Trước tiên, xin được “mở ngoặc” và nói ngay, tôi là một người rất bình thường, bình thường nhất trong những người bình thường. Và cũng xin nói thêm trước: Tôi không có ý “đánh bóng” mình (như một người đã nặc danh gởi mail cho website mà tôi chỉ nói những gì là THẬT (nếu cách diễn đạt của tôi có gì “chưa đạt” khiến người khác hiểu sai, tôi thành thật xin lỗi, nhân danh Đức Kitô), vì đối với “phong trào” sùng kính LCTX thì tôi chỉ là Kẻ Đến Sau!
12:15 trưa Chúa nhật, 10-7-2011, một người bạn “có tuổi” gởi cho tôi một “meo” ngắn gọn (xin được giấu tên người gởi – nếu ai muốn biết mức độ chính xác, xin gởi mail riêng để tôi có thể Forward), nguyên văn như sau (các chữ “tô đậm” là ý riêng tôi muốn nhấn mạnh):
Anh THU thân,
Vừa rồi có một ông cha xứ nói với tôi: chỉ cần tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giê-su là được rồi vì trong thánh tâm đã có lòng thương xót. Lòng thương xót Chúa chẳng qua là một phong trào nhắm vào người vô thần thôi, không cần thiết lắm. Xin anh giải thích riêng giùm tôi để tôi có thể chuyển cho ngài.
Và tôi đã trả lời, nguyên văn như sau:
Chào anh,
Trước hết xin cảm ơn anh đã "tin tưởng" mà chia sẻ... TramThienThu xin được hẹn anh trong vòng MỘT ngày sẽ trả lời anh CHI TIẾT (bây giờ là 12:15 trưa Chúa nhật XV thường niên năm A). Chúc anh bình an và luôn tin vào LCTX.
Tôi xin nói quan điểm riêng tôi:
Cách nói của một linh mục nào đó vừa đúng vừa sai. Tại sao?
Bạn hiểu thế nào là phong trào? Vì dụ, Đại hội Giới trẻ sắp tới tại Madrid là một phong trào và kêu gọi tiết kiệm điện hoặc giữ sạch môi trường cũng là phong trào. Phong trào cũng có tính tích cực hay tiêu cực. Tôi biết có linh mục khác, không “mặn mà” với LCTX, còn nói: “Cứ về thương xót nhau đi”. Vừa đúng vừa sai!
Sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót được chính Chúa Giêsu trao phó, chính giáo hội cũng đã “nghi ngờ” và cho rằng thánh nữ Faustina (1905-1938) có vấn đề về tâm thân, vì chính thánh nữ là người không được học bao nhiêu, nói chung theo cách nói ngày nay là DỐT, nhưng thánh nữ “dốt” chữ chứ không “dốt” yêu thương. Mãi đến năm 1978, sau khi nhận lãnh trọng trách “chăn dắt chiên cmẹ và chiên con”, Chân phước Giáo hoàng Gioan-Phaolô II (Karol Józef Wojtyła, 18.5.1920 – 2.4.2005) mới “giải oan” cho thánh nữ và chính thức loan truyền LCTX và công bố Chúa nhật II PS là lễ mừng kính LTXC, và chính CP Gioan-Phaolô II cũng đã ban hành Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương ().
Người có công đầu tiên truyền bá LCTX chính là Lm Micae Sopocko (Ba Lan), linh mục giải tội cho thánh nữ Faustina. Ngài là một linh mục nhiệt thành, sống tâm linh, hạnh phúc với sứ vụ mục tử, nhưng chính linh mục này mới đầu cũng “nghi ngờ” thánh nữ Faustina bị tâm thần. Nhưng từ năm 1933, khi được bổ nhiệm làm tuyên úy cho Dòng Nữ tử Đức Mẹ của Lòng Thương Xót (Sisters of Our Lady of Mercy) ở Vilnius, nay là Lithuania, Lm Micae Sopocko đã “thay đổi hoàn toàn”.
Sau mỗi chục Kinh Mân Côi, giáo hội có lời nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn”. Như vậy, Giáo hội đã “nhắc nhớ” tới LCTX từ lâu rồi, nhưng đôi khi có mấy ai lưu ý!
Trong bài thánh ca “Tán Tụng Hồng Ân”, cố nhạc sư Hải Linh đã viết: “Con sẽ ca ngợi Lòng Thương Xót Chúa muôn muôn đời”, dù lúc ông sáng tác bài đó chưa phổ biến việc sùng kính LCTX, tôi nghĩ ông như nói tiên tri vậy.
Ngay cả việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng chỉ có từ thế kỷ 11, nhưng mãi đến thế kỷ 16, đó vẫn là lòng sùng kính riêng tư, thường liên kết với lòng sùng kính Năm Dấu Thánh Chúa Giêsu. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu đầu tiên được cử hành ngày 31-8-1670 ở Rennes, Pháp, nhờ nỗ lực của Lm Gioan Eudes (1602-1680). Tại Rennes, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu lan rộng, nhờ thị kiến của thánh nữ Margaret Maria Alacoque (1647-1690) mà lòng sùng kinh Thánh Tâm Chúa Giêsu mới lan rộng toàn cầu.
Thiên Chúa là Vị-Thẩm-Phán-Nhân-Hậu và mệnh danh là Tình Yêu (x. 1Ga 4, 8 & 16). Nói đến Tình Yêu Thiên Chúa hay Thánh Tâm Chúa, hoặc Lòng Chúa Thương Xót, đúng là vẫn là MỘT. Không Yêu thì không có Trái Tim, có Trái Tim thì ít nhiều phải biết Yêu (dù yêu kiểu nào), ngay cả người tâm thần vẫn biết yêu (ở mức độ nào đó). Máu còn chảy là tim còn đập, tim còn đập là còn yêu, người sống thực vật vẫn biết Yêu dù họ không thể nói ra, mà yêu theo “kiểu” Chúa Giêsu tức là Lòng Thương Xót. Tình yêu hay Lòng Thương Xót , hoặc lòng trắc ẩn, luôn khó hiểu. Thiên Chúa kỳ diệu vì Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4, 8 & 16).
Não bộ là trung tâm điều khiển, nhưng trái tim mới chính là “trung tâm sự sống”, là nguồn sống. Những người bị điên khùng, bị thiểu não, hoặc bị bại não và sống thực vật, thậm chí là chết lâm sàng, nhưng họ vẫnsống nhờ trái tim hoạt động. Tim hoạt động nghĩa là máu còn lưu thông. Vậy MÁU rất quan trọng cho sự sống. Chúng ta thường nói người này hay người nọ “máu lắm” là vậy. Cũng chính vì máu đó mà Thánh Tâm Chúa Giêsu là “lò lửa yêu thương” hằng cháy bừng. Nhưng máu Ngài không bạo động, không thù hằn, không ghen ghét,… mà máu Ngài chỉ đầy chất YÊU. Chẳng vậy mà trước khi chết, Ngài còn “làm phép” để trao ban chính Máu Thịt Ngài làm thần lương nuôi sống chúng ta hằng ngày. Độc chiêu quá!
Đáng lẽ chúng ta, những tội nhân, phải bị Thiên Chúa trừng phạt vì đã phạm những tội quá kinh khiếp và tái phạm quá nhiều lần, tiếp tay với Giuđa và ăn chia với ma quỷ, đồng thời lại “rửa tay” như Philatô, nhưng Thiên Chúa đã bắt chính Con Yêu Dấu là Chúa Giêsu “phải” chịu hình phạt là chết thay cho chúng ta. Chúa Giêsu biết mình bị hàm oan nhưng Ngài hết lòng tuân phục Cha nên vui nhận cái chết nhục nhã ê chề nhất: “Đức Ki-tô đã cứu chuộc chúng ta khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, trong khi vì chúng ta mà chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ!” (Gl 3:13).
Vậy Chúa Giêsu là người tâm thần! Nếu không tâm thần thì tại sao Ngài lại yêu thương kẻ ghét cay ghét đắng mình đến nỗi điên cuồng là chịu chết nhục nhã trên Thập giá? Kẻ ghét Ngài là ai? Là chính chúng ta (từ giáo hoàng tới giáo dân), vì tất cả chúng ta đều là tội nhân, mới sinh ra là tội nhân rồi, thế nên mới PHẢI rửa tội, và nếu không nhờ Ơn Cứu Độ thì không ai được nên công chính!
Tất cả chúng ta, ngay cả người được coi là đạo đức, cũng vẫn luôn cần LCTX, linh mục nọ SAI ở chỗ này. Còn người ngoại đạo hoặc vô thần càng cần LCTX hơn là cái chắc, nhưng nên biết rằng “ở đâu nhiều tội lỗi thì ở đó nhiều ân sủng” (Rm 5:20), nghĩa là ai càng tội lỗi thì càng đáng hưởng nhờ LCTX, vì chính Chúa Giêsu đã bỏ 99 con chiên “ngoan” mà đi tìm 1 con chiên lạc (x. MT 18, 12-14; Lc 15, 4-7). Thế mới là Thiên Chúa yêu thương.
Vậy LCTX có thực sự cần thiết hay không, cần ít hay nhiều? Riêng tôi thì rất cần và luôn rất cần LCTX.
Phúc âm về người gieo giống (CN XV TN/A – Mt 13:1-23), chúa chỉ nói “nhẹ” thôi: “Ai có tai thì nghe!”. Thật quá đơn giản, nhưng thiết tưởng lại không hề đơn giản! Người Việt thường nói: “Vô tri bất mộ”.
Và đây là CHIẾC KIỀNG của LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT:
Lòng Thương Xót Chúa rạch ròi
Ba T làm chuẩn cho người người theo
Chữ T thứ nhất: Thỉnh cầu
Thứ hai: Tín thác vững vào Giêsu
Thứ ba: Sớm tối chăm lo
Thực hành Luật Chúa sớm khuya chân tình
Lòng Thương Xót Chúa công minh
Chúa hứa rành rành, chẳng chút gì sai!
Chúng ta phải sống yêu thương vì Ngài yêu thương chúng ta trước (x. 1Ga 4:19). Nhưng dù có làm được gì thì chúng ta cũng chỉ là đầy tớ vô dụng (x. Lc 17:10).
Xin cảm ơn người gởi mail, vì nhờ vậy mà tôi có dịp nói một chút về LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, và có lẽ tôi cũng đang có vấn đề về tâm thần! Xin Chúa biến đổi mỗi người trong chúng ta ngày càng nên giống Chúa hơn. Amen.
Tác giả bài viết: Thom. Aq. TRẦM THIÊN THU
Nguồn tinvui.info