tha tội và khuyến khích mà Ðức Kitô đã từng nói qua nhân tính của Ngài khi còn nơi trần thế. Nhưng bao giờ cũng là chính Ðức Kitô hành động. Khi linh mục tha tội, chính là Ðức Kitô tha tội.
Qua các Bí Tích, Ðức Kitô vẫn tiếp tục chữa lành bệnh tật. Ðó là mục đích rõ rệt nhất trong Bí Tích Xức Dầu. Nó là một Bí Tích chữa bệnh. Trong một thời gian khá lâu, Bí Tích này được coi như là Bí Tích cho người gần chết, bởi đó mới quen gọi nó là "Phép Xức Dầu cuối cùng". Ðúng hơn là nên nói lại rằng Bí Tích của người gần chết không phải là Bí Tích Xức Dầu, song là Bí Tích Thánh Thể, của ăn đi đường ban cho người gần chết để chuẩn bị cuộc hành trình của họ sang bên kia thế giới. Ðối tượng trực tiếp của Bí Tích Xức Dầu là bệnh tật, để chữa lành hoặc thánh hóa bệnh tật. Cũng không gì đáng ngạc nhiên khi thấy Bí Tích để chữa bệnh này lại liên quan phần nào đến sự tha tội, bởi vì tội lỗi và bệnh tật đều do Satan đưa vào thế giới. Trong Bí Tích Xức Dầu, quyền năng của Ðức Kitô phát xuất từ những người được quyền đó, và một lần nữa vương quốc của Satan, của tội lỗi và bệnh tật lại bị tấn công.
"Ai trong anh em yếu liệt, hãy mời các vị niên trưởng của Hội Thánh ; họ cầu nguyện trên người ấy, sau khi đã xức dầu cho nhân danh Chúa. Và lời cầu khẩn do tự lòng tin sẽ cứu người liệt, và Chúa sẽ cho hồi phục, và nếu người ấy đã phạm tội, thì cũng sẽ được tha" (Yc 5, 14 - 15).
Qua các Bí Tích, Ðức Kitô tiếp tục gởi Thánh Thần xuống cho những kẻ Người đã tuyển chọn để làm chứng cho Ngài. Sự làm chứng cho Ðức Kitô như thế là hiệu quả của ơn Thánh Thần ban cho, khác với những ơn khác mà Thánh Kinh thường nói tới. Chẳng hạn, chúng ta biết rằng Thánh Thần được thông cho chúng ta khi chúng ta lãnh phép Rửa Tội, qua Thân Thể Phục Sinh của Ðức Kitô mà người Kitô hữa được hợp nhất. Chúng ta cũng nhớ rằng Thánh Thần đã được ban xuống cho các tông đồ trước ngày lễ Thánh Thần hiện xuống, bởi vì họ đã lãnh nhận Thánh Thần để được quyền tha tội trong đêm Chúa Nhật Phục Sinh. Nhưng sự ban Thánh Thần một lần nữa trong ngày Thánh Thần hiện xuống nhằm một hiệu quả đặc biệt, là làm cho các môn đệ đầu tiên trở thành những chứng tá hăng say và can đảm của Ðức Kitô, nhất là cho sự Ngài Phục Sinh. Ðức Kitô tiếp tục gởi Thánh Thần xuống qua phép Thêm Sức để làm cho các Kitô hữu ngày nay trở thành những chứng tá can đảm.
"Nhưng các ngươi sẽ chịu lấy quyền lực Thánh Thần đến trên các ngươi. Và các ngươi sẽ là chứng tá của Ta ở Yêrusalem, trong toàn cõi Yuđê và Samari và cho đến mút cùng trái đất" (Cv 1, 8).
Bài giảng của Phêrô trong ngày Thánh Thần hiện xuống nói rõ ràng về sự làm chứng cho Ðức Kitô :
"Ðức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại chúng tôi hết thảy xin làm chứng về điều ấy. Vậy được nhắc lên bên hữu Thiên Chúa, Ngài đã lĩnh nơi Cha ơn đã hứa là Thánh Thần mà đổ xuống, đó là các điều các ông thấy được và nghe được" (Cv 2, 32 - 33).
Ơn của Thánh Thần trong ngày lễ hiện xuống đã biến đổi các tông đồ thành những chứng nhân đủ can đảm để thí mạng sống mình cho lòng tin nơi Ðức Kitô, đó là một cách làm chứng cao độ nhất bằng sự tử đạo. Người Kitô hữu ở mỗi thời đại cũng được kêu gọi làm chứng như thế. Họ lãnh nhận Thánh Thần của Ðức Kitô trong Bí Tích Thêm Sức để được thêm sức mạnh hầu làm tròn nhiệm vụ.
Xuyên qua các Bí Tích, Ðức Kitô tiếp tục dâng cho Thiên Chúa Cha hiến lễ yêu mến và vâng phục bằng Mình và Máu của Ngài. Bức thư thứ nhất của Phaolô gởi tín hữu Côrinthô cho thấy rõ ràng lễ Misa đã được coi như là một hiến lễ ngay từ những ngày đầu của Giáo Hội. Bức thư này được viết vào khoảng năm 56 (sau TCGS), và trong các chương 10, 11, câu 23 - 30, Phaolô nói về chén lễ như là Giao Ước Mới trong Máu Ðức Kitô. Bởi đó ông nhấn mạnh với Giáo Hội sơ khai rằng chén lễ là chén Máu Giao Ước, Máu hy lễ, ông cũng nói rõ rằng Máu này, được nhắc lại lúc truyền phép là do lệnh truyền của Ðức Kitô, đã thay thế cho máu thú vật thời Môsê, và đã trở thành Máu Giao Ước Mới như đã hứa trong sách Yêrêmia chương 33, câu 22. công trình cứu độ được tái diễn trong Bí Tích này cách riêng. Hiến lễ của Ðức Kitô lại hiện diện một lần nữa chính lúc mà Thân Thể Phục Sinh của Ðức Kitô xuất hiện trên bàn thờ. Hiến lễ tưởng niệm sự chết phối hợp với hiến lễ tưởng niệm sự Phục Sinh vinh hiển. Người Kitô hữu thông phần với cả hai hành động cứu độ của Ðức Kitô bằng cách liên kết trong hiến lễ với Ðức Kitô và bằng cách rước lấy Thân Thể của Chúa Phục Sinh tại bàn hiệp lễ. Có liên kết trong Ðức Kitô, người Kitô hữu mới liên kết với Thiên Chúa và tha nhân. Ðây là sự cụ thể của ơn cứu độ. Nguyên nhân cứu độ được tái diễn, sự dâng mình chịu chết của Ðức Kitô và Thân Thể Phục Sinh của Ngài. Ðồng thời mục đích của ơn cứu độ cũng được thực hiện, đó là sự hợp nhất giữa con người với nhau trong Ðức Kitô, và trong Ðức Kitô, hợp nhất với Thiên Chúa.
Xuyên qua Bí Tích Truyền Chức Thánh, Ðức Kitô tiếp tục chia sẻ quyền năng của Ngài với những người Ngài đã chọn làm khí cụ sống động của Ngài. Họ là những người được Ðức Kitô mạc khải chân lý trọn vẹn, những người mà Ngài đích thân chọn lựa để sinh hoa trái nhân danh Ngài bằng cách thu hoạch nhân loại vào ơn cứu độ.
"Ta không còn gọi các ngươi là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ mình làm. Ta đã gọi các ngươi là bạn hữu, vì mọi điều Ta đã nghe nơi Cha Ta, Ta đã tỏ cho các ngươi biết. Không phải các ngươi đã chọn Ta, mà chính Ta đã chọn các ngươi, và đã đặt các ngươi ra, ngõ hầu các ngươi đi và sinh trái và trái trăng của các ngươi còn mãi ; ngõ hầu các ngươi xin gì cùng Cha nhân Danh Ta thì Ngài sẽ ban cho các ngươi" (Yn 15, 15 - 16).
Những người chia sẻ quyền năng của Ðức Kitô một cách mật thiết như thế được tách biệt khỏi những người khác. Vì đã được chính Ðức Kitô tuyển chọn, họ là những người mà Ðức Kitô dùng để tiếp tục hoạt động. Họ là những người làm dụng cụ của Ngài để tha tội, chữa bệnh, tái diễn lễ hiến tế. Xuyên qua họ, Ngài tiếp tục chiến thắng Satan và truyền thông sự sống của Thánh Thần. Bởi vì Ðức Kitô đem thiên hạ vào sự sống, hoặc đem họ trở lại sự sống, cho nên những kẻ được tuyển chọn này thật là những người cha thiêng liêng, trong Ðức Kitô.
"Cho dẫu quản giáo, anh em có từng vạn trong Ðức Kitô ; nhưng cha, thì không nhiều đâu : vì trong Ðức Kitô Giêsu, nhờ Tin Mừng chính tôi đã sinh ra anh em" (1C 4, 15).
Trong số những kẻ Ðức Kitô đã ban cho quyền năng của Ngài, thì một người được tuyển chọn riêng cách biệt ra. Người này, Simôn bar-Yôna, được Ðức Kitô giao phó những công việc và trách nhiệm đặc biệt. Thánh Kinh đã mô tả một cách tuyệt vời sự Simôn được cất nhắc lên địa vị cao trọng nhất về trách nhiệm cũng như quyền hành. Ðó là lúc Simon tuyên xưng đức tin của ông nơi Chúa Giêsu là Ðức Kitô thiên hạ ngóng chờ, là Ðấng Thiên Sai đã hứa. Ðiều này đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình các tông đồ dần dần hiểu được Giêsu Nazarét là ai, mà họ đã từng chứng kiến nhiều việc lạ lùng. Họ đã bắt đầu theo Ngài vì động lực hấp dẫn nơi bản thân Ngài. Họ đã kinh ngạc truớc những lời Ngài giảng dạy và sự Ngài thấu suốt tâm can mọi người. Họ đã sửng sốt khi thấy Ngài chữa bệnh tật cách lạ lùng, đã ngạc nhiên khi thấy ngài điều khiển sóng gió. Họ đã được thấy nước biến hóa thành rượu, bánh hóa ra nhiều trong tay họ. Lazarô bước ra khỏi mồ trước những cặp mắt hãi hùng của họ. Sau hết Ðức Kitô hỏi họ tưởng Ngài là ai, thì chính Simon trả lời thay cho tất cả. Họ thâm tín rằng Ngài là Ðức Kitô mà toàn dân Israel đang mong chờ. Matthêu thuật lại rằng sự tuyên xưng của Simôn đã làm cho ông xứng đáng vơi câu trả lời đầy uy quyền của Chúa. Ngài đổi tên Simôn thành Ðá, theo ngữ nguyên Aramic thì là Kefa và dịch sang tiếng Hylạp thì là Petros (theo chúng tôi được biết thì từ ngữ "Ðá" này, chưa bao giờ được dùng đặt tên cho ai cả, trong tiếng Aramic cũng như trong tiếng Hylạp, trước khi Chúa Giêsu đặt tên đó cho Simon để biểu hiệu vai trò thiết yếu của ông đối với Giáo Hội). "Ðá", ông được gọi như thế bởi vì Giáo Hội sẽ được xây cất trên ông. Ðồng thời tảng "Ðá" này cũng lãnh nhận chìa khóa Nước Trời, của Giáo Hội. Ðiều này làm cho Simon thành nền tảng của Giáo Hội và là nơi tập trung sống động quyền tối cao của Giáo Hội.
"Ðến vùng Caisaria của Philip, Ðức Giêsu hỏi môn đồ Ngài rằng : Theo như người ta nói thì Con Người là ai ? Họ thưa : Có kẻ thì nói là Yoan Tẩy Giả ; nhóm khác : Là Êlia ; nhóm khác nữa : Là Yêrêmia hay một tiên tri nào trong các tiên tri. Ngài nói với họ : Còn các con, các con nói Ta là ai ? Ðáp lại, Simon Phêrô nói : Ngài là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Ðáp lại Ðức Giêsu nói với ông : Simon bar Yôna, ngươi có phúc, vì không phải thịt máu đã mạc khải cho ngươi, mà là Cha Ta, Ðấng ngự trên trời ! Và Ta, Ta bảo ngươi : Ngươi là Ðá và trên Ðá này, Ta sẽ xây Hội Thánh của Ta, và quyền môn âm phủ sẽ không thắng nổi. Ta sẽ trao cho ngươi chìa khóa Nước Trời, và điều gì dưới đất ngươi cầm buộc, thì cũng sẽ bị cầm buộc trên trời, và điều gì dưới đất ngươi tháo cởi, thì cũng sẽ được tháo cởi trên trời" (Mt 16, 13 - 19).
Những trách nhiệm được giao phó cho Phêrô không phải chỉ có thế mà thôi. Ở chương cuối trong Phúc Âm thánh Yoan, lại còn chỉ rõ một trọng trách khác. Khi Ðức Kitô sắp rời khỏi thế gian này, Ngài còn uỷ thác cho Phêrô một nhiệm vụ quan trọng khác nữa, đó làm kẻ chăn chiên tốt thay thế cho Ngài. Trong dịp này, Phêrô tuyên xưng ba lần lòng yêu mến của mình với Ðức Kitô, đó cũng là cách ông công khai thú nhận ba lần đã chối Chúa trước đây. Sau mỗi lần tuyên xưng lòng yêu mến , ông được Chúa bảo hãy chăm sóc đoàn chiên của Chúa để lại.
"Khi họ đã lót lòng rồi, Ðức Giêsu nói với Simon Phêrô : Simon con của Yoan, ngươi có mến Ta hơn những kẻ này không ? Ông thưa Ngài : Vâng, lạy Chúa, Chúa biết tôi yêu mến Chúa ! Ðức Giêsu nói với ông : Hãy chăn giữ chiên của Ta. Lần thứ hai Ngài lại nói với ông : Simon con của Yoan, ngươi có mến Ta không ? Ông thưa Ngài : Vâng, lạy Chúa, Chúa biết tôi yêu mến Chúa ! Ngài nói với ông : Hãy chăn dắt cừu của Ta. Lần thứ ba Ngài nói với ông : Simon, con của Yoan, ngươi có yêu mến Ta không ? Phêrô buồn vì Ngài đã nói đến lần thứ ba : ngươi có yêu mến Ta không ; và ông thưa Ngài : Lạy Chúa, Chúa thông hay mọi sự, Chúa biết tôi yêu mến Chúa !. Ðức Giêsu nói với ông : Hãy chăn nuôi đàn cừu của Ta !" (Yn 21, 15 - 17).
Theo sự chỉ định công nhiên của Ðức Kitô, thì Phêrô là người được chọn riêng ra ; ông được mệnh danh là Ðá, là người giữ chìa khoá, là người chăn chiên tốt.
Ðể kết luận : Những đặc điểm chính bên trong của Giáo Hội Ðức Kitô gồm có ba mặt. Theo đúng với bản tính của nó, thì nó tập trung nơi Ðức Kitô. Ðiều này được nhấn mạnh khi chúng ta nói về nó là Thân Thể Mầu Nhiệm của Ðức Kitô, sở dĩ gọi như thế là vì các phần tử sống động của nó được liên kết với Thân Thể Phục Sinh vinh hiển của Ðức Kitô. Thân Thể Mầu Nhiệm này lại còn đặc tính khác, là có đầy đủ chân lý của Ðức Kitô và quyền năng của Ngài. Qua nó, Ðức Kitô vẫn tiếp tục giảng dạy và truyền thông sự sống của Thánh Thần. Nói cách khác, Ðức Kitô tâm điểm của Giáo Hội, Thân Thể của Ngài, vẫn sống trong Giáo Hội bằng ngôn ngữ và hành động. Cách Phaolô mô tả Chúa Giêsu hoàn toàn phù hợp với chân lý này : "Ngài là quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa" (1C 1, 24). Giáo Hội hợp nhất với Ðức Kitô, có được quyền năng và khôn ngoan ấy. Trong Giáo Hội người ta tiếp xúc với Ðấng Cứu Thế và hưởng nhờ ơn cứu độ. Ðiều này bao gồm sự chiến thắng vương quốc Satan, đó là khía cạnh tiêu cực. Về khía cạnh tích cực đó là sự trở về sự sống siêu nhiên, trở lại tính bản thiện của Thiên Chúa ban cho mà con người đã làm mất khi phạm tội. Sự tội đã làm cho con người mất tính bản thiện này, và tội càng ngày càng đưa đẩy con người xa nó hơn. Với Abraham, con người bắt đầu lên đường trở về lại, và cuộc hành trình thiêng liêng lâu dài này đã hoàn tất khi Ðức Kitô chiến thắng Satan và hợp nhất nhân loại với Ngài qua Thánh Thần. Tới đây, khi loài người hợp nhất với Thân Thể Phục Sinh của Ðức Kitô để tạo thành Thân Thể Mầu Nhiệm của Ngài, thì tính bản thiện đã bị mất trước kia được phục hồi.
"Ðức Kitô là Ðấng không hề biết tội, thì vì ta, Thiên Chúa đã cho làm thành sự tội, ngõ hầu trong Ngài ta trở thành sự công chính của Thiên Chúa" (2Cr 5, 21).
Tác giả: Giuse Võ Đức Minh, Gm
Nguồn: http://www.simonhoadalat.com