Ngày 11
Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm
Thương gia, người tỉnh Biên Hòa. 34 tuổi.
(gương: giáo dục con cái, xây đắp việc chung, sám hối đền tội sau khi bỏ vợ hai).
(bị bắt 8-6-1846, xử trảm 11-5-1847)
Ðức Cha Lefebvre là người được ông Gẫm sang đón về đã viết tường thuật về cuộc xưng đạo của ngài như sau: "Matthêô Gẫm, 34 tuổi, cha mẹ theo đạo Công Giáo, ở tỉnh Biên Hòa. Ông có đời sống gương mẫu và trong hai năm dấn thân làm việc cho giáo hội, lòng nhiệt thành của ông tăng gấp bội".
Matthêô Gẫm là con đầu lòng, sinh khoảng năm 1813. Khi còn nhỏ siêng năng đi học kinh với chúng bạn và được bầu làm trưởng đoàn, ở nhà thì giúp cha mẹ, bốn em trai và em gái.
Năm được 15 tuổi, cậu Gẫm vào trường Lái Thiêu học làm linh mục. Nhưng vì người cha đã lãng tính không kham nổi việc gia đình một mình nên đã bắt cậu Gẫm trở về gia đình.
Tới tuổi lập gia đình, ông cưới một cô thiếu nữ Công Giáo đạo hạnh. Sau khi cưới vợ, ông Gẫm về ở quê của vợ tại tỉnh Bà rịa, sinh được bốn người con, trong đó có hai người cũng chết vì đạo.
Đã có lần lỗi nghĩa vợ chồng, và để ăn năn đền tội, ông sống đạo đức và quyết tâm giúp việc Chúa.
Cha Lợi coi xứ Bà Rịa thấy ông Gẫm khỏe mạnh, thông thạo buôn bán và việc đi biển, liền cậy nhờ ông lo việc cho cả địa phận nữa.
Theo lệnh bề trên, Cha Lợi xuất tiền đóng tầu nhờ ông Gẫm chỉ huy sang Singapore để đón các thừa sai và các chú học ở trường Penang. Chuyến đầu ông đi trót lọt, nhưng sau đó tiếng đồn ông sang Singapore lan rộng. Vì Cha Lợi ép nhiều lần nên ông đánh liều nhận lời đi nữa. Ông liền về nhà chào từ giã cha mẹ như là lần cuối, riêng với mẹ già ông Gẫm đã nói rõ những khó khăn và ý chí sắt son phục vụ giáo hội Chúa: "Con nghĩ chuyến này không tránh khỏi nạn vì thiên hạ đồn Lái Gẫm đi Hạ Châu. Có lẽ con phải chết song không hề chi, con sẵn lòng chịu chết vì Chúa".
Mấy ngày sau khi bị bắt, các quan đem ông Gẫm ra tòa để lấy lời khai. Vừa bị đánh đòn vừa bị ép chối đạo nhưng ông Gẫm vẫn một lòng can đảm không chối đạo.
- "Ðạo tôi là đạo ông cha truyền lại tôi không thể bỏ được, tôi sợ phạm tội bất hiếu".
Ra khỏi công đường, ông Gẫm vui vẻ vì được chịu đòn và nói với các bạn cùng bị bắt: "Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban thêm sức để được vững lòng chịu mọi sự khó. Dầu cho quan có hạch hỏi thế nào, đừng có ai nói lời gì mà làm khốn khổ đến kẻ khác. Hễ mũi dại thì lái chịu đòn, bất cứ điều gì anh em cứ đổ tội cho tôi là xong."
Ông bị đòn đau quá thì nói với quan: "Quan lớn cho đánh tôi đau như thế này sợ rằng đau quá tôi phải khai là tôi chở mấy thừa sai về đây cho các quan đó".
Nghe vậy quan càng giận hơn nữa nên ra lệnh đánh đập ông cho hả cơn tức. Sau đó quan lại dụ dỗ ông bước qua thập giá lính vừa vẽ xuống đất:
- "Ông quá khóa đi rồi tôi làm án nhẹ cho".
- "Tôi không bao giờ chịu bỏ đạo".
Bị tra tấn dữ dằn, lại phải khổ sở mang gông cùm, ông Gẫm không ca thán mà vẫn vui lòng luôn. Ông thường nói: "Chúa định như vậy, xin vâng theo ý Chúa".
Với các bạn cùng bị bắt ông khuyên họ: "Anh em đừng có năn nỉ điều gì. Dầu sống dầu chết thì cũng là vì Chúa, nếu chết vì đạo là phần tốt nhất".
Một lần Cha Phan Văn Minh đi qua Sài Gòn ghé vào nhà tù thăm ông, và khuyên ông đừng lo chi đến vợ con, đã có địa phận lo. Ông Gẫm cười nói: "Thưa cha, con sẵn lòng chịu mọi sự khó theo ý Chúa. Con không lo lắng về vợ con hay cửa nhà gì cả...."
Ít lâu sau bà mẹ cũng lẻn trốn xuống thăm con vừa khuyên vừa khóc lóc. Ông Gẫm nói với mẹ: "Mẹ đừng có khóc làm gì, được chịu chết vì đạo con lấy làm vui sướng lắm. Con không dám bỏ đạo đâu. Mẹ cũng đừng lo điều gì cho con, chỉ xin mẹ cầu nguyện. Còn con thơ con sẽ xin giáo hội giúp đỡ. Trước sau cũng chết, chẳng lẽ con cứ lột xác sống mãi ở đời này ru? Con chịu chết vì đạo là ơn phúc trọng vô cùng".
Sau này chính bà mẹ đã trả lời cho linh mục điều tra án phong thánh như sau: "Hai vợ chồng chúng con nghe con chịu chết thì không có phàn nàn, trái lại vui mừng nữa vì con chết như vậy được làm thánh".
Có lần ông ký lục Ngạn cũng vào tù thăm ông Gẫm, thấy ông vui vẻ thì nói: "Ông Gẫm này, ông bị kết án mà sao vẫn vui vẻ làm vậy, không sợ gì sao?"
Ông Gẫm cười nói: "Cám ơn quan, tôi có phải là trộm cướp gì mà sợ mà buồn. Tôi được chết vì đạo là một phước lớn".
Ðến tháng 2-1847 thì bản phê án mới tới Sài Gòn. Lời phê của bộ hình và được vua Thiệu Trị y án như sau: "Bộ hình thừa thiên chuẩn theo bản án của tỉnh Gia Ðịnh: Lê Bối có tội theo tà đạo từ lâu, tội lén đi nước ngoài và đem đạo trưởng Tây về nước, lại không chịu quá khóa. Hắn cố chấp vi phạm luật lệ. Vì vậy năm tới theo hạn định phải chém đầu như bản án.
Các quan tỉnh Gia Ðịnh được lệnh, liền ấn định ngày đem xử. Mấy ngày trước khi chịu xử, ông Gẫm lo buồn vì tội xưa của ông, than thở với Chúa: "Lạy Chúa, hình phạt con phải chịu đây vẫn chưa đủ để đền tội lỗi của con". Ông cũng viết thơ cho Thừa Sai Miche, sau làm giám mục, như sau: "Từ ngày bị bắt con chẳng trông mong gì hơn vì đời này chóng qua mà ở trên trời mới được sung sướng đời đời, nên con chỉ ước ao một sự mà thôi là làm cho sáng danh Chúa. Những ngày còn ở trong tù thật là những ngày vui mừng. Con không buồn rầu lo lắng gì về vợ con, cha mẹ hay anh em. Ý Chúa đã định làm vậy thì con vui lòng cúi đầu tuân phục, ngõ hầu được xứng đáng vào hàng con cái thảo hiền của Chúa. Phải chiến thắng trận dưới đất này đã mới được phần thưởng vô cùng trên thiên đàng".
Ngày 11-5-1847 quan truyền lệnh đem ông Gẫm đi chém. Mấy ngày trước đó địa phận gửi cho ông hai bộ áo mới để ông mặc đi xử. Quan còn khuyên nhủ ông một lần cuối bỏ đạo để khỏi chết và biết thương vợ thương con, nhưng ông một mực bỏ ngoài tai và sẵn lòng chết vì đạo. Ông nói với các ký lục: "Tôi vui lòng chịu chết lắm, chưa bao giờ tôi được vui mừng như hôm nay. Nếu tôi nói một tiếng thì khỏi chết nhưng tôi thà mang tội trước mặt vua chẳng thà mất lòng Chúa. Chỉ một chút nữa tôi sẽ được hạnh phúc thật".
Dân chúng theo thật đông, trong đó có Cha Thán đến như lời đã hứa. Thấy cha rồi, ông xin lý hình cho một ít phút sửa soạn. Khi thấy ông đấm ngực, Cha Thán cũng giơ tay ban phép giải tội. Thế rồi ông quì nghiêm trang bảo lý hình thi hành nhiệm vụ. Chúng trói tay ông vào cọc, buộc tóc lên trên đỉnh đầu và chờ lệnh. Hồi chiêng vừa dứt, tên lính cầm đao chém một lát gần đứt đầu, phải cứa thêm lát thứ hai cho đầu rơi xuống đất. Lý hình giơ đầu lên cho quan xem thấy rồi bỏ xuống, và chạy đi xa. Giáo dân ùa vào thấm máu và ba người em cùng với các ông trùm lo việc tống táng.