Giám mục chánh tòa Mỹ Tho
Tấn phong: 24/11/1960
Tiền nhiệm : không có
Kế vị: Đức Cha Andre Nguyễn Văn Nam
Thụ phong: 22/1/1961
Ngày sinh : 1/10/1908
Ngày mất : 24/2/1989 ( 80 tuổi)
Giáo hội: Công giáo Roma
( nguồn copy: http://vi.wikipedia.org/)
Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện sanh năm 1908 tại làng Ngũ Hiệp, tức Cù Lao Năm Thôn, quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường trong một gia đình rất đạo đức. Thân phụ Ngài đảm nhận chức vụ Trùm Họ Ngũ Hiệp. Từ hồi còn nhỏ, cậu Giuse THIỆN được song thân gởi theo học tại trường Trung học Công giáo của Họ Mỹ Tho, do các Sư huynh dòng Lasan điều khiển.
Ngoài những giờ học, ngày nghỉ lễ, cậu trở về Ngũ Hiệp chung sống với gia đình.
Dòng sông Cửu Long triền miên xanh biếc, mảnh đất phì nhiêu mầu mỡ của Cù Lao Năm Thôn, những mái nhà thân yêu của xóm nông dân hiền lương chất phác… tất cả khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ này đã tạo trong tâm hồn cậu Giuse THIỆN một tình yêu quê hương mãnh liệt và thúc đẩy Cậu đến một cao vọng lý tưởng: hiến thân làm tông đồ CHÚA KY-TÔ phụng sự THIÊN CHÚA và phục vụ đồng bào.
Với ý chí sắt đá, cậu Giuse THIỆN, sau khi học hết bậc Tiểu học trường các Sư huynh, đã từ giã gia đình để nhập học tiểu chủng viện tại Sài gòn. Sau những năm chuyên cần đèn sách, rèn luyện đạo hạnh, cậu đã được tuyển lựa về học tại Đại Chủng Viện, nơi đào tạo các linh mục tương lai.
Năm 1935 thầy Giuse THIỆN bước lên bàn thánh hiên ngang sung sướng nhận chức Linh mục.
Thụ phong xong, cha Giuse THIỆN đã hăng hái say sưa lăn mình vào công cuộc chiến đấu mở rộng nước CHÚA KY-TÔ trong nhiệm vụ Cha Phó Họ MẶC-BẮC (tỉnh Vĩnh Bình).
Đến năm 1938, địa phận Vĩnh Long được thiết lập đặt dưới quyền lãnh đạo của Đức Cha NGÔ ĐÌNH THỤC, vị Giám mục Việt Nam đầu tiên cai quản địa phận trong miền Nam.
Nằm trong chương trình canh tân địa phận, phong trào cử các linh mục chủng sinh du học tại Âu Châu đã được Đức Cha địa phận đặc biệt quan tâm, nâng đỡ và khuyến khích. Do đó, năm 1940 cha Giuse THIỆN đã được chọn lựa trong số những linh mục ưu tú xuất sắc nhất của địa phận để đi du học bên Pháp.
Sau 7 năm nghiên cứu học hỏi và quan sát bên nước ngoài, năm 1947 Cha trở về nước và được Đức Cha địa phận giao phó một trọng trách vô cùng quan trọng: chức Giám đốc Chủng Viện Á Thánh Minh, một trung tâm huấn luyện và đào tạo những linh mục tương lai của địa phận.
Ý thức được tầm quan trọng trong nhiệm sở mới nầy, Cha Giuse THIỆN đã tận dụng mọi khả năng nỗ lực và đem lại nhiều kết quả mỹ mãn cho Chủng viện.
Nhưng Cha không thể nào quên được tiếng gọi âm thầm và quyến rũ của giáo dân bên ngoài Chủng Viện, tiếng gọi mà Cha đã từng được nghe thấy trong những năm hoạt động tại các Họ, của những đồng bào lương giáo đang mong đợi niềm an ủi giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần nơi vị linh mục…
Mãi đến đầu năm 1956, Cha Giuse THIỆN mới được toại nguyện từ chức Giám đốc Chủng viện để lên đường đi lãnh nhận chức Cha Sở họ Bãi-Xan (tỉnh Vĩnh Bình)
Tại đây Cha hân hoan tin rằng từ nay Cha sẽ không bao giờ phải xa cách tín hữu và có cơ hội thuận tiện hoà mình với đồng bào lương giáo để gieo vãi mầm Tin…
Nhưng … chính nếp sống đạo đức và lòng nhiệt thành vì lý tưởng của Cha trong Họ đã vô tình vang dội khắp nơi khiến cho các Giám mục trong và ngoài địa phận đều lưu ý.
Do đó, năm 1958, vừa khi các Đức Giám mục quyết định, theo tôn ý của Toà Thánh, mở một viện Đại học Công giáo tại Đà Lạt, thì công trình vĩ đại khó khăn này liền được Hội đồng các Đức Giám mục uỷ thác cho Cha Giuse THIỆN.
Bắt tay nhận công tác, với hai bàn tay trắng và một ý chí phục tùng, nhẫn nại, hy sinh, Cha đã lần lượt khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi gian lao trở ngại trên nhiều phương diện: tài chánh, vật liệu, trang bị, tổ chức v.v…
Vào cuối năm 1958, một cơ sở kiến trúc nguy nga đồ sộ đã được hoàn thành. Viện Đại học Công giáo Đà Lạt khai giảng với số sinh viên lúc đầu từ 100 đã tăng lên 300.
Một vấn đề vô cùng tế nhị, hầu như nan giải trong việc tổ chức Viện là việc cung cấp giáo sư. Nhưng nhờ ở tài ngoại giao khéo léo, lỗi lạc, thêm vào thiện cảm và uy tín sẵn có, Cha đã vận động được một số đông giáo sư danh tiếng trong và ngoài nước về dạy, trong số đó có nhiều linh mục và tu sĩ lỗi lạc thuộc các Dòng tu chuyên ngành giáo dục như: Dòng Tên, Đa minh, Xuân Bích, La san v.v…
Kinh nghiệm lãnh đạo, khả năng tổ chức, học vấn uyên thâm, nhất là nếp sống giản dị và tình thương yêu sinh viên một cách chân thành thắm thiết của Cha đã làm cho các vị giáo sư và sinh viên trong Viện cảm phục mến yêu.
Trước sự thành công rực rỡ, nhân dịp sang Việt Nam chủ toạ Đại hội Thánh Mẫu năm 1958, Đức Hồng Y Agagianian, Đặc sứ của ĐỨC THÁNH CHA GIOAN XXIII, khi đến viếng thăm Viện Đại học Công giáo Đà Lạt, đã không ngớt lời khen ngợi nhiệt liệt Cha Viện Trưởng Giuse THIỆN.
Nếu mọi biến cố xảy ra trong đời mọi người có thể đều do Thánh ý của Thiên Chúa xếp đặt, thì ngày 8-12-1960, một tin từ điện Vatican, kinh đô Giáo hội La Mã, bay sang Việt Nam đã đảo lộn cuộc đời khiêm tốn của Cha Giuse THIỆN: ĐỨC THÁNH CHA GIOAN XXIII long trọng và ưu ái phong nhận Cha lên Giám Mục tân địa phận Mỹ Tho.
Ngày 22-1-1961, vị Linh mục đạo đức, bác ái - mà giới sinh viên, học sinh đã mệnh danh là “Linh mục của Thanh niên” đã long trọng tiến lên Thánh đài tại Vương cung Thánh đường ở Thủ đô, trước sự hiện diện của trăm ngàn giáo dân dự lễ, để chịu tấn phong Giám mục.
Đức Cha Giuse TRẦN VĂN THIỆN đã lấy khẩu hiệu “Phần rỗi trong Thánh giá”, một khẩu hiệu bao hàm trọn nghĩa Hy sinh, Đau khổ và Thương yêu, để làm phương châm hoạt động cho đời Ngài.
(Theo NINH HOÀ, Tân Địa Phận Mỹ Tho, Nhà in Phan Thanh Giản, Sài Gòn, ngày 3.2.1961, tr. 5-9)