Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

GIÁNG SINH VÀ THẬP GIÁ – Trầm Thiên Thu

GIÁNG SINH VÀ THẬP GIÁ – Trầm Thiên Thu

O Come, O Come, Emmanuel” (Lạy Đấng Emmanuel, Xin Ngự Đến)


GIÁNG SINH VÀ THẬP GIÁ

Bạn có biết Mùa Vọng là thời gian người Công giáo được mời gọi suy tư về Ngày Tận Thế và ngày Chúa Giêsu đến thế gian lần thứ hai?

Có thể bạn đã nghe điều đó trong bài thánh ca truyền thống Công giáo “O Come, O Come, Emmanuel” (Lạy Đấng Emmanuel, Xin Ngự Đến). Chúng ta như dân Israel mong chờ Đấng Mê-si-a, được hứa qua ông Mô-sê rằng Đấng ấy sẽ giải phóng dân Israel. Nhiều thế hệ đã trông đợi Chúa Giêsu, Con Vua Đa-vít, “Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9:5).

Tại sao chúng ta mong đợi? Vì khi Chúa Giêsu đến lần thứ hai, “Ngài sẽ lau sạch nước mắt chúng ta, sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21:4).

Cho tới ngày đó đến, chúng ta là những khách lữ hành của Thiên Chúa, lang thang trong sa mạc của “thung lũng nước mắt” này, được sống nhờ manna siêu nhiên là Thánh Thể và ân sủng qua các bí tích. Chúng ta làm cuộc xuất hành từ tội lỗi, qua sự chết, để vào Đất Hứa của sự sống vĩnh hằng – nếu chúng ta tin vào giao ước của Thiên Chúa và tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót.

Niềm hy vọng của chúng ta là hoa trái của lễ Giáng Sinh. Đức Maria “trao” máu thịt cho Lòng Chúa Thương Xót, hình thành “hình ảnh” đầu tiên của Lòng Chúa Thương Xót, chia sẻ DNA với Thiên Chúa, với gia đình và nhân loại. Đức Mẹ đã nhận lấy Chúa Giêsu, Đấng là “Bánh từ Trời” (x. Ga 6:32, 35, 51), và đặt Ngài vào máng cỏ, cũng có thể hiểu đó là “Nhà của Bánh”.

Lễ Giáng Sinh được đánh dấu bằng Bữa Tiệc Ly và Thập Giá, vì chính Thiên Chúa bị nhân loại khước từ và bị treo trên Thập Giá cũng chính là Đấng không có nơi trú ngụ khi sinh ra, cùng với Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse, hai vị thánh vĩ đại nhất của Giáo hội.

Các đạo sĩ (quen gọi là ba vua) đem các báu vật đến kính dâng Con Thiên Chúa, đó cũng là những thứ được dùng khi người ta mai táng Chúa Giêsu. Tới một ngày nào đó, Chúa Giêsu sẽ hoàn tất công cuộc cứu độ nhân loại, nhưng Hê-rô-đê đã phẫn nộ mà giận cá chém thớt, đã sát hại bao trẻ vô tội tại Belem sau lễ Giáng Sinh đầu tiên.

Đối với các Kitô hữu, lễ Giáng Sinh là là niềm hy vọng và niềm vui khôn tả, dù chúng ta vẫn chịu đau khổ và vác thập giá hằng ngày: “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Mt 4:16). Chúng ta được mời gọi hoán cải và mong chờ Ngày Tận Thế qua các bài đọc trong các Thánh Lễ của Mùa Vọng và lễ Giáng Sinh, đồng thời chúng ta vẫn nghe linh mục đọc lời truyền phép: “Trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh…, Người cầm lấy chén…”.

Các thiên thần xướng ca, các mục đồng canh thức, Chúa đến, sự sống nảy mầm từ cung lòng Trinh Nữ, sự chiến thắng siêu nhiên đối với tử thần liên kết với sự sinh sản, triệt tiêu sự chết, và Hê-rô-đê sát hại các trẻ nhỏ.

Chúng ta hãy vui mừng lên, vì Đức Kitô xuất hiện, và Ngài sẽ lại đến, nhưng trong dịp Giáng Sinh này, chúng ta đừng quên những người đau khổ trong bóng tối và giá lạnh. Chúng ta hãy đem ánh sáng của Đức Kitô đến cho những người còn ngồi trong bóng tối, những người chưa bao giờ được thấy ánh sáng kỳ diệu. Chúng ta hãy trở nên tình yêu của Đức Kitô, hãy cầu nguyện cho những người bị bách hại, hãy thể hiện lòng thương xót đối với thế giới, đặc biệt là những người đau khổ, và hãy chia sẻ cho nhau niềm hy vọng vào Thiên Chúa.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Marian.com)