Sách CUỘC CHIẾN THIÊNG LIÊNG THEO THÁNH KINH, TRONG HỘI THÁNH & NƠI CÁC THÁNH
Chương 10
CHỖ BÁM, CHỖ ĐỨNG & SÀO HUYỆT II
Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy (Ga 14, 30).
Chỗ đặt chân và sào huyệt tiếp giáp hơn với con đường huỷ diệt so với một chỗ bám. Như thể bạn đang trôi nổi trên đại dương, những muốn quay vào bờ, đang khi suốt thời gian đó, ma quỷ kéo ghì bạn lại. Trước hết là ngón chân bạn, giờ đây là bàn chân, và rồi, toàn thân bạn sẽ bị lôi xuống vực sâu hơn bao giờ hết, xuống tận vực thẳm tối tăm và lạnh lẽo của tội lỗi.
Một sự trì trệ xấu xa dường như đang chộp lấy chính linh hồn bạn, hầu như nó không cho bạn kháng cự. Sức mạnh cạn kiệt, ý chí suy tàn, kìm kẹp của Satan đang đe doạ mạng sống bạn. Số phận của một linh hồn thiếu vắng ơn Chúa sẽ như thế đó.
CHỖ BÁM / SÀO HUYỆT
Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa (Gl 5, 19-21).
Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em (1 Cr 6, 19-20).
Tội trọng dai dẳng không xưng thú dẫn đến cái chết. Đó là thòng lọng treo trên linh hồn. Hơn cả cánh cửa mở toang, tội trọng là thư mời Satan vào nhận chỗ ngụ trong linh hồn bạn. Chừng nào chưa xưng tội, bạn đánh mất đời sống ân sủng. Tội trọng tấn công tương quan của bạn với Thiên Chúa, với bản thân và với tha nhân.
Lòng thương xót Chúa vẫy gọi bạn quay về đời sống ân sủng. Cũng như tội trọng, lòng thương xót Chúa là một điều bạn có thể tự do lựa chọn, chấp nhận hay từ chối. Hoặc là thống hối và quay về lòng thương xót Chúa hoặc là từ chối lòng nhân hậu của Người và ở lại trong tội? Sự lựa chọn thuộc về bạn. Với tư cách chiến sĩ Chúa Kitô, chỉ có một lựa chọn. Lòng thương xót Chúa chính là điều bạn cầu xin; chỉ cần sám hối và tin vào Tin Mừng (x. Mc 1,15).
Giết chết linh hồn, tự tử thiêng liêng, lãnh đạm, nổi loạn, Satan ... hoạt động ở đây.
Sám hối là quay trở lại từ tình trạng ghê tởm về tình trạng tự nhiên, từ ma quỷ về với Thiên Chúa nhờ sự hãm mình hành xác và những nỗ lực (Thánh Gioan Đamascene).
Chúng ta phải xưng thú đầy đủ và chính xác tội lỗi của mình. Vì kẻ thù biết rằng, một khi đã xưng tội và phơi bày những vết thương cho thầy thuốc, chúng ta sẽ được chữa lành triệt để, nó sẽ chống lại điều này một cách gắt gao (Thánh Gioan Kim Khẩu).
Thuốc kích thích và rượu bia, hai lối thâm nhập ma quỷ ưa chuộng. Một khi làm giảm sức chống trả và huỷ hoại phán đoán của bạn, ma quỷ càng có nhiều chỗ bám, chỗ đặt chân và sào huyệt. Thêm vào đó, chúng có thêm những quà tặng từ tình trạng nghiện ngập, huỷ hoại gia đình, tạo suy thoái tài chính, gây nên chết chóc. Dầu mục đích của bạn là giảm đau, giải thoát hay điều hoà ức chế, tiệm thuốc của ma quỷ vẫn luôn có đó để bốc toa cho bạn đến chết.
Pharmacy của Thiên Chúa cũng luôn có đó, sẵn sàng kê những toa thuốc đức tin, đức cậy và đức mến hầu giúp bạn phục hồi sự sống. Người là thần y, Người có thể chữa lành bất cứ tổn thương nào. Cuối cùng, chỉ mình Người mới có thể chữa lành việc lạm dụng thuốc và rượu bia vốn phát sinh từ những thương tích. Không thần dược nào có thể xoa dịu nỗi đau ngoài một mình Thiên Chúa.
Thần dữ nghiện ngập, thành trì ma quỷ, nổi loạn, thịnh nộ, chết chóc, tham lam, tội lỗi ... hoạt động ở đây.
Rượu là vũ khí đầu tiên ma quỷ dùng để tấn công thanh thiếu niên (Thánh Jérôme).
Đừng bao giờ coi thường một người không thể từ bỏ rượu; ra khỏi hoả ngục còn dễ hơn (Chân Phước Matt Talbot).
Điều nầy bao gồm những hành vi tính dục trước hôn nhân, ngoài hôn nhân và đồng tính luyến ái. Xét về căn bản, bất cứ hành vi tính dục nào nằm ngoài khế ước hôn nhân; nó còn bao hàm bất cứ hành vi nào không mở ngõ cho sự sống như quan hệ tình dục với thuốc tránh thai, thủ dâm ... dù trong hay ngoài hôn nhân. Thiên Chúa tạo nên hành vi tính dục để con người trao ban tình yêu và sự sống, liên đới và truyền sinh. Khi thiếu một hay cả hai yếu tố này, lỗ hổng sẽ được tạo ra và Satan với bản chất huỷ hoại sẽ xâm nhập để biến điều lành thành điều chết chóc. Tình dục, hành vi trao ban sự sống, quà tặng thánh thiêng từ Thiên Chúa nay trở thành lối vào yêu chuộng của Satan.
Ma quỷ hào hứng giải thích sai lạc mục đích hiện hữu của bạn trên cõi đời nầy. Mục đích ấy là nhận biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa (cf. Giáo lý Baltimore, Bài I, Câu 6). Đó là mục đích hiện sinh của bạn chứ không phải theo đuổi trụy lạc, dẫu thế gian, xác thịt và ma quỷ tìm cách giải thích với bạn thế nào đi nữa.
Thần dâm dục, nhạo báng, chết chóc, đồng tính luyến ái, báng bổ, đồi trụy, căm thù bản thân ... hoạt động ở đây.
Tội dẫn các linh hồn xuống hoả ngục nhiều hơn hết là tội xác thịt (Mẹ Fatima nói với Chân Phước Jacinta Marto).
Kẻ thù tàn nhẫn của chúng ta, bậc thầy của gian dâm, thầm thĩ rằng, Thiên Chúa nhân hậu đặc biệt khoan dung với đam mê này vì đó là điều hết sức tự nhiên. Vậy mà khi nhìn vào những những mưu chước của nó, sẽ thấy rằng, sau khi chúng ta thực sự phạm tội, nó lại khẳng định Thiên Chúa là một thẩm phán nghiêm minh không chút động lòng. Một đàng, chúng nói làm sao để dỗ dụ con người phạm tội; đàng khác, chúng nói để vùi dập chúng ta đến chỗ tuyệt vọng (Thánh Gioan Climacus).
Cách khách quan, tránh thai được coi là bất hợp pháp hết sức gắt gao đến nỗi không bao giờ được biện hộ với bất cứ lý do nào. Nghĩ và nói ngược lại nhận định trên khác nào bảo rằng, trong cuộc sống, có những hoàn cảnh có thể xảy đến, ở đó, không nhận biết Chúa là Thiên Chúa cũng là điều hợp lẽ (Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).
Từng bị hạn chế ở một xó xỉnh tồi tàn nào đó nơi một khu phố nào đó, cũng như từng bị coi là một vết nhơ xã hội ... giờ đây, sách báo khiêu dâm đã chỗi dậy và đạt thấu một trình độ mới trong việc tiếp cận cũng như có thể được chấp nhận. Từ những vở kịch thường kỳ hằng ngày cho đến những chương trình cao điểm trên tivi, từ truyền hình cáp cho đến phim nhựa, hình ảnh khiêu dâm giờ đây dường như đang có mặt khắp nơi; tệ hơn, nó đã bắt kịp internet.
Hình ảnh khiêu dâm dưới mọi hình thức đều đê hèn, lạm dụng và huỷ hoại. Nó là sự méo mó của chân lý; cách khách quan, là một sự dữ; và nói đến Satan ở đây là nói đến chỗ đặt chân vững chắc của nó vốn dẫn đến những tác hại tinh quái hơn.
Vì không để lại danh tánh cũng như có thể tiếp cận internet dễ dàng, người ta đem những hình ảnh khiêu dâm vào nhà, vào văn phòng bằng nhiều cách, nó là một trong những đe doạ bậc nhất cho các linh hồn, cách riêng với nam giới. Tai hại hơn, bởi bản chất đê hèn và ma lực, nó tạo nên một chứng nghiện thể lý. Mục đích của sách báo khiêu dâm là huỷ diệt hôn nhân và gia đình. Nó làm cho người xem lẫn người tham gia cảm thấy vô can. Nó hạ thấp phẩm giá, làm mất phẩm cách và phá hoại thuần phong mỹ tục. Thật dối trá khi môi miệng ma quỷ đưa đẩy rằng, nó vô hại và có tính chữa trị.
Giết người, dâm đãng, chết chóc, đồng tính luyến ái, đam mê khoái lạc, căm ghét chính mình ... hoạt động ở đây.
Chính trong các rạp hát mà thần ô uế phô bày vẻ tráng lệ của mình một cách thuận lợi nhất. Không gì có thể đối nghịch hơn với tinh thần Kitô giáo vốn là tinh thần thanh sạch, cầu nguyện và hối cải (Thánh Gioan Baptist Salêsiô).
“Eros”, Thần Ái Tình bị giảm xuống thành dục tình, “sex”, trở thành một thứ hàng hoá; chỉ là một “thứ” để bán để mua, hay đúng hơn, chính con người trở thành một thứ hàng hoá để mua để bán (Giáo Hoàng Bênêđictô XVI).
Nhân chứng Jêhôva, giáo phái Moócmon, giáo phái Baha, Khoa học vạn năng Kitô, Khoa học vạn năng, giáo phái Tái Giáng Ngày Thứ Bảy, thuyết Vô Thần, thuyết Bất Khả Tri ... đều là những tôn giáo, phong trào hay nghi thức cần đặt lại vấn đề. Đang khi thực sự có những yếu tố thánh hoá và chân lý ngoài cơ cấu của Hội Thánh, thì cũng thế, chân lý trọn hảo chỉ thực sự tồn tại trong Hội Thánh Công Giáo (x. Dominus Iesus). Đối với một người công giáo đã được rửa tội, cần phải tránh xa các tôn giáo sai lạc như tránh dịch vì chúng là thảm hoạ cho linh hồn. Phải đoạn tuyệt, loại bỏ và khước từ bất cứ nghi thức hay nghi lễ nào liên quan đến chúng. Có thể có nhiều con đường lên núi nhưng chỉ có một đường duy nhất đến được đỉnh cao, đang khi có quá nhiều đường dẫn tới triền dốc rơi xuống vực thẳm.
Mọi tôn giáo lầm lạc đều phát sinh từ Satan. Nó thật tài tình trong việc lừa dối bao người tốt lành lương thiện về bản chất của tôn giáo. Ánh sáng chân lý Chúa Kitô cần chiếu toả bên trong và xuyên suốt con người bạn, bạn phải trở nên một nhân chứng cho người khác.
Các thần dữ của Satan, bụt thần, các tôn giáo sai lạc, ngẫu tượng, an ủi sai lầm, huyền bí ... hoạt động ở đây.
Chúng ta thấy một nguồn phát sinh khác của sự dữ vốn đang ảnh hưởng đến Giáo Hội: chủ nghĩa trung lập tôn giáo. Quan điểm lệch lạc này đang lan tràn khắp nơi bởi sự gian trá của những kẻ xấu khi họ tuyên bố linh hồn có thể đạt được ơn cứu độ đời đời bằng việc tuyên xưng bất cứ tôn giáo nào bao lâu luân lý được giữ (Giáo Hoàng Grêgôriô XVI).
Cũng thật sai lầm đối với một triết thuyết gây sốc khi nó cho rằng, không có gì khác biệt trong việc người ta theo đạo này đạo kia. Triết thuyết này rất mâu thuẫn, ngay cả với lý trí. Bằng cách này, những kẻ xảo trá xoá bỏ tất cả những khác biệt giữa các nhân đức và thói xấu, chân lý và lỗi lầm, danh dự và đê hèn (Giáo Hoàng Piô IX).
Yoga đáng có một phần riêng cho chính nó, vì lẽ yoga ngày càng phổ biến và xem ra vô hại. “Yoga”, một từ của Ấn giáo, có nghĩa là kết hiệp. Mục đích của yoga là kết hiệp chính mình với một trong các tà thần của Ấn giáo là Brahman. Một số người coi những tư thế và những bài tập hít thở liên quan đến yoga là vô hại. Dưới cái nhìn thể lý thuần tuý, những bài tập co duỗi và hít thở có thể đem lại lợi ích; vậy mà chính những bài tập về các tư thế và hít thở Ấn giáo chỉ dạy lại là hai bước cuối cùng hướng đến việc kết hiệp với tà thần.
Bạn không thể tách rời thể lý khỏi tinh thần trong yoga. Những chuyển động và hít thở được phác hoạ để chuẩn bị cơ thể, lý trí và linh hồn cho thần Samadhi, sự kết hiệp được cho là của con người với thần linh. Luyện yoga chẳng khác gì mời những tên cướp đến bảo vệ kho tàng của bạn, đó là một lời mời đầy hiểm nguy. Bất cứ ích lợi nào từ yoga đều vẫn có thể đạt được mà không cần có nó.
Các tà thần, tôn giáo sai lạc, huyền bí, ngẫu tượng ... hoạt động ở đây.
Yoga không tương hợp với đạo công giáo (Gioan Hardon, Tôi tớ Chúa).
Bất cứ ai, do sự mơ hồ về các thần minh, Thiên Chúa và vũ trụ, bằng cách hoặc là hạ thấp Người xuống ngang tầm những chiều kích thế gian hoặc là nâng thế gian lên tới những chiều kích của Thiên Chúa, đều là kẻ không tin Người (Giáo Hoàng Piô XI).
Việc điều khiển hít thở trong yoga, các quả cầu thuỷ tinh, trắc nghiệm nhân cách cửu tính, linh khí, cách chữa bệnh bằng xung điện, liệu pháp điều trị hình thể, liệu pháp tâm lý học Gestalt, liệu pháp điều trị bằng tiếng la hét, giao dịch phân tích, chiêm ngắm, liệu pháp hương thơm, tái sinh, đầu thai - hồi tưởng tiền kiếp, thiền siêu việt, liệu pháp Rolf - massage mô mềm, siêu hình học Huna, massage chân ... chỉ là một vài thực hành luyện tập của thuyết Thời Đại Mới. Phải lưu ý, không phải tất cả những thực hành luyện tập của Thời Đại Mới đều giống nhau trong việc loại bỏ chân lý. Một số luyện tập và những người thực hành chúng nhất quyết chống lại Thiên Chúa, một số khác hoàn toàn không biết Thiên Chúa là ai, số khác nữa lại cố sát nhập Kitô giáo vào công việc của họ. Cho dẫu nhóm sau cùng xem có vẻ thích hợp, bạn vẫn không đủ lý do để tham dự vào những luyện tập sai lầm nầy. Những chữa trị lệch lạc đó có thể đem lại kết quả qua việc luyện tập hoặc qua những người hành nghề, nhưng chúng là công cụ của ma quỷ. Satan có thể chữa lành những bệnh tật do thuộc hạ của nó gây ra; bằng cách ấy, nó cho thấy ảo giác khả năng chữa lành của mình. Đó là những chữa trị dối trá mà hầu hết đều phát xuất từ ma quỷ.
Trước tiên, ma quỷ làm cho con ốm; sau đó chúng cho con khỏi bệnh bằng một phép mầu: chúng kê một đơn thuốc hoàn toàn xa lạ hay đối nghịch với những gì thường dùng và ngay sau đó, cho con hết đau để người ta nghĩ chính chúng chữa lành (Tertulian).
Chữa lành thật sự chỉ đến từ Thiên Chúa; bao lâu Người có mặt đàng sau việc chữa lành, bấy lâu việc chữa trị đó không còn đáng quan tâm. Nếu Thiên Chúa không được kêu cầu và việc lành bệnh vẫn xảy ra, trong mức độ nào đó, bạn đã mắc nợ cái thực thể đang được kêu xin, ma quỷ. Đây là vấn đề biện biệt thần khí. Tốt hơn, hãy tránh xa vấn đề hơn là biện phân sai lạc.
Thời Đại Mới chỉ là một thuật ngữ ám chỉ những lạc giáo cổ xưa được tái chế lại. Nó là hậu duệ của chủ nghĩa vô thần và thuyết Ngộ Đạo. Với Satan như vị lãnh đạo tinh thần của mình, Thời Đại Mới đề cao hai lời dối trá nó tán thành trong vườn địa đàng xưa, “Chắc chắn ngươi sẽ không phải chết” và “Ngươi sẽ như thần linh”. Giáo Hoàng Piô X đã phơi bày và lên án những gì mà ngài gọi là Chủ Nghĩa Tân Thời, ngài tin rằng, nó đang tiêm nhiễm Hội Thánh. Là sự kết hợp giữa chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa thế tục và nhân văn, Thời Đại Mới là Chủ Nghĩa Tân Thời được cải tiến. Nhưng dầu với tên gọi gì đi nữa, nó vẫn là giáo thuyết của ác quỷ, cần tránh xa.
Huyền bí, tôn giáo sai lạc, chữa lành dối trá, Satan ... hoạt động ở đây.
Chủ Nghĩa Tân Thời là tổng hợp tất cả các dị giáo (Thánh Giáo Hoàng Piô X).
Satan có tất cả mọi kỹ năng trong thế gian để khiến người ta phủ nhận sự hiện hữu của nó nhân danh chủ nghĩa duy lý và mọi hệ thống tư tưởng khác vốn tìm mọi cách có thể để họ không nhận ra được những tác oai tác quái của nó (Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).
Ở đây bao gồm các tác phẩm hư cấu, sách Thời Đại Mới, Ngụy Thư, .v.v.. Tương tự như thế, ngoài phạm vi cho phép, những sách cổ võ việc báng bổ, lạc giáo hay tôn giáo trung lập được cho là của một vài tác giả công giáo nào đó. Thuyết nam nữ bình quyền phi thực tế, luân lý lầm lạc, phụng vụ giả tạo và bất tuân thẩm quyền đúng đắn của Hội Thánh là những chủ đề quen thuộc của những sách như thế. Khi bạn đọc chúng, những lời dối trá và chân lý nửa vời được đề nghị ấy lưu lại trong ký ức; để rồi, một ngày nào đó, Satan sẽ vận dụng chúng theo một cách thức xem ra có thể chấp nhận được.
Sách, đặc biệt là những sách viết cho thanh thiếu niên, thông thường là một cửa ngõ và cuối cùng trở nên đòn bẩy cho ma quỷ. Với lối viết hư cấu ly kỳ, trá hình dưới hình thức giả tưởng, nhưng thực ra, chúng truyền bá ý đồ của ma quỷ. Đừng tưởng mẻ chai mẻ chén là hột xoàn kim cương. Dù gì đi nữa, ma quỷ vẫn là ma quỷ.
Một số người có thể đặt câu hỏi, liệu đó không phải là công việc của những người kiểm duyệt sao. Không, vấn đề ở đây không phải là kiểm duyệt, nhưng là khôn ngoan, cẩn trọng. G.K Chesterton, một người Anh nổi tiếng của thế kỷ XX, trở lại công giáo, từng nói rằng, “Chỉ mở trí thôi, không là gì cả. Mục đích của việc mở trí cũng như mở miệng là đóng nó lại với một cái gì vững chắc”. Chân lý Hội Thánh Công Giáo dạy mới vững chắc.
Tôn giáo lầm lạc, dối trá, chế nhạo, báng bổ ... hoạt động ở đây.
Đừng bao giờ đọc những cuốn sách mà con không chắc ... cả khi những sách xấu này giả thiết được viết rất hay xét về phương diện văn chương. Ta xin hỏi con điều này: Con có uống một cái gì đó mà con biết đã bị đầu độc chỉ vì nó được dâng cho con trong chén vàng không? (Thánh Gioan Bosco).
Việc đọc sách xấu đổ đầy trí tưởng tượng những tư tưởng xấu. Qua tâm trí, chất độc đi vào; ở đó, nó huỷ hoại và đưa đến chết chóc (Thánh Gioan Baptist Salêsiô).
Chúng ta kinh hoàng khi thấy những gì các giáo thuyết kinh dị và những lầm lạc lớn lao đang lan tràn trong vô vàn sách báo cũng như trong các bài viết vốn nhẹ về trọng lượng nhưng độc hại khôn lường. Chúng ta phải khóc lên vì sự lạm dụng phát sinh từ chúng đang dấy lên khắp mặt địa cầu (Giáo Hoàng Grêgôriô XVI).
Nhiều người lý luận rằng, sự hấp dẫn dường như khôn cùng với tính huyền bí tràn ngập các trò giải trí là một thú vui vô hại. Ấy thế, những lựa chọn đó đang đưa linh hồn bạn vào những khái niệm ma thuật và thuyết luân lý tương đối; đồng thời, tái dẫn bạn vào những nguyên lý của thuyết Ngộ Đạo. Phim ảnh, truyền hình là những phương tiện giải trí cực kỳ vạn năng và cuốn hút. Khi được dùng để khuyến khích một nền luân lý chống lại Kitô giáo, dầu là rầm rộ hay tinh tế, chúng vẫn tác hại các linh hồn một cách nghiêm trọng.
Nhiều nghệ sĩ âm nhạc công khai chủ động cổ võ những khái niệm chống lại Kitô giáo đồng thời ủng hộ ma quỷ trong những sáng tác của họ; những người khác làm vậy cách tinh tế hơn; bạn phải đề phòng cả hai. Nhiều nhạc sĩ sử dụng tài năng Chúa ban để thăng tiến kế đồ của mình dẫu nghịch với kế hoạch của Người. Tác động của âm nhạc nhanh chóng trở thành một chỗ đặt chân cho ma quỷ vì nó có thể khuấy động linh hồn mà không cần đến một hệ thống sàng lọc nào để làm chậm lại tiến trình nầy. Các trò chơi điện tử biểu dương bạo lực, tạo ra một nền văn hoá có nhiều lựa chọn và gây nghiện đang tìm cách xây dựng một thế giới, ở đó, Thiên Chúa của Kitô giáo không có lấy một chỗ.
Những tiếng la hét “Ông bà quá già, ông bà không hiểu đâu!” không thích hợp với người nghe hoặc là cha mẹ hoặc là Giáo Hội. Đó thực sự là tiếng hét “Non serviam”, “Tôi không làm” lặp đi lặp lại của ma quỷ. Thiên Chúa có lý do của Người khi để cha mẹ lớn hơn con cái; Người có lý do của Người khi trao quyền cho Hội Thánh. Vậy hãy khiêm tốn. Hãy phục tùng thẩm quyền chính đáng và bạn sẽ tìm được sự bảo vệ.
Tà thần, lạc giáo, Satan, huyền bí, ngẫu tượng, ma thuật, lường gạt ... hoạt động ở đây.
Ai ai cũng biết, linh hồn băng hoại là do phim ảnh xấu (Giáo Hoàng Piô XI).
Xem giò, bói toán, điềm báo, bùa chú, bùa lá, ngãi yêu, ma thuật và những gì tương tự như thế đều là hoạt động của quỷ ma; vì thế, hãy tránh xa chúng. Vì nếu sau khi từ bỏ ma quỷ và liên kết với Chúa Kitô mà con vẫn chịu tác động của chúng, con sẽ thấy cay đắng hơn với tên bạo chúa. Có lẽ vì từ lâu, nó coi con như đã thuộc về nó nên nới lỏng sự câu thúc gắt gao đối với con, nhưng nay con khiến nó giận điên lên; thế nên, hãy coi chừng, con sẽ bị cướp khỏi Đức Kitô và sẽ biết nó hung dữ thế nào một khi con trở lại với nó (Thánh Cyril Jérusalem).
“Nhưng tôi chỉ đọc chúng cho vui, ăn thua gì”, “Thực sự, tôi không tin chúng, chúng vô hại”. Xem tử vi, xem bói, bốc thuốc, xem chỉ tay hay sao chiếu mệnh không phải là không tai hại. Chính xác, chúng là chỗ đặt chân hoàn hảo của ma quỷ vì quá nhiều người nghĩ chúng vô hại. Quá nhiều linh hồn lợi dụng Bài Tarot, Thần Số học, Cầu Cơ, Quả Cầu pha lê ... mà không chút ý thức là họ đang mở toang các cửa cho ma quỷ vào. Với những mức độ tinh tế khác nhau, tất cả những hình thức trên đều nhắm đến việc liên kết với các thần linh thuộc một thế giới khác và xem ra, đoán định tương lai là điều họ nghĩ đến khi làm điều đó. Đây là một sỉ nhục trực tiếp trước quyền tối thượng của Thiên Chúa và vi phạm rõ rệt điều răn thứ nhất.
Trong khi việc bạn không biết có thể giảm khinh tội của bạn, sự vô tri đó vẫn không làm gì được để giảm bớt ảnh hưởng của ma quỷ trên bạn. Nó cũng không ngăn được chỗ đặt chân của ma quỷ đang trở nên một sào huyệt.
Tà thần, lạc giáo, ma thuật, Thời Đại Mới, Satan, phù thuỷ, huyền bí, báng bổ, dối trá, nghiện ngập ... hoạt động ở đây.
Người Kitô hữu tốt phải canh chừng những người bói toán và tất cả những ai đưa ra những lời tiên đoán rỗng tuếch. Nguyên điều họ cam kết với ma quỷ trong việc làm đen tối tâm thần và giam hãm con người vào gông cùm hoả ngục đã là một hiểm hoạ chờ sẵn (Thánh Augustinô).
2116. Phải loại bỏ mọi hình thức bói toán: cậy Satan nhờ ma quỷ, gọi hồn người chết hay những thực hành khác ... là những việc mà người ta lầm lạc nghĩ rằng sẽ ‘vén mở’được tương lai. Tử vi, chiêm tinh, chỉ tay, giải mộng, xin xăm, bói toán quá khứ vị lai, đồng bóng là những hình thức biểu lộ muốn thống trị thời gian, lịch sử và cuối cùng là con người; đồng thời, biểu lộ ước muốn liên minh với các thế lực bí ẩn. Những điều nầy nghịch lại với sự cung kính và tôn trọng, kết hợp với sự kính sợ đầy yêu mến vốn chúng ta phải dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo).
Ma quỷ trong phép phù thuỷ, ma thuật và huyền bí là những ác thần khó vượt thắng nhất. Ở đâu có bói toán để nói về tương lai [khẳng định nhưng chưa được chứng minh], ở đó, những trò ma thuật được biểu diễn để thay đổi tương lai qua bùa chú, lời nguyền, thần chú và bùa mê. Phép phù thuỷ sử dụng ma thuật cùng với những quyền lực tà thần nhằm huỷ diệt Dân Chúa và vương quốc Người. Ngoại Giáo Hiện Đại Wicca chính là việc hồi sinh và cải tân những trò ma thuật cổ xưa của dân ngoại. Khi tuyên bố là vô hại hoặc thậm chí hữu ích, một vài người tin theo Ngoại Giáo Hiện Đại Wicca này vẫn khẳng định họ chỉ làm những phép thuật vô hại chứ chẳng có gì đen tối. Đây là điểm phân biệt thực ra không có gì là khác nhau đối với bất cứ Kitô hữu nào. Hiện nay, sự bùng nổ về con số những người tuyên bố mình là phù thuỷ là một điều không thể bỏ qua. Trong khi rành rành một vài sự lạ vốn phát sinh từ những người nhúng tay vào huyền bí như việc chữa lành thể lý, giải quyết các vấn đề tội phạm, .v.v.. thì bạn vẫn cần biện phân quyền năng của chúng phát xuất từ đâu. Hơn thế nữa, Satan sẵn sàng làm một điều tốt nếu điều đó có thể mê hoặc và ru ngủ hầu bạn hài lòng về nó, hay tệ hơn, trở thành kẻ đồng phạm với nó. Nên nhớ, dưới bề mặt việc lành Satan thực hiện luôn luôn tiềm ẩn một sự dữ lớn hơn. Không bao giờ nó có thể làm một điều lành như một mục đích được nhắm tới, đó chỉ là phương tiện dẫn tới một sự dữ lớn hơn.
Hãy lánh xa bất cứ liên kết nào có quan hệ với ma thuật và phù phép. Trong lãnh vực này, tính hiếu kỳ có thể giết chết bạn. Tỏ ra cẩn trọng sẽ tốt hơn tò mò; đứng về phía Thánh Kinh sẽ tốt hơn nghe theo dối gian của ma quỷ. Đừng để những chương trình truyền hình lý thú vốn tô son trét phấn ngợi khen phép thuật hay huyền bí lừa phỉnh bạn. Đừng để những ông đồng bà cốt mê hoặc bạn bán rẻ linh hồn để có thể thoáng thấy cuộc sống mai hậu hay có thể lắng nghe một lời được cho là từ “bên kia thế giới”. Đừng tin vào những lời dối trá xem ra vô hại của ma thuật hay sự nhân ái của giáo phái Ngoại Giáo Hiện Đại Wicca. Bạn có một phương tiện đặc thù, an toàn trong việc tiếp xúc với Thiên Chúa là kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô.
Tà thần, lạc giáo, Thế Hệ Mới, Satan, ma thuật, huyền bí, ngẫu tượng ... hoạt động ở đây.
Các con sẽ không thực hành phép thuật, ma thuật. Hỡi các con của ta, hãy rời bỏ mọi thứ thuộc về ma quỷ và những điều tương tự như thế (Didache).
2117. Các thực hành ma thuật hay pháp thuật mà người ta muốn dùng để chế ngự các sức mạnh bí ẩn, bắt chúng phục tùng mình và nắm được quyền lực siêu phàm trên người khác - dù là để chữa bệnh - đều nghịch lại nhân đức thờ phượng cách nghiêm trọng. Các việc nầy đáng lên án hơn, khi có dụng ý làm hại người khác, hay cậy nhờ đến sự can thiệp của ma quỷ (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo).
Đây chỉ là một phần danh sách những chỗ bám gót, những chỗ đặt chân và các sào huyệt ẩn tàng của ma quỷ. Bảng liệt kê này không ngụy tạo cũng không có ý đưa ra một danh sách đủ mọi khía cạnh, nó chỉ nêu ra một số kẽ hở thông thường.
Dẫu đó là một chỗ bám gót, một chỗ đặt chân hay một sào huyệt vốn đang kìm kẹp bạn thì câu trả lời vẫn là hãy cậy trông vào Chúa qua việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Đôi lúc, chỉ lời cầu nguyện của bạn cũng đủ nhưng có lúc, bạn cần đến sức mạnh của việc cầu nguyện mang tính cộng đoàn hoặc những lúc khác nữa, cần đến lời cầu nguyện của Hội Thánh.
Cách đơn giản nhất để bảo đảm hành động của bạn không mở lối cho Satan là ở lại trong tình trạng ân sủng và khi cần thiết, hãy quay lại với tình trạng ân sủng đó qua Bí tích Hoà Giải.
Cách hiển nhiên, gọng kìm càng yếu càng dễ bẻ gãy. Đó là lý do tại sao bạn cần bảo vệ, chứ không xao lãng với bất cứ lối vào nào; bằng không, Satan sẽ khai thác chúng.
Dù cám dỗ lớn đến đâu nhưng nếu biết cách sử dụng thành thạo vũ khí cầu nguyện, thì cuối cùng, chúng ta sẽ đánh bại những kẻ xâm lược; bởi lẽ cầu nguyện mạnh mẽ hơn mọi ác thần (Thánh Bênađô Clairvaux).
Rõ ràng, ai chấp nhận Hội Thánh như một lãnh đạo bất khả ngộ sẽ tin bất cứ những gì Hội Thánh dạy (Thánh Tôma Aquinô).
Rôma lên tiếng, vấn đề kết thúc (Thánh Augustinô).
Chương 11
KIÊU CĂNG, NÓNG GIẬN & THÙ HIỀM
Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô (Ep 4, 31-32).
Ba công cụ tiềm tàng của Satan đáng lưu ý cách đặc biệt. Những tư tưởng và hành động phản ứng từ tính kiêu căng, giận dữ và thù hiềm là những chiếc xà beng khổng lồ trong tay Satan. Nó sẽ bẩy rộng những kẽ hở nhỏ nhất thành một vết thương rộng hoác khó lường. Nó sẽ thao túng các tư tưởng, thổi phồng cảm xúc, khuấy động chúng chống lại ý chí cho đến khi bạn không còn đáp trả nhưng chỉ phản ứng. Nếu nó có thể kích thích cảm xúc đến mức lý trí và ý chí không còn có thể kiểm soát hay thậm chí không còn được tham vấn thì nó sẽ nắm lấy bạn, nắm thật chắc. Không chút ngạc nhiên, điều nó yêu thích hơn cả là dợm thử và bẩy bật lên tính kiêu căng của bạn.
Kiêu căng
Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào (Cn 16, 18).
Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình (Pl 2, 3).
Kiêu căng là tội, là chết chóc. Satan là hoàng tử của kiêu căng. Kiêu căng khiến bạn quay lưng với những gì thuộc thượng giới để hướng về những gì thuộc ma quỷ. Kiêu căng là cội rễ của cám dỗ và tội của Adam, Eva. Kiêu căng là nguồn cội và khởi thuỷ mọi tội. Kiêu căng nuôi dưỡng sự bất tuân và nổi loạn. Trong các tội, nó hiểm nghèo hơn cả vì nó lừa dối chính mình. Dưới chiếc bẫy kiêu căng, điều dữ được gọi là sự lành.
Như một cơ cấu tự bảo vệ, kiêu căng thường phủ nhận sự hiện hữu của nó. Những ai nó chế ngự dường như không nhận thức được tình trạng của mình; họ thường nghĩ họ vô tội và hết sức khiêm tốn. Dù là một nhân cách giả trá, kiêu căng vẫn có nhu cầu bảo vệ chính mình như thể nó biết rằng, bề ngoài của nó thật mong manh và phù du. Kiêu căng sợ hiện nguyên hình; nó giấu yếu đuối của mình dưới vỏ giáp giả trá là doạ dẫm, tự tin và ngạo mạn. Ở chính cốt lõi của kiêu căng là sự sợ hãi được giả trang như thể rất tự tin và quyền hành.
Những ai yêu thương mà người khác phải sợ họ thì họ lại là những người sợ được yêu, và chính họ sợ hơn bất cứ ai, vì trong khi người khác chỉ sợ chỉ một mình họ, họ lại sợ mọi người (Thánh Phanxicô Salêsiô).
Kiêu căng không chỉ là cao ngạo hiển nhiên nhưng còn tự biểu hiện trong nhiều cách thức tinh tế hơn. Nếu bạn dễ tổn thương hay dễ cường điệu, đó là một hình thức của kiêu căng. Nếu bạn cần chứng tỏ mình đúng hay cần được lắng nghe, đó cũng là hình thức của kiêu căng. Nếu bạn thích thắng vượt mọi người hay phải là người đầu tiên biết một việc nào đó hoặc tìm cách độc quyền một điều gì đó, ấy là kiêu căng. Nếu bạn chỉ trích hay đoán xét thái quá, ấy là kiêu căng. Nếu bạn thấy mình nổi loạn chống lại giáo huấn Hội Thánh, chọn những thứ không có trong thực đơn, đó cũng là một dạng kiêu căng.
Kiêu căng tìm cách kiểm soát mọi sự: kiểm soát chính mình, kẻ khác, các hoàn cảnh và kể cả Thiên Chúa. Nó tìm cách điều khiển vì nó không muốn chết. Động cơ bên trong của kiêu căng là tự bảo vệ, tìm kiếm sự lỗi lạc và lâu bền thế tục. Kiêu căng là bám vào cái bây giờ và ở đây. Nó biết nó không có tương lai vì vậy, cố níu kéo hiện tại.
Khi một người lòng đầy kiêu căng, thiên thần bản mệnh, đấng ở bên họ, sẽ lìa xa họ. Và khi một người xúc phạm thiên thần bản mệnh, ngài sẽ rút lui và lập tức, một kẻ lạ mặt sẽ lại gần (Thánh Isaac Syria).
Người kiêu căng không thể có bạn vì luôn nghi ngờ, ích kỷ. Nó phải hạ nhục kẻ khác để tồn tại; nó sống bằng cách làm bẽ mặt người khác, chiếm đoạt bằng cách chia rẽ. Nó không thể phục vụ, không thể cầu nguyện và không thể yêu thương. Kiêu căng, dưới bất cứ hình thức nào, đều đối nghịch với Thiên Chúa.
Hình phạt của kiêu căng là sự chết. Nó tự áp đặt án tử cho mình, và chỉ có án tử. Vì tội kiêu ngạo, ma quỷ vĩnh viễn mất nước thiên đàng; vì tội kiêu ngạo, Adam Eva mất ơn ngoại nhiên, bị trục xuất khỏi nhan thánh Chúa. Càng giấu diếm kiêu căng, bạn càng đến gần ma quỷ.
Một thoáng kiêu căng loé lên trong trí chưa phải là tội. Để phạm tội, ý chí của bạn phải ưng thuận làm điều đó. Vì kiêu căng là chết, nên lúc ý chí vào cuộc thì nó sẽ trở nên một chỗ bám gót chắc chắn, dường như là một chỗ đặt chân. Vì mải sống trong kiêu căng, chỗ bám và chỗ đặt chân không mất nhiều thời giờ để trở thành một sào huyệt. Không tội nào nghiêm trọng hơn đối với linh hồn bạn bằng tội kiêu ngạo. Nó dẫn đến tội không thể tha thứ duy nhất, tội phạm đến Chúa Thánh Thần.
Kiêu căng huỷ diệt. Như con cua gặm nát bãi cỏ và biến nó thành bãi trọc, kiêu căng cũng sẽ chiếm cứ linh hồn và thổi tắt dần ngọn lửa Thánh Thần đang lập loè trong bạn. Nó làm xơ cứng, tê cóng và cuối cùng, giết chết các tâm hồn. Đừng để thua sự kiêu ngạo; hãy hạ mình và Chúa sẽ nâng bạn lên. Cộng tác khiêm tốn với ơn Chúa có thể vượt thắng bất cứ trói buộc nào của Satan.
Khiêm nhượng là nhân đức duy nhất không ma quỷ nào có thể bắt chước. Nếu kiêu ngạo khiến thiên thần trở thành ác quỷ thì chắc chắn, khiêm nhường cũng có thể biến ác quỷ trở nên thiên thần (Thánh Gioan Climacus).
Kiêu ngạo tựa hồ cơn bệnh ma quỷ chụp xuống con người, thôi thúc người ấy biện bác để khẳng định ý kiến của mình dù đúng sai đến đâu. Nếu người ấy xử sự theo cách này khi nói với những kẻ ngang hàng, thì một lời khiển trách của người lớn hơn đương sự có thể chữa lành đương sự. Nhưng nếu người ấy vẫn xử sự như thế với những bậc vị vọng, khôn ngoan hơn mình thì cơn bệnh kiêu ngạo đó không thể nào chữa lành bởi những phương thế loài người (Thánh Gioan Climacus).
Cầu nguyện là liều thuốc vô hiệu hoá độc tố kiêu căng, là thuốc giải độc căm thù (Thánh Ephrem Syria).
Đây là tội nguyên tổ: con người coi mình là ánh sáng và quay lưng lại với nguồn sáng vốn làm cho nó sáng (Thánh Augustinô).
Giận dữ
Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội, chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn, đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng! (Ep 4, 26-27).
Người hay giận thường gây tranh cãi, kẻ nóng tính phạm bao lỗi lầm (Cn 29, 22).
Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa (Gc 1, 19-20).
Giận dữ, một trong bảy mối tội đầu và là lối dẫn vào các tội khác. Tức giận không nhất thiết là tội, cũng không hẳn là một cánh cửa mở toang. Nó có thể là một nhân đức, cũng là một nết xấu. Giận dữ một khi phát xuất từ lòng nhiệt huyết thánh thiện, được gọi là nhân đức; nhưng từ những xúc cảm trần tục hay những đam mê xấu xa lại là tội. Giận dữ lành thánh thì gần như không bao giờ liên quan đến bản ngã, dường như nó luôn hướng đến việc bảo vệ và chở che những gì linh thánh: Thiên Chúa, Hội Thánh Chúa, Dân Chúa hay những gì đòi hỏi công lý. Đừng vội cho rằng sự giận dữ của bạn là một nhân đức; nó có thể là một dối trá đầy kiêu căng.
Từ khước thái độ giận dữ có vẻ chính đáng và có lý vẫn tốt hơn để nó xảy ra, dù nhỏ nhặt đến đâu. Vì một khi để nó lọt vào bên trong, quả là khó khăn khi tống nó ra ngoài (Thánh Augustinô).
Giận giữ không bao giờ không có lý do, nhưng hiếm khi có một lý do lành thánh (Thánh Gioan Kim Khẩu).
Giận dữ lành thánh, thúc bách bởi lòng nhiệt tâm, giục chúng ta tận tâm quở trách những người mà sự dịu dàng không thể sửa trị họ (Thánh Gioan Salêsiô).
Giận dữ, một phản xạ bằng cảm xúc trước một tác nhân kích thích đặc biệt nào đó, thông thường là một sự bất công được nhận thức. Tác nhân đó có thể là lời nói hay hành động, nội tại hay ngoại tại, trực tiếp ảnh hưởng đến bạn hay đến người khác. Tác nhân đó gây nên một phản xạ cảm xúc bên trong, tiếp đến là phản xạ bên ngoài. Phản xạ của bạn, với sự ưng thuận của ý chí, sẽ xác định liệu những gì xảy ra sau đó có phải là tội hay không.
Như bất cứ một cảm xúc nào khác, giận dữ trở nên mạnh mẽ nếu bạn thuận theo nó. Trước khi bạn thuận theo, không thể có tội. Bất chấp những tiếng thì thầm của ma quỷ, nếu bạn không đồng tình, chúng vẫn chẳng có chỗ đứng nào. Một khi ý chí đồng ý và thừa nhận cơn giận không phát sinh từ lòng sốt mến lành thánh, bạn đang ở trong vùng đặt chân đầy tiềm năng của ma quỷ và đó là một tội nhẹ.
Được phép tiếp tục mà không gặp cản trở, cảm xúc sẽ chiếm cứ lý trí và qua mặt nó. Như là động cơ, trả đũa và báo thù sẽ thế chỗ công lý. Bằng cách này, giận dữ đã thành tội trọng và thành nơi đặt chân vững chắc cho ma quỷ. Cường độ cảm xúc gia tăng từ giận dữ đến thù hận có thể tạo nên một căn cứ địa cho ma quỷ. Những chỗ đặt chân thường lệ và thường xuyên của giận dữ cũng có thể xây nên một cứ địa như thế. Đây là một mối nguy cho linh hồn bạn và là mối đe doạ cho an toàn của những người chung quanh.
Giận dữ không chỉ gây thương tích cho thân xác nhưng thậm chí còn xói mòn sức khoẻ của linh hồn (Thánh Gioan Thánh Giá).
Không sai phạm nào cho phép con người nếm thử hương vị hoả ngục ngay trên đời này bằng sự giận dữ và mất kiên nhẫn (Thánh Catarina Siêna).
Giận dữ là cảm xúc của tâm hồn hướng chúng ta tới chỗ cự tuyệt quyết liệt những gì gây thương tổn hay làm chúng ta phật lòng. Các con thân mến, cảm xúc này phát xuất từ ma quỷ: điều đó cho thấy chúng ta ở trong tay nó; nó có thể làm chủ tâm hồn chúng ta; nó đặt tay trên những phím đàn, khiến chúng ta múa nhảy như nó ưa thích. Hãy xem, người đắm mình trong đam mê chẳng khác gì con rối; họ không biết mình nói gì, làm gì; ma quỷ điều khiển họ hoàn toàn (Thánh Gioan Maria Vianney).
Giận dữ đưa đến tội là bất cứ giận hờn nào không dựa trên lòng nhiệt tâm lành thánh. Giận dữ đưa đến tội che khuất hình ảnh Thiên Chúa, hình ảnh chính bạn và tha nhân. Bạn hành động khác thường; mất kiên nhẫn và dễ xáo trộn. Bạn thường trút giận lên những nạn nhân yếu vía; bằng cách ấy, gia tăng bất công và làm cho tội thêm trầm trọng.
Từ căn bệnh ung thư giận dữ chết người này, bao tai hại đã nảy sinh. Nó khiến chúng ta không còn là chính mình, biến chúng ta thành cơn thịnh nộ của hoả ngục, kéo chúng ta đâm đầu vào mũi gươm, mù loà nhào mình huỷ diệt người khác cũng như đang hối hả huỷ hoại chính mình (Thánh Tôma More).
Ai lấy giận dữ mà đe doạ kẻ dưới, ngay lúc ấy, giận dữ đã bắt lấy họ (Thánh Albertô Cả).
Giận dữ đưa đến tội có thể tự biểu hiện như thù hiềm, đắng cay, mỉa mai, ngang bướng, sầu khổ và mất kiên nhẫn ... Nó cũng có thể đứng hẳn về phía đối nghịch như hận thù, xoi mói, nhục mạ hay tìm cách trả thù. Cùng với kiêu ngạo, giận dữ có thể là sự lạnh lùng có chủ ý. Ở đâu có giận dữ, ở đó dẫy đầy chia rẽ và mâu thuẫn. Cội rễ của giận dữ đưa đến tội thường bắt nguồn nhiều nhất từ kiêu ngạo. Tội hờn giận hiếm khi là một sự việc đơn lẻ, nó thường dẫn đi xa hơn với nhiều giận dữ gây tội khác.
Sự trái khoáy cứ dấy lên nơi những người hay giận dữ phát xuất từ đâu nếu không phải từ một nguyên nhân thầm kín khi họ đánh giá bản thân quá cao, để rồi điều đó khiến họ đau lòng khi bất cứ ai kính trọng họ ít hơn họ tưởng? Đánh giá bản thân quá cao thường chiếm hơn phân nửa trọng lượng tội gây ra do cơn giận dữ của mình (Thánh Tôma More).
Cơn giận đến sau xem ra chẳng liên quan gì đến cơn giận trước đó, nhưng thực ra nó thêm dầu vào lửa ngay khi có dịp (Thánh Phanxicô Salêsiô).
Ma quỷ sẽ sung sướng khai thác những thương tổn để dấy lên nơi bạn sự giận dữ. Nó biết những vết thương lòng một khi bị thọc đúng chỗ thường dẫn tới giận dữ đưa đến tội. Nó đắc chí khơi gợi bất cứ một nỗi sợ hãi, đau đớn và tuyệt vọng nào cốt để bạn tức nước vỡ bờ. Nó sẽ làm bạn nhớ lại những bội phản xa xưa, những lần thất hứa, những trải nghiệm tồi tệ như thêm dầu vào lửa khiến cơn giận của bạn trở thành tội. Nó hy vọng tội giận dữ đó sẽ kéo bạn ra khỏi con đường nên thánh bạn đang ước ao theo đuổi.
Khi chúng ta xao xuyến, kẻ thù sẽ tấn công dồn dập và trực tiếp hơn, nó lợi dụng sự yếu đuối tự nhiên vốn là điều ngăn cản chúng ta đi theo con đường chính trực của các nhân đức (Thánh Piô Pietrelcina).
Đừng bao giờ ức chế hay che giấu cơn giận, nếu nó nổi lên, nó cần được nhận biết và giải quyết đúng thời đúng chỗ. Hãy mang cơn giận của bạn đến với Chúa, thỉnh ý Người để xem đâu là căn nguyên, cầu xin Người ban ơn chữa lành để vượt thắng. Xin Người ban ơn để tha thứ cho mình và thứ tha cho người khác. Thánh Phanxicô Salêsiô nói, phải mất hơn hai mươi năm ngài mới làm chủ được tính khí! Đừng nản lòng hay tệ hơn, nổi giận, nếu bạn sa sẩy và giận dữ. Đừng chửi xối xả vào mặt ai để lòng mình nhẹ nhõm. Thay vào đó, hãy vội quay về với Chúa, thống hối và cầu xin lòng thương xót của Người. Đừng để ma quỷ có được một kẽ hở nào; đừng liều lĩnh đầu độc tâm hồn bạn.
Như xưa các tông đồ kêu cầu Đức Giêsu khi họ sắp chìm ngoài biển khơi bởi bão tố; cũng thế, chúng ta phải cầu xin Chúa trợ giúp khi thấy mình sắp giận dữ (Thánh Phanxicô Salêsiô).
Đừng để sự thù hiềm những người khác trở thành độc tố cho linh hồn (Giáo Hoàng Bênêđictô XVI).
Không ai chữa lành mình bằng cách đả thương người khác (Thánh Gioan Kim Khẩu).
Thù hiềm
Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: ‘Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm’ (Lc 23, 34).
Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con (Mt 6, 12).
Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau (Cl 3, 13).
Thù hiềm là khước từ hay phủ nhận lòng nhân ái của Thiên Chúa. Nó làm xơ cứng con tim và kéo bạn xa rời Người. Khi cố tình không tha thứ, bạn cho Satan một chỗ bám, hoặc có thể một chỗ đặt chân. Dẫu sao, thù hiềm vẫn là đòn bẩy của nó.
Tha thứ là sự chữa lành cho linh hồn bạn. Từ ngữ Hy lạp được dùng cho việc tha thứ trong Thánh Kinh là “Aphesis”, có nghĩa là giải thoát. Khi tha thứ, bạn giải thoát chính mình khỏi tội lỗi và lúc đó, ân sủng lại đổ xuống trên bạn; bạn cũng được xoa dịu nỗi đau thể lý, lý trí và cảm xúc. Bám chặt vào hiềm khích là một loại hình xiềng xích trói buộc. Đó là một cái gì bệnh hoạn, vô phương cứu chữa, vô vọng. Bạn đang cầm tù sự tha thứ cũng chính là tự do mà bạn chưa từng trải nghiệm. Hiềm khích là một sự trói buộc và là một gánh nặng.
Tôi như cánh hoa tím nhỏ ẩn mình trong đám cỏ. Hoa không làm tổn thương bước chân dẫm đạp lên nó nhưng toả hương và quên mình hoàn toàn ... cố làm vui lòng người nghiền nát nó (Thánh Faustina Kowalska).
Tha thứ, một lệnh truyền Phúc Âm. Lời Chúa thật rõ ràng, xem ra Thiên Chúa tha thứ tuỳ theo mức độ. Từ “như” trong kinh Lạy Cha có thể có những hệ quả vĩnh hằng. Sẽ là giả hình khi cầu mong ơn thứ tha của Thiên Chúa nếu bạn tự ý giữ lại điều đó đối với người khác (x. Mt 18, 23-35).
Tha thứ thuộc về Thiên Chúa. Tự sức, bạn không có khả năng để tha thứ; bạn cần ơn Chúa để làm điều đó. Tha thứ là một nhân đức siêu nhiên. Chính cái chết của Đức Giêsu trên thập giá và sự phục sinh của Ngài làm cho tha thứ trở nên khả thi. Tha thứ là yêu thương vô điều kiện bằng hành động; cũng như tình yêu, tha thứ là một quyết định của bạn, chứ không phải là một cảm xúc bạn có.
1449. Công thức giải tội trong Giáo Hội La Tinh diễn tả những yếu tố cốt yếu của bí tích: Chúa Cha từ ái là nguồn mọi ơn tha thứ. Người thực hiện việc giao hoà tội nhân nhờ cuộc vượt qua của Chúa Con và hồng ân Thánh Thần qua lời nguyện và thừa tác vụ của Hội Thánh:
Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hoà thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho anh [chị] ơn tha thứ và bình an. Vậy tôi tha tội cho anh [chị] nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo).
Thù hiềm khiến bạn tiếp tục cảm thấy mình là nạn nhân, tiếp tục trách cứ người khác. Bao lâu còn hiềm khích, bấy lâu không có hướng giải quyết cũng chẳng có bình an. Nó khiến bạn xa rời tâm tưởng của Đức Kitô. Thù hiềm có thể xuất phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau, nhưng không phải tất cả là tội. Một số cội rễ của hiềm thù là cao ngạo, giận dữ, tội lỗi cá nhân, tự phụ, quyền lực, báo thù báo oán, thương tổn, yếu đức tin, sợ hãi và ảnh hưởng của tà khí. Ở giữa tất cả những điều đó, nhiều lúc thật khó để nhận ra lời mời gọi tha thứ của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao nhân đức này phải được tập luyện thường xuyên.
Rất thông thường, một sự hiểu sai về khác biệt giữa tha thứ và hoà giải khiến hiềm khích ngày càng ung mủ. Tha thứ và hoà giải liên quan với nhau, nhưng lại khác nhau. Lệnh truyền của Tin Mừng là phải tha thứ, chứ không nhất thiết phải hoà giải; mặc dầu nếu thực hiện được cả hai, quả thật lý tưởng. Một phần lý do tại sao hoà giải không là một đòi buộc vì lẽ hoà giải phụ thuộc vào ý chí tự do của người kia. Vậy sẽ thật bất công nếu Thiên Chúa cứu chuộc bạn mà lại căn cứ vào ý chí tự do chọn lựa của người khác. Dĩ nhiên, nói vậy không phải là giảm nhẹ phận vụ của bạn là phải cố gắng làm hoà với anh chị em mình trước lúc dâng lễ vật trên bàn thờ (x. Mt 5, 21-26).
Tha thứ là chuyện cá nhân; hoà giải là chuyện liên nhân vị. Bạn có thể tha thứ cho ai đó mà không cần họ biết hay đồng ý; đang khi hoà giải đòi hỏi sự bằng lòng của người khác. Tha thứ cho một ai đó không đòi buộc một hành vi ăn năn, sửa chữa, hối tiếc hay bồi hoàn từ phía người kia; đang khi hoà giải thì gần như phải làm những việc đó. Tha thứ là việc giữa bạn và Thiên Chúa; giảng hoà là chuyện giữa bạn, Thiên Chúa và người khác. Tha thứ không nhất thiết đồng nghĩa với việc tái lập quan hệ, cách riêng khi việc tái lập đó đặt bạn vào một tình thế hiểm nghèo. Giảng hoà sẽ là việc thiết lập lại tương quan. Rốt cuộc, tha thứ là quà tặng bạn trao cho chính mình và giảng hoà là tặng phẩm bạn trao cho người khác.
Thử tưởng tượng, sẽ hợm hĩnh biết bao khi con nghĩ rằng, kẻ thù của con có thể tác hại con nhiều hơn sự thù hằn nơi con (Thánh Augustinô).
Hồi tưởng về những sai trái là tuyệt đích của sự giận dữ, là kho chứa tội lỗi, thù hằn đức công chính, huỷ hoại các nhân đức, độc dược của linh hồn, sâu bọ của trí óc. Con sẽ biết rằng, con đã giải thoát chính mình hoàn toàn khỏi sự mục nát này không phải khi con cầu nguyện cho người đã xúc phạm mình, không phải lúc con trao đổi quà tặng với người ấy, cũng không phải lúc con mời họ đồng bàn, nhưng chỉ khi nào nghe người ấy đang rơi vào nỗi bất hạnh thể xác hoặc tinh thần và con đau đớn khóc thương họ như đang khóc thương cho chính con (Thánh Gioan Climacus).
Cảm giác thù hiềm có thể hướng tới bản thân, tha nhân hoặc Thiên Chúa. Mỗi chiều hướng đều huỷ hoại theo cách của nó và mỗi chiều hướng đều tạo chia rẽ. Nếu bạn có thói quen không tha cho Thiên Chúa, điều đó chứng tỏ bạn kiêu căng; đó là tội kiêu ngạo không thể tha thứ. Khi từ chối thứ tha cho Người, bạn đang cho thấy bạn tin rằng, bạn biết rõ hơn Người biết. Đây là tội của Satan, đừng để thành tội của bạn. Đây cũng là chỗ bám khởi đầu của ma quỷ. Nếu bạn cố chấp, nó sẽ nhanh chóng trở thành đồn luỹ. Nếu bạn nguôi giận và thống hối, sẽ chẳng có đồn lũy nào cả ngoài lòng thương xót của Thiên Chúa. Còn nếu bạn vẫn cảm thấy không thể hay không sẵn lòng tha thứ, hãy cầu xin Chúa ban cho bạn lòng khát khao và ơn thứ tha. Lời bạn cầu xin lòng khát khao và ân sủng đó có thể làm suy yếu mọi trở lực.
Nếu bạn quen thói thù hiềm người khác, hãy nhớ lại bao lần Thiên Chúa đã tha thứ cho bạn hoặc chỉ đơn giản, bạn hãy đọc Kinh Lạy Cha. Chú tâm vào câu “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, đặc biệt từ “như”. Quả thế, bạn tha thứ cho kẻ khác thế nào thì Thiên Chúa cũng sẽ thứ tha cho bạn thể ấy. Thù hiềm là chỗ bám vốn sẽ dẫn đến chỗ đặt chân của ma quỷ.
Hãy tha thứ như Thiên Chúa tha thứ. Vì vậy, Người sẽ không tha thứ cho kẻ không biết thứ tha. Tha thứ như Thiên Chúa đã tha thứ. Con mong được thứ tha khi cầu khẩn thì cũng phải tha thứ cho kẻ cầu xin con. Đức Giêsu, Đấng tinh thông luật trời, đã dạy những lời kinh này. Ngài không lừa dối con; hãy cầu xin theo giọng tenor từ trời của Ngài. Hãy nói, lạy Cha, xin tha cho chúng con như chúng con cũng tha ... và hãy thực hiện những gì con nói (Thánh Cyprian Carthage).
Tôi không thể tin được, làm sao một linh hồn biết mình được Thiên Chúa thứ tha cho bao lỗi lầm lại không sẵn sàng và tức khắc tha thứ cho người khác (Thánh Têrêxa Avila).
Nếu có thói quen không tha thứ cho chính mình, theo một nghĩa nào đó, bạn đang từ chối sự tha thứ của Thiên Chúa; và như thế, đặt tội lỗi của bạn bên ngoài lòng thương xót của Người. Điều đó đúng là tội, một hình thức khiêm tốn giả trá. Theo một nghĩa nào đó, bạn đang nói với Thiên Chúa rằng, tội của bạn lớn hơn lòng thương xót của Người. Đó là một sỉ nhục cho sự toàn tri và toàn năng của Người. Không thành vấn đề những gì bạn đã phạm, chúng vẫn được tha thứ. Khi bạn từ chối ơn tha thứ, kẻ được lợi duy nhất là chính Satan.
Ma quỷ không yêu thích điều gì hơn bằng việc tìm thấy một người không tha thứ cho kẻ khác (Thánh Théodore Studite).
Phẫn uất tựa hồ một người uống thuốc độc và hy vọng người khác chết (Thánh Augustinô).
Hồi tưởng một thương tổn là mũi tên hoen rỉ đã tẩm độc đối với linh hồn (Thánh Phanxicô Paola).
Căn nguyên của kiêu căng, giận dữ và thù hiềm là sợ hãi. Bất cứ ở đâu Satan hoạt động, ở đó bạn thấy sợ hãi; hoặc nó sợ bạn hay bạn sợ nó. Satan, một tay lái buôn nỗi sợ hãi, nó tìm cách khai thác những linh hồn thương tổn và biến chúng thành nơi nghỉ chân xấu xa. Hãy tìm kiếm tình yêu vẹn toàn của Thiên Chúa và Satan sẽ khiếp sợ bạn. Hãy gắn bó với Chúa Giêsu, tên hèn nhát sẽ trốn chạy. Vì chính nhờ sự chết và sự sống lại của Ngài mà Satan bị đánh bại. Hãy leo lên cánh tay Ngài và bạn sẽ không còn hiểm nguy. Bạn có thể phải chịu đau khổ, nhưng không bị tổn hại. Đừng sợ, ma quỷ sẽ trốn chạy. Hãy dũng cảm và can đảm trong Chúa.
Sợ hãi là sự dữ lớn hơn cả chính sự dữ (Thánh Phanxicô Salêsiô).
Hãy vui sướng xông vào chiến trận cao quý và không chút sợ hãi trước kẻ thù của chúng ta. Là những kẻ thù vô hình, nhưng chúng có thể nhìn thấy tình trạng linh hồn chúng ta. Nếu chúng thấy linh hồn chúng ta co rúm và run rẩy, chúng sẽ tấn công dữ dội hơn. Hãy võ trang chính mình bằng sự can đảm để chống lại chúng. Chúng rất ngần ngại khi vật lộn với một dũng sĩ can trường (Thánh Gioan Climacus).
An ủi biết bao khi một người biết mình luôn được chở che bởi một vị thần trên trời, đấng không bao giờ bỏ mặc chúng ta. Còn phải sợ ai khi được hộ tống bởi một dũng sĩ lẫy lừng như thế? Lẽ nào đấng ấy không phải là một trong số muôn vàn thiên binh nhập đoàn với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae trên trời để bảo vệ vinh quang Thiên Chúa, để chống lại Satan, các thiên thần nổi loạn, đánh bại chúng vào thời sau hết và tống chúng xuống địa ngục sao? Này, để ta nói cho con hay, Thiên Thần Bản Mệnh của con vẫn mạnh mẽ chống lại Satan và các thuộc hạ của nó (Thánh Piô Pietrelcina).
“Ôi, quỷ dữ, quỷ dữ”, chúng ta nói thế khi chúng ta có thể kêu lên “Lạy Chúa, lạy Chúa” và khiến chúng run sợ (Thánh Têrêxa Avila).
Hết Mục 1
( Còn tiếp )