Xin cha giải đáp các câu hỏi sau đây:
a) Việc lần hạt trong sách Thông Điệp và Sùng Kính Lòng Thương Xót Chúa có nói đến ý chỉ cầu cho các kẻ có tội được ăn năn trở lại. Vậy con có thể cầu theo ý chỉ cho các linh hồn đã qua đời được không?
b) Phải đọc kinh trong những ngày thứ Sáu đầu tháng trong chín tháng liên tiếp nhưng con không biết đọc những kinh gì?
a) Trước nhất, tưởng cũng nên nhắc qua về việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa. Mấy năm gần đây, chúng ta thấy các tài liệu, sách báo công giáo Việt nam có phổ biến Sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa. Đây đó đã có những nhóm cầu nguyện được thành hình với mục đích quảng bá và thực hành Sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa. Thói quen lần chuỗi kính Lòng Thương Xót Chúa cũng đã trở bắt đầu phổ thông nơi tín hữu công giáo Việt nam.
Đâu là nguồn gốc lịch sử của việc đạo đức này? Nội dung sứ điệp ấy là gì? Việc thực hiện lòng sùng kính ấy ra sao và mục đích căn bản của việc ấy thế nào?
Theo cuốn ‘Nhật Ký Lòng Thương Xót của Chúa Nơi Linh Hồn tôi’ (Diary: Divine Mercy in my Soul) được viết ra bởi một nữ tu người Balan thuộc Dòng Đức Mẹ Nhân Lành là Kawalska Maria Faustina (1905-1938) thì chính Chúa Giêsu đã hiện ra với chị nhiều lần, bắt đầu từ ngày 22-2-1931. Mục đích là để mạc khải cho chị một thông điệp quan trọng cần rao truyền cho mọi người. Đó là Lòng Xót Thương Vô Tận của trái tim Chúa như cơ hội cực quý và tối hậu để cứu rỗi nhân loại, nhất là những tâm hồn tội lỗi, sa đọa.
Qua chị Faustina, Chúa cũng yêu cầu nhân loại phải thực thi việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa bằng cách cụ thể là lần ‘Chuỗi Lòng Thương Xót’ theo thể thức sau. Dùng chuỗi mân côi và:
-Bắt đầu bằng 1 kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 kinh Tin Kính. –Sau đó, cứ mỗi chục thì đọc 1 lần: ‘Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha Mình và Máu Thánh, Linh hồn và Thiên tính của Đức Giêsu Kitô, Con yêu dấu Cha và Chúa chúng con để đền bù tội lỗi của chúng con và của toàn thế giới’, 10 lần: ‘Vì cuộc khổ nạn đau buồn của Chúa Giêsu, xin xót thương chúng con và toàn thế giới’. –Cuối chuỗi 50 ấy thì đọc 3 lần: ‘Lạy Thiên Chúa Toàn năng, Chí Thánh và Hằng Hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới’.
Theo bút tích trong cuốn nhật ký của chị nữ tu này, chúng ta được biết rằng những ai cậy trông, thỉnh cầu và thực hiện việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa bằng cách xưng tội, rước lễ và lần chuỗi Lòng Thương Xót thì sẽ được những ơn đặc biệt như lời Chúa hứa. Đó là được chết lành và chắc phần rỗi cho mình hoặc cho những người mình cầu nguyện cho. Được ơn hoán cải những kẻ tội lỗi, chai lì nhất. Và được nhận lời bất cứ điều gì khấn xin, miễn là hợp ý Chúa (xc. ‘Nhật ký...’ # 687, 1541, 1731).
Ngoài việc viết lại Sứ điệp về lòng Thương Xót của Chúa trong cuốn nhật ký nói trên, chị Faustina cũng được Chúa cho thị kiến thấy hình ảnh lòng thương xót Chúa để phổ biến kèm theo bút tích. Theo thị kiến này của chị, ngày nay chúng ta có tấm hình Chúa Giêsu mặc áo trắng, đứng thẳng; một tay Ngài đưa ra mời gọi kẻ chúng ta đến với Ngài, tay kia Ngài chỉ vào Trái tim Cực thánh của chính mình, từ nơi đó phát ra hai luồng ánh sáng : màu đỏ ý chỉ Máu Yêu Thương của Ngài dành cho mọi người, đặc biệt là kẻ tội lỗi nhất; màu trắng nói lên sức mạnh thánh tẩy ơn cứu độ dành cho chúng ta. Ở dưới hình này, thường có câu viết ‘Lạy Chúa Giêsu, Con tín thác nơi Ngài’
Chị nữ tu Faustina qua đời năm 1938, và đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong hiển ngày 30-4-2000. Chính vị giáo hoàng này cũng là người có lòng sùng kính cách đặc biệt Lòng thương xót của Chúa theo sứ điệp và linh đạo được ghi lại bởi chị thánh Kawalska M. Faustina.
Như vậy, ta có thể dâng việc sùng kính và những ơn ích thiêng liêng mà cầu xin cho các linh hồn đã qua đời không?
Nếu tin rằng cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục như giáo lý Hội thánh dạy là một việc đẹp ý Chúa, thì dĩ nhiên khấn cầu Lòng Thương Xót Chúa cho các linh hồn ấy là một việc xứng hợp, cần thiết. Về điểm này, câu trả lời rõ ràng nhất mà chúng tôi tìm thấy trong cuốn Nhật ký rất dài của Thánh Faustina nằm ở đoạn #1226 : “...con hãy dâng lên cho Cha những linh hồn nơi luyện ngục; hãy dìm họ xuống vực thẳm của Lòng Thương Xót của Cha. Hãy để những giọt máu của Cha làm mát dịu những ngọn lửa đang thiêu dốt họ. Tất cả những linh hồn này được Cha hết lòng thương yêu. Họ đang đền bồi theo phép công bình của Cha. Con có thể đem lại sự hạnh phúc thanh nhàn cho họ. Con hãy kêu cầu mọi ân xá từ kho tàng của Hội thánh để dâng tặng các linh hồn ấy”.
Còn việc mà con nghe nói là phải đọc kinh liên tiếp trong 9 thứ sáu đầu tháng thì sao?
Câu hỏi này của anh liên quan đến một sự kiện lịch sử khác. Đó là việc Chúa Giêsu hiện ra với Thánh Nữ Maria Margarita Alacoque (bắt đầu vào ngày 27-12-1673) để mạc khải về Tình Yêu Thánh Tâm. Trong các cuộc hiện ra ấy, Chúa yêu cầu Thánh nữ rao truyền lòng sùng kính Thánh Tâm. Song song với lời yêu cầu đó, Chúa cũng hứa ban 12 ơn đặc biệt. Trong lời hứa thứ 12, ta thấy Chúa phán: “Với lòng từ bi vô hạn, ta hứa với con rằng những ai rước lễ vào 9 Thứ Sáu đầu tháng liên tiếp thì sẽ được tình yêu toàn năng của ta bảo đảm cho được ơn ăn năn tội và lãnh các bí tích trong giờ lâm tử. Họ không chết trong tình trạng tội lỗi. Thánh tâm ta sẽ là nơi nương ẩn an toàn, chắc chắn cho họ trong cơn hấp hối”.
Vậy chiếu theo mặc khải này (tuy là ‘mặc khải riêng’ nhưng đã được Giáo hội công nhận giá trị), ai và muốn được ơn Chúa đã hứa thì có thể đọc các kinh sùng kính Thánh Tâm và nhất là thực hiện việc tham dự và rước lễ trong 9 ngày Thứ Sáu đầu tháng liên tiếp.
Nhưng tóm lại, điều quan trọng nhất là, cùng với những việc đạo đức tốt lành mà Chúa muốn chúng ta làm như Ngài đã nhắn nhủ với ta qua các sứ giả trên đây, ta phải luôn hoán cải và thăng tiến đời sống tâm linh của mình cách cụ thể trong đời sống hằng ngày. Nếu không, ta sẽ đánh mất giá trị thiêng liêng của những việc sùng kính, và làm cho đạo thánh của ta dễ bị hiểu lầm là một mớ những nghi thức phù phép vô bổ.
Lm. Đa Minh Trần Quốc Bảo, DCCT