Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

TIỂU SỬ CHA PADRE PIO, NGƯỜI Ý (1887-1968)





I. Cậu Phanxicô con ông bà Horace làm nghề nông nghèo khó, sinh tại Pietrelcina, tỉnh Benevento, miền nam nước Ý, ngày 25.05.1887. Ông bà có 8 con, chết 3 còn 5 (2 trai 3 gái).
Vì không muốn Phanxicô vất vả nơi đồng áng, ông Horace đã sang New York, Hoa kỳ làm việc để kiếm tiền cho con đi học, đi tu.
Ngày lễ Ba Vua năm 1903, Cậu vào Nhà Tập Dòng Phanxicô nhánh Cappucins tại Morcone, nhận tên Dòng là Piô.  Nhánh Capucins là nhánh không ngặt cũng không rộng.  Nhánh ôn hòa này cũng có Bề trên Cả như hai nhánh kia.  Nhánh Capuchins có khác chút ít bên ngoài như cho tu sĩ để râu và mặc áo dòng màu đen.  (Dương Liên Mỹ, ofm, Padre Pio, Sài gòn 1968, tr 16-19).

Trong thời gian Tập, vì hãm mình quá, 3 tuần không ăn uống gì, nhà Dòng tưởng thầy sẽ chết, nên cho về nhà ba má bổ dưỡng, không bao lâu thầy phục sức.  Trở về nhà dòng học thần học, nhiều lần anh em gặp thầy Pio quì gối để học bài.
Năm 15 tuổi vào Dòng Capucins.  Ngày 10.08.1910, (23 tuổi) thầy Piô được thụ phong linh mục trong nhà nguyện của nhà thờ chính tòa Benevento.  Bảy ngày sau khi chịu chức linh mục, cha Piô được in 5 Dấu Thánh ẩn kín (chưa xuất hiện).
Tháng 9 năm 1916, Cha Pio được thuyên chuyển về Tu Viện Ðức Mẹ Ban Ơn (Santa Maria delle grazie), ở San Giovanni Rotondo, trong giáo phận Foggia.
Năm 31 tuổi (ngày 20.09.1918), sau khi Rước Mình Máu Thánh Chúa, các dấu thánh xuất hiện.  Cha đã chịu đau đớn mang 5 dấu thánh trong 50 năm.  Sau khi cha tắt thở, các dấu thánh này liền biến mất, không để lại vết tích nào.
II. Tôn sùng Đức Mẹ: Lần hạt suốt ngày:
Cha Piô rất sùng kính Đức Mẹ và ngài thường lần chuỗi hàng ngày.

Trong tu viện, một thầy hỏi ngài:
– Cha lần bao nhiêu chuỗi kinh Mân côi mỗi ngày?
– Khoảng 40.
– 40 lần 50 mươi, nghĩa là 2 ngàn kinh Kính Mừng mỗi ngày sao?
– Sao?  Chuỗi Mân côi chỉ có 5 chục thôi sao?  Một chuỗi Mân côi đầy đủ phải gồm 150 kinh Kính mừng và 15 kinh Lạy Cha.

Có lần ngài nói với một người con thiêng liêng:
“Luôn luôn nắm chặt lấy vũ khí của Đức Mẹ trong tay, nó sẽ giúp con chiến thắng kẻ thù.”

– Vũ khí đó là gì?
– Nó trên áo dòng của cha.
– Con đâu có thấy vũ khí nào đâu?  Con chỉ thấy xâu chuỗi Mân côi.
– Đó không phải là vũ khí sao? (Cuộc đời cha Piô, Người Tín hữu xb, 2000, tr 267)

Khi được hỏi di sản ngài muốn trối lại cho các con thiêng liêng của ngài là gì, Cha Thánh Piô đã trả lời:
“Lần chuỗi Mân Côi!”  Ngài cho rằng việc Đức Mẹ hiện ra ở mọi nơi kêu mời người ta đọc kinh Mân Côi là điều chắc chắn khiến ta phải chuyên cần đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày.
Ngài còn nói: “Còn kinh nguyện nào đẹp hơn Kinh Mân Côi, kinh chính Mẹ dạy ta.  Hãy luôn lần chuỗi Mân Côi.”
Hai ngày trước khi qua đời ngài còn nói: “Hãy yêu Đức Mẹ và làm cho Đức Mẹ được yêu.  Hãy lần chuỗi Mân Côi và lần luôn luôn và lần càng nhiều càng tốt.”
Một lần Đức Mẹ cũng nói với thánh nữ Mectinđa rằng: “Khi sống con đọc bao nhiêu kinh Kính Mừng, khi chết con được bấy nhiêu ơn”.
Nhờ chuyên chăm sốt sắng lần chuỗi Mân Côi, Cha Thánh Piô đã kéo được biết bao ơn xuống cho bản thân ngài và cho những ai đến với ngài.
Hãm mình cao độ: Năm 1925, cha bị bệnh sa ruột, thường làm cha đau buốt, khi bước lên bàn thờ cha phải gắng hết sức để khỏi ngất đi, ngã xuống đất.  Bác sĩ Festa đã quyết định mổ ngay cho ngài tại Tu viện, vì trong thời gian này Tòa thánh hiểu lầm những báo cáo về ngài, nên  không cho ngài ra ngoài, không được liên lạc với người ngoài và không cho ai coi 5 dấu, cũng không được cử hành thánh lễ nơi công cộng.
Bác sĩ muốn đánh thuốc mê cho khỏi đau, nhưng ngài không đồng ý, sợ ông ta lén coi 5 dấu thánh. Cha bằng lòng mổ sống.  Cuộc mổ kéo dài 1 giờ 45 phút, mà cha không kêu ca.  Tới lúc gần xong, cha mới tràn nuớc mắt và kêu: “Xin Chúa Giêsu tha cho con, vì con không biết chịu khó như con phải chịu.”  Sau đó cha ngất đi vì kiệt sức.
Năm 1935, nhân dịp mừng kỷ niệm 25 năm thụ phong linh mục, Đức Piô 11 cho cha được trở lại giúp các linh hồn.
Cha thức dậy từ 3 giờ sáng để dọn mình dâng lễ tại phòng riêng để khỏi phiền anh em, Ngài dâng lễ cách sốt sắng như diễn lại cuộc tử nạn của Chúa trên núi Calvê xưa.  Thánh Lễ kéo dài từ 1g30 phút tới 2 giờ.  Có khi Thánh Lễ kéo dài đến 4 tiếng vì xuất thần, Sau lễ là giải tội từ sáng đến tối.
Ăn uống không bao nhiêu.  Người ta nói, ngài ăn không hơn một em bé đang trong nôi.
III. Giải tội cho người thập phương:
Ngài giải tội tùy theo tình trạng mỗi tâm hồn, chỉ cốt sao cho họ thành thực, được ơn tha thứ và cải thiện đời sống, nên nhiều khi ngài có những cư xử khác thường:
1/ Một người viết báo ở Rôma kể: Trước khi cha Piô ban phép giải tội, ngài nói với tôi cách gắt gỏng là hãy cẩn thận với vài khuyết điểm.  Lời ngài nói như xuyên qua linh hồn tôi.  Trong một dịp khác, ngài vạch rõ những khuyết điểm ăn sâu trong lòng, và tôi dần dà cải đổi.  Lần thứ ba, ngài hỏi: từ bấy lâu nay có xưng tội không?  Tôi mỉm cười và trả lời tự tin: Ngày nào con cũng dự lễ và rước lễ mà. Cha Piô nhăn mặt và gay gắt nói:
– Con đến đây để xưng tội chứ không để ca ngợi mình.  Thế con có nóng giận với các em gái con không?

– Dạ có.
– Đó là điều con phải xưng.  Và đừng làm thế nữa.

2/ Một bà kia xưng tội phạm đức trong sạch.  Bà biết rõ khi trở về bà sẽ bị cám dỗ và sa ngã lại.  Cha Piô từ chối ban phép giải tội.  Lần sau bà đến nữa, ngài cũng không giải tội.  Lần thứ 5, khi xếp hàng, bà nghĩ: Tôi thà chết không phạm tội này nữa.  Khi bà xưng, cha Piô lắng nghe, và ngài đã ban phép giải tội cho bà.  Ngài biết được nội tâm người ta.
3/ Một bà khác xưng rằng:

– Con đọc sách báo xấu.
– Con có xưng tội này rồi phải không?
– Dạ phải.
– Cha giải tội nói gì với con?
– Cha giải tội bảo con không được phạm tội này nữa.
– Không nói một lời, cha Piô đóng sầm cửa sổ, quay sang giải tội cho người bên kia.  Người phụ nữ ấy khóc lóc và đi xưng tội với một linh mục khác, sau đó rước lễ từ tay cha Piô.  Trước khi ra về bà khóc lóc, nói: “Tôi muốn đốt hết tất cả những sách báo xấu xa trên toàn thế giới.”
Cha Piô thật hài lòng, ngài muốn tội nhân thay đổi khi ra khỏi tòa giải tội.

4/ Ngày kia, có một anh thanh niên đến xin xưng tội với cha Piô.  Ngài nhìn anh với đôi mắt nghiêm nghị, ngài la lên “đồ con heo!”  Mọi người quay về phía anh, thật nhục nhã, anh ta vội vã rời phòng giải tội.  Một linh mục kinh ngạc, đăm đăm nhìn cha, nói:

– Sao cha dùng những lời lẽ thậm tệ đến thế?
– Cha Piô nhún vai: nếu tôi không la vào mặt hắn, hắn sẽ phải án phạt đời đời.  Hắn sống với vợ lẽ, và đây là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.  Sự nhục nhã đó có lợi cho hắn, vài ngày nữa hắn sẽ trở lại. Nếu tôi ban phép giải tội cho hắn bây giờ, hắn sẽ không sám hối và không sửa đổi.
Anh ta đã không thể ngủ nghỉ, ăn uống khi nghĩ tới mối liên hệ bất chính.  Anh ta đã trở lại, quì gối xuống ăn năn khóc lóc trước mặt cha Piô.  Ngài cúi xuống khoác tay lên người anh, ngài ôn tồn nói:
– Con thấy không, bây giờ Chúa Cứu Thế rất hài lòng về con.
5/ Một hôm, ngài đang nói chuyện với một bà có ông chồng vừa qua đời.  Trước đây chồng bà đã bỏ bà và 2 con nhỏ để sống với một phụ nữ khác trong 3 năm.  Bất thình lình ông bị bệnh ung thư.  Trước khi ông chết, bà vợ này khẩn khoản xin ông lãnh nhận các Bí tích cuối cùng.  Ông nhận lời.
Người đàn bà nhỏ nhắn và đơn sơ này đưa tay sửa lại chiếc khăn vuông trên đầu và hỏi cha Piô:

– Thưa cha, linh hồn chồng con bây giờ ở đâu?
– Cha Piô nhìn bà ta với đôi mắt lo ngại.  Hình như ngài cảm được nỗi buồn phiền trong tâm hồn của bà, Ngài nói khẽ:
– Linh hồn chồng bà đã bị án phạt đời đời.

Người đàn bà lắc đầu khổ sở, nước mắt tuôn tràn.
Cha Piô nói tiếp cách buồn bã:

– Khi nhận các Bí tích sau cùng, ông ta đã giấu nhiều tội.  Ông không ăn ăn hối hận, cũng không quyết tâm chừa cải.  Ông vẫn là tội nhân đối với lòng thương xót Chúa, vì ông muốn hưởng hết lợi lộc của cõi đời này, rồi sau đó mới quay về ăn năn, thống hối…, nhưng không còn thì giờ cho ông nữa!

Trước khi bà ra về, ngài hết sức an ủi bà, nhưng suốt ngày những điều ấy chờn vờn trong tâm trí ngài, vì một người đã bị hư mất.
(Cuộc đời Cha Piô, Người Tín Hữu xb, 2000, trang 188).
Năm 1956, Cha khánh thành một Trung Tâm Xã Hội có tên gọi là “Nhà an ủi kẻ đau khổ,” và nay là bệnh viện lớn và tối tân, thuộc quyền Tòa Thánh.
Cha Pio qua đời lúc 2:30 sáng ngày 23.09.1968.
Tháng 11 năm sau, tức năm 1969, Tổng Cáo Thỉnh Viên của Dòng Cappucin xin phép làm án phong Chân Phước và Hiển Thánh cho Cha Pio.  Giai đoạn làm án phong thánh cho cha ở cấp giáo phận, đã được hoàn tất năm 1990 và tất cả các hồ sơ được chuyển đến Bộ Phong Thánh Roma.  Trong khoảng thời gian từ năm 1983 đến năm 1990, Tòa Án giáo phận đã thu lượm các tài liệu đóng thành 23 pho sách.
Yếu tố nổi bật trong linh đạo của Cha Pio chắc chắn là đời sống bí tích: các tín hữu tham dự các cuộc hành hương tại San Giovanni Rotondo hầu hết đều đến tòa giải tội lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, tham dự thánh lễ và rước lễ.
Sau khi ngài qua đời ngày 23/9/1968, (81 tuổi) có đến hơn một 100,000 người tham dự lễ an táng của ngài.  Ba vị Giáo Hoàng đã kết án cha là người giả hình đóng kịch.  Nhưng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng cất nhắc cha lên hàng Hiển Thánh.  Lễ phong thánh cho ngài vào đúng Ngày của Cha (Father’s Day) 16/06/2002 là một lễ phong thánh có đông người tham dự nhất xưa nay, với con số gần nửa triệu người!  Thi hài thánh Padre Piô hiện quàn tại San Giovanni Rotondo, miền nam nước Ý.
Sưu tầm