Khi các ngươi thấy: Mây mọc bên Ðoài, tức khắc các ngươi nói: Mưa kéo đến. Và có như vậy. Khi thấy Gió nồm bốc thổi; các ngươi nói: Trời sẽ hanh. Và có thế. Quân giả hình! Ráng đất và trời, các ngươi biết thẩm định; còn về thời buổi này, sao các ngươi lại không biết thẩm định? (Lc 12, 54-56)
Thần khí phán rõ ràng: vào những thời cuối hết sẽ có những người chối bỏ đức tin mà chạy theo những thần khí lầm lạc, những đạo lý của quỉ ma, mắc mưu bộ giả hình của quân láo khoét, táng tận lương tâm. (2 Tim 4,1-2)
Giáo Hội dường như đang ngày một trở nên mông lung, mất phương hướng, và rơi vào tình trạng “vô chính phủ”. Kho tàng đức tin và giáo huấn, ân sủng và kỷ luật, tập tục và lễ nghi…dường như đang bị coi nhẹ và buông lỏng quản lý. Đức HY. Raymond Burke cũng đã từng nói rằng, ngài cảm thấy con thuyền của Phê-rô đang chòng chành như thể không có bánh lái. Điều gì đang xảy ra vậy?
1. Tập tục nghi thức bị coi nhẹ?
Nếu quan sát, người ta sẽ dễ dàng nhận ra một sự coi thường, thậm chí là ác
cảm, đối với những nghi thức và tập tục trong GH. Tất cả những gì mang tính truyền thống đi liền với ngôi vị giáo hoàng từ nơi ở, danh hiệu, địa vị, những phục trang mang tính biểu tượng dành cho giáo hoàng, và ngay chính danh xưng giáo hoàng, đều không được mấy ưa dùng. Danh xưng Giám Mục Rôma được ưa chuộng hơn danh xưng giáo hoàng. Tất cả những điều đó dường như làm cho người ta cảm thấy bị dị ứng!
Người đứng đầu Giáo Hội không muốn ở trong căn hộ mà các Giáo Hoàng vẫn ở. Ngài không dùng phẩm phục tượng trưng cho địa vị của mình như dây stola, áo quàng vai, nhẫn, giày như các Giáo Hoàng khác vẫn dùng. Ngài tránh không ngồi trên ghế mà các giáo hoàng vẫn ngồi. Ngài đi lại với hộ chiếu của Argentina chứ không phải của Vatican. Ngài thể hiện một phong thái tự do, không câu nệ hay ràng buộc vào một quy tắc nào cả. Phát ngôn tự do. Đi lại tự do…nhưng tất cả những thứ liên quan đến đời sống cá nhân này thì có gì đáng kể đâu!
Tuy nhiên, nếu người ta vẫn thường nói, chiếc áo không làm nên thày tu, thì
cũng cần nhớ rằng, đã là thày tu thì phải có áo! Thêm nữa là, tất cả những dấu hiệu đặc thù bên ngoài của giáo hoàng đều diễn tả một ý nghĩa tinh thần sâu xa nào đó. Vì thế, không bao giờ được đánh giá việc thêm bớt các dấu hiệu bề ngoài đó với tư duy thuần tuý kinh tế! Việc phế bỏ các dấu hiệu đặc thù bề ngoài của giáo hoàng phải mang một ý nghĩa tinh thần nào đó sâu xa hơn là ý nghĩa tiết kiệm đơn giản! Tắt một lời, người đứng đầu GH đã chứng minh cho mọi người thấy, ngài là một giáo hoàng chẳng giống với bất kỳ một giáo hoàng nào trong lịch sử GH. Và cái việc chẳng giống với bất kỳ ai đó còn tiếp diễn ở các chuyện khác lớn lao hơn nhiều!
2. Truyền thống phụng vụ và lễ nghi của GH bị xem thường?
Những nguyên tắc và thực hành cổ truyền của GH liên quan đến phụng vụ
nói chung và nhất là đến thánh lễ cũng đang bị coi nhẹ và bỏ qua một bên. Thánh Lễ Tiệc Ly, thánh lễ của mọi thánh lễ, theo nguyên tắc và truyền thống GH, phải được cử hành cách trang trọng nhất có thể cho công chúng tham dự. Vậy nhưng, người đứng đầu GH đã phá lệ bằng cách chọn nhà tù, một nơi tượng trưng cho ô uế và tội lỗi, làm nơi cử hành lễ cực thánh đó và ngài còn đi xa hơn bằng cách rửa chân cho nữ giới, bao gồm cả một thiếu nữ Hồi Giáo. Đây là ngoại lệ chưa từng có trong lịch sử GH! Đã có những tiếng kêu than phàn nàn và trách móc trước việc làm này của người đứng đầu GH. Đáp lại, ngài chỉ nhẹ nhàng nói: điều tôi làm bắt nguồn từ con tim và điều gì bắt nguồn từ con tim thì không cần lý lẽ!
Người ta có 365 ngày trong năm để thể hiện tình thương đối với những người
bị cầm tù. Tại sao không chọn 364 ngày còn lại trong năm để thể hiện tình thương ấy mà lại chọn đúng thời điểm Thánh Lễ Tiệc Ly long trọng và là đỉnh cao của năm phụng vụ? Hơn nữa, nếu người ta không nên dùng các bí tích làm phương tiện chế tài thì cũng có nên dùng các bí tích để làm phần thưởng không? Kho tàng ân sủng các bí tích là của Chúa chứ không phải của riêng ai. Giáo Hội chỉ là người quản lý chứ không phải ông chủ. Những ai được trao quyền quản lý kho tàng ấy, phải thi hành theo ý của ông chủ. Ý của ông chủ được diễn tả qua quy tắc và lời dạy của Giáo Hội. Bất chấp quy tắc và lời dạy của Giáo Hội chỉ có thể là hành vi phá hoại!
Với những gì đang diễn ra, người ta dễ dàng nhận thấy rằng, vẻ đẹp và uy nghi của phụng vụ không còn được đề cao thể hiện. Sự dễ dãi, tuỳ tiện, và cẩu thả trong phụng vụ đang ngấm ngầm được mở đường cho tràn vào trong phụng vụ thánh của GH.
Mới đây, nghi thức rửa chân trong Thánh Lễ Tiệc Ly đã chính thức bị thay đổi. Lý do thay đổi được giải thích vắn tắt là để “diễn tả đầy đủ và trọn vẹn hơn ý nghĩa của nghi thức!” Vậy phải chăng suốt hàng thế kỷ qua, GH đã không hiểu và diễn tả đầy đủ ý nghĩa của nghi thức này? GH đã không hiểu trọn vẹn ý nghĩa điều mình làm?
Truyền Thống GH và các giáo hoàng trước đây chỉ luôn rửa chân cho các
nam nhân, tượng trưng cho các tông đồ, như Chúa Giêsu đã làm trong Bữa Tiệc Ly. Lặp lại điều Chúa Giêsu đã làm là để ghi nhớ ý nghĩa và thực hành bài học mà Chúa Giêsu đã dạy. Khi người ta thay đổi nghi thức rửa chân, rửa chân cho mọi hạng người, già trẻ nam nữ, thì người ta đã làm điều mà Chúa Giêsu đã không làm. Vì thế, thật khó mà có thể nói rằng, người ta đang diễn tả ý nghĩa và thực hành bài học của Chúa Giêsu. Điều người ta làm đơn giản là khác với điều Chúa Giêsu đã làm, nên ý nghĩa và bài học mang lại cũng đương nhiên là khác. Khác thế nào thì mỗi người hãy xin ơn khôn ngoan mà hiểu!
Cần nói thêm rằng, việc thay đổi vừa rồi liên quan đến nghi thức rửa chân nếu có gây ra một sự ngạc nhiên nào đó, thì cũng chỉ là đối với những ai ở “vùng sâu vùng xa” của GH, như Việt Nam hoặc một vài nơi nào đó ở Á Châu hoặc Phi Châu mà thôi! Chứ đối với giáo hội tại Âu-Mỹ, thì họ đã đi trước thực hành từ lâu. Chẳng những họ thực hiện việc rửa chân cho cả nam và nữ, nhưng còn để mọi người cùng rửa chân cho nhau trong Thánh Lễ Tiệc Ly. Trong Thánh Lễ, sau khi các giám mục hay linh mục rửa chân cho nam nữ giáo dân xong, đến lượt chính mỗi người giáo dân cũng được mời gọi rửa chân cho những người bên cạnh! Vì thế, việc thay đổi nghi thức rửa chân mà Vatican công bố vừa qua nếu có gây ra một sự ngạc nhiên nào đó đối với giáo hội tại Âu-Mỹ, thì đó là việc họ nhận ra rằng tại sao vẫn còn có những nơi chưa thực hành giống họ! Chỉ dẫn từ Vatican đâu có gì mới! Đó chỉ là sự chuẩn nhận những gì đang diễn ra trong thực tế cuộc sống mà thôi!
Vâng, những sự phá rào ra khỏi nguyên tắc và kỷ luật như thế, theo dòng thời gian, thay vì phải được chỉnh đốn thì lại được cấp phép thừa nhận. Cái lô-gic ấy đang có xu hướng lan sang các lãnh vực đức tin và luân lý khác nữa!
3. Đại kết giả tạo và tôn giáo thập cẩm đang được vun trồng?
Vào ngày 6/1/2016, nhằm đúng ngày Lễ Hiển Linh, Vatican đã phát đi cho muôn dân biết một đoạn video được nói bằng bẩy ngôn ngữ khác nhau. Trong đoạn video đó, giáo hoàng kêu gọi mọi khán thính giả cầu nguyện cho đối thoại liên tôn và nói rằng: nhiều người suy nghĩ khác nhau và cảm nhận sự việc khác nhau, và trong lăng kính đa dạng của tôn giáo này, chúng ta có một sự chắc chắn rằng: tất cả chúng ta đều là con cái Chúa. Rồi trong video xuất hiện đại diện của bốn tôn giáo khác nhau, đứng quây thành vòng tròn, chìa tay ra trước mặt với những biểu tượng tôn giáo trên đó. Đại diện Phật Giáo đưa tượng Đức Phật ra và nói, tôi tin vào Đức Phật. Đại diện Công Giáo đưa tượng Chúa Hài Đồng ra và nói, tôi tin vào Chúa Giêsu. Đại diện Hồi Giáo đưa chuỗi hạt cầu nguyện ra và nói, tôi tin vào Đấng Alla. Đại diện Do Thái Giáo chìa chân nến bẩy nhánh ra và nói, tôi tin vào Thiên Chúa. Rồi tất cả đại diện các tôn giáo đồng thanh nói: tôi tin vào tình yêu!
Thật không thể tin được lại có một kiểu đại kết hỗn mang như vậy xảy ra tại
Vatican! Hỗn mang là bởi vì niềm tin Công Giáo chân thật bị đem ra đặt chung một chiếu với các niềm tin giả trá. Sai lầm và chân lý cùng nắm tay song hành. Chúng ta cùng tin vào tình yêu! Không biết đây là tình yêu nào. Với chúng ta, cần phải xác định rõ như Thánh Gioan: hãy tin vào tình yêu Chúa (1Ga 4, 16).
Như đã trình bày trong loạt bài về cuộc cách mạng Vatican II, phong trào Đại Kết mà Vatican II khởi xướng dường như chỉ có một mục đích là làm lu mờ và suy yếu đức tin Công Giáo. Giáo Hội Công Giáo đã thay đổi và hy sinh quá nhiều căn tính Công Giáo của mình để trở nên gần gũi hơn với các niềm tin tôn giáo khác. Chẳng thấy các tôn giáo khác phải sửa đổi chính họ cái gì để đến với chúng ta. Họ cứ luôn là chính họ và ngày càng khẳng định chân lý của họ cách quyết liệt hơn. Còn chúng ta thì cứ ngày càng trở nên nhạt nhoà hơn để chạy theo họ. Còn họ thì chẳng thấy chúng ta hấp dẫn gì hơn, dù tốn bao công sức để tút tát tân trang!
Hiện tình thế giới hôm nay cho thấy, dù chỉ là một sự hợp nhất giả tạo bề ngoài mang tính chính trị ngoại giao giữa các tôn giáo cũng khó lòng đạt được, làm sao dám mơ đến sự hợp nhất trong đức tin. Mà phong trào Đại Kết cũng chẳng bao giờ nhắm đến việc hợp nhất trong đức tin. Cái mà nó nhắm đến là một sự hợp nhất giả tạo, nhằm xoá bỏ mọi khác biệt, mọi tiêu chuẩn giữa đúng và sai, giữa chân lý và sai lầm… nói cách khác, đó là một tôn giáo đại kết, một tôn giáo nhắm đến việc đón nhận và thâu nạp tất cả mọi niềm tin tôn giáo, để rồi làm méo mó và biến dạng tất cả, nhất là niềm tin công giáo (xem thêm bài 15).
Mục tiêu của Đại Kết như thế là hoàn toàn đối nghịch với đức tin và giáo huấn truyền thống của Giáo Hội.
4. Các Bí Tích đang bị coi thường?
Trước tiên là Bí Tích Rửa Tội. Mọi người đã quá quen với những phát ngôn sốc của như: Bạn không cần thiết phải rửa tội để được cứu! Thật ngu ngốc khi nghĩ rằng cần phải hoán cải người khác theo công giáo! Người vô thần cũng được lên thiên đàng! Và gần đây nhất như trong đoạn video vừa nói ở trên, giáo hoàng nói: Tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa! Một lời nói cho huề cả làng! Chúng ta đều giống nhau cả! Đúng là phát ngôn đại kết! Bất cứ ai có chút kiến thức giáo lý cũng hiểu được rằng, phải nhờ đến ơn của Bí Tích Rửa Tội thì người ta mới được làm con cái Chúa. Thánh Gioan Tông Đồ cũng nói, ai đón nhận và tin vào Chúa Giêsu mới được quyền làm con cái Thiên Chúa (Ga 1,12).
Theo lời của giáo hoàng nói thì đâu phải cần đến Bí Tích Rửa Tội, người ta mới được làm con cái Chúa. Tư cách làm con cái Chúa trở thành món quà miễn phí vô điều kiện mà giáo hoàng phát không cho mọi người. Dầu vậy, chưa chắc thiên hạ đã thèm. Họ có thể nói chúng tôi là con cái Phật. Chúng tôi là con cái Đấng Alla! Đừng có gom chúng tôi vào chung một mối như vậy!
Tất cả những phát ngôn và tuyên bố kể trên là gián tiếp hạ thấp vai trò và sự cần thiết của Bí Tích Rửa Tội.
Sau nữa, phải nói đến Bí Tích Thánh Thể. Những xôn xao về việc có thể cho những người sống công khai trong tình trạng tội lỗi (người ly dị tái hôn, chung sống không giá thú, và các kết hợp đồng tính) được rước lễ còn chưa kịp lắng xuống, thì mới đây, người đứng đầu Giáo Hội lại lấp lửng về một khả năng cho người Tin Lành được rước lễ. Chuyện xảy ra khi ngài đến tham dự một buổi cầu nguyện trong một nhà thờ Tin Lành ở Rôma hôm 15/11/2015. Một phụ nữ Tin Lành, lấy chồng Công Giáo nhưng không hoán cải theo Công Giáo, đã hỏi giáo hoàng về khả năng cô ta có thể rước lễ trong nhà thờ Công Giáo? Giáo hoàng đã không trả lời dứt khoát có hay không như đáng ra cần làm. Trái lại, ngài đã trả lời vòng vo dài dòng. Nào là chúng ta có nhiều cái chung. Phép rửa chung là mấu chốt của vấn đề. Những gì liên kết chúng ta thì lớn hơn những cái chia rẽ chúng ta! Rồi ngài bán quyền quyết định cho chính người phụ nữ đó rằng, hãy cật vấn lương tâm xem có nên rước lên không! Tại sao ngài lại không thẳng thắn rõ ràng hơn nhỉ? Lẽ ra phải nhân cơ hội ấy mà trình bày giáo lý của GH. Những người lạc giáo và ly giáo không thể lãnh nhận các bí tích trong GH Công Giáo. Không hiểu là giáo hoàng không nhớ hay cố tình làm ngơ?
Theo tin gần đây, trong một thánh lễ tại Vatican Mình Thánh Chúa cũng đã được trao cho một số người Tin Lành trong dịp họ đến tham dự một buổi gặp mặt mang tính đại kết với giáo hoàng. Như vậy ta thấy, việc cho những người lạc giáo và ly giáo như Tin Lành được rước lễ là một sự thật đã được chứng minh bằng việc làm và những lời bóng gió mở đường của giáo hoàng.
Tắt một lời, việc cho những người công khai sống trong tình trạng tội lỗi và những người lạc giáo ly giáo rước lễ không phải là một bước tiến đại kết, không phải là một thay đổi kỷ luật, không phải là một bước tiến của thần học, càng không phải là một biểu hiện của tình thương. Trái lại, đó chính xác là một sự xúc phạm và làm hư Bí Tích Cực Thánh của Chúa, và xúc phạm đến chính Thân Mình Chúa Giêsu. Cùng với sự phạm thánh công khai như đã đề cập trong bài 4, tất cả những việc làm trên chẳng khác nào hành vi đem của thánh quăng cho heo để chúng giày xéo chà đạp!
Cuối cùng, cần phải nhắc đến Bí Tích Giải Tội. Việc làm ngơ trước sự vô luân của của thế giới và né tránh nhấn mạnh đến việc hoán cải và sám hối tội lỗi cá nhân, có thể coi là những biểu hiện của sự thờ ơ đối với BTGT.
Những người lạc giáo và giáo đã chối bỏ BTGT và bài bác việc xưng thú tội lỗi cá nhân với linh mục. Họ dạy rằng chỉ cần tin tưởng vào Chúa, tin tội mình sẽ được tha, là tội sẽ được tha! Ngon lành như vậy đó! Phải chăng vì thế mà có một số người Công Giáo hôm nay cũng thấy thèm được như vậy? Có vẻ như họ cũng đang tự nhủ và được dạy rằng, chỉ cần tôn thờ và tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa là đủ. Hãy nhớ rằng, tôn thờ và tín thác LTXC bao nhiêu đi nữa mà nếu lãng quên việc sám hối và xưng thú tội lỗi cá nhân, thì cũng trở nên giống như những kẻ lạc giáo và ly giáo!
Một biểu hiện nữa, mặc dù mới chỉ dừng ở mức là một đề nghị, của việc làm hư BTGT, là đề xuất của linh mục Guillermo Marco. Theo Sandro Magister, một quan sát viên Vatican, cho biết, đây chính là nhân vật mới được xác nhận là đã xuất hiện trong video đại kết của giáo hoàng mới đề cập ở trên.
Marco là nhân vật chẳng xa lạ gì với giáo hoàng, bởi ngài từng là phát ngôn
viên chính thức cho giáo hoàng khi ngài còn là TGM của Buernos Aires. Dù bị buộc phải thôi chức phát ngôn viên vì một tai nạn truyền thông liên quan đến lời bình luận về quan điểm của Đức Benedicto XVI đối với Hồi Giáo tại Regensburg năm 2006, nhưng từ ngày Đức HY Jorge Mario Bergoglio được lên ngôi giáo hoàng, người ta lại thấy Marco xuất hiện và ngày càng trở nên gần gũi với giáo hoàng.
LM. Guillermo Marco sánh vai bên giáo hoàng |
Vậy linh mục Marco đã đề xuất sáng kiến gì? Trong một bài viết đăng trên tờ báo El Clarin của Argentine ngày 13/1/2016, Marco đã chú giải lại dụ ngôn “Đứa Con Hoang Đàng” và khẳng định rằng, người con trở về nhàkhông phải vì anh ta đã sám hối nhưng là vì nhu cầu cần thiết (đói bụng?). Và như vậy là đủ cho người cha mở rộng vòng tay đón nhận, không cần chờ anh ta hoán cải!
Nhưng điều quan trọng nhất là việc Marco nói rằng, đã gửi lời thỉnh cầu đến giáo hoàng, kêu gọi sửa đổi việc thực hành BTGT như hiện nay. Marco biện hộ rằng, qua bao nhiêu thế kỷ, Giáo Hội đã đe doạ tội nhân với đủ thứ hình phạt gớm ghiếc cả đời này và đời sau, đặc biệt là đối với những tội cá nhân liên quan đến việc tự do hưởng thụ lạc thú và tính dục. Rồi Marco đề xuất cụ thể rằng, việc chạy đến với BTGT chỉ nên áp dụng đối với những tội gương mù gương xấu công khai. Còn những gì liên quan đến hành xử riêng tư, thì để cho mỗi cá nhân được tự do quyết định, trong tương quan với Chúa, xem điều gì là tốt, là xấu! Theo Sandro Magister, một quan sát viên Vatican, cho biết, Marco đã thực hành những đề xuất của mình mà không hối tiếc hay sợ hãi!
Không biết giáo hoàng sẽ nghĩ gì trước đề xuất của một thuộc hạ thân tín là Marco này? Nhưng xem ra đề xuất của Marco có vẻ khá thức thời và hợp với luồng sinh khí đang luân chuyển trong Giáo Hội. Trong Giáo Hội hiện thời ta thấy, những vấn đề thuộc phạm trù chính trị xã hội như chênh lệch giàu nghèo, hệ thống lương bổng bất công, ô nhiễm môi trường, buôn bán phụ nữ và trẻ em, buôn bán vũ khí, vấn đề di dân…được ưu tiên nhấn mạnh nhiều hơn và hô hào lớn tiếng. Còn những vấn đề luân lý, ảnh hưởng đến phần rỗi linh hồn như, vấn đề đồng tính luyến ái, ly dị, ngừa thai, bao cao su…thì có vẻ như là những thứ vụn vặt thuộc phạm trù tự do cá nhân, không đáng phải bận tâm nhiều!?
Nếu đề xuất của Marco bằng cách nào đó, dù được công khai chấp nhận hay không mặc lòng, mà đi vào đời sống Giáo Hội, thì BTGT chỉ còn là một quà tặng dư thừa của Chúa dành cho con người! Bởi vì giờ đây, chỉ các cơ cấu xã hội mới có lỗi, còn cá nhân con người chẳng có tội gì!
Điều này đã có biểu hiện từ lâu như đã phân tích trong các bài trước, nhất là loạt bài về cuộc cách mạng Vatican II. Ngày hôm nay, giáo huấn đức tin và luân lý của GH liên quan đến sự sống và hôn nhân gia đình đang lung lay dữ dội! Hiện trạng đó là hệ quả của những phát ngôn và thái độ mập mờ nửa vời của người đứng đầu GH.
Thật vậy, trên chuyến bay từ Brazil trở về Rôma ngày 29/7/2013, khi được
hỏi về quan điểm đối với vấn đề đồng tính luyến ái, người đứng đầu GH đã buông ra một câu nói lấp lửng “tôi là ai mà xét đoán!” Câu nói như một trái khinh khí cầu nổ tung giữa bầu trời! Giới đồng tính trên toàn thế giới tung hô ca ngợi giáo hoàng như vị thánh sống. Các tạp chí dành cho dân đồng tính như Rolling Stone, The Advocate … đồng loạt phong giáo hoàng là nhân vật của năm và đăng hình trên trang bìa nhất. Ca sĩ đồng tính nổi tiếng Elton John còn đề nghị phong thánh ngay cho giáo hoàng. Các xã hội dân sự cũng hiểu câu nói lấp lửng của giáo hoàng theo ý là ngài ủng hộ đồng tính. Họ đua nhau hợp pháp hôn nhân đồng giới và reo hò ăn mừng chiến thắng!
Trong nội bộ GH thì cũng người bênh vực, có kẻ phê bình câu nói trên của
giáo hoàng. Bên nào cũng đưa ra những lời giải thích chí tình chí lý cho câu nói “tôi là ai mà xét đoán”. Tuy nhiên, trải qua hai kỳ Thượng Hội Đồng GM Thế Giới (Synod) năm 2014 và 2015, dịp viếng thăm Hoa Kỳ và dự Đại Hội Gia Đình Thế Giới hồi tháng 9, năm 2015, vẫn chưa thấy chủ nhân của câu nói đó công khai nói rõ hơn quan điểm của mình ẩn trong đó là gì. Trái lại, những biểu hiện ủng hộ đồng tính luyến ái đã được phô ra cho mọi người thấy như đã nói ở các bài trước. Thật tội nghiệp cho những ai tốn sức gia công chú giải và bảo vệ ý ngay lành của câu nói “tôi là ai mà xét đoán”. Đối với con người trong thế giới hôm nay, vấn đề đồng tính kể như đã được giải quyết!
Đồng tính hay dị tính đều là tự nhiên cả!?
Tiếp đến, cũng lại trên một chuyến bay từ Kenya trở về Rôma ngày 30/11/2015, giáo hoàng lại phát đi thông điệp của ngài liên quan đến việc sử dụng bao cao su cho toàn thế giới. Một ký giả đã lên tiếng nêu vấn đề với giáo hoàng rằng, trước đại dịch SIDA đang hoành hành ở Lục Địa Đen, bao cao su tuy không phải là giải pháp duy nhất, nhưng cũng là một cách thức quan trọng trong việc ngăn ngừa đại dịch này, vậy phải chăng đã đến lúc GH cần thay đổi quan điểm của mình về việc sử dụng bao cao su? Giáo hoàng đáp lại với vẻ không mấy hứng thú. Ngài nói: đó chỉ là vấn để nhỏ bé và vụn vặt! Vấn đề đáng quan tâm đối với chúng ta hôm nay là những người đang phải chết đói chết khát ngoài kia, các lao động nô lệ, việc buôn bán và sản xuất vũ khí. Hãy giải quyết các vấn đề ấy trước đi. Câu hỏi của anh khiến tôi liên tưởng đến câu người ta hỏi Chúa Giêsu: có được phép chữa bệnh trong ngày Sa-bát không? Phải chữa! Rồi hãy nói đến chuyện khác!
Ta lại được nghe một kiểu trả lời lấp lửng nữa của giáo hoàng! Ý tại ngôn ngoại. Nói mà không nói. Không nói mà nói! Từ cái logic của tính huống mà giáo hoàng dẫn giải là “có được phép chữa bệnh trong ngày Sa-bát không? Phải chữa! Rồi hãy nói đến chuyện khác!”, người dễ dàng rút ra câu trả lời tương tự cho bao cao su là: có được phép sử dụng bao cao su để ngăn ngừa bệnh SIDA không? Phải dùng! Rồi hãy nói đến chuyện khác!
Câu trả lời trên của giáo hoàng kèm theo diễn giải cả thí dụ từ Kinh Thánh chẳng khác nào là một cái bật đèn xanh cho việc sử dụng bao cao su để ngăn ngừa SIDA. Tình huống khẩn cấp như thế mà còn hỏi được phép hay không được phép gì nữa!? Chuyện vặt vãnh thế mà cùng hỏi!
Thế là thế giới xôn xao và thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng thì giáo hoàng cũng đã cho phép sử dụng bao cao su để ngăn ngừa bệnh tật! Dù không minh nhiên cho phép nhưng phải thừa nhận rằng, những lời trên của giáo hoàng ẩn chứa những cắt nghĩa và thực hành có lợi cho những kẻ ủng hộ bao cao su. Nói mà không nói rõ ràng thì sẽ tạo cớ cho người khác phạm tội! Những ai muốn bảo vệ giáo hoàng và thiện ý ngay lành của ngài trong vấn đề này, cũng nên biết nhắc nhở mình một câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nếu mình mà ngay thẳng rõ ràng trước, thì đâu có chuyện người khác lợi dụng, xuyên tạc và bóp méo. Một số ý kiến mỉa mai trên truyền thông rằng, ngành công nghiệp sản xuất bao cao su sẽ đắc lợi nhiều và nên gửi lời tri ân giáo hoàng!
Mới đây nhất, ngày 18/2/2016, thế giới lại được giáo hoàng gửi thông điệp riêng của ngài từ trên máy bay. Thông điệp lần này liên quan đến việc ngừa thai. Trên chuyến bay trở về Rôma từ Mexico, giáo hoàng đã công khai xác nhận: ngừa thai không phải là hoàn toàn xấu và trong một vài trường hợp, người ta được phép dùng!
Bối cảnh câu chuyện là, ký giả Paloma Garcia Ovejero, Tây Ban Nha, nêu
vấn đề tác hại nguy hiểm của vi-rút Zika đối với phụ nữ mang thai. Một số nhà chức trách đề nghị giải pháp phá thai hoặc ngừa thai. Việc ngừa thai trong trường hợp này có thể được coi là giải pháp chọn điều ít xấu hơn trong hai điều xấu không? Giáo hoàng trả lời dứt khoát, phá thai không phải là một giải pháp chọn điều ít xấu hơn. Đó là một tội ác hoàn toàn xấu xa. Phá thai là tội ác giống như những gì Mafia vẫn làm. Trái lại, ngừa thai không phải là điều hoàn toàn xấu. Trong một số trường hợp, cụ thể như trong tình cảnh vi-rút Zika này, người ta có thể dùng. Cũng như trước đây, Đức Phao-lô VI, trong một hoàn cảnh khó khăn ở Phi Châu, đã cho phép các nữ tu được sử dụng các biện pháp ngừa thai trong trường hợp bị hãm hiếp!??
Với phát ngôn “ngừa thai không phải là một điều hoàn toàn xấu”, người
đứng đầu GH phải chăng đã cố tình giẫm đạp lên các nguyên tắc và giáo huấn luân lý căn bản mà GH, trong suốt dòng lịch sử, đã luôn truyền dạy một cách nhất quán. Đức Pio XI dạy rằng, mọi hình thức ngừa thai đều sai lầm tự bản chất(Thông Điệp Casti Connubii, số 53-56, ngày 31/12/1930). Đức Phao-lô VI cũng truyền dạy tương tự: Chủ ý ngừa thai trước khi, đang khi và sau khi giao hợp, dù như một phương tiện hay mục đích, luôn luôn là một sai lầm tự bản chất. Giáo Lý Công Giáo cũng lặp lại tương tự! Ngừa thai luôn luôn là một điều xấu luân lý nên không bao giờ được phép coi ngừa thai như một chọn lựa ít xấu hơn giữa hai điều xấu. Cũng không bao giờ được phép biện minh cho việc ngừa thai bằng một điều tốt có thể phát sinh từ đó. Không bao giờ có một cái gì tốt có thể được sinh ra bởi một cái xấu tự nội tại! (Thông Điệp Humanae Vitae, #14; Giáo Lý Công Giáo #2370).
Thêm nữa, nguồn tin từ Vatican cho biết, phát ngôn viên của Vatican, Lm. Feredico Lombardi, đã chính thức xác nhận rằng: việc giáo hoàng cho phép tránh thai trong trường hợp vi-rút Zika là một tín hiệu chỉ dẫn cho người Công Giáo biết rằng, trong những trường hợp khẩn cấp khác, họ có thể được phép ngừa thai. Lm. Lombardi nói thêm rằng, người Công Giáo với lương tâm được đào luyện tốt, có thể sử dụng các biện pháp ngừa thai trong những trường hợp khẩn cấp!
Thật không thể tin nổi thứ giáo lý mới hoàn toàn đối nghịch với giáo huấn truyền thống của Giáo Hội. Chỉ dựa vào một giả thiết còn chưa được chứng minh – tác hại của vi-rút Zika đối với thai phụ, và một trích dẫn phi lịch sử được gán cho Đức Phao-lô VI, mà ngừa thai được cho phép thì thật là vội vã. Như đã nói trong bài 22, giáo huấn về hôn nhân gia đình nói chung và ngừa thai nói riêng đã bị các con cái của thánh I-nhã bác bỏ từ lâu. Karl Rahner S.J. đã kết án Thông Điệp Sự Sống Con Người - Humanae Vitae – của Đức Phao-lô VI là hoàn toàn sai lầm! Có lẽ vì không muốn để cho “sai lầm” của Humanae Vitae làm khổ con người quá lâu, nên phải nhân cơ hội con vi-rút Zika này mà nhanh chóng cất bỏ sai lầm ấy đi cho loài người được nhờ chăng?!.
Mở ngoặc thêm là, khi nói “các biện pháp ngừa thai” có thể được dùng, điều đó có nghĩa là, bao cao su các loại, thuốc uống các loại theo định kỳ hay khẩn cấp, vòng vành các loại, cao dán các loại, tiêm cấy các loại, và tất cả sáng kiến các loại mà người ta có thể nghĩ ra để ngừa thai, đều có thể được dùng trong các trường hợp khẩn cấp. Ngoài trường hợp khẩn cấp vi-rút Zika ra, không biết các trường hợp khẩn cấp khác là trường hợp nào. Người phát ngôn của Vatican tự tin lạc quan rằng, những người Công Giáo với lương tâm được đạo luyện tốt, sẽ biết quyết định khi nào phải sử dụng các biện pháp ngừa thai. Đó là chưa tính đến nguy cơ người ta sẽ sử dụng cả các biện pháp điều hoà hay nạo hút các loại nữa, bởi vì nhiều người vốn sẵn “năng động và nhanh trí” sẽ hiểu luôn rằng ngừa thai hay không muốn đẻ cũng chỉ là một mà thôi!
KẾT LUẬN
Như vậy ta thấy, qua tất cả những dấu hiệu bề ngoài bề trong, những phát ngôn và hành động như vừa phân tích ở trên, tất cả cùng nhắm đến một mục đích duy nhất là làm giảm nhẹ vai trò của truyền thống và ký ức đức tin ngàn đời của Giáo Hội. Kho tàng đức tin và giáo huấn, truyền thống phụng vụ và lễ nghi, cùng những phong tục tập quán tốt đẹp...đang bị thu dọn và cất vào kho càng kỹ càng tốt, không được để cho chúng tác động đến và chi phối cuộc sống của con người hôm nay. Hãy bận tâm đến những vấn đề thiết thực của con người thời đại hôm nay, chứ đừng hoài cổ về dĩ vãng xa xôi. Dĩ vãng chỉ là dĩ vãng. Dù đẹp đẽ đến đâu thì cũng hãy để cho nó ngủ yên! Phải tập trung vào những bận tâm của thời đại và tiến về tương lai! Không sợ hãi!? Giải quyết những vấn đề đức tin và luân lý của hiện tại mà làm ngơ và không thèm tham chiếu gì đến quá khứ, dường như là hướng đi mà chúng ta đang được dẫn dắt?
Như vậy ta thấy, qua tất cả những dấu hiệu bề ngoài bề trong, những phát ngôn và hành động như vừa phân tích ở trên, tất cả cùng nhắm đến một mục đích duy nhất là làm giảm nhẹ vai trò của truyền thống và ký ức đức tin ngàn đời của Giáo Hội. Kho tàng đức tin và giáo huấn, truyền thống phụng vụ và lễ nghi, cùng những phong tục tập quán tốt đẹp...đang bị thu dọn và cất vào kho càng kỹ càng tốt, không được để cho chúng tác động đến và chi phối cuộc sống của con người hôm nay. Hãy bận tâm đến những vấn đề thiết thực của con người thời đại hôm nay, chứ đừng hoài cổ về dĩ vãng xa xôi. Dĩ vãng chỉ là dĩ vãng. Dù đẹp đẽ đến đâu thì cũng hãy để cho nó ngủ yên! Phải tập trung vào những bận tâm của thời đại và tiến về tương lai! Không sợ hãi!? Giải quyết những vấn đề đức tin và luân lý của hiện tại mà làm ngơ và không thèm tham chiếu gì đến quá khứ, dường như là hướng đi mà chúng ta đang được dẫn dắt?
Giáo Hội đang ở trong một thời điểm cực kỳ nghiêm trọng và nhạy cảm. Tất cả mọi người, từ hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, đang bị đặt ở trong một tình thế buộc phải chọn lựa. Đón nhận tuân theo và rao giảng thứ giáo lý nói trên, thứ giáo lý lạ tai và trái nghịch với giáo huấn truyền thống của Giáo Hội, hay vẫn muốn trung thành với giáo lý cũ đây? Thuộc về ta hay chống lại ta đây? Không thể giữ thái độ nửa vời hai mặt, nhất là với các linh mục, những người trực tiếp truyền đạt đến giáo dân đạo lý của Giáo Hội về hôn nhân gia đình. Nương theo cái mới mẻ hay cố tình bám víu cái cũ kỹ đây? Thật đúng là, những nền tảng đạo lý vững chắc từ bao đời đang từ từ bị “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Đâu là “điểm tựa và cột trụ chân lý” cho ta dựa vào bây giờ đây? Con thuyền của Phê-rô chẳng phải là đang chòng chành như thể là không có bánh lái đó sao?
Đây là khởi đầu của một cuộc sàng lọc phân tách. Ai sẽ đi theo một vị Thiên Chúa của sự mới mẻ và hay gây ngạc nhiên đây? Ai sẽ đi theo một vị Thiên Chúa bị coi là cũ kỹ, cứng nhắc và buồn tẻ đây? Ai theo nhóm thứ nhất sẽ luôn được coi là những người thức thời, can đảm, chấp nhận mạo hiểm, không sợ cái mới, và dám ra khỏi vỏ bọc an toàn để đến với mọi người! Còn ai theo nhóm thứ hai sẽ bị gán nhãn mác là thủ cựu, nhát đảm, hoài cổ, cứng nhắc, và chỉ muốn thu mình trong vỏ bọc an toàn! Nhóm thứ hai thật là nguy hiểm và đáng sợ đối với nhóm thứ nhất như có câu nói rằng: “Tôi sợ các linh mục cứng nhắc! Tôi tránh xa họ. Họ biết cắn!”[1]
Hẳn có người sẽ an ủi rằng, đó không phải là giáo huấn chính thức nhưng chỉ là quan điểm cá nhân mà thôi! Bào chữa như vậy là thừa nhận rằng, người ta có thể sống hai mặt và tự mâu thuẫn với chính mình. Nếu để ý người ta sẽ thấy thế giới tục hoá này từ lâu đã chẳng hào hứng gì với những giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Họ chỉ ham thích và săn tìm những quan điểm và sáng kiến mới lạ thôi. Vậy nên, quan điểm ngừa thai trái nghịch truyền thống ở trên, tuy chưa được coi là giáo huấn chính thức, nhưng hậu quả của nó là khủng khiếp và khó có thể ngăn chặn và đảo ngược. Thế gian không cần để ý đâu là giáo huấn chính thức hay không chính thức. Điều quan trọng là nó đạt được điều nó muốn! Tuyên bố mới về ngừa thai này cũng có thể là một sự dọn đường chuẩn bị cho các giáo lý mới nữa, sẽ được công bố trong một Tông Huấn Hậu Thượng HĐGM về gia đình được kết thúc năm vừa qua. Dự kiến, Tông Huấn sẽ được công bố trong tháng ba tới đây!
Đến đây, ta cùng nhớ lại lời nhắn nhủ tha thiết của Thánh Phao-lô: “Không có Tin Mừng nào khác đâu, mà chỉ có một vài kẻ phá rối anh em, và muốn làm xáo trộn Tin Mừng của Đức Ki-tô đó thôi. Nhưng nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi! Như tôi đã nói, và nay tôi xin nói lại: nếu có ai loan báo cho anh em một Tin Mừng khác với Tin Mừng anh em đã lãnh nhận, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi! Vậy, giờ đây tôi tìm cách lấy lòng người đời, hay lấy lòng Thiên Chúa? Phải chăng tôi tìm cách làm đẹp lòng người đời? Nếu tôi còn muốn làm đẹp lòng người đời, thì tôi không phải là tôi tớ của Đức Ki-tô.” (Gl 1, 7-10)
Tiếp theo là lời dạy của công đồng Vatican I: “Vì Thánh Thần không được ban cho các đấng kế vị Phê-rô để giúp họ khai mở giáo lý mới, nhưng để giúp họ kính cẩn bảo vệ mạc khải và kho tàng đức tin đã được truyền lại qua các tông đồ, và trung thành truyền đạt lại cho các thế hệ. Thật vậy, tất cả các giáo phụ đáng kính đã gìn giữ giáo lý tông truyền, và các Tiến Sỹ chính hiệu đã tôn kính và tuân theo giáo lý ấy, hiểu biết trọn vẹn rằng, Toà Phê-rô luôn đứng vững trước bất kỳ sai lầm nào theo như lời Chúa Cứu Thế của chúng ta đã hứa với thủ lĩnh các tông đồ của Ngài: Ta cầu nguyện cho ngươi để đức tin của ngươi không bị huỷ hoại; phần ngươi, một khi đã hoán cải, hãy củng cố anh em ngươi(Lc 22, 32).”[2]
Và sau nữa là những lời của Đức Benedicto XVI. Khi giảng trong Thánh Lễ nhận chức Giám Mục Rôma tại Vương Cung Thánh Đường Lateran, ngày 7/5/2005, Đức Benedicto XVI đã nhìn nhận rằng: “người nắm giữ chức vụ của Phê-rô cũng chỉ là một con người yếu đuối và bất toàn như chính những khả năng của ngài vậy, và vì thế phải luôn không ngừng thanh luyện và hoán cải.” Rồi ngài khẳng định: “Quyền bính mà Chúa Kitô ban cho Phê-rô và các đấng kế vị, trong một ý nghĩa tuyệt đối, là một mệnh lệnh để phục vụ. Quyền giảng dạy trong Giáo Hội gắn liền với một cam kết vâng phục đức tin. Giáo hoàng không phải là một ông vua tuyệt đối, lấy tư tưởng và ước muốn của mình làm luật lệ. Ngài không được rao giảng các ý tưởng của riêng mình dưới vỏ bọc là nỗ lực thích nghi hoặc thay đổi, và mọi hình thức của chủ nghĩa cơ hội, nhưng phải luôn luôn bó buộc bản thân và Giáo Hội vào sự vâng phục lời Thiên Chúa.”[3]
Thật vậy, kho tàng đức tin, ân sủng, và kỷ luật của Giáo Hội, một kho tàng đã sản sinh và nuôi dưỡng biết bao tầng lớp các thánh nhân, đang thực sự bị nhìn bằng con mắt nghi ngờ và bị tấn công. Người ta không chỉ tấn công vào kho tàng ấy mà thôi, nhưng tất cả những ai muốn trung thành bảo vệ kho tàng ấy cũng đều bị bài bác, chế nhạo, và loại trừ nếu có thể!
Dựa vào những lời của Thánh Phao-lô, Vatican I, và Đức Benedicto VI vừa trích dẫn ở trên, nếu giờ có ai đặt vấn đề rằng: người ta có được phép chống lại một giáo lý trái ngược với giáo lý truyền thống của Giáo Hội không? Thì câu trả lời là: Phải chống! Rồi hãy nói đến chuyện khác!
Xin Chúa ban cho mỗi người ơn khôn ngoan phân định và can đảm để luôn biết chọn lựa phải tin theo cái gì và tin theo ai!
Lạy Thánh Thần Chân Lý, xin phù trợ chúng con!
Xin Chúa chúc lành cho quý vị!