Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Thử thách và gian truân: Tai họa hay hồng phúc ?


Đã từ lâu, con được nghe những người Công Giáo đang mang những bệnh tật, những tai ương trong cuộc sống, những thất bại trong sự nghiệp và cô đơn để chống chọi với những khắc nghiệt của cuộc đời, thường hay nói câu: “Tạ Ơn Chúa, Thiên Chúa của con!” Nghe câu nói đó thì đối với con là rất nghịch lý. Trong đầu con luôn thắc mắc, tại sao Chúa luôn được tụi con xưng tụng là Vị Đại Thiên Y, là Một Ông Chủ tốt bụng, một Người Cha luôn nhân từ, luôn luôn dõi mắt trông theo những đứa con thân yêu của mình, lại có thể để những sự việc đó xảy ra? Tại sao lại có những người được gọi là con cái Chúa, lại chịu những điều bất hạnh và bất công trong cuộc sống?
Nhưng giờ đây, khi con được nghe nhiều và cảm nghiệm về Tình Yêu của Thiên Chúa – Người Cha tuyệt vời nhất của nhân loại – con đã hiểu được lời nói “Tạ ơn Thiên Chúa” khi gặp trắc trở….
Vì con vốn là một đứa con, đứa cháu trong một gia đình sống theo quan niệm nhân quả, luân hồi. Làm ác thì gặp ác. Kiếp trước ảnh hưởng kiếp sau, người ta cứ nói là kiếp trước mình giết nhiều côn trùng, thì kiếp này luôn phải đau yếu, bệnh tật. Kiếp trước mình thiếu nợ người ta không trả, nên kiếp này mình phải trả người ta bằng nhiều hình thức – như là bị người ta vay tiền không trả, v.v…. Nếu mình bị vu oan và bị ăn hiếp, thì rõ ràng kiếp trước mình đã lăng nhục người ta…. Bao nhiêu là điều, mà cho tới giờ đây, khi con hiểu được chân lý thì theo con là quá nghịch lý.
Con xin đưa ra những chứng nhân, trước khi con kết luận vấn đề này.

Trường hợp thứ nhất là khiêm nhường và phó thác.

Hôm nay, nơi con thường xuyên tham dự Thánh Lễ có xảy ra một vụ hiểu lầm, nhưng cũng không kém phần rôm rả giữa những người giáo dân với nhau, trong khi người bị hiểu lầm thì chỉ biết co ro. Vì lúc đó, chị không có người thân bên cạnh, còn người gây chuyện cứ cố ra oai. Chị chỉ biết xin Chúa và Đức Mẹ cứu mình, vì biết mình đã bất lực trước một người phụ nữ đang bị sự dữ xâm chiếm. Người phụ nữ kia quyết sống mái với người chị em của mình, cốt để trấn áp tinh thần đối phương và che lấp cái bất an của mình.
Sau khi sự việc xảy ra hơn nửa ngày, con có gặp nạn nhân. Nạn nhân nói là, cho dù sự việc đã xảy ra hơn nửa ngày, nhưng chị vẫn chưa hết bàng hoàng vì sự sự dữ của người phụ nữ kia dành cho chị. Tuy nhiên, trong câu chuyện chị kể, con luôn nghe câu nói “Tạ ơn Chúa”. Kết thúc, chị cũng nói “Tạ ơn Chúa và Mẹ”. Chị còn nói thêm với con, làm cho con càng thấy là quý mến chị hơn. Chị nói rằng: Sau khi sự việc xảy ra, chị mới nghĩ tới việc mình phải cám ơn và nên cầu nguyện cho người chị em của mình. Chị lại một lần nữa cám ơn Chúa, vì Chúa đã dạy chị một bài học là biết khiêm nhường và phó thác, nhất là bài học về việc chịu sự sỉ nhục qua chính người chị em của mình trong cộng đoàn. Chị cám ơn người chị em đã làm khó mình, vì chính bà ta đã rất xuất sắc trong việc tạo ra tình huống này. Qua đây, chị đã khẳng định, Chúa và Mẹ quá thương con cái mình, biết khi nào chúng gặp nguy hiểm thì các Ngài cứu giúp kịp thời.
Chị em con nhận thấy, trong việc này, việc xin lễ và cầu nguyện cho người phụ nữ kia cũng là một điều không kém phần quan trọng. Và chị em con cần phải yêu và thương bà ta hơn những người khác, vì bà ấy hiện giờ đang rất cần nhận ra tình yêu và sự bình an thật sự của Thiên Chúa.

Trường hợp thứ hai : nêu lên vấn đề sức khỏe.
 
Anh là người thân của con. Anh là một Kytô giáo, cũng là một bệnh nhân lâu năm và chịu đựng những cơn đau thể xác một cách cừ khôi. Nhưng điều ngộ nhất là, dù đau, nhưng anh vẫn không than thở và luôn “Tạ ơn Chúa”, vì được nhiều cơ hội đền tội.
Ngày trước, mỗi khi con nghe có ai đó bị đau đớn vì bệnh tật, con liền năn nỉ, ỉ ôi xin Chúa chữa lành hay cắt đứt cơn đau cho người đó. Vì thế, khi con nghe anh ấy nói anh ấy bị đau nhưng lại cám ơn Chúa là được đau, thì con thấy bức xúc lắm! Con nghĩ trong lòng rằng:  Mình thì cong đuôi cầu nguyện cho anh ta hết đau, trong khi anh ta gần như không hợp tác mà còn nói ngược lại, nên con thấy khó chịu lắm!...
Giờ đây, khi con được nhiều cơ hội tìm hiểu và học hỏi những kinh nhiệm của những bậc trưởng bối, con mới nhận ra rằng. Đúng là mình cần phải tạ ơn Chúa, mỗi khi mình đau yếu, bệnh tật. Vì ít ra, tuy đau đớn thể xác, nhưng mình vẫn còn nói được tiếng cầu nguyện và tạ ơn Chúa.

Trường hợp thứ 3 - liên quan đến vấn đề sự nghiệp và hôn nhân.

Anh là một Kitô hữu, anh đã sống và đã thành công ở hải ngoại. Anh chia sẻ rằng: Đã có một thời, anh được Chúa trao ban tất cả những gì mà người ta gọi là hạnh phúc nhất: tiền của, danh tiếng, vợ xinh đẹp, con cái ngoan ngoãn. Khi đó, anh bảo rằng: Anh đã để Chúa của anh tận nơi đâu, và anh cũng không còn nhớ đến việc Chúa dạy là yêu thương, bác ái.
Rồi cũng tới lúc, Chúa không muốn mất con cái của mình. Và anh đã kịp nhận ra khi anh bị va vấp. Anh bảo rằng, chính lúc anh không may mắn và mất hết tất cả, anh mới nhận ra Tình Yêu của Chúa. Cho dù bây giờ anh không còn được như xưa, nhưng anh vẫn luôn tạ ơn Chúa. Ngay lúc này đây, sự bình an và niềm hạnh phúc thật sự của Chúa mới đến được với anh. Anh không còn vướng bận vì chức vụ, anh không còn nặng tâm vì tiền của. Anh nói, trong anh bây giờ chỉ còn tràn ngập tình yêu tuyệt vời nhất và bền vững nhất của Thiên Chúa
Và cũng từ đây, anh mới cảm nghiệm được tình bác ái, yêu thương Chúa đã dạy. Trước đây, đã bao nhiêu lần Chúa cho anh cơ hội thực hiện, nhưng anh lại chối từ, để Chúa phải ban lại cho anh qua người khác… Bây giờ, anh đã được vực dậy cuộc đời một cách quá tuyệt vời!
Để kết luận bài viết, con xin nêu lên cảm nghiệm của con về lời “Tạ ơn Chúa” trong mọi hoàn cảnh của những người Công Giáo đúng nghĩa rằng:
Con người, ai mà không có tội. Dù vô tình hay cố ý thì mình cũng đã phạm tội, và rất cần cơ hội để đền tội. Con có đọc một tài liệu rất hay, về việc xin giảm bớt việc đền tội ở thế gian, đến khi chết đi, phải ở luyện ngục thanh tẩy cho sạch trước khi hưởng kiến nhan Chúa, thì đau khổ vô cùng. Khi đó, linh hồn của chúng ta không còn làm được gì để giúp mình, mà chỉ hoàn toàn trông chờ ở những người còn sống.
Nếu con cái Chúa biết rằng, mình có nhiều cơ hội đền tội bằng mọi hình thức khi còn sống, khi còn được cầu nguyện, khi còn được chầu Thánh Thể Chúa…. Theo con, điều đó quả là một hồng phúc chứ không phải là tai ương. Càng không có chuyện kiếp trước hay kiếp sau.
Và điều khác biệt để nhận biết, đâu là một Kitô giáo và người thuộc tôn giáo khác là: Đối với một Kitô hữu, lúc gặp hoạn nạn gian truân, thì trong họ luôn có một niềm hy vọng và một sự bình an thật sự của Thiên Chúa. Nhờ thế, họ sẽ đón nhận thử thách rất nhẹ nhàng và vui vẻ.

Còn đối với một người không Công Giáo, họ sẽ cảm thấy nặng nề, chán nản. Trong suy nghĩ, họ luôn cho rằng, đây là một sự trả giá, một sự trừng phạt, và họ không thể nào cảm thấy nhẹ nhàng, bình an.
Con chân thành cám ơn quý vị đã đọc và đồng cảm với chia sẻ của con. Con xin Chúa và Đức Mẹ luôn quan phòng và ban tràn đầy Thánh Thần trên quý vị.

Nguồn : mangconggiao.net