Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

MỪNG KÍNH THÁNH LUY HOÀNG ĐẾ (25/8)

Ngày 25 tháng 8
THÁNH LUY HOÀNG ĐẾ
(1214 - 1270)
Vua thánh Luy là một tấm gương sáng ngời, phản chiếu những đức tính cao quý của một bậc dân chi phụ mẫu và của một người cha lý tưởng trong gia đình. Ngài đã là một vị thánh sống giữa triều đình hoa lệ, thánh trong gia đình và thánh trong mọi việc lo cho dân an nước thịnh.

Vua Luy sinh tại Poissy ngày 25-04-1214. Thân phụ là vua Luy VIII và thân mẫu là Hoàng hậu Blan Castilla.

Ngay từ tuổi thơ ấu, Luy đã được hấp thụ một nền giáo dục kiện toàn, nhất là về phương diện văn chương. Chính nhờ vốn kiến thức đó mà sau này khi lên ngôi cai trị nước Pháp, ngài đã làm vinh danh cho Giáo hội rất nhiều. Luy mồ côi cha ngay từ lúc cậu mới mười hai tuổi. Bà thân mẫu hằng lo lắng cho cậu sau này trở nên một người cầm quyền đạo hạnh, coi dân trị nước trên nền tảng công bằng, bác ái và trong sự kính sợ Thiên Chúa. Bà đã thuê riêng cho Luy một thầy dạy để bảo ban cậu học hành và dẫn đường thiêng liêng cho cậu. Tất cả đời sống đạo đức thánh thiện của Luy là kết quả của những lo lắng của một người mẹ đạo đức khôn ngoan. Bà luôn luôn nhắc đi nhắc lại cho Luy rằng: “Con ơi, mẹ yêu con trên hết mọi sự, nhưng thà mẹ thấy con chết còn hơn thấy con phạm tội trọng mất lòng Chúa”. Lời nói nồng nàn tha thiết ấy ghi sâu vào tâm khảm Luy, đến nỗi cả đời ngài đã không phạm tội trọng nào.

Lúc tuổi 19, vâng lệnh mẹ Luy đã kết hôn với cô Margarita, con gái quân công miền Prôvencê và sinh hạ được bốn người con. Luy rất chăm lo đến đời sống đạo đức cho con cái, ngài hằng dạy bảo con cái biết kính yêu Thiên Chúa, ghét tội trọng và khinh chê của cải thế gian. Đời sống gương mẫu của ngài đã ảnh hưởng rất nhiều đến con cái, đến nỗi mỗi thứ sáu, mặc dầu còn bé, chúng cũng xin cha ăn chay hãm mình để bắt chước Chúa chết trên Thánh giá.

Lên nối ngôi cha coi dân trị nước, Luy được dân chúng hết lòng kính phục. Ngài luôn luôn tỏ ra là một con người thanh liêm chính trực, thương dân như thương con, đặt danh dự của Giáo hội cũng như của dân tộc lên trên những từ lợi danh vọng của mình. Cả triều thần ai nấy đều ngạc nhiên và cảm phục cách sống của vua thánh Luy. Hầu như ngài có hết mọi nhân đức, mà nhân đức nào cũng trổi vượt. Ngài xưng tội hằng tuần vào ngày thứ sáu, và sau khi lãnh phép tha tội, ngài thường xin linh mục cho phép dùng dây có buộc nút sắt quất vào lưng, có khi đến chảy máu để đền tội. Nhà vua còn có thói quen rửa chân cho một số những người nghèo khổ, tật bệnh vào mỗi chiều thứ bảy, và tiếp đón họ rất thân mật trong một bữa cơm thanh đạm do chính ngài đãi họ. Nhiều lần thấy ngài quá khiêm nhường như thế, một vị đại quan trong triều tỏ vẻ không bằng lòng, vua liền hỏi vị quan đó rằng: “Ngày thứ năm tuần thánh, khanh có thể rửa chân cho họ không?” - Vị quan đó trả lời: “Trời ơi, không, không bao giờ hạ thần rửa chân cho những kẻ dơ dáy ấy”

–Vua trả lời: “Thật, khanh không nên nói thế, không nên khinh bỉ một việc của Chúa đã căn dặn, dạy bảo chúng ta như một mệnh lệnh. Vậy, trẫm xin khanh hãy vì lòng yêu Chúa và nể trẫm mà tập lấy thói quen lành thánh đó”.

Một hôm vua lại hỏi quan đại thần đó rằng: “Một là bị bệnh hủi, hai là phạm một tội trọng, khanh thích đàng nào hơn?” – “Hạ thần thích ba mươi tội trọng còn hơn bị bệnh hủi

- “Khanh dại dột quá, nhà khanh không biết rằng: Không còn có bệnh nào kinh tởm bằng phạm tội trọng sao? Vì linh hồn phạm tội trọng thì giống hệt như các quỷ Satan”.

Có người trách vua đã quá mất nhiều thời giờ để làm những công việc bác ái, ngài trả lời: “Các khanh kỳ cục quá, các khanh cho sự siêng năng cần mẫn đọc kinh, cầu nguyện của trẫm là một trọng tội. Nếu trẫm dùng gấp hai thời giờ như thế để chơi bài bạc, hay rông ngựa vào rừng săn thú vật, chim muông thì chẳng ai nói sao!”

Nếu vua thánh Luy đã có một khí lực mạnh mẽ để tiến tới trên đường đạo đức, thì ngài cũng không kém hăng hái trong việc coi dân trị nước. Không bao giờ nước Pháp đã được hưởng một sự thịnh vượng, bằng an như dưới triều đại vua Luy. Ngài đã dùng mọi biện pháp để bài trừ những nạn thương luân bại lý, chặn đứng những cuộc vui mại dâm của phường buôn son bán phấn, và ngài là người đầu tiên đã cấm trò dấu gươm ở nước Pháp. Ngài luôn luôn sẵn sàng nghe những nguyện vọng của dân chúng và tìm cách làm cho họ được thoả mãn trong phạm vi có thể được.

Thêm vào đó, vua Luy luôn luôn sẵn sàng tuân phục những mệnh lệnh, cũng như những lời khuyên giải của các Đức Giáo Hoàng. Ngài luôn giao tiếp với các tu sĩ dòng thánh Đaminh và Phanxicô, lĩnh hội thêm ánh sáng của chân lý và đem thực hành trong công việc cai trị quốc gia. Ngoài ra, vua thánh còn cho thiết lập những nhà thương, viện dưỡng lão, trại cô nhi và các dòng, đồng thời cũng cung cấp cho những viện đó đầy đủ các thứ tiện nghi.

Lòng quảng đại, thương người của vua thánh Luy còn lan rộng tới nhiều miền ở Đông phương. Người ta thuật lại rằng, Hoàng đế Contantinô muốn tỏ lòng biết ơn vua thánh Luy vì những sự giúp đỡ vật chất ấy, đã vui lòng biếu thánh Luy những báu vật, những di tích của Chúa Cứu Thế, nhất là vòng gai quân lính đã đội cho Chúa Giêsu. Vua đã cho xây trong cung điện của ngài một gian phòng rất nguy nga tráng lệ để giữ những báu vật đó.

Chúng ta cũng nên biết rằng, mặc dầu hết sức thánh thiện, vua thánh Luy cũng có một tinh thần hiếu chiến. Tinh thần đó đã khiến vua Luy hai lần trong đời mở cuộc nghĩa binh thánh giá để chinh phục những người Hồi giáo.

Vào khoảng cuối năm 1244, vua thánh Luy mắc một cơn bệnh hiểm nghèo thập tử nhất sinh, bà thái hậu lo lắng bối rối, không biết chạy liệu làm sao. Bỗng nhiên bà nghĩ đến những di tích thánh của Chúa mà Hoàng đế Contantinô đã biếu vua. Bà liền mang những báu vật đó để sát bên cạnh thân thể bất động của vua Luy. Sau mấy lời kinh sốt sắng, bà quốc mẫu vui mừng sung sướng, vì Chúa đã cứu con bà sống lại. Luy nhớ lại hồng ân Chúa đã ban cho, ngài nhất quyết chiêu mộ nghĩa binh thánh giá để đi chiếm lại đất thánh cho khỏi taynhững quân Hồi giáo.

Ngày 12-6-1248, sau khi đã chiêu mộ nghĩa binh và sửa soạn đầy đủ, vua Luy trao quyền nhiếp chánh cho mẹ để khởi công đi chinh phục đất thánh. Bỏ Paris, vua Luy ngừng quân tại Lyon để xưng tội với Đức Giáo Hoàng Innôxentê IV, và xin phép lành toà thánh cho tất cả nghĩa quân.

Ngày 28-8-1248, nghĩa quân bỏ Signe Mortes, và ngày 17-9 năm ấy, nghĩa quân cập bến; đóng quân ở đảo Kyprô. Vua thánh Luy thấy rằng để giải cứu đất thánh khỏi lọt vào tay những quân man di, cần phải chinh phục đất Ai cập. Lập tức nghĩa quân thánh giá tiến đến Damiette. Ở đây, quân Hồi giáo phòng thủ rất kiên cố; vì bãi biển chỗ này không sâu lắm nên phải dùng những ghe, thuyền để tấn công vào bờ, nhưng cuối cùng thuyền, ghe cũng không thể bơi vào được vì cạn quá.

Xung phong: một tiếng hô lớn ở thuyền của vua Luy phát ra, rồi người ta thấy vua Luy đầu đội mũ trận, đeo mộc, thuẫn, tay vung kiếm lao mình theo sóng biển. Thấy vậy, tất cả nghĩa quân đều ổ ạt nhảy xuống khỏi thuyền tấn công vào bờ… Sau mấy tiếng đồng hồ, địch quân chạy tán loạn, mà nghĩa quân không phải giao chiến một trận nào. Toàn thắng, vua thánh Luy cất bài ca tạ ơn Chúa vang cả một góc trời. Nhưng khốn nạn thay, sau khi thắng trận, nghĩa quân đã không tuân theo mệnh lệnh của vua Luy. Họ đã chơi bời phóng đãng, hành hạ kẻ chiến bại rất cay nghiệt. Vua thánh Luy hết lòng lo lắng cho quân sĩ sao cho họ biết đàng ăn ở đạo hạnh, nhưng họ bất chấp. Chính vì thế, Thiên Chúa để họ phải rơi vào tay quân thù. Không quen thủy thổ, các quân sĩ của vua Luy bị bệnh nằm la liệt. Họ đành chịu để cho những kẻ chiến bại hành hung mà không có phương thế nào chống trả. Chỉ còn một cách là nộp mình cho quân man di mới hòng cứu sống được bao nhiêu nhân mạng. Quân sĩ la ó om sòm xin vua Luy cho phép đầu hàng, vì nếu không, họ phải chết đói, chết bệnh hoặc bị quân địch tàn sát. Trước những lời kêu van tha thiết của nghĩa quân, vua thánh Luy vui lòng nộp khí giới đầu hàng quân man di, với điều kiện là không được giết người lính nào.

Lúc này vua thánh Luy lại thành kẻ chiến bại, ngài bị quân man di hành hung dữ tợn. Chúng lột hết quần áo ngài ra, xiềng chân, xích tay và xỉ nhục ngài trăm chiều. Nhưng vua thánh Luy vẫn bình tĩnh, thản nhiên trước tất cả những đau đớn cực hình ấy, không một lời ta thán kêu oan. Chỉ khi nào mà quân ngoại đạo dày xéo thánh giá dưới chân và lăng nhục đạo Chúa Kitô, lúc ấy ngài mới tỏ một thái độ phẫn nộ trên nét mặt. Thái độ quả cảm, lòng nhân từ và quảng đại của vua Luy đã làm cho quân man di hết sức ngạc nhiên. Họ định chọn ngài làm lãnh chúa cho họ, miễn là Luy phải chối bỏ đạo Chúa Kitô Nhưng vua thánh Luy nào có màng chi đến cái vinh dự hão huyền đó.

Hết thời hạn bị cầm tù, vua thánh Luy còn ở lại Đông phương bốn năm nữa. Trong những năm đó, ngài bôn ba vật lộn đó đây để yên ủi những bổn đạo bị bắt làm nô lệ, dạy bảo lương dân và dẫn đưa họ về chính đạo.

Ngày 26-11-1252, vua Luy được tin mẹ qua đời, ngài nhất định trở về quê hương để thu xếp công việc trong nước.

Nhưng tiếng cầu cứu của giáo hữu Đông phương vẫn còn vang lên mãi vì bị những người Hồi giáo hành hạ, đe dọa phá hoại đức tin. Tiếng kêu đó động lòng trắc ẩn của vua Luy, ngài nhất định chiêu mộ nghĩa quân một lần nữa. Năm 1270 ngài lại cất quân lên đường. Nhưng vua nước Tunisie hứa với ngài là ông sẽ trở về với Kitô giáo nếu vua Luy cho quân xuống Phi châu. Vua thánh Luy vui mừng hớn hở và hy vọng được làm cha đỡ đầu thiêng liêng cho một vị quốc trưởng, nên ngài cho thuyền lái về phía Châu Phi. Nhưng vua đã bị lừa: vừa xuống khỏi tầu, ngài bị vua Tunisie xông đánh, thêm vào đó ngài bị một chứng bệnh kinh khủng, quân lính hết lương, bao nhiêu nguy hiểm đang chờ đợi.

Thấy ngày chết chẳng còn xa, vua thánh Luy cho triệu vời Philippê, người con cả của ngài, và ban cho một huấn lệnh để về thi hành công cuộc coi dân trị nước. Ngài cũng quên nhắc nhở cho con phải sống đạo đức, thánh thiện, và nhất là xa tội lỗi.

Sau khi ân cần khuyến quân sĩ hãy luôn luôn trung thành làm tôi Chúa, xa lánh những thói tàn bạo ngược, vua thánh đã giao phó linh hồn trong tay Chúa một cách bình, thánh thiện. Hôm ấy là ngày 25-8-1270.


https://www.youtube.com/watch?v=SZw8em_MBxw




---
Thánh Louis IX, Vua Nước Pháp (1214-1270)
Thánh Louis sinh năm 1214 tại Poissy nước Pháp. Cha ngài là vua Louis VIII. Mẹ ngài là hoàng hậu Blanche de Castille. Chính gương mẫu đời sống thánh thiện của bà đã ảnh hưởng sâu đậm đến Louis trong thời niên thiếu. Cho tới khi trưởng thành, Louis vẫn thường hay nhắc lại lời nói của mẹ ngài: "Mẹ thà thấy con chết trước mặt mẹ còn hơn thấy con phạm tội trọng".

Ngài lên ngôi vua kế vị cha năm 12 tuổi và tới năm 19 tuổi, Louis kết hôn với Marguerite, con gái quận công miền Provence và cả hai sinh hạ được 11 người con. Trên ngai vàng, Luois luôn tỏ ra thanh liêm chính trực và hết mực thương dân, đặt danh dự của Giáo Hội và của dân tộc lên trên tư lợi và danh vọng cá nhân. Ðời sống đạo đức của nhà vua chẳng khác chi một thầy dòng khổ tu: dự lễ và đọc kinh mỗi ngày, xưng tội và đánh tội mỗi tuần. Ngoài ra, nhà vua còn tìm dịp thể hiện đức bác ái đối với người nghèo và những người bệnh tật.

Chính ngài đã lập Ðạo Binh Thánh Giá đi chiến đấu tại Giêrusalem. Lúc trở về, ngài đã xây một nhà nguyện để kính mão gai Chúa Giêsu do hoàng đế Constantin trao lại.
Năm 1270, nhà vua còn lập thêm một đạo quân mới để chống lại những người Hồi Giáo, nhưng một cơn dịch lan tràn làm tan rã đạo quân của ngài và chính ngài cũng lâm bệnh và qua đời ngày 25/8/1270.

http://www.dongcong.net/CacThanh/GuongCacThanh/Thang8/Aug25.htm