Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Mừng Kính Tổng lãnh Thiên Thần Micae Gabriel Raphael 29.9.2012


“Các ngươi sẽ thấy các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người”

Thánh Tổng Lãnh Thiên thần Micae
Tổng lãnh thiên thần Micae
Micae, danh từ Hêbrô có nghĩa “Ai bằng Thiên Chúa” ám chỉ sự siêu việt của Thiên Chúa, được nói đến trong sách Đamien (10, 13-21) và trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan (12,7) như vị chiến thắng ma quỷ.

Thánh Micae đã chống lại thần dữ để bênh vực quyền tối cao của Thiên Chúa. Giáo Hội nhận thánh Micae như Ðấng bảo trợ và tin rằng ngài vẫn dâng lời cầu nguyện của chúng ta lên ngai tòa Chúa. Ngài được tôn kính ngay từ những ngày xa xưa bên Đông phương. Tại Tây phương, nhiều cuộc hiển linh của thánh Micae càng làm cho việc sùng kính khởi sắc hơn, như tại núi Gargano miền nam nước Ý, dưới thời đức Gelase (192-196).

Tại Pháp, thánh Thiên Thần là một thánh quan thầy. Tổng Lãnh Thiên Thần Micae cũng đã hiện ra với nhiều người, đặc biệt năm 708, ngài hiện ra với Ðức Giám Mục thành Arranche và Ðức Giám Mục đã xây một thánh đường nguy nga để kính dâng Ðức Micae tại Mont Saint Michel. Từ đó, nơi đây đã trở nên một vị trí hành hương lớn.

Theo thánh nữ Jeanne d’Arc, Thánh Micae đã thúc dục bà đi gặp vua Charles VII để lên đường đi cứu nước

Thánh Micae là quan thầy những người làm nghề phải dùng đến lò nung như người làm bánh, người thợ rèn,… Thánh Thiên Thần cũng là quan thầy đoàn lính dù. Nhiều thành phố đã mang tên Người. Thánh Micae cũng được cầu khi giúp bệnh nhân sắp chết.



Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria

Tổng Lãnh Thiên Thần Gabiriel
Gabriel, danh xưng Hêbrô có nghĩa là “Thiên Chúa là sức mạnh”, cũng còn được gọi là “Sứ thần truyền tin”, được gửi đến để báo tin Thiên Chúa can thiệp vào việc cứu rỗi nhân loại và đấng Messia sẽ đến thực hiện. Gabriel được gửi đến với ngôn sứ Danien (Dn 8, 16;9,21-27), với ông Giacaria và Đức Mẹ (Lc 1,11-38;8,16-27;9,21-27). Đây cũng là sứ thần đã nhiều lần hiện ra báo mộng cho Thánh Giuse.


Việc tôn sùng thánh Gabriel nổi bật vào thế kỷ X. Năm 1951, đức Piô XII đặt làm quan thầy các chuyên viên truyền thông (truyền thanh, truyền hình, điện thoại).

Thánh Bernard nhận định: Trong tất cả các thiên thần, đức Gabriel đã được thấy là vị xứng đáng loan báo những chương trình của Thiên Chúa cho Đức Mẹ và đón nhận lời fiat (xin vâng) của Mẹ

Từ những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Kitô Giáo, Đức Tổng lãnh Thiên thần Gabriel đã được phụng vụ tôn kính. Vào thế kỷ IX, tên ngài đã thấy xuất hiện trong danh bộ các thánh, được mừng vào ngày 24 tháng 3, gắn liền với lễ Truyền Tin. Vào năm 1921, Đức Biển Đức XV tuyên bố một ngày lễ kính tổng thần Gabriel trong toàn thể Giáo Hội. Hiện nay, ngài được mừng chung với tổng thần Micae và tổng thần Raphael vào ngày 29 tháng 9

Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael

Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael

Danh xưng Raphael tiếng Hêbrô có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành” hoặc “Thầy thuốc của Thiên Chúa”.

Sách Tobia cho biết, chính ngài đã được Thiên Chúa sai đến giúp đỡ gia đình ông Tobit trong cơn hoạn nạn. Trong câu chuyện này, ngài xuất hiện để dẫn dắt con ông Tobit là Tobia qua những cuộc mạo hiểm dị thường mà sau cùng dẫn đến một kết quả thật tốt đẹp: Tobia kết hôn với Sarah, ông Tobit được chữa khỏi mù mắt và tài sản của gia đình ông được hồi phục. Người đã cho hai cha con biết: “Ta là Raphael, một trong bảy khâm sai của Thiên Chúa hằng ở bên cạnh Ngài trong huy hoàng của Ngài hiện diện.”

Mục đích của câu chuyện là để minh chứng sự Thiên Chúa quan phòng hằng hoạt động trong đời con người và hằng nghe lời cầu xin. Raphael được cầu xin cho thể xác khang an, linh hồn khỏe mạnh và là quan thầy người đi đường.
Trước đây, Thánh Raphael được giáo hội kính nhớ vào ngày 24 tháng 10 hằng năm. Điều này đã được thêm vào niên lịch Giáo Hội La Mã trong những năm 1921. Vào năm 1970, khi duyệt lại niên lịch, Giáo Hội đã đưa ngày lễ kính thánh Raphael vào chung một ngày với thánh Micae và thánh Gabriel.


Cả 3 vị tổng lãnh thiên thần: Micae, Raphael, Gabriel đều được Giáo Hội mừng kính vào ngày 29 tháng 9 hằng năm (lễ kính các tổng lãnh thiên thần)


Ngoài ra, theo một số tài liệu, có tất cả 7 thiên thần quyền quý thường hầu cận bên Thiên Chúa. Sau 3 tổng lãnh thiên thần nêu trên, các vị còn lại là Uriel, Selphiel, Jegudiel, và Barachiel
http://giesulove.net/diendan/hanh-tich-cac-thanh/913-cac-tong-lanh-thien-than.html 




   Lạy Tổng lãnh Thiên Thần Micae yêu dấu, xin Ngài cứu giúp ,trợ giúp chúng con trong cơn giao chiến chống lại mưu chước ma quỷ, chúng như sư tử rảo khắp thế giới làm hại các Linh hồn, con khấn xin Chúa cho chúng con biết chạy đến kêu cầu cùng Ngài nhiều hơn , con xin lỗi Ngài vì rất nhiều người đã quên không đọc lời cầu nguyện cùng Ngài để kêu cầu sự trợ giúp của Ngài , xin Ngài cùng đồng hành với chúng con hàng ngày và xin cho gia đình chúng con đừng rơi vào cơn cám dỗ, nếu ma quỷ có đặt bẫy chúng con xin Ngài ra tay bảo vệ , che chở chúng con. Con tin tưởng vào Ngài, con yêu kính Tổng lãnh Thiên Thần dấu yêu! Amen

Bí ẩn về các Tổng lãnh Thiên thần


Bí ẩn về các Tổng lãnh Thiên thần


Chúng ta thường chỉ biết 3 Tổng lãnh Thiên thần (TLTT) là Micae, Raphael, và Gabriel. Nhưng thực ra còn nhiều TLTT khác, nghĩa là chúng ta chưa “quen” chư vị đó. Ngay trong tam vị TLTT cũng có điều chúng ta chưa biết. Đó là TLTT Micae còn được gọi là Beshter, Mika'il và Sabbathiel; TLTT Raphael còn được gọi là Labbiel; TLTT Gabriel còn được gọi là Abruel, Jibril, Jiburili và Serafili.

Đây là chư vị TLTT còn “xa lạ” với chúng ta:

1. Tên TLTT Uriel nghĩa là “Ánh sáng của Thiên Chúa”, “Lửa của Thiên Chúa”, hoặc “Thiên Chúa là Ánh sáng”.
TLTT Uriel được coi là một trong các TLTT khôn ngoan nhất vì thông minh, xử lý mau lẹ và thấu hiểu, nhưng ngài rất tinh tế. Thậm chí bạn không thể nhận ra ngài đã đáp lại lời cầu của bạn khi bạn có ý tưởng mới lạ hoặc thông minh đột xuất.

TLTT Uriel đã cảnh báo ông Noe về lụt Đại hồng thủy, giúp ngôn sứ Ezra hiểu các lời tiên báo mầu nhiệm về Đấng Mêssia sẽ đến và cho nhân loại biết các dấu chỉ. Ngài cũng soi sáng trong các tình huống, cho biết thông tin tiên tri và cảnh báo. Vì thế, lĩnh vực hoạt động của ngài là làm điều lạ, giaỉ quyết vấn nạn, hiểu biết tâm linh, học tập, thời tiết, thay đổi trái đất và viết lách. Khi động đất, lũ lụt, hỏa hoạn, dông bão, thiên tai và biến đổi khí hậu, hãy kêu cầu TLTT Uriel giúp cho tai qua nạn khỏi hoặc chữa lành và phục hồi sau đó.

Thế kỷ VIII, Kitô giáo được cảnh báo về lòng sùng kính thái quá mà nhiều người dành cho các thiên thần. Và vì lý do nào đó, năm 145, triều đại ĐGH Zachary, một Hội đồng La Mã truyền lệnh bỏ tên 7 TLTT ra khỏi danh sách các TLTT của Giáo hội, một trong các vị đó là TLTT Uriel.

2. Tên TLTT Chamuel (cách viết khác: Camael, Camiel, Camiul, Camniel, Cancel, Jahoel, Kemuel, Khamael, Seraphiel, Shemue) nghĩa là “Người thấy Thiên Chúa” hoặc “Người tìm kiếm Thiên Chúa”.
TLTT Chamuel là thiên thần của tình yêu thuần khiết, ngài có thể nâng bạn lên khỏi hố sâu u buồn và tim lại tình yêu trong lòng mình. Ngài giúp chúng ta đổi mới và cải thiện các mối quan hệ cũng như tìm được người bạn tâm giao. Ngài hành động với chúng ta trong việc xây dựng nền tảng vững chắc trong các mối quan hệ (kể cả sự nghiệp) để các mối quan hệ lâu dài, ý nghĩa và lành mạnh. Bạn biết ngài ở bên bạn khi bạn cảm thấy xao xuyến trong lòng và cơ thể như có kiến bò.

Nếu có mối quan hệ nào rạn nứt, nếu bạn cố giữ mối quan hệ và không cho người kia tự do bày tỏ tình cảm, hãy cầu xin TLTT Chamuel hướng dẫn và nâng đỡ. Ngài cũng có thể giúp bạn trong các lĩnh vực nếu bạn cần củng cố quan hệ cha mẹ và con cái, nếu bạn cảm thấy khó yêu thương người khác, nếu lòng bạn chai cứng và đầy cảm xúc tiêu cực, nếu bạn chia tay với ai đó, nếu bạn mất một người thân, nếu bạn bị căng thẳng hoặc trầm cảm, nếu bạn thất vọng, nếu bạn cô đơn hoặc đau khổ, nếu bạn cần được yêu thương, nếu bạn bị phê phán hoặc chỉ trích, nếu bạn không cảm thấy yêu đời.

TLLT Chamuel cũng có thể giúp đỡ trong việc kiến tạo hòa bình thế giới, tiến triển nghề nghiệp, sống có mục đích và tìm kiếm những gì đã mất.

3. Tên TLTT Jophiel (cách viết khác: Iofiel, Iophiel, Jofiel, Zophiel) nghĩa là “Vẻ đẹp của Thiên Chúa”.
TLTT Jophiel là thiên thần hiện diện trong Vườn Địa Đàng và sau đó chăm sóc các con của ông Noe. Ngài là TLTT về nghệ thuật và vẻ đẹp, là bổn mạng các nghệ sĩ, giúp đỡ trong các kế hoạch nghệ thuật, suy nghĩ những điều tốt đẹp, nhìn ngắm và đánh giá các vẻ đẹp ở xung quanh. Ngài là TLTT về trang trí nội thất nên ngài giúp làm đẹp nhà cửa và công việc. Ngài soi sáng bằng cách cho chúng ta những ý tưởng hay và giúp khả năng làm nghệ thuật. Ngài giúp chúng ta thấy cái đẹp trong mọi sự.
Ngài giúp chúng ta sáng tạo, đồng thời giúp chúng ta lắng đọng và cảm thấy mùi hoa hồng. Hãy cầu xin Ngài nếu bạn cần vui sống vì mất phương hướng sống, nếu tâm hồn bạn ngủ quên và cần đánh thức, nếu bạn muốn biết mình là ai và muốn sống cao thượng, nếu bạn muốn thăng tiến trên hành trình tâm linh.
Bạn nhận ra ngài khi làm việc nếu bạn đang tìm cách giải quyết vấn đề trong cuộc sống và muốn khôn ngoan hơn, mọi sự sẽ trở nên rõ ràng và dễ dàng xử lý.

4. Tên TLTT Raguel (cách viết khác: Akrasiel, Raguil, Rasuil, Rufael, Suryan) nghĩa là “Người bạn của Thiên Chúa”.
TLTT Raguel là thiên thần của công lý và chính trực, ngài giám sát các TLTT và các thiên thần, để chắc chắn là các thiên thần làm việc hài hòa với nhau và ra lệnh cho các thiên thần theo đúng Ý Chúa.
Ngài là TLTT bênh vực những người bị áp bức. Hãy xin ngài giúp đỡ khi bạn cần có sức mạnh và sự tôn trọng. Ngài giúp giả quyết các vụ tranh chấp, giúp hợp tác và hài hòa trong các nhóm người và gia đình. Ngài bảo vệ những người bị đối xử bất công, và giúp giải hòa.
Trong sách Khải huyền của Thánh sử Gioan, TLTT Raguel được coi là người giúp Thiên Chúa: “Ngài sẽ sai Thiên thần Raguel, nói rằng: Hãy đi thổi kèn kêu gọi các thiên thần của băng giá, băng tuyết và băng đá, rồi giáng cơn giận xuống trên những người đứng bên trái”.
Dù ngài được ca tụng, nhưng năm 745, ngài bị Giáo hội La Mã giáng cấp (cùng với các thiên thần khác, kể cả TLTT Uriel). Lúc đó, ĐGH Zachary mô tả TLTT Raguel là ma quỷ (demon) “tự cho mình là thánh”.

5. Tên TLTT Ariel (theo thuyết Thần thông) nghĩa là “Sư tử của Thiên Chúa” và thường có sư tử kèm theo. Khi TLTT Ariel ở gần bạn, có thể bạn bắt đầu thấy hình những con sư tử ở xung quanh bạn. Ngài liên kết với gió. Trong sách thần bí của Do Thái giáo và thuyết Thần thông, ngài hoạt động sát cánh với Vua Solomon qua sự hiện hình, giải thoát và quyền phép của Chúa.
Ngài cũng giám sát các thần, bản chất của ngài liên kết với nước. Ngài liên quan việc chữa lành và bảo vệ thiên nhiên, kể cả động vật, cá và chóc. Nếu bạn thấy con chim bị thương hoặc các động vật hoang dã khác cần được chữa lành, hãy cầu xin TLTT Ariel giúp đỡ. Ngài cũng hoạt động sát cánh với TLTT Raphael để cứu chữa các động vật.

6. Tên TLTT Azrael (theo Do Thái giáo và Hồi giáo) nghĩa là “Người được Thiên Chúa giúp đỡ”, mệnh danh là Thiên thần của Tử thần. Người Do Thái và Hồi giáo rất sợ ngài. Vai trò quan trọng của ngài là giúp người ta bước vào Nước Trời ngay trong giờ lâm chung. Ngài giúp người ta bớt đau đớn thể lý, giúp họ không sợ chết. Ngài là người an ủi, che chở những thân nhân buồn sầu và giúp họ vượt qua nỗi đau mất mát.
Mỗi khi TLTT Azrael nháy một mắt là có một người từ giã cõi đời. Ngài cũng theo dõi những người hấp hối bằng cách ghi ngày tháng năm sinh của người sống và xóa tên những người đã qua đời.


7. Tên TLTT Camael (theo Thuyết thần thông) nghĩa là “Người thấy Thiên Chúa”, ngài là một trong 7 TLTT uy tín trước mặt Thiên Chúa. Nguồn gốc ngài là Thần Chiến Tranh trong thần thoại Druid, ngài thường được coi là người cai quản Hỏa tinh, đồng thời là một trong 7 Thiên thần cai quản 7 hành tinh.
Với những người theo Thuyết thần thông, ngài được coi là một trong 10 TLTT. Theo truyền thống Do Thái, ngài là người trung gian, nhậm lời cầu nguyện của dân Israel trước các Thiên thần ở tầng trời thứ bảy.
8. Tên TLTT Haniel (theo người Babylon và thuyết Thần thông) nghĩa là “Hồng ân Thiên Chúa” và thường được gọi bằng danh xưng Hoàng tử hoặc trưởng các Thiên thần hoặc trưởng các quốc vương và các nhân đức. Vì thế, TLTT Haniel được coi là một trong 7 TLTT. Một số bản văn của thuyết Thần thông tin ngài hộ tống Enoch tới thế giới thần linh và ngài được biến thành Thiên thần Metatron, chỉ có 2 người được trở thành Thiên thần là ngài và người anh em là Elijah.
Ngài giúp chúng ta phát hiện những gì đã mất trong các liệu pháp tự nhiên như thuốc nước, thuốc bột và tinh thể. Ngài sẽ giúp bạn bất kỳ lúc nào bạn cần ăn nói trước công chúng và giúp bạn vẫn bình tĩnh và tập trung. Bạn cũng có thể cầu xin ngài giúp đem lại vẻ đẹp, sự hài hòa và những người bạn biết yêu thương.

9. Trong các bản văn cổ của Do Thái giáo, TLTT Jeremiel (cách viết khác: Ramiel) là một trong 7 TLTT chính, tên ngài nghĩa là “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa” hoặc “Người được Thiên Chúa dựng nên”. Người ta tin ngài đã giúp Baruch, một tác giả viết nhiều bản văn của Ddo Thái giáo hồi thế kỷ I, và có nhiều thị kiến. Người ta cũng tin rằng ngài đã đưa Baruch đi tới các tầng trời. Việc Đấng Mêssia đến là một trong các thị kiến của TLTT Jeremiel.
Ngài giúp chúng ta xem lại cuộc sống để chúng ta có thể sửa sai bằng cách điều chỉnh tích cực. Ngài cũng có thể giúp chúng ta thay đổi đời sống, làm chúng ta mạnh mẽ hơn và dẫn chúng ta trên đường ngay nẻo chính. Ngài còn giúp chúng ta sáng suốt và thấy điều tiên báo, đồng thời giúp chúng ta hiểu những giấc mơ.

10. Tên TLTT Metatron (theo Do Thái giáo và thuyết Thần thông) là một trong 2 tên của các TLTT không tận cùng bằng tiếp vĩ ngữ “el”. Ngài là một trong 2 TLTT là con người trước khi trở thành thiên thần (người kia là Êlia trở thành TLTT Sandalphon). Khi còn là con người, ngài là Enoch. Nghĩa của Metatron không rõ, nhưng một số người cho rằng tên đó nghĩa là “Người chiếm chỗ gần Ngai Thiên Chúa” hoặc “Thiên thần của sự hiện diện”, cũng có thể tên ngài được rút ra từ Tôn danh Gia-vê (Yahweh), tiếng Do Thái dùng để chỉ Thánh Danh Chúa.
Là một trong các Thiên thần quan trọng nhất theo truyền thống Tây phương, ngài đại diện cho Thiên thần của Tử thần, hằng ngày Thiên Chúa truyền lệnh cho ngài “bắt” những linh hồn nào từ giã thế gian. TLTT Metatron chuyển lệnh cho các “phụ tá” là các TLTT Gabriel và Sammael.

Khi còn tại thế, Enoch là tiên tri và ký lục, đồng thời là học giả về các điều bí mật của trời, được nhận “Sách của Thiên thần Raziel”, sách ghi chép công việc của Chúa do TLTT Raziel ghi chép rồi trao cho Adam, Noe, Enoch và Solomon. Cuối cùng, Thiên Chúa hộ tống Enoch trực chỉ tầng trời thứ bảy (tầng trời cao nhất) để cư ngụ và làm việc. Enoch được trao cho đôi cánh và trở thành TLTT Metatron. Vì hoàn tất công việc xuất sắc trên thế gian, ngài được trao cho công việc tương tự là ghi chép hồ sơ về mọi thứ xảy ra trên thế gian và giữ hồ sơ Akashic, đó là “Sách Sự Sống”. Trên trời, ngài là ký lục trưởng và chịu trách nhiệm ghi chép và tổ chức mọi hồ sơ. Ngài giúp chúng ta hiểu viễn cảnh Nước Trời và biết cách làm việc với vương quốc Thiên thần.

Ngài có vị trí đặc biệt trong tâm dân chúng. Sau cuộc Xuất hành (Exodus), TLTT Metatron dẫn con cái Israel qua hoang địa và đến nơi an toàn. Ngài tiếp tục dẫn dắt con cái ngày nay, cả trên trời và dưới đất, đồng thời giúp họ vào Trời sau khi vượt qua gian khổ.

11. TLTT Raziel (theo Do Thái và thuyết Thần thông) làm việc sát cánh với Đấng Tạo Hóa và biết các bí mật của vũ trụ về cách vận hành. Ngài ghi chép các bí mật trong một cuốn sách đầy biểu tượng và quyền phép của Chúa gọi là “Sách của Thiên thần Raziel”. Sau khi ông bà nguyên tổ bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng, TLTT Raziel trao cho ông Adam cuốn sách hướng dẫn cách thể hiện và nhận Ơn Chúa. Sau đó, tiên tri Enoch nhận cuốn sách trước khi ngài về trời và trở thành TLTT Metatron. Ông Noe cũng nhận một cuốn sách từ TLTT Raphael và ông Noe đã dùng các thông tin trong đó để đóng tàu và giúp mọi người sau Đại Hồng Thủy.
TLTT Raziel có thể giúp chúng ta hiểu các bí mật, các nguyên tắc biểu hiện, hình học thánh (sacred geometry), vật lý lượng tử (quantum physics) và các thông tin cao cấp khác. Ngài cũng giúp chúng ta tới khả năng tâm lý, tăng khả năng nhìn, nghe, hiểu biết và cảm thấy sự hướng dãn của húa. Ngài còn giúp chúng ta sáng suốt.

 12. Tên TLTT Sandalphon (theo Do Thái và thuyết Thần thông) là một trong 2 tên của các TLTT không có tiếp vĩ ngữ “el”. Ngài là anh em song sinh với TLTT Metatron. Chỉ có 2 vị TLTT này có nguồn gốc là con người. TLTT Sandalphon là tiên tri Êlia và TLTT Metatron là con người khôn ngoan Enoch. Thiên Chúa cho họ trở thành Thiên thần để thưởng công họ đã làm việc xuất sắc trên thế gian.

Việc lên trời của Êlia xảy ra khi ông được nâng lên trời trên một chiếc xe đầy lửa (fiery chariot) do 2 con ngựa lửa kéo đi, theo sau là gió cuốn, một sự kiện đã được ghi trong chương II của sách Các Vua, quyển II.

Vai trò chính của TLTT Sandalphon là chuyển những lời cầu của con người lên Thiên Chúa để họ được Thiên Chúa đáp lại. Ngài được coi là cao đến nỗi từ trời tới đất. Người xưa cho rằng TLTT Sandalphon có thể giúp các thai phụ xác định giới tính của thai nhi, và nhiều còn người tin rằng ngài còn liên quan âm nhạc nữa.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ AngelFocus.com)


Nguồn : 

 http://www.thanhlinh.net/node/31924

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

CÁC BÍCH TÍCH HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

PHẦN II: CÁC BÍCH TÍCH HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Bí tích là những dấu chỉ hữu hình do Chúa Giêsu thiết lập và được trao lại cho Hội Thánh để ban sự sống thần linh cho chúng ta.
TÓM TẮT GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

PHẦN II
: BÍ TÍCH



I. ĐỊNH NGHĨA VỀ CÁC BÍ TÍCH.

Bí tích là những dấu chỉ hữu hình do Chúa Giêsu thiết lập và được trao lại cho Hội Thánh để ban sự sống thần linh cho chúng ta.

Qua định nghĩa trên, chúng ta thấy bí tích gồm ba yếu tố, đó là dấu chỉ hữu hình; Chúa Giêsu lập, trao lại cho Giáo Hội; và ban sự sống thần linh. Nếu thiếu một trong ba yếu tố thì không là bí tích. Chẳng hạn việc làm phép ảnh tượng, làm phép nhà, làm phép xe… Đây là những cử hành có dấu chỉ bề ngoài và qua đó Chúa ban ơn bên trong, nhưng đây không phải là bí tích, vì không phải do Chúa Giêsu lập mà là do Giáo Hội lập, nên đây chỉ là á bí tích. Còn bí tích phải là do chính Chúa Giêsu lập. Theo Giáo Hội Công Giáo, Chúa Giêsu lập bảy bí tích.

Thứ nhất: bí tích Rửa Tội.

Thứ hai: bí tích Thêm Sức.

Thứ ba: bí tích Thánh Thể.

Thứ bốn: bí tích Giải tội.

Thứ năm: bí tích Xức dầu thánh.

Thứ sáu: bí tích Truyền chức thánh.

Thứ bảy: bí tích Hôn phối.

Anh em Chính Thống giáo nhìn nhận bảy bí tích của Giáo Hội Công giáo. Giáo Hội Công giáo cũng nhìn nhận bảy bí tích của anh em Chính Thống giáo. Trong những trường hợp đặc biệt, khi người Công giáo ở vùng không có nhà thờ Công giáo, họ có thể lãnh nhận các bí tích ở nhà thờ Chính Thống giáo. Còn anh em Anh giáo, họ có bảy bí tích như Công giáo, nhưng chúng ta không công nhận bảy bí bí tích của họ, mà chỉ công nhận bí tích Thánh tẩy. Riêng anh em Tin Lành, chúng ta công nhận bí tích rửa tội của một số giáo phái Tin Lành. Những người thuộc các giáo phái này khi qua Công giáo không phải rửa tội lại. Những người thuộc giáo phái khác thì phải rửa tội lại. Tuy nhiên, phân biệt giáo phái nào được Giáo Hội Công giáo không nhận, giáo phái nào không được công là điều khó, đặc biệt là ở Việt Nam. Cho nên, theo Hội Đồng Giám Mục Việt nam, bất cứ ai là người Tin Lành sang Công giáo đều phải được thanh tẩy lại. Còn anh em Tin Lành, họ không công nhận bí tích rửa tội của chúng ta. Nếu ai bỏ Công giáo sang Tin Lành, thì phải rửa tội lại. Điều này cho thấy họ  tin rằng Chúa Giêsu lập bí tích Rửa Tội, nhưng họ không nhìn nhận việc Chúa Giêsu lập các bí tích khác. Họ cho rằng Công giáo tự đặt ra rồi gán cho Chúa Giêsu, chứ không có bằng chứng nào chứng minh Chúa Giêsu lập bí tích đó. Giáo Hội Công giáo khẳng định tất cả bảy bí tích của Giáo Hội Công giáo là do chính Chúa Giêsu lập. Ngài không lập một cách trực tiếp. Nhưng Ngài truyền cho Giáo Hội lập. Giáo hội chỉ làm theo ý Chúa Giêsu. Điều này được chứng minh rất thuyết phục qua Kinh Thánh.


II.  CHÍNH CHÚA GIÊSU LẬP CÁC BÍ TÍCH.

Thứ nhất: Bí tích Rửa tội.



Bí tích được Chúa Giêsu thiết lập qua lệnh truyền của Ngài với các tông đồ. Ngài truyền cho các tông đồ và cũng là truyền cho Giáo Hội: “(19)Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Ngài nhấn mạnh việc chịu phép rửa rất quan trọng, vì đây là điều kiện để được ơn cứu độ như Lời Ngài nói với ông Nicôđêmô: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3, 5). Do đó, Giáo Hội rất chú trọng việc loan báo Tin Mừng và đưa nhiều người gia nhập Giáo Hội qua Bí tích rửa tội. Chúng ta thấy rõ điều này trong ngày lễ Ngũ Tuần. Với sự tác động của Chúa Thánh Thần và lời rao giảng của các Tông đồ, ngày hôm ấy có khoảng ba ngàn người chịu bí tích Thánh tẩy. Điều này cho thấy tính chính thống của bí tích Thánh tẩy. Tất cả các Giáo Hội trong Kitô giáo đều nhìn nhận bí tích rửa tội là do Chúa Giêsu lập.

Thứ hai: Bí tích Thêm sức.



Bí tích này được cử hành để ban Chúa Thánh Thần. Khi còn ở trần gian, nhiều lần Chúa Giêsu đề cập đến Chúa Thánh Thần: “Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em; Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Ðấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em, nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Ðấng ấy đến với anh em” (Ga 16, 7).
Và Chúa Giêsu đã thực hiện điều này. Sau khi Ngài về trời, Chúa Thánh Thần đã đến với các tông đồ. Các tông đồ tràn đầy Chúa Thánh Thần. Điều này cho thấy chính Chúa Giêsu muốn ban Thánh Thần cho các tông đồ và qua các tông đồ, Ngài muốn ban Thánh Thần cho mọi người. Hiểu được điều này, các tông đồ đã đặt tay ban Thánh Thần cho các tín hữu.
Sách Công vụ tông đồ kể lại khi thánh Phaolô ở Côrintô, ngài gặp một số môn đệ và hỏi họ: "Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa?" Họ trả lời: "Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói". (3)Ông hỏi: "Vậy anh em đã được chịu phép rửa nào?" Họ đáp: "Phép rửa của ông Gioan. (4)Ông Phaolô nói: "Ông Gioan đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối, và ông bảo dân tin vào Ðấng đến sau ông, tức là Ðức Giêsu". (5)Nghe nói thế, họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. (6)Và khi ông Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri” (Cv 19, 1-6).
Ở đây chúng ta thấy thánh Phaolô đã cử hành hai bí tích: bí tích Thánh tẩy và bí tích Thêm Sức. Qua bí tích Thêm sức, ngài ban Thánh Thần. Ngày nay, Giáo Hội, qua các giám mục là các đấng kế vị tông đồ ban bí tích Thêm Sức cho chúng ta. Qua bí tích Thêm Sức, chúng ta được lãnh nhận chính Chúa Thánh Thần. Việc Giáo Hội ban Thánh Thần cho chúng ta là làm theo ý của Chúa Giêsu. Bởi lẽ chính Chúa Giêsu muốn ban Thánh Thần cho chúng ta. Việc ban Thánh Thần này được thực hiện qua bí tích Thêm sức. Điều này cho thấy Chúa Giêsu muốn thực hiện bí tích Thêm Sức. Nói khác đi, Ngài là tác giả của bí tích Thêm Sức.

Thứ ba: Bí tích Thánh Thể.


Bí tích này được Chúa Giêsu lập vào bữa tiệc ly: “(26)Đang bữa ăn, Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy". (27)Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này,(28)vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 26-28).

Ở đây chúng ta thấy việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể đã quá rõ. Ngài truyền cho bánh thành mình Ngài. Rượu thành máu Ngài. Nghĩa là bánh và rượu đã được biến đổi thật sự thành thịt và máu Chúa. Giáo Hội chỉ làm lại cử chỉ mà Chúa Giêsu đã làm. Điều này cho thấy Chúa Giêsu chính là tác giả của bí tích Thánh Thể.

Thứ Bốn:  Bí tích giải tội.



Bí tích này do chính Chúa Giêsu lập vào ngày phục sinh. Ngài hiện ra với các tông đồ: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23)Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20, 22-23).

Đoạn Kinh Thánh trên khẳng định Chúa Giêsu trao quyền cho Giáo Hội. Muốn được tha tội thì phải đến với Giáo Hội, cụ thể là đến với các linh mục. Trên thực tế, nhiều người giáo dân ở những nơi không có linh mục. Thế là họ phải xưng tội trực tiếp với Chúa. Trong trường hợp đó, họ cũng được tha. Bởi lẽ, Chúa ở trên Giáo Hội. Khi có Giáo Hội, Chúa ban ơn tha thứ qua Giáo Hội. Khi không có Giáo Hội, Chúa tha thứ trực tiếp.

Anh em Tin Lành thì xưng tội trực tiếp với Chúa, chứ không qua trung gian. Chúng ta tôn trọng họ. Còn chúng ta lãnh nhận bí tích giải tội qua Giáo Hội là chúng ta sống đúng thánh ý Chúa. Bởi lẽ chính Chúa ban quyền tha tội cho Giáo Hội. Nói khác đi, chính Chúa lập bí tích Giải tội.

Thứ năm: Bí tích Xức dầu thánh.



Thật khó có thể xác định Chúa Giêsu lập bí tích này lúc nào. Chỉ biết rằng trong cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu, Ngài rất thương các bệnh nhân, Ngài thường làm phép lạ để cứu giúp các bệnh nhân. Khi sai các tông đồ đi rao giảng, Ngài ban cho các tông đồ quyền chữa lành bệnh tật qua việc xức dầu: “Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6, 13). Điều này cho thấy bí tích Xức dầu được các tông đồ cử hành ngay từ khi Chúa còn ở trần thế để chữa lành bệnh tật. Chắc chắn đây không phải là sáng kiến của các tông đồ, mà là do lệnh truyền của Chúa Giêsu.

Có thể nói chính Chúa Giêsu đã truyền cho các tông đồ cử hành bí tích này. Nói khác đi, chính Chúa Giêsu lập bí tích này.

Sau khi Chúa về trời, các tông đồ tiếp tục cử hành bí tích này cho các bệnh nhân. Điều này được ghi trong thư Giacôbê: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa” (Gc 5, 14). Như vậy, bí tích Xức dầu đã được cử hành trong Giáo Hội sơ khai. Ngày nay, Giáo Hội thực hiện việc cử hành bí tích Xức dầu cho những người bệnh. Điều này cho thấy Giáo hội chỉ làm lại những việc các tông đồ làm. Các tông đồ làm những việc này là do ý muốn của Chúa Giêsu. Như vậy, chính Chúa Giêsu thật sự là Đấng lập bí tích Xức dầu.

Thứ sáu: Bí tích Truyền chức thánh.



Bí tích này được Chúa Giêsu thiết lập vào bữa Tiệc Ly cùng với bí tích Thánh Thể. Ngài nói với các tông đồ: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11, 23-25).

Đoạn Kinh Thánh trên chứng minh Chúa Giêsu muốn Giáo Hội cử hành bí tích Thánh Thể. Để cử hành bí tích Thánh Thể, Giáo Hội cần các thừa tác viên có chức thánh. Để có thừa tác viên có chức thánh, Giáo Hội phải truyền chức. Điều này cho thấy bí tích Truyền chức có mối liên hệ mật thiết với việc cử hành Thánh Thể. Việc cử hành Thánh Thể xuất phát từ ý muốn của Chúa Giêsu. Việc này kéo theo bí tích truyền chức. Như vậy, bí tích truyền chức xuất phát từ ý muốn của Chúa Giêsu. Nói khác đi, Chúa Giêsu là tác giả của bí tích Truyền chức. Ngài lập ra bí tích Truyền chức.

Thứ bảy: Bí tích Hôn phối.



Bí tích này được Chúa Giêsu lập khi người Pharisêu hỏi Ngài: "Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?" (4)Người đáp: "Các ông không đọc thấy điều này sao: "Thuở ban đầu, Ðấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ", (5)và Người đã phán: "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt". (6)Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly" (Mt 19, 3-6).

Đoạn Kinh Thánh trên cho thấy sự liên kết giữa người nam và người nữ là do Thiên Chúa. Sự liên kết này phải được thể hiện công khai bằng bí tích hôn phối, qua đó hai người nam nữ được liên kết nên một. Việc liên kết hai người nam nữ nên một là do chính Thiên Chúa. Việc này chỉ có thể thực hiện qua bí tích hôn phối. Như vậy, chính Thiên Chúa, nói rõ hơn là chính Chúa Giêsu lập bí tích Hôn phối.


III. ĐỐI CHIẾU ĐỜI SỐNG TỰ NHIÊN VỚI CÁC BÍ TÍCH.

1. Việc được sinh ra trong đời sống tự nhiên với Bí tích Rửa Tội: Trong đời sống tự nhiên, tất cả chúng ta đều được sinh ra. Trong đời sống siêu nhiên cũng vậy. Chúng ta phải được sinh lại bởi Trên qua bí tích Thánh Tẩy. Nghi thức chính yếu của Bí tích này là việc đổ nước và lời đọc: Cha rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, qua đó Chúa tha tội nguyên tổ và các tội chúng ta phạm, sáp nhập chúng ta vào Hội Thánh, ghi vào tâm hồn chúng ta dấu ấn thiêng liêng không thể xóa được, đặc biệt là làm cho ta trở nên con Thiên Chúa.

2. Việc lớn lên trong đời sống tự nhiên với Bí tích Thêm Sức.
Trong đời sống tự nhiên, chúng ta không mãi mãi là trẻ nhỏ. Mỗi ngày chúng ta được lớn lên. Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy. Mỗi ngày chúng ta cần phải được lớn lên trong ân sủng. Bí tích Thêm sức ban cho chúng ta mỗi ngày một lớn lên trong ân sủng. Nghi thức chính yếu của bí tích này gồm có: Việc giám mục đặt tay cầu nguyện; xức dầu trên trán và đọc: “Hãy nhận lấy ấn tín ơn Chúa Thánh Thần; chúc bình an.

3. Việc được nuôi sống bằng lương thực phần xác và Bí tích Thánh Thể.
Trong đời sống tự nhiên, chúng ta cần phải ăn mới sống.Trong đời sống siêu nhiên cũng vậy. Chúng ta phải được nuôi dưỡng bằng bí tích Thánh Thể. Bí tích này được Chúa Giêsu lập, ban Mình Máu Ngài làm của ăn nuôi sống linh hồn ta, ở lại với ta và biến đổi ta nên giống Ngài. Nghi thức chính yếu của bí tích này là lời truyền phép của linh mục “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em…”, “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước mới cho các con và nhiều người được tha tội” (1Cr 11, 23-25). Qua lời truyền phép, bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa Kitô để làm của ăn nuôi sống chúng ta.

4. Việc chữa bệnh phần xác và Bí tích Giải tội.
Trong đời sống tự nhiên, ai trong chúng ta cũng từng mắc bệnh. Khi mắc bệnh, chúng ta cần phải được chữa bệnh. Trong đời sống siêu nhiên cũng vậy, ai trong chúng ta cũng có tội. Khi có tội chúng ta cần lãnh nhận bí tích giải tội để được tha tội. Nghi thức chính yếu của bí tích giải tội là việc chúng ta xưng thú tội lỗi và linh mục đọc lời tha tội. Qua đó, Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng ta.

5. Việc già yếu và Bí tích Xức dầu bệnh nhân.
Trong đời sống tự nhiên, chúng ta phải trải qua qui luật sinh, lão, bệnh, tử. Nghĩa là ai trong chúng ta cũng phải già đi, yếu đi. Bí tích xức dầu nâng đỡ chúng ta về phần hồn cũng như phần xác. Nhiều trường hợp bệnh nhân được khỏe lại nhờ lãnh nhận bí tích xức dầu. Tuy nhiên bí tích xức dầu nhắm đến phần hồn nhiều hơn, đó là ban ơn nâng đỡ để bệnh nhân có thể chịu được những đau đớn của bệnh tật, giúp bệnh nhân kết hợp đau khổ với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, ban ơn tha thứ nếu vì lý do chính đáng nào đó mà bệnh nhân chưa lãnh nhận bí tích giải tội và chuẩn bị cho “cuộc vượt qua” sang cõi sống đời đời. Nghi thức chính yếu của bí tích này là lời đọc: “Nhờ việc xức dầu thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần mà giúp đỡ ông (bà, anh, chị, em…). Đáp: Amen. Để Người giải thoát ông (bà, anh, chị, em…) khỏi mọi tội lỗi, cứu chữa và thương làm cho ông (bà, anh, chị, em…) được thuyên giảm.

6. Việc lãnh đạo xã hội và Bí tích Truyền chức thánh.
Trong xã hội, cần có những người lãnh đạo để chăm lo đời sống người dân. Trong Giáo Hội cũng vậy, cần có những vị lãnh đạo để chăm lo cho cộng đoàn. Những vị này được Giáo Hội phong chức để thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng, cử hành các bí tích và phục vụ cộng đoàn. Nghi thức chính yếu của việc phong chức là việc giám mục đọc lời nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần, việc đặt tay trên đầu các tiến chức và lời nguyện phong chức.
Ngoài bí tích Truyền chức thánh được ban cho Giáo Hội để lãnh đạo cộng đoàn, còn có nghi thức khấn dòng dành cho những người sống đời tận hiến cho Chúa. Đây không phải là bí tích nhưng có giá trị rất đặc biệt, qua đó những người tận hiến cho Chúa dâng trọn đời mình để phục vụ Chúa và tha nhân.

7. Đời sống của người dân và Bí tích Hôn phối.
Trong xã hội, thành phần đông nhất và góp phần rất tích cực trong việc xây dựng xã hội là người giáo dân. Trong đời sống siêu nhiên cũng vậy, thành phần tích cực làm cho Giáo Hội lớn mạnh chính là những người giáo dân. Phần đông trong giáo dân là những người sống đời hôn nhân. Để bước vào đời sống hôn nhân, đôi bạn nam nữ phải cử hành bí tích hôn nhân. Qua bí tích hôn nhân đôi bạn nam nữ được Chúa kết hợp thành vợ chồng trước mặt Chúa và Hội Thánh, cùng ban cho họ sống xứng đáng ơn gọi của mình. Nghi thức chính yếu của bí tích hôn phối là đôi bạn nói lời ưng thuận và trao nhẫn.
Tóm lại, các Bí Tích có tầm quan trọng rất lớn đối với chúng ta. Mọi giai đoạn của cuộc đời chúng ta đều gắn liền với các bí tích. Chúng ta cần có thái độ trân trọng đối với các bí tích, lãnh nhận các bí tích với tất cả tấm lòng và thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa giải và Thánh Thể, đặc biệt là cố gắng sống xứng đáng với các bí tích mà mình lãnh nhận.
 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Quốc Thắng
Nguồn tin: Gx. Bình Đông

Con Số 40 Trong Kinh Thánh

Con Số 40 Trong Kinh Thánh
Chúng ta nghe nhắc đến con số 40 nhiều lần trong Kinh Thánh.
- Trong câu chuyện lụt Đại Hồng Thủy thời ông Noê, trời mưa ròng rã suốt 40 đêm ngày (St 7:4, 12, 17; 8;6).
- Ông Môisê sau khi lập giao ước với Yavê tại núi Sinai, đã ở lại với Ngài tại đó trọn 40 ngày (XH 24:18).
- Tiên tri Êlia khi bị hoàng hậu Jezebel cho quân lính lùng bắt, đã phải trốn vào sa mạc và đi suốt 40 ngày đêm để tới núi Horeb (1 Vua 19:8).
- Tiên tri Giôna cho dân thành Ninivê thời hạn 40 ngày để ăn năn sám hối.
- Trong Tân Ước, Chúa Giêsu chịu cám dỗ suốt 40 ngày đêm trong sa mạc; và Ngài lên trời 40 ngày sau khi phục sinh (Cvtđ 1:3).

Đọc sách Dân Số, ta thấy khi Dân Do Thái về gần đến Đất Hứa, ông Môisê sai một toán người đi do thám để xem tình hình tại đó thiên thời địa lợi ra sao. Sau 40 ngày nghiên cứu tình hình họ trở về và tường thuật rất tỉ mỉ những gì đã thấy và còn mang theo cả những hoa trái của vùng đất mà họ gọi là tràn trề sữa và mật. Họ kể thêm rằng thành thị ở đó kiên cố và rộng lớn, dân chúng có vóc dáng to lớn khổng lồ, còn mình thì chỉ nhỏ bé như châu chấu. Nghe những gì họ tường thuật, dân Do Thái trở nên sợ hãi và nhất định không muốn vào miền đất ấy nữa mặc dù điều đó chứng tỏ họ không tin tưởng nơi lời hứa của Yavê. Vì thế họ đã bị phạt phải cực khổ đi trong sa mạc suốt 40 năm, mỗi năm bị phạt tương ứng với 1 ngày của toán đi do thám.

Câu chuyện tuy có thể gây cho ta một cảm nghĩ tiêu cực về sự nghiêm khắc của Yavê nhưng thật ra lại giúp truyền đạt một ý nghiã trừu tượng. Con số 40 mang ý nghĩa gì?

Một mặt con số 40 tượng trưng cho số nhiều, nói lên một khoảng thời gian dài dù là 40 ngày hay 40 năm. Mặt khác nó cũng nói lên những ý nghĩa sâu xa bên trong con số 40 đó. Những gì xảy ra trong khoảng thời gian đó có thể là sự kiên nhẫn, sự thử thách, sự phấn đấu.

Nhưng đáng kể nhất, con số 40 mang ý nghĩa thời gian chuẩn bị để đón nhận ơn sủng của Thiên Chúa:

- Sau nạn lụt Hồng Thủy một dòng dõi mới được tạo lập.
- Sau thời gian gặp gỡ giữa Yavê và Môisê một giao ước mới được thành lập.
- Sau 40 năm lang thang trong hoang địa dân Chúa được vào Đất Hứa.
- Sau 40 ngày ăn chay dân thành Ninivê trở lại với Thiên Chúa.
- Sau hành trình lên núi Hôreb, Êlia được Chúa tăng sức và trở lại sứ mạng của mình.
- Sau thời gian cầu nguyện và chịu cám dỗ trong sa mạc, Chúa Giêsu tràn đầy Thánh Thần bắt đầu loan báo Tin Mừng
- Và khi Ngài về trời sau 40 ngày phục sinh, Giáo Hội được khai sinh và bước vào giai đoạn truyền giáo.

Riêng chúng ta, 40 ngày Mùa Chay là thời gian chuẩn bị tâm hồn để được hân hoan đón nhận ơn sủng Phục Sinh.
VTL