Trầm Thiên Thu
TGP SAIGON (Việt Nam) – Chúng ta biết hoặc nghe nói về các Trung tâm Hành hương của các Giáo phận khác như La Vang, Tà-pao, Giang Sơn, Măng Đen, Bãi Dâu,… nhưng chưa hề nghe nói đến Trung tâm Hành hương của TGP Saigon.
Chắc hẳn từ hôm nay, khi đọc bài này, quý vị sẽ vui mừng vì TGP Saigon đã chính thức có Trung tâm Hành hương Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm đặt tại Gx Thánh Gẫm, giáo hạt Thủ Thiêm, tọa lạc tại Đường 16 (tiếp giáp đường Nguyễn Văn Tăng), ấp Gò Công, P. Long Thạnh Mỹ, Q. 9, TPHCM.
Khác với các giáo phận thuộc Giáo hội tại Việt Nam, Trung tâm Hành hương của các giáo phận đều là Trung tâm Hành hương Thánh Mẫu, Trung tâm Hành hương của TGP là Trung tâm Hành hương dâng kính một Thánh Tử Đạo Việt Nam. Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm là bổn mạng của giới buôn bán và kinh doanh.
Để biết thêm chi tiết, quý vị có thể liên lạc qua điện thư: GiaoXuThanhGam@gmail.com, đặc biệt chúng ta đang sống trong Năm Đức Tin, Gx Thánh Gẫm là một trong những điểm hành hương để lãnh nhận Ơn Toàn Xá.
Khác với các giáo phận thuộc Giáo hội tại Việt Nam, Trung tâm Hành hương của các giáo phận đều là Trung tâm Hành hương Thánh Mẫu, Trung tâm Hành hương của TGP là Trung tâm Hành hương dâng kính một Thánh Tử Đạo Việt Nam. Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm là bổn mạng của giới buôn bán và kinh doanh.
Để biết thêm chi tiết, quý vị có thể liên lạc qua điện thư: GiaoXuThanhGam@gmail.com, đặc biệt chúng ta đang sống trong Năm Đức Tin, Gx Thánh Gẫm là một trong những điểm hành hương để lãnh nhận Ơn Toàn Xá.
Quản xứ Thánh Gẫm hiện nay là linh mục VincentPhạm Trung Nghĩa.
Ngược dòng lịch sử
ĐGM Nicôla Huỳnh Văn Nghi, khi làm giám quản TGP Saigon, đã kiến nghị thành lập Trung tâm Hành hương Thánh Gẫm, nhưng vì nhiều lý do nên chưa được hình thành. Mãi đến ngày 14-11-2006, ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn mới có thể đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà Hành Hương. Và ngày 10-5-2012, cũng chính ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn đã khánh thành Nhà Hành Hương. Nghĩa là TGP Saigon đã chính thức có Trung tâm Hành hương Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm.
Được biết, Gx Thánh Gẫm là giáo xứ thứ ba được thành lập tại giáo phận Saigon. Tại Nhà thờ Thánh Gẫm hiện vẫn đặt bức tượng Thánh Gẫm đã có từ khi ngài chưa được tôn phong bậc đáng kính, tức là đã có hơn 100 năm. Đã có nhiều người được ơn nhờ sự can thiệp của Thánh Gẫm, bằng chứng minh nhiên là những bảng tạ ơn xếp lớp.
Gx Thánh Gẫm có “cái lạ” là giáo dân sùng kính Đức Mẹ với tước hiệu “Đức Mẹ Cứu Kẻ Liệt Kẻ Khốn”, có lẽ chưa có giáo xứ nào kính Đức Mẹ với tước hiệu “khổ sở” như vậy. Phải chăng đó là “dấu hiệu” cho thấy dân vùng Gò Công nghèo khổ? Trong nhà thờ luôn thấy có thùng từ thiện ghi: “Xin giúp những người nghèo khổ và cơ nhỡ”. Đó là điều bác ái mà Đức Giêsu rất quan tâm và khuyến khích.
Dân vùng Gò Công, cũng như giáo dân xứ Thánh Gẫm, đa số là dân nghèo nhưng hiền hòa và chân chất. Tuy nhiên, Gò Công lại là một vùng đất “quý tộc” mang dấu ấn lịch sử, vì đó là quê hương của Nam Phương hoàng hậu (*), phu nhân của cựu hoàng Bảo Đại. Thời đó, người ta có câu: “Xứ Gò Công là cái rốn thiên hạ”, đơn giản là vì nước mặn không bao giờ lên tới, mà nước lụt cũng chẳng bao giờ xuống tới, dù năm Thìn (1951), Biên Hòa và Tân Vạn lụt lớn.
Đôi dòng tiểu sử chứng nhân đức tin
Matthêu Lê Văn Gẫm sinh năm 1813 tại họ đạo Tắt, thuộc làng Long Đại, Gò Công, Biên Hòa xưa. Cha là ông Phaolô Lê Văn Lại, mẹ là bà Maria Nguyễn Thị Nhiệm. Thánh Gẫm là con đầu lòng, các em là ông Tôma Lê Văn Trong, Phaolô Lê Văn Bằng, Antôn Lê Văn Ban, Phêrô Lê Văn Tính, và Anê Lê Thị Nguyện. Hiện nay còn mộ phần của song thân Thánh Gẫm tại Gò Công, và các con cháu đời thứ tám của Thánh Gẫm hiện vẫn sống tại Gx Thánh Gẫm.
Năm 15 tuổi, cậu Gẫm xin phép cha mẹ gia nhập chủng viện Lái Thiêu để tu học làm linh mục. Nhưng chỉ một tháng sau, song thân đã đến xin cậu về, với lý do cậu Gẫm là anh cả của đàn em nhỏ dại, cậu đã vâng lời cha mẹ về phụ giúp gia đình bằng cách lao động kiếm sống. Ý Chúa đã hướng dẫn cậu Gẫm theo lối khác. Khoảng 20 tuổi, chàng thanh niên vạm vỡ ấy kết hôn với một thiếu nữ thuộc họ Thành, làng Long Điền, Bà Rịa (nay thuộc huyện Châu Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu). Hai vợ chồng sống với nhau rất êm ấm thuận hòa và sinh dạ được bốn người con.
Nghề thương mại thường phải xa nhà, có lần chàng Gẫm đã sa ngã, theo đuổi một phụ nữ khác. Nhưng khi nghĩ lại, chàng cương quyết từ bỏ mối tình ngang trái. Để bù lại, chàng yêu thương vợ hơn, luôn chú tâm vào việc giáo dục con cái, nhất là về đời sống đạo đức. Trong bốn người con, người con trưởng và con út qua đời vì bệnh, người con thứ hai ra cản việc đốt nhà thờ Cầu Ngang nên bị giết, còn người thứ ba bị bắt vì đạo và chết thiêu trong khám đường cùng với nhiều người khác tại Bà Rịa ngày 7-1-1862. Hai người con này sẵn sàng chết vì đức tin, quả là bằng chứng rõ rệt về đường lối giáo dục đức tin của Thánh Gẫm.
Năm 1844, theo yêu cầu của ĐGM Cuénot (Thể), ĐGH Grêgôriô XVI chia giáo phận Đàng Trong thành hai giáo phận: Giáo phận Đông gồm các tỉnh miền Trung, và giáo phận Tây gồm các tỉnh Miền Nam và Campuchia. Giáo phận Tây được giao cho ĐGM Lefèbvre (Nghĩa), khi đó đã bị trục xuất và đang ở Singapore. Phải đưa ĐGM Lefèbvre về giáo phận, đó là điều mong ước của toàn thể tín hữu và hàng giáo sĩ ở miền Nam Việt Nam. Thánh Matthêu Gẫm đã đảm nhiệm việc này, dù biết trước có thể nguy hiểm đến tính mạng. Quả thật, ngài đã bị bắt.
Năm 1846, vì nhu cầu của giáo phận, ông nhận lời với LM Lợi sang Singapore đón Đức cha Đaminh Lefèbvre (Nghĩa), cha Duclos (Lộ) và ba chủng sinh về Saigon. Như có linh cảm chuyến này khó thoát nên ông đến từ giã cha mẹ đôi bên, dặn dò vợ con kỹ càng về ước vọng của mình rồi lên đường. Chuyến đi được êm xuôi. Ngày 23-5, thuyền nhổ neo quay về thì gặp bão tố, và mất thêm bốn ngày trốn chạy một tàu cướp biển, nên ông trễ hẹn. Ngày 6-6, ông Gẫm mới vào đến cửa Cần Giờ, ông trùm Huy (họ Chợ Quán) đã chờ ở đó sáu ngày để chuyển người mà không gặp, nên đã quay về nhà.
Biết mình là đối tượng bị theo dõi, ông Gẫm đã cẩn thận neo thuyền chờ thêm hai ngày, đến khi không thấy ai ra đón, ông mới quyết định đánh liều đi sâu vào Saigon. Vừa thoát qua một đồn canh, ông gặp một chiếc thuyền tuần tiễu, ông nhanh trí hối lộ cho họ 10 nén bạc để thoát thân. Năm người lính trên thuyền này, sau một hồi tranh luận, sợ chuyện bị bại lộ, nên quay thuyền lại và rượt theo để trả tiền rồi bắt thuyền ông. Ông Gẫm kêu gọi các anh em trên thuyền hợp lực, và định chống trả, nhưng Đức cha Nghĩa ngăn cản, vì cho rằng trái với tinh thân nhân hậu của Kitô giáo.
Sáng 8-6-1846, với sự yểm trợ của một số lính trên thuyền khác mới tới, quân lính triều đình áp tải thuyền ông Gẫm về Bến Nghé. GM Nghĩa và LM Lợi bị giam ở Công Quán. LM Lợi qua đời trong tù ngày 17-7-1846, còn GM Nghĩa bị giải ra kinh đô Phú Xuân. Tại đây, vua Thiệu Trị lên án xử trảm, sau đổi thành án trục xuất về Singapore, sau ngài lại tìm cách vào Việt Nam. Ông Matthêu Gẫm tự nhận là người chủ mưu nên bị biệt giam ở Saigon.
Vài ngày sau, các quan đưa ông ra tòa lấy khẩu cung và kêu gọi bỏ đạo. Dù bị đòn đánh đau đớn, ông Gẫm vẫn hiên ngang chịu đựng, không khai bất kỳ ai, cũng không chịu bước qua Thánh Giá. Trước tòa, ông khai tên là Lê Văn Bửu, còn bản án lại ghi tên Lê Văn Bối. Sau 20 ngày, các quan làm án gửi về kinh đô xin xử chém, nhưng nhà vua chần chừ đến năm sau mới quyết định.
Trong thời gian chờ vua phê án, ông Gẫm phải mang gông xiềng nặng nề, nhưng lúc nào cũng giữ được bình tĩnh và vui vẻ. Ông hùng hồn nói: “Tôi có ăn trộm ăn cướp gì đâu mà sợ, mà buồn. Được chết vì đạo là điều tốt lắm”. LM Thán ba lần cải trang vào thămm giải tội và trao Mình Thánh cho ông Gẫm. LM Phan Văn Minh (tử đạo ngày 3-7-1853) cũng từng vào thăm và khích lệ. Các tín hữu Chợ Quán, Thị Nghè, An Nhơn và họ Lăng (Chí Hòa) cũng rủ nhau đến thăm viếng người anh hùng của giáo phận. Thân phụ ông Gẫm và người em, ông đội Phaolô Bằng, vì liên hệ gia đình cũng bị bắt giam tại Biên Hòa. Thân mẫu ông và các em khác phải trốn tránh quanh quẩn vùng Thủ Đức, nhưng vẫn vào ngục thăm ông được vài lần.
Sau bảy tháng ông Gẫm bị giam, bản án được vua Thiệu Trị châu phê, nhưng vì trùng vào dịp cuối năm, vua ra lệnh dời qua tết mới thi hành. Sau tết, một vài viên quan ở trấn Gia Định có cảm tình với người thương gia hiền lành, viện cớ chính vị giám mục cũng không bị xử tử, làm đơn xin vua giảm án của ông Gẫm thành án lưu đày chung thân. Nhưng tháng 3-1847, khi quân đội triều đình giao tranh và thua quân Pháp ở Đà Nẵng, nhà vua quyết định không ân xá gì nữa.
Ngày 11-5-1847, ông Lê Văn Gẫm được đưa đến pháp trường Da Còm (tên một cây đa tróc gốc cằn cỗi ở đó, nay là Gx Chợ Đũi, khi đó còn thuộc Chợ Quán), các tín hữu và lương dân hiện diện rất đông. Ba người em của vị anh hùng đức tin là Tôma Trọng, Phaolô Bằng và Anê Nguyện, cũng có mặt trong cuộc xử tử anh mình. Ông đội Bằng và ông Trùm Phước phải xô đẩy đám đông để đưa LM Thán đến gần giải tội lần cuối cho anh mình. Ông đội cũng tặng đao phủ ba quan tiền đề anh ta chém thật gọn, giúp anh mình đỡ đau đớn.
Thế nhưng, khi nghe tiếng chiêng trống và thấy thái độ thương tiếc của nhiều người tham dự, viên đao phủ không giữ được bình tĩnh phải chém đến ba nhát, đầu vị tử đạo mới lìa khỏi cổ. Các em ông Gẫm và các tín hữu ùa vào, ráp đầu vị chứng nhân với thân mình, khâu lại, thay áo trắng, lấy khăn xanh quấn quanh cổ ngài, rồi đặt lên võng khiêng về an táng tại họ Chợ Quán.
Năm 1870, bà Nhiệm (thân mẫu vị tử đạo) thuật lại ở tòa điều tra phong thánh: “Hai vợ chồng chúng tôi nghe con chết thì chẳng còn thảm thiết gì, một vui lòng mà rằng: chết vậy đặng làm thánh”.
Chứng nhân đức tin Matthêu Lê Văn Gẫm được ÐGH Piô IX tôn phong Bậc đáng kính ngày 27-9-1857 (sau 10 năm tử đạo), được ÐGH Lêô XIII tôn phong Chân phước ngày 27-5-1900, và được ÐGH Gioan Phaolô II tôn phong Thánh Tử Đạo Việt Nam (cùng 117 vị khác) ngày 19-6-1988. Lễ nhớ Thánh Gẫm là ngày 11-5.
Tấm gương sáng ngời của Thánh Gẫm sẽ muôn đời sống mãi trong lòng các tín hữu Việt Nam một lòng yêu mến Thiên Chúa và Giáo hội Công giáo.
Vĩ ngôn
Trung tâm Hành hương Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm của TGP Saigon được chính thức thành lập vào Năm Đức Tin này thực sự đầy ý nghĩa, vì đây là Trung tâm Hành hương dâng kính một trong 118 Nhân Chứng Đức Tin của Giáo hội Việt Nam.
Lạy Thiên Chúa, xin cho mọi điều nên trọn để vinh danh Chúa và cứu các linh hồn. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
_______________________________
(*) Nam Phương Hoàng Hậu (chữ Hán: 南芳皇后, tên thật Nguyễn Hữu Thị Lan) sinh ngày 4-12-1914 tại đất Gò Công, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc khu phố Gò Công, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TPHCM), xuất thân trong một gia đình Công giáo giàu có bậc nhất miền Nam thời bấy giờ, mang quốc tịch Pháp, do đó bà còn có tên thánh là Marie Thérèse (Maria Têrêsa), và là vợ của vua Bảo Đại. Bà là con ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bính, cháu ngoại ông Lê Phát Đạt (Huyện Sĩ) ở Nam Kỳ, một trong bốn người giàu nhất nước Việt Nam những năm đầu của thế kỷ 20. Bà là vị hoàng hậu duy nhất được phong khi còn sống của nhà Nguyễn, và cũng là hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Nam Phương hoàng hậu được nhiều người đánh giá là người thiết tha với đất nước.
Về hai chữ Nam Phương, vua Bảo Đại giải thích: “Tôi đã chọn tên trị vì cho bà Hoàng hậu mới là Nam Phương. Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud), và tôi cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng – màu dành riêng cho Hoàng đế”. Bà có 5 con với vua Bảo Đại là Thái tử Bảo Long (sinh 4-1-1936), Công chúa Phương Mai (sinh 1-8-1937), Công chúa Phương Liên (sinh3-11-1938), Công chúa Phương Dung (sinh 5-2-1942), và Hoàng tử Bảo Thắng (sinh 9-12-1943).
Bà mất ngày 14-9-1963, được an táng trong nghĩa trang nhà thờ tại Chabrignac. Trên mộ phần của bà có ghi: “Đại Nam Nam Phương Hoàng hậu chi mộ” (mộ phần bà Hoàng hậu Nam Phương của nước Đại Nam).
-------------------------------------------------------------------------------------
Lạy Chúa, con xin ngợi khen, cảm tạ Chúa đã đoái thương Giáo Hội công giáo Việt Nam và toàn thể chúng con, nhờ Máu các Thánh Tử đạo đã đổ ra mà hạt giống đức tin được gieo vào Đất Việt ngày càng sinh hoa kết quả, trong đó có gia đình con đây được là người Kito hữu. Con cảm tạ các Thánh Tử đạo Việt Nam, con cảm ơn Thánh Mathheu Lê Văn Gẫm. Trước tòa Chúa, kính xin Ngài cầu bầu cho Giáo hội chúng con, nhất là hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ khắp nơi luôn trung thành với Giáo Huấn Chúa, con kính xin Ngài cầu thay nguyện giúp cùng Chúa cách đặc biệt cho anh Thomas Việt là cháu Cố của Ngài. .... và tất cả những lời nguyện con cầu riêng với Ngài cho Giáo Hội không ghi ở đây .Amen